.
Mỗi tuần một chuyện:

"Dò" theo... kinh nghiệm

Thứ Tư, 26/02/2014, 15:33 [GMT+7]

(QBĐT) - Thông thường, khi cấp có thẩm quyền ra quyết định thành lập một tổ chức (cơ quan, đơn vị...) trong đó có quy định về tổ chức bộ máy; quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đó; trường hợp tổ chức đó tách ra hay nhập vào cũng có quyết định tương tự.

Hoặc tùy theo chức năng nhiệm vụ của từng tổ chức, để quy định bộ máy, tương ứng có đội ngũ cán bộ có nghiệp vụ chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ, như cán bộ bệnh viện chủ yếu được đào tạo ngành y, dược; giáo viên các cơ sở giáo dục được đào tạo sư phạm, hay cán bộ tòa án, viện kiểm sát được đào tạo về pháp luật...

Nguyên lý chung là như vậy, song thực tế lại “nói zdậy mà không phải zdậy”, như các chuyện sau: Sau khi đoàn lãnh đạo tỉnh đi kiểm tra, làm việc với đơn vị A mới “tá hỏa” ra rằng từ khi thành lập đến nay, đã hơn 20 năm nhưng đơn vị chưa có quyết định của cấp có thẩm quyền quy định về chức năng, nhiệm vụ của đơn vị!

Sau hơn 2 thập kỷ, đơn vị đã qua 5 vị thủ trưởng, nhưng vị tiền nhiệm trước giao cho vị kế nhiệm sau về tài sản, con người và tài chính, còn chức năng nhiệm vụ thì... theo kinh nghiệm, theo “đà quán tính” mà làm! (chỉ đến thế hệ thủ trưởng thứ 5 mới nghĩ đến là đơn vị cần có quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ). Điều đáng ngạc nhiên và kính nể đơn vị hơn là bởi hơn 20 năm qua tuy không được quy định chức năng, nhiệm vụ, nhưng đơn vị vẫn tự biết việc mà làm, thậm chí còn làm tốt nữa, thể hiện trong phòng họp đơn vị được treo nhiều cờ thi đua và bằng khen các cấp...

Chuyện khác: Đơn vị B là đơn vị sự nghiệp, hoạt động trên lĩnh vực kỹ thuật; với nhiệm vụ và tính chất công việc của đơn vị, lẽ ra đội ngũ cán bộ chủ yếu phải được đào tạo về các chuyên ngành kỹ thuật, nhưng thật ngạc nhiên sau đợt kiểm tra, rà soát của cơ quan có thẩm quyền thì phát hiện cán bộ của đơn vị phần lớn là “ngoại đạo” về kỹ thuật, đó là những cử nhân luật, quản trị-kinh doanh và các chuyên ngành xã hội khác, tức là những cử nhân này học một đằng làm một nẻo!

Quan niệm lâu nay thường cho rằng: Mỗi cơ quan, đơn vị muốn hoạt động được phải có quy định về tổ chức bộ máy,  vị trí, chức năng, nhiệm vụ, đó là cơ sở, là “kim chỉ nam” cho hoạt động của cơ quan, đơn vị; hoặc để phát huy kiến thức đã học thì “học đi đôi với hành”. Tuy nhiên, với hai trường hợp trên lại không đúng như vậy, nhưng lâu nay vẫn tồn tại bình thường, thậm chí là tốt nữa... Và như vậy chẳng nhẽ quan niệm... sai?

Đăng Thức