.

Khai thác gắn với bảo vệ môi trường khu vực ven biển

Thứ Ba, 08/09/2015, 08:40 [GMT+7]

(QBĐT) - Với bờ biển dài hơn 116km, Quảng Bình sở hữu nguồn tài nguyên ven biển khá phong phú. Song nguồn tài nguyên và môi trường ven biển đang ngày càng có nguy cơ bị tổn thương nhiều hơn, do không gian bờ và biển đảo đang chịu rất nhiều sự tác động do quá trình phát triển kinh tế. Bởi vậy, quản lý và bảo vệ vùng bờ là vấn đề hệ trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển Quảng Bình.

Môi trường vùng bờ đang bị ảnh hưởng

Tại tỉnh ta, công tác bảo vệ môi trường thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng. Công tác quản lý nhà nước về biển, đảo ngày càng được quan tâm; tiềm năng và lợi thế kinh tế biển và vùng bờ được khai thác tốt và có hiệu quả; nhận thức của người dân về môi trường và bảo vệ môi trường được nâng lên... Tuy nhiên, công tác kiểm soát bảo vệ môi trường, đặc biệt là trong hoạt động khai thác khoáng sản, sản xuất kinh doanh, rác thải công nghiệp... vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

 Kè sông Dinh được đầu tư xây dựng.
Kè sông Dinh được đầu tư xây dựng.

So với các tỉnh trong khu vực, Quảng Bình có nhiều lợi thế phát triển kinh tế vùng bờ biển. Cùng với Vũng Áng, Hà Tĩnh, khu vực Hòn La đang là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư. Thời gian qua, Quảng Bình đã thu hút trên 50 dự án đầu tư vào khu vực này đó là điều đáng mừng.

Bên cạnh đó, nổi lên là môi trường sinh thái vùng bờ biển này đang chịu tác động của sản xuất công nghiệp gây ra. Không riêng gì khu vực Hòn La mà cả dải ven biển tỉnh Quảng Bình đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm nguồn lợi hải sản và các tài nguyên thủy sinh. Chất lượng nước ven bờ, đặc biệt là tại các vùng nước cửa sông, bến cảng, các khu đô thị và dân cư ven biển đang ô nhiễm. Nổi lên tại các cảng cá Nhật Lệ, cảng Gianh... đã có hiện tượng ô nhiễm dầu.

Nguồn ô nhiễm dầu chủ yếu do tình trạng phát thải của giao thông đường thuỷ và một số hoạt động sản xuất công nghiệp khu vực gần bờ. Tại nhiều điểm quan trắc, môi trường nước biển ven bờ đã bị ô nhiễm dinh dưỡng, ô nhiễm hữu cơ và kim loại.

Ngoài ra, nguồn nước thải công nghiệp chủ yếu phát sinh từ ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, sản xuất đồ uống với hàm lượng cao các chất hữu cơ và dinh dưỡng; các ngành công nghiệp đóng tàu, sản xuất vật liệu xây dựng là các nguồn phát sinh rất lớn các chất thải nguy hại đến môi trường vùng bờ. Nhiều dự án nuôi tôm công nghiệp vùng ven biển cũng gây ra ô nhiễm nguồn nước thải khá năng nề.

Ngoài ra, Quảng Bình lại là nơi chịu nhiều thiệt hại do thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, nước dâng chịu tác động bởi hiện tượng cát bay, cát chảy và tiềm ẩn nguy cơ gió lốc, vòi rồng, trong khi dân số vùng ven biển ngày càng gia tăng...

Huy động nguồn lực bảo vệ vùng bờ

Mặc dù nằm trong bối cảnh một tỉnh nghèo, nhưng những năm qua Quảng Bình đã quyết định ưu tiên kinh phí cho các hoạt động môi trường, trong đó đặc biệt coi trọng bảo vệ môi trường biển và vùng ven biển. UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các địa phương trong việc quản lý quy hoạch xây dựng khu vực ven biển, quản lý đầu tư xây dựng tại dự án ven biển, đặc biệt là công tác công khai và cung cấp thông tin về quy hoạch xây dựng để người dân địa phương cùng tham gia kiểm tra, giám sát.

