.

Những viên ngọc sáng ngời trong cát...

Thứ Sáu, 13/02/2015, 18:36 [GMT+7]

(QBĐT) - Có một triết lý đơn giản rằng, cuộc sống vốn dĩ rất công bằng, một khi đã lấy đi của ai điều gì, thì chắc chắn nếu người đó cố gắng, không ngừng nỗ lực, sẽ vượt qua được tất cả và nhận về hạnh phúc trọn vẹn nhất!. Đối với những người không may thiếu đi sự lành lặn về thể chất, nhưng bằng nghị lực phi thường và chút năng khiếu thiên phú về nghệ thuật, họ sẽ vẫn có thể vững tin bước đi bằng chính đôi chân của mình và làm đẹp cho đời bằng những tác phẩm từ sức mạnh niềm tin.

Để màu sắc thay lời muốn nói...

Nếu vô tình gặp anh Trần Phú (Phan Xá, Xuân Thủy, Lệ Thủy) ở đời thường, có lẽ, sẽ chẳng ai tin người đàn ông trong hình hài một cậu bé này đã bước sang tuổi 34. Khuôn mặt trẻ thơ, nụ cười lấp lánh, an lành, thân hình nhỏ nhắn..., nhưng nổi bật, ấn tượng trên tất cả chính là đôi bàn tay với những ngón thon dài, mềm mại. Với đôi bàn tay này đã gắn cuộc đời anh với hội họa, để anh tìm lại chính mình trong từng đường cọ và mảng màu sáng tối.

 Với anh Trần Phú, hội họa thắp lửa và mang lại niềm tin cho cuộc sống
Với anh Trần Phú, hội họa thắp lửa và mang lại niềm tin cho cuộc sống

Sinh ra trong gia đình có 3 anh em trai, cuộc sống hạnh phúc tròn đầy bỗng chợt tan biến khi anh bước sang tuổi thứ 5. Căn bệnh lùn tuyến yên dẫn đến thiếu hóc môn tăng trưởng đã khiến cơ thể của anh không thể lớn lên, sức khỏe yếu ớt, mặc dù trí óc vẫn rất minh mẫn, nhanh nhạy. Chạy chữa nhiều nơi, căn bệnh tuy đã có đôi phần thuyên giảm, nhưng di chứng của nó vẫn dai dẳng đến tận bây giờ, không chỉ ảnh hưởng đến thể chất mà còn là nỗi đau tinh thần anh phải ngày đêm nỗ lực vượt qua.

Vốn đã có năng khiếu về mỹ thuật từ khi còn thiếu thời, nhưng mối “duyên phận” đến với anh tình cờ chỉ qua câu nói của mẹ. Mẹ thủ thỉ, con sức khỏe yếu, nên làm những gì nhẹ nhàng, phù hợp sở thích và không quá nặng nhọc. Vậy là anh tự tìm đến với hội họa như một mối lương duyên trời định mà bản thân anh cũng thật sự bất ngờ. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, anh nghỉ học một năm do sức khỏe yếu và quyết tâm ôn thi vào khoa Mỹ thuật Đại học Huế. Một năm đèn sách vất vả tại cố đô đã giúp anh đặt chân vào giảng đường đại học, điều mà không phải bất kỳ người bình thường nào cũng có thể làm được.

Anh nhớ lại, đó là những tháng ngày anh chỉ có học và học, quyết tâm với niềm tin mãnh liệt nhất, không chỉ bởi đam mê hội họa, mà còn bởi mong muốn tự mình sẽ nuôi sống mình bằng chính công việc yêu thích nhất. Theo học chuyên ngành về lụa, các thầy cô, bè bạn ở trường đại học đã mang đến cho anh vừa những kiến thức chuyên môn, vừa cả những trải nghiệm về cuộc sống và nhen nhóm thêm trong anh niềm tin yêu vào tương lai. Kết thúc những năm tháng trên ghế giảng đường, nỗi băn khoăn, trăn trở để tìm hướng đi cho cuộc đời mình lại khiến anh mất ngủ từng đêm. Và rồi, anh đã có một quyết định vô cùng táo bạo, gây sửng sốt cho người thân, đó là liều mình “Nam tiến”, tự tìm cho mình một cuộc sống hoàn toàn mới.

