.

Nỗ lực vì sự an toàn của người dân và du khách tắm biển

Thứ Sáu, 05/06/2015, 20:20 [GMT+7]

(QBĐT) - Từ đầu năm đến nay, thành phố đã đón trên 330.000 lượt khách đến tham quan nghỉ dưỡng và tắm biển. Chỉ tính riêng trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, đã có trên 95.000 lượt khách đến Đồng Hới. Trung bình vào các ngày nắng nóng, ngày lễ và những ngày nghỉ cuối tuần, các bãi tắm biển thành phố thu hút từ 3-4 ngàn lượt khách đến tắm biển và hưởng thụ các dịch vụ du lịch biển. Lượng khách đến bãi biển đông, nên việc bảo đảm sự an toàn cho du khách là nhiệm vụ được Ban quản lý các bãi tắm biển luôn đặt lên hàng đầu. Đội cứu hộ cứu nạn ở bãi tắm luôn túc trực sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn nhằm giảm thiểu tình trạng người tắm biển bị đuối nước.

Đội cứu hộ cứu nạn (Ban quản lý các bãi tắm biển) có 15 người, thường trực làm nhiệm vụ ở 3 bãi biển Nhật Lệ 1 (7 người), Nhật Lệ 2 (4 người) và Bảo Ninh (4 người). Đây là những người bảo đảm các yêu cầu về tuổi đời, sức khoẻ và có kinh nghiệm sông nước, giỏi bơi lặn. Ngoài khả năng bơi lội, sức khỏe, những người làm công tác cứu hộ, cứu nạn còn được tập huấn về công tác sơ cấp cứu y tế, kỹ năng phản ứng nhanh, văn hóa ứng xử với khách du lịch bằng sự tận tâm, nhiệt tình, trách nhiệm cao, làm sao để nhắc nhở người dân và du khách chú ý về sự an toàn, cảnh báo nguy cơ mà vẫn không khiến khách có cảm giác khó chịu vì thấy bị làm phiền.

Nhiệm vụ của các thành viên trong đội là dựng sơ đồ, hàng rào dây, cắm biển cảnh báo, phao cờ giới hạn an toàn, bố trí hệ thống loa phát thanh, lực lượng cứu hộ thường xuyên túc trực ở các bãi tắm biển vào những giờ cao điểm, ngay mép nước để cảnh báo, nhắc nhở, yêu cầu khách tắm biển không tắm ở các khu vực nguy hiểm, không ra quá xa bờ và sẵn sàng ứng cứu khi có trường hợp khẩn cấp xảy ra. Khi phát hiện có người ra khu vực nguy hiểm thì dùng loa phóng thanh kêu gọi quay trở vào khu vực an toàn; khi phát hiện có người bị đuối nước, lập tức thực hiện các biện pháp để đưa người đuối nước vào bờ an toàn.

Nhân viên cứu hộ luôn túc trực sẵn sàng ứng cứu vì sự an toàn của người dân tắm biển
Nhân viên cứu hộ luôn túc trực sẵn sàng ứng cứu vì sự an toàn của người dân tắm biển

Tổ trưởng tổ cứu hộ Nhật Lệ 1 - Phan Thanh Nhật cho biết: Để bảo đảm an toàn cho du khách tắm biển, những người làm công tác cứu hộ, cứu nạn luôn đề cao tinh thần trách nhiệm và kinh nghiệm của mình. Hàng ngày tổ phải có mặt từ 5 giờ sáng dọn dẹp bến bãi, túc trực, quan sát, nhắc nhở khách tắm biển không vào những nơi nguy hiểm có dòng nước xoáy hay ra xa quá bãi biển. Tổ cũng đã thả phao giới hạn an toàn, khảo sát những vùng biển an toàn được phép tắm, đối với những vùng nguy hiểm không tắm được thì tổ cắm biển báo để khuyến cáo.

Công tác cứu hộ, cứu nạn, cảnh báo nguy cơ cho du khách khi tham gia tắm biển đòi hỏi sự tập trung, kiên trì và ý thức giúp đỡ người khác. Trừ các cán bộ, nhân viên của trung tâm, 15 nhân viên làm cứu hộ, cứu nạn chủ yếu là nhân viên hợp đồng thời vụ trong các tháng du lịch. Có những người đã gắn bó với nghề được 10 năm, có người làm được hai ba năm, cũng có người làm được mấy tháng rồi nghỉ, nhưng khi đã nhận việc, họ đều phát huy cao tinh thần trách nhiệm của mình, làm việc một cách chuyên nghiệp bởi chỉ cần một phút sơ sểnh cũng có thể để lại hậu quả đáng tiếc.

Nói về công tác bảo đảm an toàn của du khách, ông Hoàng Văn Tiến, Trưởng ban quản lý các bãi tắm biển cho biết: Là thành phố với thế mạnh du lịch biển, thu hút rất đông khách du lịch đến tham quan và tắm biển, bờ biển lại trải dài nên nguồn nhân lực như hiện có vẫn là khá mỏng; chưa kể, phương tiện cứu hộ còn thô sơ, ca nô hay mô tô nước vẫn còn rất hạn chế. Đặc biệt, năm nay thời tiết nắng nóng kéo dài, người dân và du khách đến tắm biển đông hơn, đặc biệt là ở biển Bảo Ninh vượt quá tầm kiểm soát nên công tác cứu hộ cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, ý thức bảo vệ mình của người dân chưa tốt, người dân bản địa thường hay tắm ở khu vực cửa sông. Khi du khách thấy người bản địa tắm thì họ cũng học theo nên rất nguy hiểm. Thêm vào đó, dù đã có dây hoặc phao giới hạn nhưng nhiều người vẫn tắm vượt qua mốc giới hạn đó. Các thành viên đội cứu hộ đã đến nhắc nhở nhưng họ không chấp hành. Chính vì bất chấp cảnh báo mà trong tháng 5 vừa qua đã có 3 vụ đuối nước (2 vụ ở Bảo Ninh và 1 vụ ở Nhật Lệ) với 8 người liên quan, tuy nhiên nhờ công tác cứu hộ cứu nạn kịp thời nên không có vụ việc đáng tiếc nào xảy ra.

Tăng cường về số lượng nhân viên, kinh phí cho hoạt động, chế độ chính sách tiền lương cũng như sớm được hiện đại hóa phương tiện để đáp ứng việc cứu hộ kịp thời, chuyên nghiệp là mong mỏi của Ban quản lý các bãi biển du lịch Đồng Hới. Thế nhưng, mong muốn lớn nhất của họ là việc người dân tự nâng cao ý thức, trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để bảo vệ tính mạng khi xuống biển..

Phạm Hà