.

Cuộc sống mới của người dân vạn đò ở Tuyên Hóa

Thứ Tư, 28/10/2015, 07:41 [GMT+7]

(QBĐT) - Hàng chục năm qua, trên địa bàn huyện Tuyên Hóa vẫn tồn tại những xóm vạn đò trôi nổi trên sông Gianh với cuộc sống lênh đênh rày đây mai đó. Những cư dân vạn đò này luôn canh cánh một giấc mơ cháy bỏng, đó là được lên bờ để an cư-lạc nghiệp. Nay thì giấc mơ đó đã trở thành hiện thực khi mà hầu hết người dân vạn đò đã được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở tạo điều kiện để được lên bờ xây dựng cuộc sống mới. Với họ, một tương lai tươi sáng hơn đang bắt đầu ở phía trước.

Chúng tôi về thôn Thanh Châu, xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa vào một ngày giữa trung tuần tháng 9, khi mà mùa mưa lũ đang đến gần. Xóm vạn đò Thanh Châu tồn tại hàng chục năm qua nơi cửa hói Lạch đã không còn nhộn nhịp như trước đây. Chỉ còn một vài lồng cá, những con thuyền nhỏ của người làm nghề chài lưới neo đậu lẻ loi ngoài bến sông.

Cách đó không xa, phía đầu thôn Thanh Châu, nơi giáp ranh với thôn Lạc Sơn, hàng chục căn nhà mới xây kiên cố đã mọc lên san sát, đường làng sạch sẽ, thoáng mát, trẻ con nô đùa thỏa thích. Trong ngôi nhà mới xây kiên cố, anh Nguyễn Văn Thiện tiếp khách với nụ cười rạng rỡ.

Gia đình anh Thiện là một trong 32 hộ dân thuộc xóm vạn đò Thanh Châu được UBND xã Châu Hóa cấp đất làm nhà trong năm 2013 theo chủ trương xóa nhà ở tạm bợ và di dân tránh lũ của huyện Tuyên Hóa.

Là dân vạn đò chính gốc, từ nhỏ anh Thiện đã theo cha mẹ làm nghề chài lưới trên sông, bản thân anh chỉ học hết lớp 1 thì bỏ học, lớn lên lấy vợ, rồi ra ở riêng trên một chiếc đò nhỏ. Trải bao mưa nắng vật lộn với sông nước để kiếm miếng ăn, nay đã ở tuổi 45, có 8 mặt con thì giấc mơ lên bờ của anh mới trở thành hiện thực.

Một góc xóm 4 thôn Đại Sơn, xã Đồng Hóa.
Một góc xóm 4 thôn Đại Sơn, xã Đồng Hóa.

Dưới sự chỉ đạo của huyện, năm 2013 UBND xã Châu Hóa đã lập quy hoạch, phân lô cấp đất ở để giải quyết nhu cầu lên bờ định cư cho những hộ dân ở xóm vạn đò Thanh Châu. Mặc dù hoàn cảnh gia đình còn khó khăn nhưng anh Thiện cũng cố gắng vay mượn, cùng với số tiền vợ chồng tích cóp lâu nay để xây dựng nên căn nhà hai tầng kiên cố. Dẫu căn nhà chưa hoàn thiện nhưng với anh, cuộc sống như đã bước sang một trang mới. “Có an cư mới lạc nghiệp, từ nay vợ chồng chúng tôi sẽ yên tâm làm ăn và chăm lo cho các con được học hành tốt hơn”- anh Thiện tâm sự.

Cạnh nhà anh Thiện, nhiều ngôi nhà xây kiên cố khác cũng đã mọc lên, họ đều là những cư dân của xóm vạn đò Thanh Châu một thời ở tạm bên bến sông, nay vừa được cấp đất làm nhà, chấm dứt hẳn cuộc sống bồng bềnh, trôi nổi bên mạn thuyền, ai cũng phấn khởi.

Anh Nguyễn Văn Đoán cho biết: Trước đây gia đình anh cũng ở trên lồng cá, cơm không đủ ăn, con cái học hành không đến nơi đến chốn. Khổ nhất là về mùa mưa lũ, cả gia đình trú ngụ trong một lồng cá chỉ vài mét vuông, một chỗ ngồi khô ráo cũng chẳng có. Nay được vào ở nhà mới cao ráo, có lũ lớn cũng chẳng lo, vợ chồng anh dù còn phải đi làm thuê làm mướn nhưng cũng yên lòng khi để con ở nhà một mình.

