.

Cần có chế tài với cơ quan, tổ chức, cá nhân "né" báo chí

Thứ Tư, 03/06/2015, 18:15 [GMT+7]

Đại biểu Lê Như Tiến: “Phải có chế tài đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân không cung cấp thông tin, hoặc né tránh hoặc cản trở báo chí”.

Tại cuộc họp báo Chính phủ cuối tháng 4-2015, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết, Thủ tướng sẽ xem xét ban hành đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến 2025.

Bộ Thông tin Truyền thông cho rằng, số lượng cơ quan báo chí và ấn phẩm những năm qua tăng nhanh nhưng cơ cấu chưa hợp lý. Một số Bộ, ngành, địa phương có nhiều cơ quan, ấn phẩm báo chí. Một số báo có nhiều ấn phẩm phụ với nội dung không phù hợp tôn chỉ mục đích. Hệ thống đài phát thanh truyền hình được đầu tư về khả năng phát sóng vượt xa so với khả năng sản xuất chương trình. Vì vậy theo lãnh đạo Bộ, một trong những lý do xây dựng đề án "nhằm đảm bảo cho các cơ quan báo chí phát triển lành mạnh, đúng hướng hơn".

 Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến
Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến

Sáng 3-6, bên lề kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, trao đổi với phóng viên về vấn đề quy hoạch báo chí, đại biểu Lê Như Tiến, đoàn Quảng Trị nhấn mạnh việc đồng ý để Bộ chủ quản, Chính phủ và Bộ Thông tin Truyền thông phải rà soát lại toàn bộ và quy hoạch lại mạng lưới báo chí, để báo chí phát huy hiệu quả, không lãng phí nguồn lực, không cạnh tranh thiếu lành mạnh.

“Chúng ta không sợ nhiều hay ít báo, chỉ sợ thừa, thông tin trùng lặp, lãng phí nguồn lực. Nhiều hay không còn phải có căn cứ khoa học, để phân tích xem với số lượng cơ quan báo chí ở nước ta như thế đã nhiều chưa, hay vẫn chưa đủ để cung cấp thông tin cho độc giả, người dân” – ông Lê Như Tiến nói.

Ông Lê Như Tiến nhấn khẳng định: “Theo tôi, một xã hội dân chủ sẽ có rất nhiều kênh thông tin khác nhau. Có lần tôi hỏi các đồng chí có trách nhiệm ở Bộ Thông tin Truyền thông là chúng ta có 90 triệu dân thì bao nhiêu báo là vừa, thì các anh ấy cũng chưa trả lời được câu hỏi đó. Nhưng nước ta cũng chưa phải là quốc gia có quá nhiều các cơ quan thông tấn báo chí.

Báo chí ở ta cũng hoạt động sôi nổi, có hiệu quả. Ở Việt Nam thời gian gần đây hoạt động của báo chí càng cởi mở, dân chủ hơn; bản thân các nhà báo cũng được tiếp cận các chính khách, các cơ quan của Nhà nước tốt hơn”.

Đại biểu Lê Như Tiến thừa nhận, báo chí có tác dụng rất lớn trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là phản ánh các hoạt động của Nhà nước, các cơ quan Nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Báo chí là một trong những kênh rất quan trọng để Nhà nước, các cơ quan Nhà nước điều chỉnh lại chính sách của mình.

Các cơ quan bảo vệ pháp luật thấy được vấn đề báo chí nêu. Nhiều thông tin trên báo là kênh rất quan trọng, đáng tin cậy để các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc đối với những vụ án tham nhũng.

“Tôi cũng đã nhiều lần trong các cuộc hội thảo, nhất là đóng góp vào dự thảo Luật Báo chí sửa đổi lần này, đề nghị phải có chế tài nào đó đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân không cung cấp thông tin, hoặc né tránh hoặc cản trở báo chí hoạt động” – đại biểu Tiến đề nghị./.

Theo Lại Thìn/VOV.VN