Hiệu quả trong công tác tuyên truyền ATGT đường thủy

Cập nhật lúc 16:08, Thứ Ba, 07/05/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Tai nạn giao thông (TNGT) đường thủy tuy ít xảy ra hơn so với đường bộ, song một khi đã xảy ra thì hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Nhằm ổn định tình hình, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất số vụ TNGT đường thủy xảy ra, thời gian qua, các cơ quan chức năng tỉnh ta đã nhanh chóng vào cuộc một cách mạnh mẽ, quyết liệt. Nhờ đó, tình hình ATGT đường thủy trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực, đáng ghi nhận.

Giao thông đường thủy, nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT

Theo thống kê, tỉnh ta hiện có 7.100 phương tiện tham gia giao thông đường thủy các loại, trong đó có 4.300 tàu đánh bắt hải sản, 2.800 các tàu, đò gia dụng vận tải; 12 nhà hàng cấu trúc nổi, 42 bến đò ngang sông với 57 phương tiện chở khách... Sự gia tăng đột biến của các loại phương tiện này chính là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây TNGT một khi người điều khiển, chủ phương tiện "ngó lơ" với các quy định về ATGT đường thủy.

Hơn thế nữa giao thông đường thủy phải chịu nhiều tác động từ tự nhiên như thời tiết, khí hậu, thủy triều, lũ lụt, mưa bão hay khan cạn do suy kiệt dòng chảy vào mùa khô hạn... Thêm vào đó là tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép, cùng với các phương tiện thô sơ, không đăng ký đăng kiểm kỹ thuật, an toàn, người điều khiển phương tiện không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn, bến bãi kinh doanh ven sông không có giấy phép, vi phạm hành lang bảo vệ đê điều đã làm cho vấn đề giao thông đường thủy ngày càng diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ATGT đường thủy nội địa.

Hiện tại trên địa bàn tỉnh ta có đến 37 bến kinh doanh cát sạn, tập trung chủ yếu ở sông Gianh, sông Đại Giang, Kiến Giang, Nhật Lệ. Tuy nhiên, điều đáng nói là chỉ có 30% trong số đó có Giấy phép kinh doanh. Hoạt động khai thác ồ ạt của các bến này đang "rút ruột" dần các con sông, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân hai bên lưu vực các sông cũng như việc bảo đảm ATGT đường thủy.

Thượng tá Hoàng Hạnh, Đội trưởng Đội CSGT đường thủy, Phòng CSGT, Công an tỉnh cho biết: “Trong những năm qua, việc khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh ta diễn biến hết sức phức tạp. Các cơ quan chức năng đã nhiều lần vào cuộc chấn chỉnh nhưng rồi... đâu vẫn hoàn đó. Và hiện tại rất nhiều con sông đang "kêu cứu" trong tình trạng bị rút ruột liên tục. Hiện tượng sạt lở hai bên bờ các con sông không còn là chuyện hiếm nữa. Chính điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc bảo đảm ATGT đường thủy, nhất là vào mùa mưa bão”.

Chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường thủy là giải pháp hữu hiệu nhất giúp giảm thiểu TNGT đường thủy.
Chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường thủy là giải pháp hữu hiệu nhất giúp giảm thiểu TNGT đường thủy.

Một nguyên nhân chủ quan nữa làm cho giao thông đường thủy tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn, đó là tình trạng vi phạm về tải trọng tại một số bến khách ngang sông, tập trung ở những bến thường xuyên có mật độ người và phương tiện qua lại đông. Vì cái lợi trước mắt các chủ thuyền, người điều khiển phương tiện đã ngang nhiên vi phạm quy định về số lượng người cho phép được chở. Theo báo cáo từ Phòng CSGT, Công an tỉnh, năm 2012 trên địa bàn tỉnh ta xảy ra 2 vụ TNGT đường thủy, làm 1 người chết, thiệt hại 100 triệu đồng.

Trong quý I-2013 xảy ra 1 vụ làm 3 người chết. Những con số này tuy ở mức “khiên tốn” hơn so với số vụ TNGT đường bộ nhưng vẫn rất đáng lo ngại, bởi chỉ cần “lơ là”, buông lỏng quản lý, kiểm soát thì hậu quả sẽ không chỉ dừng lại ở đó.

