.

Hợp thức hóa hôn nhân không giá thú giữa người Việt và người Lào - Kỳ 2: Đâu là giải pháp

Thứ Hai, 22/04/2013, 13:51 [GMT+7]

(QBĐT) - Những hệ lụy từ hôn nhân không giá thú là điều đã được nhìn thấy trước. Và những địa phương có các cặp vợ chồng Việt Nam - Lào sinh sống đang phải đối mặt với những vấn đề rối rắm, phức tạp nảy sinh trong giải quyết thủ tục, giấy tờ. Tuy nhiên, để tìm được giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng này lại không đơn giản chút nào.

>> Kỳ 1: Hồn nhiên kết hôn và những hệ lụy

Ông Trần Văn Lê, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho rằng: Sự ràng buộc của tờ giấy đăng ký kết hôn không chỉ là câu chuyện quản lý của chính quyền địa phương mà còn là vấn đề trách nhiệm của các thành viên trong gia đình với nhau, trách nhiệm của bố mẹ với con cái, vợ chồng có trách nhiệm với nhau để xây dựng gia đình hạnh phúc. Khi hạnh phúc gia đình không đảm bảo thì đó là cơ sở để tiến hành phân chia tài sản,... và còn rất nhiều vấn đề khác liên quan đến quyền lợi của các thành viên trong gia đình đó nữa.

Với ý nghĩa đó nên thời gian qua, ngành Tư pháp đã phối hợp với các đồn Biên phòng tiến hành rà soát, thống kê số cặp vợ chồng Việt Nam- Lào chưa đăng ký kết hôn nhằm tìm giải pháp thích hợp. Toàn tỉnh hiện có 61 người Lào (24 nam, 37 nữ) kết hôn không giá thú với người Việt Nam đang sinh sống ở khu vực biên giới, thuộc các xã Thượng Trạch (Bố Trạch), Trường Sơn (Quảng Ninh), Dân Hóa, Trọng Hóa (Minh Hóa), Lâm Thủy, Kim Thủy (Lệ Thủy). Tập trung chủ yếu ở 2 xã Thượng Trạch (27 cặp), Trường Sơn (24 cặp).

“Không biết phải mần răng”

Đó là câu trả lời chung cho nhiều đối tượng, khi chúng tôi hỏi đến chuyện làm sao để hợp thức hóa hôn nhân cho các cặp vợ chồng Việt- Lào đã “lỡ” lấy nhau mà chưa đăng ký kết hôn. Phần lớn các cặp vợ chồng này đều khó khăn về kinh tế, trình độ văn hoá thấp, không am hiểu pháp luật; quan niệm về hôn nhân còn đơn giản, nặng về phong tục, tập quán... Nói về chuyện làm giấy đăng ký kết hôn, rất nhiều người ngỡ ngàng như lần đầu tiên nghe thấy. Có người còn lẫn lộn giữa chuyện làm “đăng ký kết hôn” với “tổ chức đám cưới”; có người thậm chí còn chẳng biết tuổi của mình, của con cái mình... Cho nên, thủ tục, giấy tờ thế nào cho hợp lệ vẫn là câu chuyện quá xa vời, nằm ngoài tiềm thức của họ. Đây là “hòn đá tảng” đầu tiên cản trở việc giải quyết tình trạng hôn nhân không giá thú của các cặp vợ chồng Việt Nam - Lào.

Cuốn hộ khẩu có ghi rõ mối quan hệ vợ chồng, con cái của anh Ngơn, dù vợ chồng anh chưa đăng ký kết hôn.
Cuốn hộ khẩu có ghi rõ mối quan hệ vợ chồng, con cái của anh Ngơn, dù vợ chồng anh chưa đăng ký kết hôn.

Tuy nhiên, “hòn đá tảng” đầu tiên chưa hẳn đã là lớn nhất. Anh Trần Văn Thái, cán bộ Tư pháp xã Trường Sơn trăn trở: “Cùng là dân tộc Bru - Vân Kiều, họ thường xuyên qua lại biên giới, rồi lập gia đình, có nhiều người họ lấy 2, 3 vợ. Giờ nói chuyện tuyên truyền, vận động cũng khó, dù họ có nhận thức được cần phải đăng ký kết hôn cũng không thể làm được”. Cái khó nhất hiện nay theo anh Thái và nhiều cán bộ tư pháp khác, đó là không biết làm cách nào để có thể hợp thức hóa, khi mà bản thân những người Lào khi di cư sang Việt Nam không có giấy tờ tùy thân làm cơ sở xác định nhân thân. Đây chính là lí do khiến cán bộ Tư pháp xã lúng túng khi các cặp vợ chồng này có nguyện vọng đăng ký kết hôn. Cán bộ xã hỏi Tư pháp huyện, rồi huyện lại hỏi Tư pháp tỉnh, nhưng vẫn chưa thể có câu trả lời thỏa đáng.

