.

Thúc đẩy việc thực thi Luật Người khuyết tật: Việc làm cần thiết

Thứ Hai, 01/12/2014, 21:27 [GMT+7]
(QBĐT) - Quảng Bình hiện có trên 45.000 người khuyết tật. Khoảng 90% người khuyết tật sống ở nông thôn, gặp nhiều khó khăn, cần đến sự trợ giúp, hỗ trợ của Nhà nước và xã hội nên ngoài việc thực hiện và bảo vệ quyền, nghĩa vụ như mọi công dân khác thì họ cần được bảo vệ các quyền và những ưu tiên dành riêng cho họ. Do đó, tăng cường thúc đẩy thực thi Luật Người khuyết tật (NKT) là việc làm cần thiết hiện nay.
 
Hiện nay, số lượng người khuyết tật mức độ nặng ở tỉnh ta là 28.000 người, người bị tâm thần có hành vì gây nguy hiểm cho gia đình và xã hội là 4.280  người. Hai dạng khuyết tật chiếm tỷ lệ cao ở tỉnh ta đó là khuyết tật hệ vận động và khuyết tật liên quan đến hệ thần kinh, trí tuệ. Số lượng người khuyết tật chiếm khoảng 5,2% dân số toàn tỉnh, 90% sống ở nông thôn, miền núi, bãi ngang vì thế nên họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại, giao tiếp, tiếp cận với các dịch vụ cơ bản. Trình độ học vấn của người khuyết tật tỉnh ta nhìn chung còn thấp, phần lớn học xong bậc tiểu học. Đa số họ không thể sống tự lập mà chủ yếu dựa vào người thân, gia đình, chỉ có 10% tạo được thu nhập.
 
Cùng với quyền của con người, vấn đề quyền của người khuyết tật đang thu hút sự chú ý của các chuyên gia. Vươn lên hòa nhập cộng đồng là ước ao của tất cả những người khuyết tật. Việc khiếm khuyết đi một phần cơ thể không làm mất đi giá trị cũng như năng lực của người khuyết tật. Tuy vậy, do những rào cản vô hình như sự phân biệt, đối xử từ cộng đồng cũng như sự mặc cảm của người khuyết tật nên việc hòa nhập cộng đồng của họ gặp khá nhiều khó khăn. Có hiệu lực từ ngày 1-1-2011, Luật NKT ra đời quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật; trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội đối với người khuyết tật. 
Tập huấn tuyên truyền thực thi Luật Người khuyết tật ở Lệ Thủy.
Tập huấn tuyên truyền thực thi Luật Người khuyết tật ở Lệ Thủy.
Tuy nhiên thực tế, việc ban hành và thi hành văn bản pháp luật, chính sách nói chung và Luật NKT nói riêng vẫn còn một số điểm tồn tại, hạn chế. Một bộ phận người khuyết tật và gia đình có người khuyết tật vẫn chưa nắm bắt, hiểu rõ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Rất nhiều người mong muốn thoát nghèo, mong được học nghề, tìm việc, mở rộng cơ sở kinh doanh và có nhu cầu vay vốn... nhưng không biết các thủ tục để thực hiện xác nhận người khuyết tật, mức độ khuyết tật và tìm hiểu các quyền, nghĩa vụ của người khuyết tật trong chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dạy nghề, việc làm.
 
Hoạt động thúc đẩy thực thi Luật NKT được tiến hành ở nhiều hình thức như tập huấn để nâng cao nhận thức pháp luật, tuyên truyền bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp nói chung cũng như quyền, lợi ích hợp pháp đặc thù đối với người khuyết tật như: quyền được chăm sóc sức khỏe (khám chữa bệnh, chỉnh hình, phục hồi chức năng), trợ cấp xã hội, được học tập, học nghề, tạo việc làm, tham gia các hội của người khuyết tật.
 
Hội vì sự phát triển của người khuyết tật tỉnh Quảng Bình (AEPD) luôn đánh giá công tác trợ giúp pháp lý, thúc đẩy thực thi Luật NKT cho người khuyết tật là một trong những hoạt động trọng tâm của hội. Bà Nguyễn Thị Thanh Hồng, Quyền Chủ tịch AEPD cho biết: Bên cạnh việc xây dựng hệ thống tài liệu, đặc biệt là sách giải đáp pháp luật cho người khuyết tật thì AEPD còn chú trọng việc lồng ghép những nội dung về pháp luật, chính sách liên quan đến người khuyết tật xuyên suốt trong các hoạt động của mình.
 
Ngoài ra, AFPD còn về tại cơ sở để mở các lớp tập huấn, tuyên truyền thực thi Luật NKT, các hoạt động của hội thảo đều nhằm mục đích góp phần nâng cao hiểu biết về luật và từng bước thực hiện các giải pháp trong nguồn lực sẵn có để thúc đẩy việc thực thi Luật NKT. Hội thảo còn là cơ hội để người khuyết tật bộc bạch suy nghĩ và mong ước của họ về một thế giới bình đẳng trên tất cả các phương diện của cuộc sống.
 
Đội ngũ cán bộ thực địa, cộng tác viên cơ sở của AEPD chính là những người giải đáp kịp thời thắc mắc của người khuyết tật, họ đóng vai trò kết nối với những đơn vị liên quan để người khuyết tật có thể tìm ra cách thức giải quyết hiệu quả vấn đề mà họ đang vướng mắc. Khó khăn lớn nhất chính là tìm được sự chia sẻ từ người khuyết tật, bởi không phải bất cứ người khuyết tật nào đều có thể dễ dàng vượt qua rào cản tâm lý của chính mình và tìm đến địa chỉ để được tư vấn, giúp đỡ. Phối hợp với phương tiện truyền thông để tuyên truyền Luật NKT, tăng cường, thúc đẩy thực thi Luật NKT là việc làm cần thiết giúp hiện nay.
 
Trong thời gian tới, ngoài việc tăng cường hỗ trợ nguồn lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất cho người khuyết tật thì cần đề cao hơn nữa trách nhiệm của các cấp, ban ngành, hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân, tạo điều kiện để người khuyết tật hòa nhập cuộc sống. Mục tiêu hướng tới của kế hoạch trợ giúp NKT giai đoạn 2014 - 2020 là 100% người khuyết tật thuộc đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp xã hội và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, tiếp cận dịch vụ y tế; 75% trẻ khuyết tật được tiếp cận giáo dục dưới mọi hình thức; 90% người khuyết tật trong độ tuổi lao động được vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, được học nghề, tạo việc làm...
 
Thanh Hoa