Lớp học mầm non lúc... nửa đêm

Cập nhật lúc 09:55, Thứ Sáu, 28/10/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Vào lúc mọi người đang chìm sâu trong giấc ngủ khuya thì tại thị trấn Lệ Ninh (Lệ Thủy) có những lớp học mới bắt đầu đi vào hoạt động. Học sinh của các lớp học này có độ tuổi từ 1 đến 5. Đây là những lớp học thuộc Trường mầm non Lệ Ninh do Công ty TNHH MTV Lệ Ninh mở ra và duy trì suốt nhiều năm nay... 

Nửa đêm bồng con đến lớp

Khi chiếc kim đồng hồ quay xấp xỉ đến con số 1 giờ sáng thì chiếc kẻng báo thức ở đội Quyết Tiến, thị trấn Lệ Ninh, cũng bắt đầu vang ngân liên hồi. Nhiều ngôi nhà ở địa phương này bắt đầu đỏ điện, tiếng trẻ con khóc thét inh ỏi...Đó cũng là thời điểm mà nhiều người dân ở đội Quyết Tiến bồng con đến lớp.

Cũng như nhiều người trong làng, vợ chồng chị Trần Thị Ngọc Phương bật đèn pin hối hả bế đứa con gái đầu lòng Hoàng Thị Mỹ Lệ (2 tuổi) đến lớp học đúng 1 giờ sáng. Sau khi bàn giao đứa con cho cô giáo thì đôi vợ chồng này gấp gáp chia tay mỗi người đi mỗi hướng, khuất sâu vào những vạt rừng cao su rậm rạp để làm việc...

Các giáo viên của Trường mầm non Lệ Ninh chăm lo giấc ngủ trưa cho các cháu. Ảnh: Văn Minh
Các giáo viên của Trường mầm non Lệ Ninh chăm lo giấc ngủ trưa cho các cháu. Ảnh: Văn Minh

Chị Phương cho biết: "Vợ chồng tôi đều là công nhân của Công ty TNHH MTV Lệ Ninh. Từ khi bé Lệ mới 5,5 tháng tuổi, vợ chồng tôi đã cho cháu đến học tại lớp này. Khoảng 7 giờ sáng mới tranh thủ về cho con bú rồi lại đi trút mủ tiếp, mãi đến trưa mới về lại cho con bú thêm... Cái nghề cạo mủ cao su có đặc thù về thời gian so với nhiều nghề khác. Có khi 9 giờ đêm thì đi cạo mủ. Mùa này thì lại chuyển sang đi cạo vào lúc 1 giờ sáng. Nói chung đi cạo mủ cao su lúc nào thì mang con đến lớp lúc đó.

Chị Ngô Thị Lượng, trú tại đội Quyết Tiến, là công nhân cạo mủ cao su của Công ty TNHH MTV Lệ Ninh có con nhỏ khoảng 2 tuổi và đang theo học tại điểm trường Quyết Tiến (trực thuộc Trường mầm non Lệ Ninh) tâm sự: “Hồi đầu mới đưa con đến lớp, đêm nào nó cũng khóc thét đến khản cổ họng. Thương con nhưng biết làm sao được...”

Những lớp học mầm non lúc nửa đêm

Cô Nguyễn Thị Dũng, Hiệu trưởng Trường mầm non Lệ Ninh cho biết: Do địa bàn trải rộng, giờ giấc lao động của công nhân có sự đặc thù riêng... cách đây mấy chục năm, Công ty TNHH MTV Lệ Ninh đã quyết định đầu tư xây dựng, thành lập nên ngôi trường này và duy trì hoạt động đều đặn cho đến nay.

Đặc điểm của trường là mọi hoạt động về chuyên môn thì do Phòng Giáo dục huyện Lệ Thủy đảm nhận, nhưng về con người do công ty quản lý, trả lương và các chế độ khác (trừ duy nhất 1 giáo viên biên chế đó là hiệu trưởng). Trường mầm non Lệ Ninh hiện có 25 giáo viên, 14 phòng học và 7 điểm trường trực thuộc. Điểm trường học xa nhất so với điểm trường chính là 13 km. Thời gian giảng dạy ở mỗi điểm trường có sự khác nhau, phụ thuộc vào đặc thù bố trí giờ giấc làm việc của công nhân công ty. Học sinh của trường chủ yếu là con em của công nhân lao động của Công ty TNHH MTV Lệ Ninh.

Điểm trường Quyết Tiến (Trường mầm non Lệ Ninh). Ảnh: Văn Minh
Điểm trường Quyết Tiến (Trường mầm non Lệ Ninh). Ảnh: V. M

Hiện nay, tại địa điểm trường chính và một số điểm trường gần khu vực trung tâm thị trấn thì thời gian học được bắt đầu khoảng 5 giờ sáng hàng ngày. Riêng có 2 địa điểm (điểm trường Quyết Tiến và điểm trường đội 2, hiện có 7 giáo viên và 72 cháu) chủ yếu bắt đầu vào ban đêm, có nơi được bắt đầu từ 9 giờ đêm, nơi thì 1 giờ sáng... Nhìn chung thì thời gian học luôn thay đổi, phụ thuộc theo mùa, theo thời tiết và sự bố trí giờ giấc làm việc của công ty. 

Cô Võ Thị Trang, giáo viên lớp mẫu giáo bé tại điểm trường Quyết Tiến cho hay: Đêm đêm, cứ nghe kẻng là chúng tôi phải thức dậy đến lớp ngay để đón các cháu. Những học sinh lớn thì đã quen dần với việc thức đêm rồi đến lớp ngủ tiếp. Nhưng đối với các cháu mới nhập học thì việc thức đêm khiến các cháu khóc ròng khá lâu mới có thể ngủ tiếp được...".

Chia tay ngôi trường mầm non tư thục "đặc biệt" nói trên, chúng tôi cứ canh cánh với nguyện vọng của cô giáo hiệu trưởng Nguyễn Thị Dũng là làm sao xét cho trường được chuyển sang hình thức công lập để những giáo viên mầm non còn lại được có cơ hội vào biên chế ngành Giáo dục. Và chúng tôi cũng băn khoăn với một số ý kiến của công nhân Công ty TNHH MTV Lệ Ninh: Liệu khi được chuyển sang hình thức công lập thì các giáo viên có chịu "dạy đêm" để cho con em của công nhân được đến lớp vì đặc thù công việc của cha mẹ...?

Lớp học mầm non lúc nửa đêm giải quyết được việc nơi gửi con nhỏ của công nhân cạo mủ cao su-một nghề đặc thù-nhưng cũng gợi lên nỗi ái ngại, thương cảm đối với những đứa trẻ khi bị "dựng" lên mang đến lớp khi còn say giấc. Bài toán này lời giải còn... tạm bợ.

                                                                                             Văn Minh

,
.
.
.