Các cung bậc của... nước sạch

Cập nhật lúc 16:59, Thứ Sáu, 03/05/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Vùng giữa của Lệ Thuỷ là vùng chiêm trũng. Có lẽ khi "cắm sào" lập nghiệp ở đây, ông tổ của vùng đất này đã nhìn thấy sự màu mỡ của đất đai và cả dòng Kiến Giang với nguồn nước dồi dào, trong lành... Nhưng thời gian cùng với  sự bùng nổ về dân số và cả sự cẩu thả trong ứng xử với môi trường sống của chính con người, dòng Kiến Giang đã không còn sự trong lành như trước nữa và nước sạch trở nên bức bách với người dân đôi bờ. Và cuộc tìm kiếm nước sạch ở vùng chiêm trũng đã có những cung bậc khác nhau trải dài hàng thập kỷ...

Từ ngày xửa, ngày xưa, người dân vùng giữa chỉ biết đến nước trên dòng Kiến Giang trong sinh hoạt hàng ngày. Không chỉ làm căng tròn hạt lúa, củ khoai, nuôi sống bao thế hệ cư dân đôi bờ, góp phần giữ vững an ninh lương thực cho Lệ Thuỷ và cả tỉnh mà dòng Kiến Giang là nguồn nước phục vụ trực tiếp sinh hoạt hàng ngày cho hàng vạn người dân trong vùng...

Đến thế hệ như chúng tôi lớn lên trong chiến tranh, gắn bó máu thịt với dòng sông, in đậm trong ký ức về một dòng Kiến Giang trong lành, mát rượi... Chỉ cần vục nước sông với chè xanh chợ Trạm (Mỹ Thuỷ) đun sôi là có thứ nước tuyệt hảo. Dòng Kiến Giang còn là nơi bơi lội tung tăng, nô đùa của lớp trẻ, nhất là về mùa hè. Lúc ấy chẳng có chỗ chơi dành cho trẻ con nhưng ngay trên dòng sông bọn trẻ cũng đã có đủ trò chơi bất tận...

Dòng Kiến Giang qua Mũi Viết. Ảnh: P. V
Dòng Kiến Giang qua Mũi Viết. Ảnh: P. V

Bởi vậy dân vùng giữa đều biết bơi, từ già tới trẻ, từ nam tới nữ đều biết bơi. Nhưng rồi khi dân số tăng nhanh, đất chật người đông, nhiều cơ sở sản xuất, nhà ở lấn xuống sát bờ sông cùng với nhiều chất độc hại, rác thải, chất thải  sinh hoạt xả thẳng xuống dòng sông đã làm cho dòng Kiến Giang không còn trong lành nữa, thậm chí bị ô nhiễm. Không những thế, dòng Kiến Giang không phải lúc nào cũng đầy ắp nước ngọt, có nhiều năm hạn hán nước mặn thẩm thấu lên đến chợ Trạm (Mỹ Thuỷ). Khi đập An Lạc và sau này là đập Mỹ Trung hiện hữu, có năm hạn hán đã làm dòng Kiến Giang cạn dòng, trơ đáy, đấy là những năm 1977, 1998... Người dân vùng giữa đã bao phen lao đao vì thiếu nước ngọt trong sinh hoạt hàng ngày.

Từ giếng đào đến giếng khoan

Trong bối cảnh ấy cùng với nhận thức về vệ sinh môi trường của người dân được nâng cao, đầu những năm 70 lác đác có những gia đình nghĩ đến chuyện đào giếng và phong trào đào giếng nở rộ sau năm 75, khi hết chiến tranh, đất nước thống nhất. Nhưng có lẽ, đặc điểm địa chất vùng giữa là trũng thấp được bồi lắng phù sa mà nên, vì vậy nước giếng không ngon vì phèn và một số kim loại nặng, nước có độ cứng cao...

Một trong những biểu hiện rõ nhất là nước có vị mặn, nấu chè không có màu xanh hoặc màu xanh chỉ trong thời gian ngắn sau đó chuyển màu đỏ quạch, mất mùi chè, đóng váng... Bởi vậy, dù có nước giếng nhưng thảng hoặc vẫn có người dùng nước sông để nấu nước chè xanh, dù biết nước sông khá...bẩn. Chỉ có nước sông dùng đun chè mới có thứ nước chè xanh đúng nghĩa, mới hợp khẩu vị những người nghiện... chè.