Khi các giải pháp được thực hiện đồng bộ, quyết liệt

Trao đổi với chúng tôi, trung tá Bùi Quang Thanh, Trưởng Phòng CSGT, Công an tỉnh cho biết: Trước tình trạng ATGT đường thủy vẫn diễn biến hết sức phức tạp, nhằm góp phần bảo đảm giao thông đường thủy được ổn định, an toàn và thông suốt, đơn vị đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt. Xác định công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thủy là trách nhiệm của toàn xã hội và công tác tuyên truyền phải “đi trước một bước”, là công tác trọng tâm hàng đầu, có ý nghĩa quyết định trong việc bảo đảm trật tự ATGT nói chung và ATGT đường thủy nói riêng, làm thay đổi nhận thức, hành vi, thói quen của người tham gia giao thông và toàn xã hội, đơn vị đã tập trung chỉ đạo, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các phương tiện thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho tất cả các tầng lớp dân cư. Hoạt động này được triển khai đồng bộ, kết hợp chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Phòng CSGT, Công an tỉnh đã thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, hiệu quả như biên soạn, phát tài liệu, mở lớp tuyên truyền, giáo dục về ATGT đường thủy cho các tầng lớp nhân dân, tập trung vào các khu đông dân cư, ở những nơi có các bến thủy nội địa, dân vạn chài tập trung sinh sống... để giúp cho người dân, nhất là những người hoạt động, làm việc liên quan đến sông nước hiểu, nắm bắt được và thực hiện.

Bên cạnh việc tổ chức các hội nghị quán triệt Luật Giao thông đường thủy nội địa, Nghị định số 09/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt trên lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa cho cán bộ chủ chốt của thành phố và UBND các xã, phường, Phòng CSGT, đã chỉ đạo Đội CSGT các huyện, thành phố phối hợp với các địa phương tổ chức thành công nhiều hội thi tìm hiểu pháp luật về giao thông đường thủy nội địa, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tham gia... Nên đến thời điểm này, phần lớn các phương tiện thủy nội địa trên địa bàn tỉnh ta đều đã được trang bị đầy đủ phao cứu sinh, dụng cụ cứu đắm và người đi trên các phương tiện đã cơ bản sử dụng áo phao theo quy định.

Cuộc vận động xây dựng phong trào "Văn hóa giao thông với bình yên sông nước" với mục tiêu thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa đã được phát động mạnh mẽ, bước đầu tạo được nhiều hiệu ứng tích cực. Các địa phương, đơn vị đã triển khai với nhiều hoạt động thiết thực, góp phần đưa phong trào nhanh chóng đi vào cuộc sống hàng ngày của mọi người dân miền sông nước.

Để cuộc vận động thực sự có hiệu quả, Ban ATGT tỉnh đề nghị các địa phương, đơn vị, tổ chức xã hội tập trung xây dựng mô hình người tham gia giao thông đường thủy văn minh, lịch sự, chấp hành pháp luật về giao thông đường thủy nội địa; mô hình khu dân cư văn hóa giao thông đường thủy đối với các thôn, xóm ven sông, ven hồ, gần bến cảng; mô hình doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải đường thủy văn hóa, văn minh lịch sự. Cùng với đó, hàng năm, để giữ vững an ninh trật tự, góp phần bảo đảm an toàn, tính mạng và tài sản cho du khách đặc biệt là trong mùa du lịch, Phòng CSGT đã phối hợp với Ban quản lý VQG Phong Nha-Kẻ Bàng ký cam kết thực hiện Luật Giao thông đường thủy nội địa tuyến Xuân Sơn-Phong Nha. Hiện tại, 100% tàu thuyền tại tuyến du lịch này đều được đăng ký, đăng kiểm; các thuyền trưởng đều có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn theo quy định.

Cùng với việc triển khai điểm các mô hình bảo đảm ATGT đường thủy, lực lượng CSGT đường thủy đã tăng cường tuần tra, kiểm soát; tập trung xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm quy định về an toàn bến bãi, phương tiện chở khách, phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, chở quá tải, quá số người theo quy định, người lái phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn; kiên quyết không để các phương tiện không đủ điều kiện hoạt động.

Trong năm 2012, các lực lượng chức năng đã tổ chức 216 ca tuần tra kiểm soát với 753 lượt cán bộ chiến sĩ tham gia, tổng kiểm tra 235 lượt bến đò ngang, 63 lượt đò du lịch, 3.750 phương tiện chở khách du lịch và khách ngang sông, 41 bến khai thác cát sạn và 14 lượt nhà hàng cấu trúc nổi trên sông; phát hiện, lập biên bản xử lý 19 trường hợp vi phạm, đình chỉ 14 bến đò ngang không có giấy phép mở bến, 6 phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn phù hợp; ra quyết định xử phạt 7 trường hợp... 

Năm 2013, lực lượng chức năng tiếp tục chủ động nắm chắc tình hình, tập trung vào các địa bàn trọng điểm để chỉ đạo và tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự ATGT, trật tự xã hội trên các tuyến, nhất là các lỗi là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới TNGT như: phương tiện chưa đăng kiểm, đăng ký, thuyền trưởng không có bằng lái, chở quá tải, thiếu trang thiết bị an toàn, đậu đỗ sai quy định, khai thác tài nguyên trái phép. Mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm về trật tự ATGT đường thủy. Công an các huyện, thành phố phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra bảo đảm an toàn đối với phương tiện chở khách ngang sông, kiểm tra các bến bãi...

                                                                                     Đào Vân



 

,
.
.
.