Đối với một người bình thường, cuộc sống tự lập bươn chải ở đô thị khó khăn một, thì với một người thể trạng nhỏ bé, sức khỏe kém như anh, khó khăn đó phải đội lên gấp chục lần. Ấy vậy, con người nhỏ bé này đã tự tin tìm được công việc tốt, phù hợp với chuyên môn với mức lương ổn định ngay giữa Sài thành náo nhiệt. Anh tâm sự, ở một số công ty, khi gặp anh, phòng nhân sự không khỏi e dè, lo ngại, sợ rằng anh sẽ khó hoàn thành công việc. Nhưng rồi thời gian đã chứng minh tất cả, bằng tài năng, niềm đam mê và nỗ lực, anh đều mang lại kết quả cao trong công việc và thậm chí, anh còn theo “mốt” bây giờ là “nhảy việc” sang các công ty nước ngoài, để tìm công việc ưa thích hơn, mức lương đủ đầy hơn. Hai năm sống ở TP. Hồ Chí Minh đã giúp anh thích nghi với cuộc sống mới, hiểu trọn vẹn hơn ý nghĩa cuộc đời và thêm phần tự tin, bản lĩnh.

Giờ đây, do sức khỏe yếu hơn, anh quyết định quay trở về quê hương và thực hiện một công việc như ngày xưa anh vẫn ao ước. Đó là truyền tình yêu hội họa cho lớp trẻ nông thôn. Mỗi năm, anh đều mở lớp dạy mỹ thuật cho các em học sinh muốn theo đuổi môn nghệ thuật này. Với những em có hoàn cảnh khó khăn, anh đều giúp đỡ, giảm học phí và động viên tiếp tục theo học. Bên cạnh đó, không từ bỏ đam mê, anh vẫn sáng tác không ngơi nghỉ với những tác phẩm mang trọn tình yêu cuộc sống và niềm tin vào tương lai. Anh Nguyễn Lương Sáng, Phân hội trưởng Phân hội Mỹ thuật, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, chia sẻ, họa sĩ Trần Phú là người có khả năng ký họa rất tốt, chuyên môn khá và được đào tạo bài bản về mỹ thuật. Phân hội luôn tạo điều kiện để họa sĩ Trần Phú có nhiều cơ hội tham gia các triển lãm, trại sáng tác để khẳng định tài năng của mình và để tấm gương nghị lực của anh được bay xa hơn.

Khi tiếng đàn thắp lửa cho trái tim...

Đến căn nhà nhỏ của ông ở Bắc Nghĩa (TP.Đồng Hới) đã nghe văng vẳng từ xa tiếng đàn ghi ta rộn ràng sức trẻ và giọng hát tuy đã trầm đục màu thời gian, nhưng vẫn chất chứa sự quyết tâm, nhiệt huyết. “Ông nhạc sĩ mù” - cái tên giản dị mà mọi người đặt cho ông đã đủ để nói lên tất cả. Ông là Nguyễn Xuân Tý, năm nay tròn 67 tuổi.

