.
Bài dự thi Giải thưởng báo chí viết về ATGT tỉnh Quảng Bình năm 2015:

Tín hiệu vui trong việc xử lý xe ô tô chở hàng quá tải trọng

Thứ Năm, 29/10/2015, 16:35 [GMT+7]

(QBĐT) - Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc kiểm soát phương tiện chở hàng quá tải trọng, thời gian qua, các cấp, ngành đã tập trung phối hợp tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Nhờ đó, đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của các đơn vị, doanh nghiệp, chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện, quần chúng nhân dân.

Những chuyển biến tích cực

Với sự quan tâm, chỉ đạo nói trên công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) nói chung và vấn đề xe ô tô chở hàng quá tải trọng nói riêng đã được đẩy mạnh. Các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã đồng loạt ra quân triển khai công tác kiểm soát tải trọng xe bằng nhiều biện pháp.

Đặc biệt, liên ngành thực hiện công tác bảo đảm TTATGT và kiểm soát tải trọng của phương tiện gồm Ban An toàn giao thông tỉnh, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) của Công an tỉnh, Công an các huyện, thành phố, thị xã và Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT)... trong quá trình triển khai thực hiện đã có sự thống nhất, phối hợp chặt chẽ  với nhau để thực hiện công tác tuyên truyền vận động, kiểm tra xử lý vi phạm.

Tình trạng xe chở hàng quá tải trọng cơ bản đã được ngăn chặn triệt để ngay từ các mỏ vật liệu xây dựng.
Tình trạng xe chở hàng quá tải trọng cơ bản đã được ngăn chặn triệt để ngay từ các mỏ vật liệu xây dựng.

Đáng chú ý là từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở GTVT và Phòng CSGT Công an tỉnh đã thực hiện khá hiệu quả công tác triển khai đồng bộ các giải pháp trong việc phối hợp thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát quyết liệt trên các tuyến đường.

Mặt khác, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm chở hàng quá tải trọng của ô tô vận chuyển hàng hóa trên đường bộ tại tổ tuần tra kiểm soát tải trọng xe lưu động. Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tải trọng xe lưu động, Thanh tra Sở GTVT và lực lượng CSGT được Ban An toàn giao thông tỉnh trang bị thêm 9 cân xách tay để tiến hành kiểm tra các xe chở hàng quá tải trọng (Thanh tra Sở GTVT 2 cân; Phòng CSGT 2 cân; CSGT các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, Tuyên Hóa, thành phố Đồng Hới, thị xã Ba Đồn được trang bị mỗi đơn vị 1 cân). Việc sử dụng thiết bị cân xách tay có tính cơ động cao và bước đầu đã mang lại hiệu tốt.

Nhờ đó, việc tổ chức kiểm soát tải trọng xe được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm hơn và có điều kiện thực hiện đồng thời trên các tuyến đường trọng điểm, nơi tập trung hoạt động của nhiều phương tiện quá tải, quá khổ như tuyến quốc lộ 1, quốc lộ 12A (đi qua địa phận các huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa và Minh Hóa), quốc lộ 9B (ở huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy), tỉnh lộ 565 (Lệ Thủy), tỉnh lộ 566 (Bố Trạch)...

Kết quả thể hiện rõ nét nhất là Thanh tra Sở GTVT (lực lượng chủ lực trong việc xử lý vi phạm xe quá tải...) phối hợp với lực chức năng đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 1.311 trường hợp vi phạm, với tổng số tiền xử phạt hành chính 7,621 tỷ đồng.

Cụ thể, Thanh tra Sở GTVT chủ động thanh tra, phát hiện và lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 687 trường hợp với số tiền xử phạt 1,971 tỷ đồng; phối hợp với Phòng CSGT tại Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động (KTTTXLĐ) kiểm tra 9.935 lượt phương tiện và lập biên bản vi phạm hành chính 471 trường hợp với số tiền xử phạt hơn 3,828 tỷ  đồng;  phối hợp với Phòng CSGT sử dụng bộ cân xách tay tuần tra kiểm soát xe quá tải đã kiểm tra, phát hiện và lập biên bản xử phạt hành chính 50 trường hợp với số tiền xử phạt hơn 1,336 tỷ đồng; phối hợp với Thanh tra Cục Quản lý Đường bộ II thực hiện kiểm soát tải trọng xe ở các tuyến quốc lộ địa trên địa bàn tỉnh ta, lập biên bản xử phạt hành chính 70 trường hợp với số tiền xử phạt hơn 463 triệu đồng....

