Làng "năm không..."

Cập nhật lúc 11:17, Thứ Sáu, 28/10/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Đó là làng Mới, xã Hưng Thủy (Lệ Thủy), nhưng người làng vẫn tếu táo gọi là làng "năm không..."

Làng chỉ mười nóc nhà

Năm 1966, trước chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ theo chủ trương xã Hưng Thủy ở dọc ven quốc lộ 1A phải tiến hành sơ tán mật độ dân. Ngay sau đó, hơn 60 hộ dân (chủ yếu là các gia đình trẻ) đã tự nguyện di dời lên định cư ở vùng gò đồi phía tây của xã, vừa để tránh bom đạn vừa xây dựng kinh tế mới.

Ông Võ Đức Tháo (79 tuổi) một trong những người đầu tiên có mặt ở đây nhớ lại: "Hồi đó, mỗi gia đình di cư lên đây được phát 1 cái bát B52, 1 màn, 1 chăn và được cấp lương thực thực phẩm trong 3 năm. Ông Trần Đức Triển, Bí thư Huyện ủy thời bấy giờ, trước lúc dẫn chúng tôi lên đây, còn dặn dò: "Bà con lên đây muốn no thì trồng màu, muốn giàu thì trồng rừng". Xã Hưng Thủy lúc đó còn đưa cả máy cày lên giúp dân chúng tôi trồng sắn. Chúng tôi trồng được nhiều sắn lắm. Đến lúc nộp sản lượng cho Nhà nước, chúng tôi cũng nộp bằng sắn".

Không có điện, hai đứa con anh Sĩ phải chia nhau chút ánh sáng của ngọn đèn dầu để học bài. Ảnh: D.C.H
Không có điện, hai đứa con anh Sĩ phải chia nhau chút ánh sáng của ngọn đèn dầu để học bài. Ảnh: D.C.H

Ông Nguyễn Quang Hưởng theo gia đình lên định cư ở đây từ nhỏ, có thâm niên 15 năm làm trưởng thôn và hiện là tổ trưởng tổ an ninh thôn, kể: "Lúc đó, vùng này cây cối vẫn còn rậm rạp lắm. Muốn làm nhà chỉ cần đốn hạ vài cây là có gỗ dựng nhà. Mà nhà lúc đó làm theo kiểu "nửa chìm nửa nổi" (tức là một nửa ngôi nhà nằm sâu trong lòng đất, một nửa nổi lên trên) để tránh bom bi.

Đến năm 1968 thì bộ đội về đóng quân ở đây. Người dân ở đây lúc đó phải chia đôi căn nhà một gian hai chái của mình để nhường cho bộ đội một nửa. Tuy chật chội, vất vả nhưng lúc nào làng cũng đông vui, tình quân dân thân thiết như người một nhà. Suốt bao nhiêu năm như vậy, dân ở đây chở che, bao bọc bộ đội trong nhà của mình".

Cho đến năm 1974, sau khi bộ đội rút đi, từ đó làng trở nên hiu hắt dần. Không chịu được cái cảnh heo hút, buồn bã, mà đặc biệt là bệnh sốt rét rừng, phần lớn dân ở đây lại tìm về đất cũ làm ăn sinh sống. Tính đến năm 1975, 1976 làng chỉ còn lại chục nóc nhà.

Ngày nay, từ trung tâm UBND xã Hưng Thủy muốn lên làng Mới phải vượt qua gần chục cây số đường rừng. Con đường lúc nào cũng vắng hoe, chỉ thỉnh thoảng mới bắt gặp một vài chiếc xe đạp ngược chiều của những người đi chặt chủi về bán, lấy ít tiền. Đến đoạn đường rẽ vào làng, xe vừa phải "ém" mình chạy qua những khúc "ngoặt cổ chai" hẹp và lầy nhầy trơn trượt, vừa phải "xuống số" mới bươn bả vượt qua được những quãng nước xiết sâu thành hào hủm, khe suối trên đường đi. Làng nằm heo hẻo trên một dải đồi bằng phẳng, giữa rừng thông và tràm quanh năm xanh mướt.

... và "năm không"

Sau 45 năm thành lập, làng Mới chỉ có vỏn vẹn 22 hộ dân với 132 nhân khẩu. Đặc biệt hơn, 100% số hộ ở đây đều được "đặc cách" là hộ nghèo. Đến nay, làng vẫn giữ "danh hiệu" là làng "5 không", bao gồm: không điện, không đường, không trường, không trạm và cả không... có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở lẫn đất để canh tác. Nhân khẩu của làng thuộc xã Hưng Thủy, nhưng lại định cư trên phần đất của xã Thái Thủy (Lệ Thủy).

Đây cũng là mấu chốt của vấn đề, vì: "việc này chỉ có cấp huyện mới giải quyết nổi", anh Đinh Mậu Sĩ, trưởng thôn cho biết. Mà giải quyết bằng cách nào thì cả anh Sĩ và UBND xã Hưng Thủy cũng "bó tay". Mỗi tuần "cắt rừng" xuống UBND xã một lần và kỳ họp nào, hội nghị nào, kỳ tiếp xúc cử tri nào anh cũng hết báo cáo lại đề nghị... nhưng phương hướng giải quyết cũng chỉ dừng lại trên... các văn bản.

Cái tivi duy nhất của làng dùng để...
Cái tivi duy nhất của làng dùng để... "làm cảnh". Ảnh: D.C.H

Mặc dù làng mới luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của chính quyền các cấp từ xã đến huyện. Mỗi khi xã, huyện có khoản trợ cấp hay ủng hộ gì, dân làng Mới đều được nhỉnh hơn các nơi khác một chút, tuy nhiên, theo ông Hưởng thì "đó chỉ là giải pháp tình thế, cái dân làng Mới cần là ở sự đầu tư lâu dài như điện, đường và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà con".

Cả làng 132 nhân khẩu nhưng không có đất để canh tác. Mấy chục năm qua, người dân ở đây chỉ sống nhờ vào những nghề làm ăn theo mùa, phải phiêu dạt tứ phương làm thuê hoặc vào rừng chặt chủi, hái sim đem bán kiếm cái ăn cái mặc.

Ông Hưởng thành thật: "Chỉ thương cho lũ trẻ, về mùa mưa này, phải đi "ké" trên đường tàu ngược ra xã Thái Thủy để học vì cái ngầm nước dâng cao không đi qua được. Tối về lại "dùi mài kinh sử" bên ngọn đèn dầu hiu hắt".

Tháng 11- 2010 xã Hưng Thủy ưu tiên cho dân làng Mới một chiếc ti vi. Tính đến thời điểm này, đây cũng là chiếc ti vi đầu tiên của cả làng. "Nhưng điện thắp sáng còn không có, thì làm sao coi được ti vi, đành phải để đó trưng bày "làm cảnh"... Còn bà con muốn có điện thắp sáng thì phải dùng điện từ bình ắc quy 12V. Nhưng phải đem ra ngoài ga Thượng Lâm mới sạc được, mỗi lần sạc 8.000 đồng, thắp được 4 tối nhưng phải tiết kiệm hết cỡ", ông Hưởng trăn trở.

                                                                                  Dương Công Hợp

,
.
.
.