Căn bệnh đậu mùa di căn đã cướp đi ánh sáng đôi mắt khi ông vừa lên 3. Ông ngậm ngùi kể về ký ức những ngày đó vẫn vẹn nguyên đầy nhức nhối. Ông tự tay cào xước hai mắt bởi nỗi bức bối vì sao không nhìn thấy gì nữa, vì sao xung quanh chỉ là đêm đen tối tăm. Rồi thời gian trôi, ông tự hiểu thân phận không may của mình và thật kỳ diệu, chính tình yêu với thơ, với âm nhạc đã giúp ông vượt qua thời thanh niên như một người sáng mắt thực thụ. Bài thơ đầu tiên ông sáng tác chính là sự lột tả nỗi đau đớn của một người không may mất đi ánh sáng cuộc đời: “Bao âm thanh cuộc sống dồn ép lại/Ngày từng ngày dồn nén cuộc đời tôi...” (Nỗi thèm khát). Những năm tháng chiến tranh chống Mỹ ác liệt, ông tham gia vào Đội văn hóa tuyên truyền của thị xã Đồng Hới và hăng hái đi khắp nơi để biểu diễn văn nghệ phục vụ bà con, bộ đội. Với tiếng sáo mê đắm lòng người, ông cùng các anh chị em vượt qua nhiều gian khổ, khó khăn, truyền niềm tin chiến thắng, tinh thần lạc quan cho mọi người. Ông kể, với người sáng mắt đi đã khó, với ông lại càng vất vả hơn. Mỗi lần máy bay Mỹ thả bom, các anh chị phải đưa ông xuống hầm, che chắn cho ông, qua đèo, qua suối đều phải dìu, phải đỡ. Mỗi ngày, ông đều nhờ bạn bè đọc sách cho mình nghe và lặng lẽ ghi nhớ, rút ra bài học, tiếp nhận kiến thức từ chính các nhân vật, sự kiện. Và những năm tháng không thể nào quên đó đã hun đúc tình yêu với âm nhạc, nuôi dưỡng đam mê trở thành nhạc sĩ của người đàn ông mù.

Âm nhạc giúp người nhạc sĩ mù Nguyễn Xuân Tý tìm lại ánh sáng của cuộc đời.
Âm nhạc giúp người nhạc sĩ mù Nguyễn Xuân Tý tìm lại ánh sáng của cuộc đời.

Hòa bình lập lại, ông được cử đi học chữ dành cho người mù Braille và nhân cơ hội, ông tự tìm thầy học thêm ghi ta và cả sáng tác ca khúc. Sau khi về công tác tại Hội Người mù TP. Đồng Hới, ông vẫn tiếp tục theo đuổi con đường sáng tác của mình. Hơn 150 ca khúc viết về mẹ, về quê hương, về đất nước, về con người Quảng Bình tần tảo, anh hùng, chưa bao giờ đam mê đó lụi tắt trong ông. Các ca khúc của ông ghi đậm dấu ấn tình yêu, như: “Mời anh về Quảng Bình quê em”, “Tình em cô gái Hòn La”, “Nhớ về một ngày”... Ông tâm sự, những sáng tác của ông không chỉ bắt nguồn từ chính cuộc sống thực của mình, mà còn từ hàng trăm cuốn sách bạn bè dày công đọc cho ông từ thuở thiếu thời. Nhờ âm nhạc, ông lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống và như ông chia sẻ, ông tìm được người bạn đời của mình cũng từ sự “mai mối” của âm nhạc. Trong các ca khúc của mình, ông ấn tượng nhất bài “Thơm danh sử vàng” viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Không thể đi tiễn người con ưu tú của quê hương về nơi an nghỉ vĩnh hằng, ông gửi tình yêu qua từng nốt nhạc, lời hát bật lên từ chính con tim của người nghệ sĩ già: “Ai về Lệ Thủy, Kiến Giang/Thăm quê tướng Giáp Việt Nam anh hùng/Năm châu bốn biển lẫy lừng/Một đời trung nghĩa thơm danh sử vàng...

Một năm mới nữa lại đến, họ-những con người tuy chưa hoàn hảo về thể chất-nhưng bằng chính đam mê nghệ thuật, tình yêu cuộc sống, đã lặng lẽ cống hiến tài năng cho đời, minh chứng cho sức sống mãnh liệt của niềm tin, như những viên ngọc sáng ngời trong cát...

Quảng Hạ