Kỷ niệm 59 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2013):

Gặp lại cựu binh Điện Biên

Cập nhật lúc 07:36, Thứ Ba, 07/05/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - 59 năm đã trôi qua sau ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, người lính năm xưa nay đã bước qua tuổi 80 nhưng ký ức về những ngày tháng hào hùng cùng đồng đội “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” vẫn không hề phai nhạt. Ông là cựu chiến binh Đỗ Như Quán, một trong những chiến sĩ Điện Biên đã góp phần xương máu, anh dũng chiến đấu để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lẫy lừng năm châu, chấn động địa cầu”.

Trong những ngày cả nước đang náo nức kỷ niệm 59 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi đã về thôn Trung Vũ, xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) tìm gặp cựu chiến binh Đỗ Như Quán để tìm hiểu về những năm tháng hào hùng đã đi qua cuộc đời ông. Lạc quan, yêu đời, giàu tình cảm, đó là những ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về ông Quán.

Khi biết thế hệ trẻ chúng tôi muốn tìm hiểu về lịch sử hào hùng của dân tộc và những cống hiến của các thế hệ ông cha đi trước, ông vui lắm. Đi qua nhiều chiến trường, với hàng chục trận đánh ác liệt, nhưng với ông có lẽ chiến dịch nhớ nhất và tự hào nhất đó là chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ngược dòng ký ức, người cựu chiến binh ấy kể cho chúng tôi nghe về những ngày tháng hào hùng không thể nào quên. Ngày đó, khi là một thiếu niên 13 tuổi, Đỗ Như Quán bắt đầu học nghề tiện tại công binh xưởng Nguyễn Chí Diễu (Kim Lũ, Kim Hóa, Tuyên Hóa), chập chững làm một người lính. Đến giữa năm 1949, ông đi học Trường Thiếu sinh quân, Liên khu IV, sau đó nhập ngũ, được biên chế vào Trung đoàn 44, Quân khu IV.

Đến tháng 6-1952, chàng trai trẻ Đỗ Như Quán chính thức đứng vào hàng ngũ chiến sỹ thuộc Tiểu đoàn 439, Trung đoàn 98, Đại đoàn 316, trở thành một trong hàng ngàn chiến sĩ Điện Biên trực tiếp tham gia vào các trận đánh ở Đồi A1, C1, C2. Ngày đó, địch đổ bộ xuống Điện Biên, theo kế hoạch, đơn vị ông được lệnh tiến đánh đồi A1. Như khí thế xung trận của những ngày “nếm mật nằm gai” năm xưa, ông háo hức kể: “Mở màn ta ở hai hướng Bắc - Nam cùng tấn công vào trung tâm.

Chiến sĩ Điện Biên Đỗ Như Quán đang kể lại những ngày tháng hào hùng trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Chiến sĩ Điện Biên Đỗ Như Quán đang kể lại những ngày tháng hào hùng trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Từ 20h30 phút đến 4h sáng ngày 30-03-1954, quân ta mới chiếm được 2/3 đồi A1. Do địch dùng không quân, xe tăng từ Mường Thanh phản kích đánh lên để chi viện cho chúng ở đồi A1 nên ta không đủ sức chiếm được hết, đành dừng lại và chuyển sang bao vây một bộ phận, còn số khác chuyển về phía sau để bảo toàn lực lượng. Đơn vị tôi lúc đó được lệnh rút về, củng cố lực lượng để tiến công tiêu diệt cứ điểm C1”.

Dòng hồi ức của chiến sĩ Điện Biên Đỗ Như Quán đưa chúng tôi trở về với những ngày đánh Pháp ác liệt trên ngọn đồi C1. Sau khi nhận mệnh lệnh của đại đoàn, đơn vị ông Quán cử người đi trinh sát thực địa nắm tình hình. Ban đêm các cán bộ tiềm nhập xác định điểm, hướng đột phá, trận địa xuất phát xung phong các tiểu đoàn, trận địa hỏa lực. Sau đó, Đảng ủy họp lần thứ hai mở rộng đến thủ trưởng quân chính các tiểu đoàn, các đơn vị tăng cường, phối thuộc, thủ trưởng các cơ quan, xác định quyết tâm chiến đấu cuối cùng. 18h ngày 30-03-1954, ta nổ súng tấn công cứ điểm C1. Chiến sĩ trẻ Đỗ Như Quán lúc đó được giao nhiệm vụ đào hầm sâu dưới đồi để đưa 1 tấn bộc phá đánh vào tập đoàn cứ điểm của địch.