Thời gian qua, Quảng Bình đã tích cực tranh thủ nguồn vốn của các tổ chức quốc tế như: Ngân hàng phát triển Châu Á triển khai dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới; hợp tác với JICA (Nhật Bản) triển khai dự án Phục hồi quản lý bền vững rừng phòng hộ...

Từ các nguồn vốn tỉnh đã và đang triển khai thực hiện các dự án xây dựng, củng cố đê, kè, chống sạt lở bờ sông, bờ biển như dự án xây dựng, củng cố đê, kè, chống sạt lở cửa sông Nhật Lệ; trình Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Kế hoạch - Đầu tư hỗ trợ kinh phí từ Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu và các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia để triển khai thực hiện các dự án xây dựng, nâng cấp đê, kè...

Đặc biệt có dự án “Quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng ở khu vực nông thôn và đô thị” tại Quảng Bình do Hội Chữ thập đỏ CHLB Đức tài trợ. Mục tiêu là góp phần giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ thiên tai dưới tác động của biển đổi khí hậu tới người dân khu vực đô thị, phụ cận đô thị và nông thôn thuộc tỉnh Quảng Bình.

Phủ xanh đồi cát ở Sen Thủy
Phủ xanh đồi cát ở Sen Thủy

Dự án triển khai trong 3 năm (2015-2018), tổng kinh phí trên 600.000 Euro. Các hoạt động chính trong khuôn khổ dự án sẽ được triển khai tại Quảng Bình như: hỗ trợ chính quyền địa phương và người dân tại các xã, phường xây dựng kế hoạch hành động phòng ngừa ứng phó thảm họa; xây dựng các mô hình sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu, cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân; tuyên truyền, phổ biến kiến thức, hướng dân kỹ năng cho cán bộ tham gia dự án; tập huấn cho đội ứng phó thiên tai cấp tỉnh, cán bộ, tình nguyên viên Hội Chữ thập đỏ các cấp về nước sạch, vệ sinh môi trường, truyền thông vệ sinh, lồng ghép giới và người khuyết tật trong công tác phòng ngừa ứng phó thảm họa; xây dựng các mô hình truyền thông; tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm ứng phó thảm họa dựa vào cộng đồng...

Cùng với đó, công tác quản lý chất thải, nguồn thải gây ô nhiễm trước khi xả thải vào các lưu vực sông ven biển và từ các hoạt động kinh tế biển đã được tăng cường. Công tác quan trắc định kỳ chất lượng môi trường nước biển ven bờ được thực hiện với tần suất 4 đợt/năm, nhằm theo dõi hiện trạng và diễn biến chất lượng nước để kịp thời phát hiện, xử lý.

Tăng cường công tác tuyên truyền

Nhìn nhận một cách khách quan, công tác bảo vệ môi trường và quản lý nhà nước về biển và hải đảo trên địa bàn vẫn còn một số bất cập và chưa được chú trọng đúng mức. Nổi lên là, công tác tuyên truyền, giáo dục môi trường, biển và hải đảo, biến nhận thức về bảo vệ môi trường, bảo vệ chủ quyền biển đảo thành ý thức tự giác và hành động cụ thể ở mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp và mỗi người dân chưa được quan tâm đúng mức.

Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ môi trường, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên Môi trường xây dựng quy hoạch sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng ven biển tỉnh Quảng Bình đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; chỉ đạo các sở, ngành liên quan rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường biển, hải đảo.

Trong bảo vệ môi trường phải lấy phòng ngừa ô nhiễm làm phương châm hành động, khắc phục và loại bỏ tư tưởng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà coi nhẹ việc duy trì, bảo vệ và tái tạo môi trường; phải huy động tối đa và đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường...

Trọng Thái