.

Tết quê trong lòng người xa xứ

Thứ Bảy, 14/02/2015, 10:37 [GMT+7]

(QBĐT) - Với mỗi người con xa xứ, cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về thì nỗi nhớ quê hương càng da diết hơn bao giờ hết. Tình thân gia đình, những món ăn quê hương dân dã, những phong tục ngày Tết hay có khi chỉ là tiết trời xuân... tất cả đã làm cho Tết quê trở thành một "dư vị" đặc biệt, mà hầu như ai cũng mong có ngày được trở lại.

Gia đình anh Trần Thanh Sơn, chị Mai Thanh Huệ rời quê hương Lệ Thuỷ vào sinh sống và công tác tại TP. Hồ Chí Minh từ năm 2003. Chị Huệ kể: Những năm đầu mới vào lập nghiệp, cứ đến những ngày cuối năm lại nhớ quay quắt, chỉ mong được về quê ăn Tết. Chị còn nhớ Tết năm 2005, lúc đó chị vừa sinh con trai đầu lòng nên cả nhà quyết định ở lại đón Tết tại TP. Hồ Chí Minh. Thế nhưng, sang ngày 26 tháng Chạp, thấy người chở đào, mai đi ngoài đường, anh chồng nước mắt rơm rớm, quyết định về quê cho bằng được. Thấy chồng nặng lòng nhớ gia đình, quê hương, trong lòng cũng đang sẵn nỗi nhớ quê, chị Huệ bằng lòng. Vậy là, mới được nghỉ làm lúc 5h chiều thì ngay 9h tối hôm đó cả nhà cùng với cậu con trai mới được 3 tháng tuổi vượt hành trình cả nghìn km về quê. Chị tâm sự: "Quả thực, tuỳ điều kiện có về được hay không thôi, chứ hầu như ai chẳng mong về quê ăn Tết. Tết ở quê, được vui vầy, sum họp gia đình bao giờ cũng ấm cúng hơn. Mỗi lần về quê còn là dịp để đi thăm thú anh em họ hàng, bè bạn..."

Xa quê đã 55 năm, nên nỗi nhớ về Tết quê của cụ Nguyễn Thị Xuân Mai (81 tuổi) không còn quay quắt như những ngày đầu xa xứ. Nhưng những kỷ niệm về Tết quê trong tâm thức vẫn còn như một dấu son. Cụ kể: Quê ở Quảng Phương, nhưng từ tấm bé, cụ đã sinh sống ở Ba Đồn. Ở thời của cụ, Tết là một khái niệm rất đặc biệt, thiêng liêng. "Nhớ nhất quãng thời gian mình lên 8-10 tuổi, cùng lũ bạn được theo mẹ đi chợ Tết. Chợ phiên Đá ở làng Tượng Sơn (tức Quảng Long, thị xã Ba Đồn bây giờ) ngày Tết với nhiều thứ hấp dẫn đám trẻ con, như: trống bành, trống bỏi... Rồi thể nào, mẹ cũng mua cho chiếc áo hoặc đôi guốc mới". Theo cụ Mai, đó là ký ức đẹp nhất về Tết ở quê. Bởi, lớn lên, những ngày đi tản cư, chạy giặc hầu như chẳng còn có Tết nữa. Hiện đại gia đình định cư tại Hà Nội, chính Tết không về được nhưng hàng năm, cứ đến ngày đầu tháng Chạp, cụ lại dặn dò con cháu thu xếp công việc, về quê làm lễ chạp mả (tảo mộ).

Được tự làm nên những chiếc bánh chưng là niềm ao ước của nhiều người con xa xứ
Được tự làm nên những chiếc bánh chưng là niềm ao ước của nhiều người con xa xứ

Nỗi nhớ Tết quê, có khi chỉ bắt đầu bằng những điều rất giản dị. Ông Nguyễn Quốc Toàn chia sẻ: ông đã có 4 cái Tết phải xa quê, kể từ ngày theo con cháu vào sinh sống tại TP. Vũng Tàu. Nói về Tết, đụng đến cái gì cũng nhớ, nhắc đến cái gì cũng nhớ. Ông khoe, trên bàn thờ nhà mình ở Vũng Tàu có một đĩa đựng 5 quả thông lấy từ khu lăng mộ tổ tiên trên núi Thanh Sơn (Quảng Thanh, Quảng Trạch). Ông kể, cát trên các lư hương cũng được ông mang từ Bảo Ninh vào. Những hạt cát mát rượi trên tay làm ông cồn cào nhớ biển Bảo Ninh, Đá Nhảy, Hòn La... Đó cũng là cách để ông vơi bớt nỗi nhớ Tết quê hương.