Cùng với việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các xe ô tô vi phạm lỗi tự ý thay đổi kích thước thành thùng xe, Thanh tra Sở GTVT đã phát hiện 38 trường hợp vi phạm lỗi tự ý thay đổi kích thước thành thùng xe và đã yêu cầu chủ phương tiện phải khôi phục lại hình dáng, kích thước thùng xe như ban đầu mới cho xử lý vi phạm. Ngoài ra, Thanh tra Sở GTVT đã vận động các doanh nghiệp trên địa bàn tự nguyện cắt thùng xe của 47 xe có kích thước vượt quá quy định cho phép.

Với các giải pháp nói trên ngoài việc đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, thì đến nay tình trạng phương tiện giao thông đường bộ vi phạm chở hàng quá tải trọng đã giảm hẳn cả về số vụ và trọng tải.

Cần sự phối hợp đồng bộ

Bên cạnh những kết quả đạt được đáng biểu dương nói trên, thì lực lượng đóng vai trò chủ lực trong việc xử lý xe ô tô chở quá trọng tải đang gặp không ít khó khăn. Đó là lực lượng Thanh tra Sở GTVT còn mỏng, trong khi địa bàn hoạt động rộng và dàn trải trên nhiều lĩnh vực. Thiếu các trang thiết bị, công cụ hỗ trợ đồng bộ, hiện đại để đáp ứng yêu cầu công tác, vì vậy còn nhiều hành vi vi phạm quy định về TTATGT chưa được phát hiện và xử lý triệt để.

 Những chiếc xe ô tô chở hàng “siêu” trọng tải như thế này đã “vắng bóng” trên các tuyến đường.
Những chiếc xe ô tô chở hàng “siêu” trọng tải như thế này đã “vắng bóng” trên các tuyến đường.

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật mặc dù đã được đẩy mạnh, tuy nhiên ở một số địa phương, cơ sở công tác tuyên truyền về TTATGT còn chưa thường xuyên, kịp thời, đặc biệt là địa bàn nông thôn, miền núi. Các chủ hàng, chủ phương tiện và lái xe tìm nhiều cách trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng, thậm chí đôi khi còn có các hành vi chống đối.

Để giúp các lực lượng chức năng thực hiện hiệu quả hơn công tác tuyên truyền, tuần tra và xử lý vấn đề xe ô tô chở hàng quá tải trong, nhất là lực lượng Thanh tra giao thông, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền phối hợp với các bộ sớm triển khai thực hiện Đề án “tăng cường biên chế, trang thiết bị cho lực lượng Thanh tra” theo Quyết định số 321/QĐ-TTg, ngày 5-3-2010 của Thủ tướng Chính phủ để lực lượng Thanh tra giao thông đủ khả năng triển khai nhiều nhiệm vụ của mình trong cùng một thời điểm; ban hành văn bản quy định về cơ chế làm việc, chế độ, chính sách ưu đãi đối với cán bộ, chiến sĩ tham gia làm nhiệm vụ tại Trạm KTTTXLĐ.

Hiện tại, Trạm KTTTXLĐ đang đặt cạnh vị trí Trạm thu phí Tasco tại Km604+700 quốc lộ 1 đang triển khai thực hiện việc kết hợp lấy kết quả cân của Trạm thu phí để lập biên bản, xử lý vi phạm hành chính đối với xe vượt quá tải trọng. Tuy nhiên, do sử dụng công nghệ khác nhau nên kết quả cân tại 2 trạm có sự sai lệch làm cho các lái xe và chủ xe thắc mắc, gây khó khăn trong quá trình xử lý xe quá tải trọng. Vì vậy cần có quy định, hướng dẫn cụ thể để giải quyết vấn đề này.

Vấn đề đáng nói nữa, đó là sau khi quốc lộ 1 lắp dải phân cách, việc chọn vị trí để cân tải trọng xe gặp khó khăn, vì vậy tỉnh cần có kiến nghị với  Bộ GTVT nghiên cứu mở rộng một số điểm để dừng, đỗ cho các loại xe và kết hợp đặt Trạm cân lưu động.

Việc xử lý xe quá khổ quá tải thuộc về trách nhiệm của nhiều lực lượng chức năng, trong đó lực lượng CSGT và Thanh tra giao thông đóng vai trò chủ lực. Và để giúp cho hai lực lượng này thực hiện hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ được giao, nhằm chấm dứt tình trạng xe quá khổ, quá tải hoạt động trên địa bàn tỉnh ta thì các cấp, ngành có liên quan cần phải đồng sức, đồng lòng và tích cực phối hợp tham gia vào công việc này.

Ngoài việc phát huy vai trò của Trạm KTTTXLĐ, lực lượng CSGT và Thanh tra giao thông cần phải thường xuyên phối hợp chặt chẽ với nhau hơn nữa trong việc sử dụng cân xách tay để kiểm soát tải trọng trên các tuyến đường trong địa bàn tỉnh theo Kế hoạch phối hợp số 12593/KHPH-BGTVT-BCA, ngày 21-11-2013 của Bộ GTVT và Bộ Công an...

Bùi Thành