Ông Nguyễn Văn Thông, trưởng thôn Thanh Châu nói thêm: “Nhờ ơn Đảng, chính quyền các cấp đã tạo điều kiện cho người dân Thanh Châu có được chỗ ở ổn định. Mong rằng chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm, giúp đỡ người dân Thanh Châu chuyển đổi ngành nghề, có công ăn việc làm để ổn định cuộc sống lâu dài”.

Cũng như tại nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Tuyên Hóa, người dân vạn đò xã Châu Hóa có lịch sử lâu đời sinh sống bằng nghề sông nước. Trước đây, họ là những đội thuyền vận tải hàng hóa phục vụ kháng chiến. Sau hòa bình lập lại, họ được biên chế vào các hợp tác xã vận tải đường sông. Rồi hợp tác xã giải thể, xã viên mỗi người một kế sinh nhai, nhưng điểm chung là họ vẫn bám sông, bám mặt nước, lấy thuyền làm nhà, đêm đến quây quần trên một bến sông, từ đó hình thành nên những xóm vạn đò sinh sống qua nhiều thế hệ. 

Thế rồi năm 2013, khi có kế hoạch cấp đất tái định cư của UBND xã Châu Hóa, người dân vạn đò Thanh Châu phấn khởi đăng ký nhận đất, làm nhà, xa rời cuộc sống bồng bềnh trên sông nước. Giờ đây, người dân vạn đò Thanh Châu đã có cuộc sống thực sự vững chắc. Không chỉ có nhà ở kiên cố mà con cái họ được học hành tốt hơn, nhiều hộ dân sau khi lên bờ đã chuyển đổi ngành nghề ổn định, kinh tế khá giả, người dân yên tâm làm ăn, sinh sống, không lo bão lũ, không sợ trẻ em chết đuối do rơi xuống sông, bữa ăn, giấc ngủ cũng không còn chồng chềnh như trước.

Rời Châu Hóa, chúng tôi theo đò ngược về phía thượng nguồn sông Gianh, đến thăm xóm 4 thôn Đại Sơn, xã Đồng Hóa, tận mắt thấy những dãy nhà ngói mới khang trang nối tiếp, với cuộc sống nhộn nhịp, vui tươi, đầy hứng khởi. Xóm 4 thôn Đại Sơn hiện có 54 hộ, 307 khẩu. Trước đây họ là những cư dân vạn đò sống trôi nổi trên sông Gianh. Năm 2000, nghị quyết chuyên đề của Đảng ủy xã Đồng Hóa về việc bố trí đất ở cho người dân thôn Phân Đoàn Đò được triển khai, gần 500 cư dân vạn đò được đưa lên bờ định cư.

Ông Lê Thanh Hải, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đồng Hóa cho biết: Trước năm 2000, trên địa bàn xã có 72 hộ với gần 500 khẩu đồng bào giáo dân sinh sống trên mặt nước, thuộc thôn phân đoàn đò. Đây là thôn trắng về đảng viên, hầu hết người dân sinh sống bằng nghề nuôi cá lồng và chài lưới trên sông. Tỷ lệ hộ nghèo trên 85%, tỷ lệ trẻ em đến trường chỉ đạt khoảng 70%, nhiều em bỏ học giữa chừng, hàng năm đều có một vài trẻ em chết do đuối nước.

Trước thực trạng đó, Đảng ủy xã đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề về việc bố trí khu tái định cư và giải quyết việc làm cho nhân dân thôn phân đoàn đò nhằm giúp người dân có cuộc sống ổn định và vươn lên thoát nghèo. Đến nay thì 100% hộ dân thuộc thôn phân đoàn đò trước đây đã được đưa lên bờ định cư và có cuộc sống ổn định.

Ông Cao Xuân Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa cho biết: Hiện tại chỉ còn một số rất ít bà con vạn đò vẫn đang sinh sống trên sông nước và sắp tới huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương vận động bà con nhận đất làm nhà. Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ tiếp tục bố trí một phần ngân sách, tranh thủ lồng ghép các chương trình, dự án để ưu tiên đào tạo nghề, giải quyết việc làm và hỗ trợ sản xuất, tạo cuộc sống bền vững cho người dân vạn đò sau khi lên bờ.

Văn Tư