Ngoài tầm kiểm soát

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Lài, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: tháng 9-2012, Sở Tư pháp Quảng Bình và Sở Tư pháp tỉnh Khăm Muộn (CHDCND Lào) đã ký thỏa thuận hợp tác, trong đó có nội dung này. Bà Lài cũng khẳng định: “Cơ sở pháp lý cho việc hợp thức hóa hôn nhân không giá thú cho các cặp vợ chồng Việt Nam- Lào hiện nay là không hề khó vì đã có quy định về kết hôn cho những người ở vùng biên giới”. Khi được hỏi: Không khó vì sao vẫn chưa triển khai thì bà Lài cho rằng: Hiện chúng tôi đã phối hợp, tiến hành rà soát, lên kế hoạch triển khai... Nhận thức còn thấp cùng với phong tục, tập quán là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, vì vậy trước hết cần phải tuyên truyền mạnh mẽ để có sự chuyển biến về nhận thức. Sở đã lập dự toán xin kinh phí, đang chờ phê duyệt...

Còn ông Nguyễn Văn Sỹ, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn thì khẳng định: “Do mình không có quy định riêng, cụ thể cho vấn đề này. Chứ nếu có quy định, chúng tôi cho tổ chức các tổ đăng ký đến tận hộ gia đình luôn thì mọi việc nhanh chóng, dễ dàng”. “Tui chỉ mong Nhà nước hai bên tạo điều kiện, để bà con có thể hoàn tất các thủ tục đăng ký kết hôn, cho con em có đầy đủ giấy tờ khi đi học, đi làm!", anh Đinh Cu, cán bộ Tư pháp xã Thượng Trạch tâm sự.

Cả hai người vợ của anh Hồ Văn Khăm (bản Cây Cà, xã Trường Sơn) hiện đang sống chung và đều chưa đăng ký kết hôn.
Cả hai người vợ của anh Hồ Văn Khăm (bản Cây Cà, xã Trường Sơn) hiện đang sống chung và đều chưa đăng ký kết hôn.

Được biết, trong các hội nghị, hội thảo liên quan đến vấn đề này, ngành Tư pháp các cấp, các địa phương đã nhiều lần đề nghị về việc nên có cơ chế pháp lý riêng, đơn giản hóa các thủ tục đối với các trường hợp này. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, lời giải về chuyện hợp thức hóa hôn nhân cho các cặp vợ chồng Việt Nam- Lào vẫn đang còn để ngỏ.

Trong khi đó, với nguyện vọng bảo đảm một số quyền lợi cho người dân, đặc biệt là trẻ em, khá nhiều hộ gia đình chưa đăng ký kết hôn vẫn được “lách luật” bằng cách này hay cách khác để làm hộ khẩu và khai sinh cho con. Không có giấy đăng ký kết hôn, nhưng nhà anh Hồ Văn Ngơn (xã Trường Sơn, Quảng Ninh) vẫn có cuốn sổ hộ khẩu với đầy đủ các thành viên. Tuy nhiên, khi xem kỹ cuốn sổ hộ khẩu, chúng tôi phát hiện thấy nhiều chi tiết khá mâu thuẫn, hài hước. Ấy là chị Hồ Thị Hơn, sinh năm 1983, nhưng cậu con trai đầu (con ruột) của chị sinh năm 1995. Khi chúng tôi thắc mắc về chi tiết này, cả hai vợ chồng đều cười trừ: "Miềng nỏ biết mô, mấy cái giấy tờ, toàn cán bộ mần cho cả!".

Anh Trần Văn Thái, cán bộ Tư pháp xã Trường Sơn cho biết: Hộ khẩu do bên công an làm, chúng tôi không phụ trách nhưng không thể có chuyện chị Hồ Thị Hơn sinh năm 1983 được, vì chị Hơn đã lớn tuổi. Hỏi về nguồn gốc giấy khai sinh của con và sổ hộ khẩu của gia đình, ông Đinh Hùng, trưởng bản Cà Roòng, xã Thượng Trạch cười xòa: “Toàn nhờ mấy thầy với cán bộ mần cho thôi...”. Ông Đinh Hợp, Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch cho hay: “Dù biết sai luật nhưng để tạo điều kiện cho các gia đình trong đời sống, sinh hoạt, một phần để xã dễ bề quản lý nên chúng tôi đã cấp sổ hộ khẩu cho họ. Việc cấp hộ khẩu cũng để họ gắn bó hơn, không phải muốn bỏ chắc lúc mô thì bỏ...”.

Chuyện dễ dãi trong việc tuân thủ Luật Hôn nhân và gia đình, mà cụ thể ở đây là phải đăng ký kết hôn của các cặp vợ chồng có lẽ cũng bởi bắt nguồn từ việc: tuy không thực hiện nghĩa vụ nhưng họ vẫn được bảo đảm quyền lợi như những người khác. Tuy nhiên theo chị Dương Thị Thu Hiền, Phó Trưởng phòng Tư pháp huyện Bố Trạch: Mặc dù các cháu vẫn được làm giấy khai sinh, nhưng để đúng quy định, thì phải khai là con ngoài giá thú hoặc con nuôi. Đây là một thiệt thòi lớn cho các cháu và cả bố mẹ. Bên cạnh đó, quan hệ hôn nhân dễ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, khó cho việc quản lý.

Để bảo đảm quyền lợi cho người dân thì dễ làm trái quy định của pháp luật, song nếu cứ chiếu theo luật định, thì không biết bao giờ mới có thể hợp thức hóa hôn nhân cho các cặp vợ chồng Việt - Lào. Đề nghị các cơ quan chức năng sớm có giải pháp thích hợp đối với vấn đề này.

                                                                     Hương Lê - Ngọc Mai