Hồi ức của một nữ "công binh thép"

Cập nhật lúc 09:26, Thứ Hai, 06/05/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Tình cờ, qua lời giới thiệu của anh Nguyễn Thanh Hoanh, một cựu chiến binh hiện đang ở tiểu khu 3, phường Bắc Nghĩa, thành phố Đồng Hới, nguyên là trợ lý Ban Tham mưu cầu đường Binh trạm 14, Đoàn 559- Bộ Quốc phòng, tôi đã có cuộc trò chuyện với chị Dương Thị Trình, một cán bộ của “Đội nữ công binh thép”-danh hiệu do Đại tướng Võ Nguyên Giáp phong tặng.

Chị Trình năm nay đã trên tuổi lục tuần, mái tóc chị nhuốm màu thời gian. Hiện chị đang cùng sống gia đình tại thôn Vinh Tiến, xã Hải Hòa, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Chị Trình nguyên là Trung đội phó Trung đội 3, phiên hiệu là B3C3D33, Binh trạm 14 Đoàn 559.  Trung đội gồm 38 cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ khai thông đường tại đèo Phu La Nhích trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

Giờ đây chị đã về sống với đời thường nhưng kỷ niệm về những năm tháng oanh liệt trên đất lửa Quảng Bình vẫn không bao giờ quên trong ký ức người nữ “công binh thép” này.

Ngày đó các chị còn là những thiếu nữ, tuổi mười tám, đôi mươi. Trung đội nữ của chị được giao nhiệm vụ khai thông đường tại khu vực đèo Phu La Nhich- một trong số trọng điểm đánh phá của quân thù. Ở tuyến này có 5 trọng điểm liên hoàn: đó là ngầm Ta Lê, cua Bóng Đèn, cua Tay Áo, trọng điểm Chữ A, đèo Phu La Nhích”. Trên các trọng điểm đó, trung đội nữ được đơn vị giao nhiệm vụ chốt ở đèo Phu La Nhích.

Công việc của các chị vào năm 1973 là: đêm, cả trung đội bốc đá đổ ra ngầm; ngày, gánh đá, trực ba ri e, bảo đảm thông đường trong mọi tình huống. Mệnh lệnh đặt ra là dù phải đổ máu cũng không được tắc đường. Từ chân đèo lên đỉnh đèo dài đến hơn 7km. Có những đêm bom đánh, các chị phải ngâm mình dưới nước ngầm Ta lê nắm tay nhau làm cộc tiêu dẫn đường hộ tống xe qua. Nỗi khổ của nữ chiến sĩ trong chiến tranh không sao kể xiết. Cuộc sống sinh hoạt lại càng khó khăn hơn vì trên đỉnh đèo không có nước. Sống trong hang bệnh sốt rét hoành hành. Nhiều chị em tóc rụng hết. Thế nhưng chị em vẫn lạc quan yêu đời.

Chị Dương Thị Trình vinh dự được chụp ảnh lưu niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Chị Dương Thị Trình vinh dự được chụp ảnh lưu niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Bài hát “Cô gái mở đường” luôn được chị em chọn làm bài hát tủ. Hễ nhận được thư nhà cả đơn vị chung nhau đọc. Trong số chị em có nhiều người bị thương nhưng các giấy chứng thương không ai muốn giữ. Phần không muốn kể công phần là để... lấy chồng được thuận lợi hơn. Kể đến đây chị giải thích: Nếu có giấy chứng thương biết đâu sẽ bị ế chồng.

- Vậy trong những năm tháng oanh liệt đó, kỷ niệm nào làm cho chị và đồng đội nhớ nhất? Chị trả lời: “Kỷ niệm thiêng liêng nhất của chúng tôi vào thời kỳ chiến tranh là được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Đó là giữa những ngày tháng 3 ác liệt của năm 1973, trong một chuyến thăm Bộ đội Trường Sơn, Đại tướng ghé lại đơn vị trung đội nữ tại đèo Phu La Nhích. Đại tướng rất xúc động và bất ngờ khi biết ở đèo Phu La Nhích lại có một trung đội nữ chốt ở đó.