Nói đến vùng giữa Lệ Thuỷ mà không đề cập đến mùa lũ thì quả là chưa thật đầy đủ. Tất nhiên trong bài viết này không nói đến những thiệt hại do lũ lụt gây ra mà chỉ đề cập đến sự phiền toái của màu nước phù sa đặc quánh của nó và sự bất tiện khi phải sống chung với lũ. Vâng, mùa lũ cả vùng giữa thành một biển nước và hầu hết giếng nước trong vùng cũng ngập sâu dưới làn nước bạc. Có nhiều sáng kiến để bảo vệ giếng nước khỏi bị thứ nước không lấy gì làm vệ sinh trong những ngày lũ gây bẩn nhưng xem ra đó cũng chỉ là "làm phép", bản chất của nước giếng lúc ấy cũng đã bị ô nhiễm như chính nước lũ với bao thứ tạp chất nó cuốn theo, hoà tan trong đó.

Bể chứa nước máy của xã An Thuỷ.
Bể chứa nước máy của xã An Thuỷ.

Chính thực tế trên mà việc tìm kiếm nước sạch ở vùng giữa lại tiếp tục đến cung bậc thứ ba, là khoan giếng. Đây là "công nghệ mới" tìm nguồn nước sạch lan đến vùng giữa từ  đầu những năm 90. Những đội khoan giếng thủ công đã đến từng nhà hợp đồng miệng để khoan giếng. Lúc đầu là những gia đình thuộc hàng khá giả trong thôn, xóm tiên phong khoan tìm nguồn nước. Thợ khoan cứ khoan đến khi nào gặp nước thì dừng lại. Có mũi khoan 20-30 mét, có mũi đến 37-38 mét mới gặp nước.

Sau gần một thập kỷ, tỷ lệ giếng khoan ở vùng giữa đã tăng vọt. Riêng ở làng Xuân Lai (xã Xuân Thuỷ) cũng có đến 90% số hộ gia đình có giếng khoan. Nước giếng khoan có thể tạm coi là khá vệ sinh bởi được lấy ở các túi nước trong lòng đất. Nhưng khi sử dụng vẫn có những biểu hiện dễ nhận biết là nhiều giếng khoan không chỉ nấu nước chè không ngon mà còn đọng cặn trong các dụng cụ dùng đựng nước hoặc nấu nước...Và, không phải ai cũng đầu tư để có được những mũi khoan sâu 30-40 mét. Với những mũi khoan 15-20 mét ắt hẳn chưa thể coi là nước thật sự sạch... Đưa mẫu đi kiểm tra, người dùng mới nhận thấy có những chất lạ trong nguồn nước, như có chứa các kim loại nặng như sắt, đồng, măng gan... Và cuộc tìm kiếm nước sạch của người dân vùng giữa chưa dừng lại.

Và giếng khoan có đẳng cấp hơn...

Những năm đầu của thế kỷ 21, một nhà máy nước sạch ở vùng giữa đã được tỉnh đầu tư xây dựng ở Thượng Giang (thị trấn Kiến Giang) để cung cấp nước cho thị trấn Kiến Giang. Đây là sự mở đầu cho một thời kỳ mới về nước sạch ở vùng giữa và đến nay đã có trên 2.000 hộ dân và các cơ quan, đơn vị trong khu vực sử dụng sản phẩm của nhà máy này. Sau Nhà máy nước Kiến Giang, một số nhà máy nước khác cũng đã hiện hữu.

Tại xã An Thuỷ, nơi cuối nguồn Kiến Giang và hiển nhiên sự ô nhiễm nặng hơn nhiều nơi khác, từ năm 2009 đã có một nhà máy nước do ngân sách tỉnh đầu tư. Đây là giếng khoan với độ sâu 38 mét xuống lòng đất, nước được xử lý và đẩy lên bể cao khoảng 20 mét để cấp cho các hộ dân. Tại thôn Thạch Bàn, chị Lê Thị Dương cho biết gia đình chị dùng nước máy của xã mấy năm nay, nước cấp khá đều đặn ngày hai lần vào buổi sáng và tối, giá mỗi m3 nước là 5 ngàn đồng. Tôi hỏi giá như vậy có cao quá không, chị cho biết, giá như vậy là hơi cao, nhưng mình dùng dè sẻn, ngoài nước máy gia đình còn dùng các nguồn nước khác nên hàng tháng không phải trả quá nhiều tiền nước.

Về chất lượng nước, chị nói, không "ngon" bằng... nước sông! Tôi chỉ tay về phía bên khi con hói nhỏ là địa phận thôn Phú Thọ, nơi đang tấp nập kẻ giặt, người gội đầu bằng thứ nước nguyên bản... Kiến Giang và thắc mắc tại sao họ vẫn dùng nước bẩn? Chị Dương nói, bên nớ chưa có nước sạch!

