.
Chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Quảng Bình lần thứ IV, năm 2015:

Người cán bộ của dân bản

Chủ Nhật, 13/09/2015, 13:48 [GMT+7]

(QBĐT) - Tôi biết Hồ Thị Thoi lâu lắm rồi, từ cái ngày Thoi mới là cô y tá thôn bản.  Bây giờ Thoi đỉnh đạc là Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa (huyện Minh Hóa). Trong ký ức tôi, ấn tượng về Hồ Thị Thoi,  người con gái Khùa ở bản La Trọng, xã Trọng Hóa rất đậm nét. Thoi đẹp người, đẹp nết… và câu chuyện Thoi trưởng thành từ trong gian khó, trở thành một cán bộ lãnh đạo mẫu mực của xã cũng là một câu chuyện đẹp, kết thúc có hậu.

 

Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa Hồ Thị Thoi.
Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa Hồ Thị Thoi.

Hồ Thị Thoi sinh năm 1983, con thứ năm trong một gia đình đông anh em. Học hết lớp 9, người già khuyên Thoi ở nhà để kiếm một tấm chồng.

Ở các bản người Khùa, người Mày Dân Hóa, Trọng Hóa, con gái không cần học cái chữ cho nhiều. Học nhiều thì cũng lấy chồng, thờ phụng con ma nhà chồng! Phụ nữ Khùa từ xưa đến nay vẫn vậy.

Thoi không ưng cái bụng, năm 2001, khi cán bộ dưới xuôi lên tuyển người làm công tác chuyên trách y tế thôn bản, Thoi đăng ký tham gia.

Xã Trọng Hóa có 18 bản nằm rải rác giữa núi rừng, nhiều bản phải mất vài ngày đi bộ mới đến nơi. Năm năm làm y tế thôn bản, đôi chân Thoi in dấu khắp mọi ngã đường rừng đến với đồng bào.

Thoi tâm niệm: dân mình khổ, hay đau ốm, bệnh tật vì nhận thức còn lạc hậu, chịu áp lực của nhiều hủ tục. Muốn đồng bào hết khổ thì phải thay đổi từ nhận thức...

Năm 2003, đang là cán bộ y tế thôn bản, Hồ Thị Thoi được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Trọng Hóa. Năm 2010, trở thành Chủ tịch Hội Phụ nữ xã khi tròn 27 tuổi. Tháng 6-2010, tại Đại hội Đảng bộ xã Trọng Hóa nhiệm kỳ 2010-2015, Thoi được bầu vào Ban Thường vụ Đảng ủy, giữ chức Phó Bí thư Thường trực, đại biểu HĐND huyện Minh Hóa. Nhiệm kỳ 2015-2020, Hồ Thị Thoi được Đảng bộ Trọng Hóa tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy xã.

Hồ Thị Thoi còn nhớ, ngày Nhà nước có chủ trương cho chị em phụ nữ vay 5 triệu đồng để phát triển kinh tế hộ gia đình, xóa đói giảm nghèo. Chủ trương về xã, hội viên không ai dám vay vì sợ không biết dùng vào việc gì, sợ vay xong sau này không trả nổi. Thoi gương mẫu nhận tiền, từ số tiền 5 triệu đồng ban đầu gia đình mua bò chăn nuôi, mua giống cây keo, tràm về trồng rừng. Gia đình Thoi thoát nghèo, nhiều chị em mạnh dạn học tập làm theo. Trong vòng gần 10 năm, nhiều gia đình hội viên thoát được nghèo như: Hồ Thị Thanh ở bản Hưng; Hồ Thị Đăm, Hồ Thị Bua ở bản La Trọng.

Thoi lấy chồng năm 2001, vợ chồng có với nhau hai mặt con. Năm 2010, chồng Thoi mất vì tai nạn giao thông. Chồng mất, hai con còn dại. Thoi tưởng như mình không vượt qua nổi cú sốc nặng nề này. Được đồng chí, anh em trong Đảng ủy, UBND xã động viên, nỗi đau vơi dần. Bây giờ niềm vui của Thoi là công việc, là phong trào của địa phương, mừng vì hai con khôn lớn, chăm ngoan, học tập tốt.

Người Khùa ở xã Trọng Hóa vốn có luật tục, trong hôn nhân vợ chồng phải tổ chức đám cưới ba lần. Nhiều đôi vợ chồng vì nghèo nên cho đến già vẫn không lo đủ ba lễ cưới, con cái đành lo thay. Lắm lúc, chưa kịp xong ba lễ thì vợ hay chồng khuất núi, người đang sống tiếp tục thực hiện luật tục. Hồ  Thị Thoi và cán bộ xã cùng với các già làng, trưởng bản đi đến 18 bản vận động nhân dân xóa bỏ dần. Đến nay đồng bào chỉ còn giữ hai lần cưới.

Trong ma chay, khi có người mất, gia chủ tổ chức mời dân bản ăn uống 7 ngày. Chôn cất xong, sau 7 ngày, người sống không còn bất cứ liên hệ nào với người chết. Hồ Thị Thoi thương chồng mất sớm nên quyết định phá bỏ luật tục này. Thoi cắt rừng đi thăm mộ chồng trong sự ngăn cản của dân bản và gia đình phía bên chồng. Họ sợ rằng Thoi vào mộ chồng, con ma nó bắt, nó phạt vạ gây đau ốm, bệnh tật cho dân bản.

Thoi thăm mộ chồng về, con ma không “thèm” bắt; ốm đau, bệnh tật không xảy ra. “Mừng trong cái bụng lắm! Người miền xuôi thăm mộ người chết là bình thường, nhưng với người Khùa, người Mày thì đây là một điều cấm kị. Mình đã vượt qua điều cấm kị. Vơi dần đi cái lo nặng trĩu trong lòng”, Hồ Thị Thoi chia sẻ.

Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa Hồ Thị Thoi ngày ngày vẫn đi về, lăn lộn cùng dân, cùng cơ sở, trăn trở làm sao đưa Trọng Hóa phát triển, dân bản hết nghèo đói. Tôi khen Thoi, nói thiệt lòng: “Chuyện chung, việc nước thế là chu toàn rồi, còn việc riêng Thoi tính ra làm sao. Chẳng lẽ cứ một mình đi về!”. Thoi cười hiền hiền: “Công việc bộn bề lắm, phải lo nhiều cho phong trào chung, còn thời gian đâu mà tính...”

Thanh Long