.

Tăng cường công tác phòng chống cúm từ gia cầm lây sang người

Thứ Ba, 17/02/2015, 16:36 [GMT+7]

(QBĐT) - UBND tỉnh vừa có công văn số 159/UBND-XV về tăng cường công tác phòng chống  cúm từ gia cầm lây sang người.

UBND tỉnh nhận được Công văn số 598/BYT-DP ngày 26-1-2015 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác phòng chống cúm gia cầm lây sang người. UBND tỉnh có ý kiến như sau:

1. Các Sở, Ban, ngành, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội trên địa bàn phối hợp triển khai thực hiện nghiêm và đồng bộ công tác tăng cường phòng chống dịch cúm gia cầm nhằm kiểm soát và vận động người dân áp dụng các biện pháp hạn chế sự lây truyền các chủng vi rút cúm từ gia cầm sang người.

2. Giao Sở y tế tham mưu tổ chức họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của tỉnh, rà soát các hoạt động phòng chống dịch cúm lây truyền từ gia cầm sang người để triển khai thực hiện. Tăng cường giám sát các chủng vi rút cúm, kể cả cúm A(H7N9), cúm A(H5N1), cúm A(H5N8), cúm A(H5N6), cúm A(H5N2) tại cộng đồng và thông qua hệ thống giám sát trọng điểm cúm quốc gia, mở rộng việc thu thập các mẫu bệnh phẩm từ các trường hợp viêm phổi nặng nghi do vi rút tại các bệnh viện gửi về các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur để xét nghiệm tác nhân gây bệnh, tổ chức thu dung điều trị, cách ly kịp thời không để xảy ra tử vong và triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan rộng, kéo dài.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường giám sát, điều tra phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch cúm trên các đàn gia cầm đồng thời phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để chia sẻ thông tin và triển khai các biện pháp phòng bệnh cúm gia cầm ở người theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT về việc phối hợp phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người. Tăng cường công tác kiểm dịch, không để lưu thông gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc trên thị trường, đặc biệt tại các chợ đầu mối về gia cầm; tổ chức và triển khai vệ sinh, tiêu độc, khử trùng định kỳ tại các chợ bán gia cầm sống theo hướng dẫn của đơn vị thú y nhằm hạn chế tối đa sự lưu hành của các chủng vi rút cúm gia cầm trong môi trường có thể lây sang người.

4. Sở Công Thương phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thực hiện điều tra ngăn chặn nhập lậu, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển và buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm qua biên giới, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép, không để hiện tượng buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc trên địa bàn tỉnh.

5. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm, đặc biệt là các chủng vi rút cúm A(H5N1), cúm A(H7N9) và một số chủng vi rút cúm gia cầm khác, trong đó lưu ý tới các đối tượng là những người chăn nuôi, buôn bán và giết mổ gia cầm về nguy cơ mắc bệnh, các biện pháp phòng tránh, khuyến cáo mạnh mẽ người dân không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc; thực hiện an toàn thực phẩm trong giết mổ, chế biến gia cầm và các sản phẩm của gia cầm, không ăn tiết canh và không sử dụng gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân.

6. UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch bệnh; có kế hoạch triển khai các biện pháp phù hợp nhằm ngăn chặn sự phát sinh và bùng phát của dịch cúm gia cầm lây sang người; cần chú ý đối với các địa bàn có nguy cơ cao, ổ dịch cũ, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và vùng biên giới có những hạn chế về tiếp cận dịch vụ y tế.

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung trên.