Đem điều băn khoăn này trao đổi với anh Trần Đức Tài, Chủ tịch UBND xã An Thuỷ, anh cho biết nước máy mới chỉ đủ cấp cho 55% số hộ dân trong xã, có 3 thôn chưa có nước của dự án. Để có đủ nước cho cả xã, dự án đang tiến hành giai đoạn 2, hiện tại theo anh Tài, dự án đã được phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật... Còn về chất lượng nước, theo anh Dương Văn Hùng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, qua kiểm tra mẫu, chất lượng nước tại các nhà máy nước trên địa bàn vùng giữa đều bảo đảm tiêu chuẩn nước sinh hoạt...

Hộ gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết ở thôn Lộc An, xã An Thuỷ đã sử dụng nước máy của xã.
Hộ gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết ở thôn Lộc An, xã An Thuỷ đã sử dụng nước máy của xã.

Với xã Phong Thuỷ, theo anh Nguyễn Cao Côi, Chủ tịch UBND xã, tổ chức Đông Tây Hội Ngộ đã tài trợ cho địa phương một nhà máy nước với khoản kinh phí 2,5 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 700 triệu đồng để kết nối hệ thống đường ống, đủ cung cấp cho 95% hộ dân của địa phương, chấm dứt tình trạng sử dụng nước sông và nước giếng không hợp vệ sinh từ ba năm nay.

Cũng là một xã của vùng giữa  nhưng đến đầu năm ngoái xã Xuân Thuỷ mới có dự án nước sạch từ sự đầu tư của ngân sách tỉnh. Anh Dương Văn Nở, Chủ tịch UBND xã, cho biết, dự án có vốn đầu tư 7,3 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 40%. Theo kế hoạch đến năm 2014 mới hoàn thành, hiện tại đã khoan được 3 giếng độ sâu 50 mét, xây dựng móng tháp và 2,5km đường ống...

Thế xem ra, Xuân Thuỷ đang "đi sau" nhiều địa phương khác ở trong vùng về dùng nước sạch. Nhưng theo anh Nở, khoảng 80% hộ dân địa phương đã có giếng khoan và 20% là giếng đào, dù nước chưa thật... sạch, nhưng đã chấm dứt dùng nước sông để ăn từ rất lâu. Sau khi dự án hoàn thành người dân sẽ đấu nối để sử dụng nước hợp vệ sinh hơn. Anh Hoàng Hải Hà ở thôn Xuân Lai cho biết nhà anh cũng đã có nước khoan, nhưng sau khi có nước của dự án cũng sẽ tham gia sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh hơn của xã...

Theo anh Phạm Hữu Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy đến lúc này Vùng giữa đã có 80% số hộ dân dùng nước hợp vệ sinh. Với những nỗ lực của chính quyền địa phương, ý thức của người dân, nước sạch không còn xa lắm với những hộ dân còn lại. Chỉ có điều vẫn còn những băn khoăn về các dự án đã đầu tư.

Bắt đầu từ câu nói của chị Dương ở thôn Thạch Bàn xã An Thuỷ, rằng nước máy không "ngon" bằng nước sông, từ ngon ở đây phải hiểu là khi pha trà hay nấu chè xanh không được như nấu bằng nước sông. Phải chăng, vẫn còn những tạp chất "kỵ" với chè xanh còn lại trong nước máy? Vấn đề đó đặt ra là phải tiếp tục đầu tư nâng cấp việc xử lý để có nước tốt hơn. Vấn đề khác là với vùng giữa, việc có nhiều giếng khoan về lâu dài khó tránh khỏi ảnh hưởng đến kết cấu của tầng đất. Trong khi có những nguồn nước khá phong phú ở Lệ Thuỷ như Bàu Sen, hồ An Mã... để có thể đầu tư cấp nước cho không chỉ vùng giữa mà cả các khu vực khác trong huyện, đành rằng sự đầu tư sẽ lớn hơn, giá thành sẽ cao hơn nhưng đổi lại có những giá trị bền vững hơn...

Nước trên dòng Kiến Giang bị ô nhiễm, đó là một thực tế. Dù rằng trong chuyến đi này về vùng giữa, trên sông Kiến Giang chúng tôi chưa hề bắt gặp một hình ảnh gây sốc nào như xác động vật, gia súc, gia cầm trên sông, hay rác rưởi vứt bừa bãi xuống sông... Nhưng điều bất ngờ với chúng tôi là cảnh tắm, giặt trên sông khá náo nhiệt. Đặc biệt ở vùng hạ lưu, độ ô nhiễm có thể nhìn thấy bằng mắt mà người dân vẫn vô tư tắm giặt, gội đầu... Thói quen này đáng ra phải được chấm dứt từ lâu mới phải!

                                                                         Văn Hoàng







 

,
.
.
.