Lúc này, chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt. Đúng 1 tháng quần nhau với địch, ta chỉ mới chiếm giữ được một nửa ngọn đồi C1. Không nao núng, ông Quán cùng đồng đội tiếp tục mở đợt tổng công kích, quyết tâm đập tan bằng được cứ điểm C1. Sau hơn 30 ngày đêm chiến đấu liên tục, giành giật từng mét đất, cuối cùng quân ta đã hoàn toàn kiểm soát đồi, quân Pháp không còn lực lượng khả dĩ để phản kích lại. Phân khu Đông của tập đoàn cứ điểm bị vỡ một mảng lớn, khu trung tâm chỉ huy của Pháp giờ đây bị hỏa lực bắn thẳng uy hiếp trực tiếp.

Thừa thắng, ngày 1-5-1954, đơn vị ông Quán tiếp tục mở đợt tiến công sang đồi C2. Với tinh thần gan dạ, dũng cảm, ông đã xung phong ôm bộc phá đi đầu. Cũng đúng ngày hôm đó, người chiến sĩ kiên cường Đỗ Như Quán bị thương nặng ở ngực, bụng và mắt, phải chuyển ra bệnh viện tiền phương để điều trị. Bị thương khi chiến dịch đang trong giai đoạn quyết liệt và chỉ cách chiến thắng 5 ngày, đến tận bây giờ ông Quán vẫn “thấy tiếc lắm vì đã không thể cùng đồng đội đi hết chiến dịch để tận mắt chứng kiến phút huy hoàng của quân dân Việt Nam và cảnh đầu hàng nhục nhã của kẻ địch trong đó có tên Đờ-cát”.

Bước ra từ cuộc chiến tranh mang theo nhiều vết thương trên người, chiến sĩ Điện Biên, thương binh hạng nhất Đỗ Như Quán đã gặp không ít khó khăn khi trở về với cuộc sống đời thường. Những vết thương trên cơ thể đã lấy đi của ông rất nhiều sức khỏe, đặc biệt là di chứng ở mắt. Sau lần bị thương ở trận đồi C2, do hơi cay tác động, đôi mắt ngày càng mờ dần, gây cho ông nhiều khó khăn trong cuộc sống. Cuộc sống nhiều vất vả, thiếu thốn, sức khỏe yếu cộng thêm gánh nặng gia đình với 5 đứa con đang tuổi ăn tuổi học không làm người lính Cụ Hồ nhụt chí. Ông đã cùng người vợ đảm đang, tần tảo vượt qua những tháng ngày gian khổ, vất vả nhất để nuôi các con nên người. Giờ đây, cả 5 người con của ông đều thành đạt, có sự nghiệp vững vàng.

Tháng 4-1980, khi đang là Phó Hiệu trưởng Trường trung cấp Nông nghiệp Bình-Trị-Thiên, ông Quán phải về nghỉ hưu sớm do mắt bị mờ hẳn. Tuy đôi mắt không còn nhìn thấy ánh sáng nhưng với người chiến sĩ Điện Biên ấy cuộc sống vẫn muôn phần tươi đẹp bởi ông biết sau những năm tháng oằn mình dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù, đất nước, quê hương giờ đây đã đổi khác rất nhiều, “đàng hoàng hơn, to đẹp, văn minh hơn”.

Với ông Quán mong muốn lớn nhất hiện tại là được hội ngộ với hơn 60 chiến sĩ Điện Biên đang sinh sống trên đất Quảng Bình để cùng nhau ôn lại những ngày tháng hào hùng của 59 năm trước. Chiến tranh đã lùi xa vào dĩ vãng nhưng “dư âm” của nó còn đọng mãi trong cuộc sống của những người chiến sĩ Điện Biên cho đến tận bây giờ và mãi về sau.     

                                                                                       Đ. V



 

 

,
.
.
.