Kỷ niệm 59 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2013):

Hồi ức Điện Biên

Cập nhật lúc 07:38, Thứ Ba, 07/05/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Đã gần 60 năm trôi qua từ ngày tham gia chiến dịch, nhưng cựu chiến binh Dương Đình Hảo (xã Hòa Trạch, Bố Trạch) vẫn còn nhớ như in về Điện Biên Phủ và những tháng ngày oanh liệt. Ông đã có mặt từ đầu chiến dịch cho đến lúc quân ta cắm cờ lên nóc hầm tướng Đờ-Cát (De castries)...

Sinh năm 1930, năm 1952, ông Dương Đình Hảo nhập ngũ và được biên chế vào Trung đoàn 57, Quân khu 4 cũ. Tháng 1-1953, ông được lệnh ra bắc và chuyển sang tiểu đoàn 16 công binh trực thuộc Sư đoàn 316, đóng quân tại Tuần Châu (Hạ Long).

Thời điểm này, cuộc kháng chiến chống quân Pháp của nhân dân ta đã bước sang năm thứ 8. Từ nhận định không thể thắng được cuộc chiến tranh này, như mục tiêu đã đề ra, Bộ chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương đã đề ra kế hoạch Nava, nhằm bình định Việt Nam trong 18 tháng để tiến đến một giải pháp thương lượng trên thế mạnh có lợi cho Pháp.

Về phía chúng ta, trên khắp các chiến trường, đặc biệt vùng Tây Bắc, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Thượng Hạ Lào, quân đội dồn dập phản công quyết liệt, buộc đối phương phải phân tán lực lượng cơ động. Nhận rõ ý đồ chiến lược của Việt Nam, Bộ chỉ huy quân đội Pháp ra sức tập trung quân, xây dựng lòng chảo Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh, nhằm hút chủ lực của quân đội Việt Nam vào cuộc chiến. Về phía ta, nhận định đây là thời cơ để tiêu diệt sinh lực địch, Bộ chỉ huy quân đội Việt Nam quyết định mở chiến dịch tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Chiến sĩ Điện Biên Dương Đình Hảo và những kỷ vật chiến trường.
Chiến sĩ Điện Biên Dương Đình Hảo và những kỷ vật chiến trường.

Sư đoàn 316 công binh là một trong những đơn vị có mặt tại Điện Biên Phủ ngay từ những ngày đầu chiến dịch. Thời điểm ấy, ông Dương Đình Hảo là thượng sĩ và là tổ trưởng. Sư đoàn bộ binh 316 của ông có nhiệm vụ đào hào nhằm thực hiện chiến thuật "vây lấn" cứ điểm Điện Biên Phủ. Ông đã cùng đồng đội đào hệ thống giao thông hào dần dần bao vây và siết chặt, tiếp cận vào các vị trí trọng yếu của giặc. Với quyết tâm cao độ, họ vừa đào hào vừa chiến đấu. "Chúng tôi đào ngày, đào đêm, cuộc sống dường như diễn ra dưới chiến hào. Có nhiều đồng đội của tôi đã bị thương và hy sinh ngay tại chiến hào...", ông Hảo bồi hồi kể lại.

Ngày 13-3-1954, ngày đầu tiên của chiến dịch Điện Biên Phủ, quân ta nổ súng tấn công các điểm vòng ngoài gồm các cao điểm Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo... Vừa đào và củng cố hệ thống giao thông hào, ông Dương Đình Hảo cùng đồng đội của mình vừa tham gia chiến đấu. Sau trận đánh đồi Him Lam, đơn vị ông tiếp tục đào hào vào tận vòng trong để chuẩn bị cho đợt hai của chiến dịch. Ông Hảo kể: Từ cuối tháng 3 cho đến hết tháng 4, quân ta và quân địch giành giật nhau từng tấc đất. Cả đơn vị hầu như không nghỉ. Thương vong nhiều và cuộc chiến vô cùng gian khổ, nhưng tất cả đều vững lòng tin. Ai cũng muốn được chiến đấu với quân địch, cho dù có phải hy sinh!

