.

Vững vàng trên đôi chân nhỏ

Thứ Năm, 17/04/2014, 13:46 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong ngôi nhà nhỏ tại thôn 1, xã Lý Trạch (huyện Bố Trạch), người phụ nữ ngoài 60 tuổi cẩn trọng rót nước mời khách. Khi khách muốn biết câu chuyện "kỳ diệu" về đứa con trai đầu lòng của mình, gương mặt bà sáng lên, không dấu nổi niềm tự hào: "Bố mẹ nào mà chẳng mong con cái tìm được nghề tự nuôi sống mình. Người bình thường còn khó, đằng này hắn lại bị tật nguyền". Và câu chuyện bà thuật lại với đoạn kết rất có hậu.

Bà tên Nguyễn Thị Dung, câu chuyện tựa "cổ tích" kể về đứa con trai cả của mình, Lê Minh Anh, sinh năm 1976. "Vợ chồng có đến 7 người con. Lúc Minh Anh vừa lọt lòng đôi chân đã tàn tật rồi. Ông nhà từng ở trong quân ngũ 16 năm, một thời gian chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị nên có thể Minh Anh bị ảnh hưởng chất độc da cam. Thấy hình hài con không nguyên lành, vợ chồng buồn lắm, khóc hết nước mắt. Nhà nghèo, các em của Minh Anh lần lượt ra đời, tình thương bố mẹ san sẻ đều nên tuổi thơ  Minh Anh chan đầy mặc cảm".

"Những năm 78- 80, bộ đội về đóng quân trong làng, thấy thằng cu Anh tật nguyền, đôi chân ngắn củn cỡn, mãi chẳng chịu đi. Các chú tìm vỏ sò,  vỏ hến giã ra, chắt lấy nước cho Minh Anh uống, tăng thêm chất can xi. Bốn tuổi, Minh Anh lẫm chẫm. Lên sáu... xin bố mẹ đến trường học chữ. Tuy cao chẳng bằng chúng bạn nhưng bù lại, Minh Anh sáng dạ, ngoan hiền nên được thầy cô, bạn bè quý mến. Năm học lớp 8, Minh Anh đến nhà chú ruột chơi, hồi đó chú làm thợ mộc, suốt ngày cọ cưa, đục đẽo. Thấy nghề mộc hay hay, Minh Anh quyết định ngoài thời gian đến trường, lúc rảnh rỗi xin chú truyền nghề lại cho".

Tốt nghiệp THCS, theo chúng bạn ra tận thị trấn Hoàn Lão học THPT, đường từ nhà đến trường hơn chục cây số, ngày nắng cũng như ngày mưa, bạn thân thay nhau đến nhà đưa đón Minh Anh. Lúc này cậu đã lớn, mặc cảm lớn dần theo, không muốn làm phiền đến các bạn, Minh Anh quyết định thôi học, rẽ ngang sang làm thợ mộc với chú ruột. "Hồi đó nhà có cái xe máy như bây giờ hoặc có tuyến xe buýt  ngang qua thì thằng Anh không bỏ học mô"- Bà Dung tâm sự đầy tiếc nuối.

Minh Anh tại xưởng mộc của mình.
Minh Anh tại xưởng mộc của mình.

Năm 2006 trở thành một dấu mốc quan trọng đối với cuộc đời chàng trai trẻ tật nguyền thân hình cao chưa đầy mét Lê Minh Anh khi cậu quyết định khởi nghiệp, mở xưởng mộc ngay tại nhà với số tiền 6 triệu đồng vay từ bạn bè. Số tiền này chỉ mua đủ chiếc máy bào liên hoàn "Made in China". Khách hàng đầu tiên đồng ý cho Minh Anh thử tay nghề là người cậu ruột. Ngôi nhà cậu đang làm mới, cậu giao cho Minh Anh đảm nhận phần mộc. Công trình làm xong, khách đến thăm khen nức nở về mức độ khéo, khó của những khối gỗ sinh động, mang tính mỹ thuật cao. Họ càng ngạc nhiên hơn khi biết phần việc này hoàn thành bởi một chàng thợ mộc mới toanh và tật nguyền. Tiếng tăm của Lê Minh Anh từ đó vang xa.

Chúng tôi đang ngồi trò chuyện với bà Dung thì Minh Anh cùng những người thợ trong xưởng mộc trở về. Trước mặt chúng tôi là một Minh Anh "chú lùn" thực thụ, trên gương mặt lấm lem bụi gỗ luôn thường trực nụ cười, cậu khoe: "Việc làm không ngạ, các anh ơi! Hiện tại chúng em đang đảm nhận phần mộc cho 8 công trình nhà ở tại xã Lý Trạch".

Từ thành công ban đầu, cơ sở mộc của Minh Anh phát triển dần lên. Tài sản hiện có của ông chủ trẻ này trên 250 triệu đồng, chưa tính đến gỗ lạt. Tự hào một điều là xưởng chưa một lần vay nợ ngân hàng. "Nhu cầu vay vốn, cần lắm chứ"- Minh Anh cho biết- "Để mở rộng nhà xưởng, nhận thêm công nhân, em cần vay từ 100 đến 150 triệu đồng". Hiện tại xưởng mộc tạo công ăn việc làm cho 5 lao động, trong đó 3 lao động chính mức lương 6 triệu đồng/ tháng; hai lao động thời vụ là người tàn tật, thù lao 220 nghìn đồng/ngày.

Năm 2009, khi thi công phần mộc cho một người trong xã Lý Trạch, Minh Anh gặp cô gái Trần Thị Trúc đang phụ thợ nề tại đó. Chuyện qua, chuyện lại, họ kết nhau lúc nào chẳng biết. Nhưng khổ... Trúc bình thường, cao ráo, Minh Anh "chú lùn", bên nhau như đôi đũa lệch, thành ra cậu con trai tự ti, không dám mở lời. Rồi bạn bè, gia đình hai bên vun vào. Trần Thị Trúc cảm thông cho hoàn cảnh của chàng trai "bé hạt tiêu" giàu nghị lực, cô gật đầu về làm vợ.

Đôi vợ chồng trẻ lên UBND xã đăng ký kết hôn, nhà nghèo khó nên chỉ làm mâm cơm đạm bạc báo cáo tổ tiên, ra mắt đằng trai, đằng gái và bạn bè thân hữu. Năm 2010, niềm vui của đôi vợ chồng nhân lên gấp bội khi tình yêu của họ đơm hoa kết trái, con trai đầu lòng Lê Xuân Phóng ra đời, bình thường, khôi ngô, tuấn tú. Con trai bình thường như bao đứa trẻ khác khiến Minh Anh như gỡ bỏ đi một gánh nặng trong lồng ngực mình.

Cuộc đời tạo nên cho Lê Minh Anh một số phận khá nghiệt ngã, bất hạnh từ những ngày còn ấu thơ. Nhưng cuộc đời lại cho cậu một câu chuyện tựa cổ tích, kết thúc rất có hậu. Minh Anh bây giờ ngày ngày vẫn vững vàng trên đôi chân tật nguyền, vui với nghề nghiệp đã lựa chọn cùng hạnh phúc bên vợ thảo, con ngoan. "Đừng vội bi quan khi sớm chịu thiệt thòi trong cuộc sống. Cuộc đời thật đẹp khi mình không là gánh nặng với chính bản thân mình và những người thân thích"- Lê Minh Anh nhẹ nói với chúng tôi khi chia tay mà tôi cảm giác như cậu đúc kết lại câu chuyện cuộc đời mình.

Thanh Long