.
Mỗi tuần một chuyện:

Miễn phí hay "học phí"?

Thứ Tư, 03/12/2014, 10:16 [GMT+7]

(QBĐT) - Mới đây, nhiều người cao tuổi ở xã T của một huyện miền núi bức xúc khi bị "ăn quả lừa". Chuyện là, nghe thông báo có đoàn tổ chức khám bệnh miễn phí tận địa phương, nhiều bà con đổ xô đến trung tâm xã để được tham gia.

Thế nhưng, sau khi chỉ làm vài động tác khám đơn giản như đo huyết áp, hỏi thăm tình hình bệnh tật... một cách qua loa, đại khái, họ được mời chào mua "thuốc" (thực ra là thực phẩm chức năng) với giá khá cao. Tâm lí người cao tuổi, hễ nghe đến bệnh tật là hoang mang, nên hầu như ai cũng phải mang những đồng tiền dành dụm ra để mua "thuốc". Niềm tin của họ được củng cố, khi công ty B tổ chức khám, bán "thuốc" ngay tại trụ sở UBND xã.

Đem chuyện kể với những người cao tuổi ở xã Q thuộc một huyện nằm phía bắc của tỉnh thì được biết, hoá ra chuyện đó xảy ra nhiều ở địa phương này. Ở xã Q, cũng thông qua Hội Người cao tuổi, từng có đoàn về khám bệnh miễn phí nhiều lần. Cũng chỉ thăm khám cho có lệ rồi bán thực phẩm chức năng với giá cao.

Ban đầu, do tuổi cao, nhiều bệnh, lại vốn bản tính thật thà, chất phác, nhiều người đã cả tin dốc tiền mua "thuốc". Người ít tốn vài ba trăm nghìn, kẻ nhiều cũng đến bạc triệu. Sau khi xem lại, thấy ai đau bệnh gì cũng chỉ kê có vài loại "thuốc" cơ bản giống nhau nên họ bắt đầu băn khoăn, không biết có nên uống hay không. Con cái biết chuyện, giải thích cặn kẽ họ mới hiểu đây là chiêu trò bán thực phẩm chức năng thông qua cái "mác" làm từ thiện, khám bệnh miễn phí.

Cũng ở xã Q, thi thoảng lại có đoàn phối kết hợp với các tổ chức hội của xã về tổ chức chụp ảnh làm thẻ cho hội viên. Từ chỗ chỉ chụp ảnh miễn phí, rồi bằng miệng lưỡi của người làm nghề, thợ ảnh mời chào các hội viên (phần lớn đã cao tuổi) chụp ảnh. Mỗi tấm chân dung sau khi chụp, lắp ghép bị tính với giá cao ngất ngưởng.

Ông H cho biết: Ba trăm nghìn một bức chân dung nhưng về không dám treo vì người trong ảnh trông chẳng giống mình, vứt thì tiếc. Thật là chẳng có cái dại nào giống cái dại nào.

Trở lại với câu chuyện ở xã T, khi nhận được phản ánh của người dân, trước câu hỏi của phóng viên, lãnh đạo xã cho rằng: Mọi việc chỉ thỏa thuận và ký kết giữa Công ty B với Hội Người cao tuổi, chính quyền không biết gì. Còn vị Chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã thì cho hay: Nghe nói Công ty B thường tổ chức khám từ thiện và đã có xin phép các cấp từ Trung ương đến địa phương. Các loại thuốc được bán ra đều đã được kiểm tra nên chúng tôi mới cho đến khám.

Trong khi, báo chí đã phản ánh, Công ty này đã từng tổ chức khám bệnh và bán thực phẩm chức năng tại tỉnh H và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh này xác định đó là việc làm trái quy định.

Riêng chỉ có những người dân thật thà, chất phác cười dở, khóc dở với những thứ "miễn phí" mà họ nhận được. Với người dân ở vùng nông thôn, bài học về sự cả tin trả bằng "học phí" vài ba trăm nghìn là số tiền không nhỏ. Nhưng quan trọng hơn, với sự quản lý lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng các đối tượng thừa cơ lợi dụng dễ làm xói mòn niềm tin của người dân và ảnh hưởng đến uy tín của những người làm từ thiện chân chính.

Út Nghệ