Với Tiến sĩ Trần Minh Hường, giảng viên Đại học Văn hiến TP. Hồ Chí Minh - hơn 10 năm xa quê, cứ mỗi dịp Tết, anh lại nhớ da diết tiết trời mùa xuân ở quê nhà. Anh chia sẻ: Năm đầu tiên ăn Tết xa quê, ngày 1, 2 Tết trời Sài Gòn nắng chang chang, mình chưa thể quen được. Thấy nhớ vô cùng cái rét của mùa xuân ở quê, mưa xuân lất phất bay trên những bông hoa xoan vừa hé nở cùng với tiếng chim chào mào đầu ngõ. Nhớ phiên chợ ngày 30, những con đường làng người đi chúc Tết... Ở quê, chiều 30 cúng vào, mồng 3 Tết cúng ra, con cháu tập trung đông đủ, không khí gia đình rất vui vẻ, đầm ấm. Không gian làng quê yên bình cứ hiển hiện trong ký ức. Những điều đó ở không gian đô thị ngày nay không dễ gì có được.

Anh tâm sự, có những điều rất giản dị mà thường ngày, cuộc sống cuốn mình đi, đến Tết nó cứ ùa về trong nỗi nhớ. Đó là những ngày còn bé, giúp mẹ giã lá gai để làm bánh. Khi ấy, công việc cực nhọc, vất vả, thậm chí mình còn làm biếng nữa, nhưng đến bây giờ lại thấy nhớ quay quắt những công việc như thế. Nhớ lại hình ảnh khách đến chơi nhà ngày Tết, cầm chục chiếc bánh gai mẹ biếu trên tay mang về làm quà, chủ khách rộn ràng cười nói mà cảm thấy ấm lòng...

Trẻ thơ hồn nhiên xúng xính diện đồ mới trong ngày Tết.
Trẻ thơ hồn nhiên xúng xính diện đồ mới trong ngày Tết.

Với mong mỏi giữ lại chút dư vị tết xưa nên hằng năm, anh Hường vẫn tổ chức gói, nấu bánh chưng. Anh bảo: thời tiết miền Nam nắng nóng, bánh chưng cũng không ăn mấy, dù gói bánh còn vụng về nhưng mong muốn tự tay làm ra những chiếc bánh chưng đặt trên bàn thờ ngày tết, và đặc biệt là muốn tạo chút không khí “rộn rã gói bánh chưng” cho các cháu. Thật vui là bọn trẻ con tỏ ra thích thú với điều này.

Được tự làm nên những chiếc bánh, được quây quần bên nồi bánh chưng đỏ lửa giữa cái giá rét - đã trở thành ký ức đẹp của nhiều thế hệ. Và chị Hoàng Oanh cũng không là ngoại lệ. "Vì cuộc sống mưu sinh nên các anh chị em trong gia đình đều phải xa xứ, mình mong mỏi một ngày đưa ba mạ về lại sống ở quê, được cùng nhau quây quần quanh nồi bánh chưng trong chiều 30 Tết"- chị tâm sự. Rời vùng đất Ba Đồn, 17 năm sống ở Hunggari, với chị Oanh, Tết quê là dư vị đặc biệt mà chị luôn nhung nhớ. Cuộc sống thường ngày vất vả nên ngày đó, Tết với trẻ con nó đặc biệt lắm! Kỷ niệm tuổi thơ với tiếng pháo nổ đêm giao thừa, chị cùng đám bạn tranh nhau đi nhặt pháo rồi xúng xính trong những chiếc áo mới đi xem kéo co, chọi gà... vẫn luôn hằn sâu trong ký ức.

Còn gì hơn khi được sum vầy cùng người thân, gia đình trong những ngày Tết đến xuân về. Bất chợt tôi lại nhớ đến câu chuyện kể của anh Trần Minh Hường, rằng: Dịp Tết năm nọ, anh gặp một tốp công nhân đang ôm nhau khóc vì không có tiền để về quê ăn Tết. Lại nghĩ, ở đâu đó, trong những ngày cuối năm, có người lại đang mường tượng về Tết quê trong nỗi nhớ ngọt ngào. Tết quê, trong lòng người xa xứ bao giờ cũng đẹp.

Trần Hương Lê