Sau khi thăm hỏi tình hình đơn vị, Đại tướng biểu dương tinh thần anh dũng kiên cường của chị em. Đại tướng nói: Chỉ có ý chí thép mới trụ vững được ở trên đèo Phu La Nhích. Đại tướng đã đặt tên cho đơn vị là “Trung đội nữ công binh thép”. Đại tướng ân cần thăm hỏi chị em. Chị em mạnh dạn báo cáo với Đại tướng khó khăn của chị em là thiếu bồ kết gội đầu, thiếu màn vệ sinh phụ nữ. Những tưởng sự thăm hỏi  của Đại tướng chỉ là chiếu lệ bởi còn biết bao điều khác rất trọng đại của đất nước mà Đại tướng đang cần phải lo. Vậy nhưng một niềm hạnh phúc lớn lao  đã đến với trung đội nữ.

Sau chuyến thăm của Đại tướng khoảng nửa tháng, đơn vị đã nhận được một phần quà đầy nghĩa tình: 1 bì tải bồ kết gội đầu, một súc vải màn vệ sinh dành cho phụ nữ, 100 bánh xà phòng Liên Xô. Nhận được quà của Đại tướng, cả đơn vị chúng tôi ai cũng vui mừng cảm động về sự quan tâm sâu sắc của Đại tướng. Nhiều chị em nhận được quà cảm động quá đã khóc. Có chị còn không dám dùng vì muốn giữ mãi món quà Đại tướng làm kỷ niệm.    

Giờ đây, hơn 40 năm đã trôi qua, đất nước đã thống nhất, miền Nam được giải phóng, non sông thu về một mối. Niềm vui ngày giải phóng miền Nam thật không thể diễn tả bằng lời. Riêng trung đội nữ công binh đường Hai mươi Quyết Thắng được trở về với quê hương, lo cuộc sống hạnh phúc gia đình. Hiện tại ở huyện Tĩnh Gia, đơn vị đã liên lạc được với 20 chị, có 2 chị không lập gia đình. Tuổi thanh xuân của các chị đã cống hiến cho nền độc lập tự do của dân tộc.

Những tưởng mọi chuyện sẽ trôi về quá khứ nào ngờ một vinh dự nữa lại đến với đơn vị, tại Đại hội Hội Cựu chiến binh toàn quốc lần thứ 3 vào năm 2003, Đại tướng nhắc: “Đơn vị nữ công binh thép ai còn ai mất? Nếu ai còn ở đâu thì viết thư báo cho bác biết”.

Nắm được thông tin này, giữa  tháng 7 năm 2003, chị Trình thay mặt  đơn vị ra thủ đô Hà Nội để được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Kể từ ngày được gặp Đại tướng tại chiến trường đến năm 2003 là 30 năm rồi, vậy mà Đại tướng vẫn còn nhớ tới đơn vị của các chị. Hỏi còn hạnh phúc nào hơn. Chị xúc động quá không nói nên lời. Đại tướng ân cần hỏi thăm tình hình các chị và tặng đơn vị cuốn sách “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam”. Đại tướng viết vào cuốn sách dòng lưu bút: “Tặng đội nữ công binh thép. Tôi đã có dịp gặp cách đây 30 năm về trước. Chúc các chị em và gia đình mọi sự tốt lành”.

Ngày 3 tháng 4 năm 2013, các chị đã ra thủ đô Hà Nội tìm gặp văn phòng Đại tướng để nhờ xác thực chữ ký của Đại tướng cùng bút tích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bút tích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về “Trung đội nữ công binh thép” cùng món quà tặng đơn vị thể hiện tấm lòng thương yêu chiến sĩ của vị tướng huyền thoại. Ban liên lạc đơn vị sẽ lưu giữ kỷ vật thiêng liêng này tại Bảo tàng lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam.

                                                                                          P. H






 

,
.
.
.