Ngày 5-4-1954, trong lúc đang làm nhiệm vụ, ông Hảo bị thương vào đầu. Tổ của ông có 4 người thì đã có một người hy sinh, ba người (trong đó có ông) bị thương. Dù vết thương không nhẹ, ông Hảo vẫn xin được ở lại chiến đấu để thay cho những đồng đội của mình bị thương nặng phải đưa về tuyến sau chữa trị. Với lòng gan dạ, anh dũng của mình trong chiến đấu, ngày 9-4-1954, ông đã vinh dự được kết nạp Đảng ngay tại chiến hào. "Lúc đó, tôi xúc động vô cùng. Và tôi tự hứa với mình sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để xứng đáng với niềm tin của Đảng và đồng đội...", cựu chiến binh Dương Đình Hảo chia sẻ.

Với quyết tâm ấy, rạng sáng 1-5-1954, ông Hảo đã vinh dự có mặt trong đội quân tham gia đợt tổng tấn công vào cứ điểm Điện Biên Phủ. Để chống lại hệ thống hầm ngầm cố thủ của giặc Pháp, bộ đội công binh của ta, trong đó có Sư đoàn 316 đã đào một hầm ngầm phía dưới và cho nổ 1 tấn thuốc nổ hất tung hệ thống hầm ngầm cố thủ cuối cùng. Sáng 7-5-1954, các hệ thống phòng thủ của Pháp bị thất thủ hoàn toàn.

Ông Hảo kể: Vào khoảng 9 rưỡi sáng ngày 7-5, khi ta gần chiếm trọn cứ điểm Điện Biên Phủ, có một tên lính dù rơi xuống trận địa. Chiến sĩ tiểu đoàn 16 kêu gọi tên địch đầu hàng nhưng hắn điên cuồng bắn trả, gây thương vong cho 3 chiến sĩ của ta. Trước tình hình này, ông Hảo báo cáo với tiểu đoàn trưởng và xung phong được bắt sống tên địch. "Được tiểu đoàn trưởng đồng ý, tôi men theo hệ thống giao thông hào. Lúc tiếp cận sát với tên địch, tôi dùng lưỡi lê đâm hắn bị thương và sau đó nhảy lên bắt sống. Tình thế lúc ấy rất nguy hiểm nhưng tôi chẳng hề sợ, chỉ nghĩ đến chiến thắng của quân ta và những đồng đội của mình vừa hy sinh và bị thương thôi. Sau đó, quân ta làm chủ hoàn toàn trận địa và bắt tướng Đờ-Castri đầu hàng...", ông Hảo bồi hồi nhớ lại.

Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Dương Đình Hảo và Sư đoàn 316 được rút về tiếp quản Thanh Hóa. Năm 1958 ông trở lại Điện Biên cho đến năm 1962 thì về quê hương và phục viên với quân hàm trung úy. Năm 1965, ông tiếp tục tham gia lực lượng thanh niên xung phong tại chiến trường Quảng Trị cho đến năm 1966.

Hơn mười năm làm lính công binh của Sư đoàn 316 anh hùng và may mắn tham gia trọn vẹn chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, ông đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất và hạng nhì, Huân chương Quân công hạng nhất và hạng ba, Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên... Ngày 19-5-2012, ông đã được trao tặng danh hiệu 55 năm tuổi Đảng. Đó là những phần thưởng cao quý ghi nhận đóng góp của người lính, người đảng viên một lòng vì Tổ quốc, vì nhân dân.

Năm nay, cựu chiến binh Dương Đình Hảo đã bước vào tuổi 83. Ông sống thanh thản ở quê với mức lương thương tật 960 ngàn đồng/tháng. Nói về người vợ của mình, bà Dương Thị Ngưng, ông Hảo cười hiền "Tôi mải mê đi chiến đấu rồi tham gia các công việc ở địa phương, 7 đứa con là do một tay bà ấy nuôi. Bố vợ tôi là liệt sĩ chống Pháp. Hồi ông bị địch giết, tôi còn tham gia hoạt động ở địa phương nên Mặt trận phân công về giúp đỡ gia đình bà ấy. Sống gần nhau rồi thì ưng nhau nhưng mãi đến gần 6 năm sau (1957), tôi và bà ấy mới cưới nhau...".

Nói về người Chiến sĩ Điện Biên năm xưa, ông Nguyễn Hồng Thanh, Chủ tịch UBND xã Hòa Trạch cho biết: Ông Hảo là một người gương mẫu trong cuộc sống, xứng đáng để thế hệ con cháu noi theo. Cuộc sống gia đình ông và 7 người con dù còn nhiều vất vả, nhưng họ luôn chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, được bà con xóm giềng yêu quý...

                                                                                    Ngọc Mai



 

,
.
.
.