.

Ngồi buồn một chút... cho vui !

Thứ Bảy, 23/05/2015, 21:40 [GMT+7]

(QBĐT) - Giai thoại kể rằng: có một người đang ngồi trầm tư một mình. Bạn bắt gặp, hỏi: “Làm gì mà ngồi một mình ?”. Trả lời: “Không làm gì, ngồi buồn một chút... cho vui!”. Câu nói vần vè ảnh hưởng ca dao (ngồi buồn đốt một đống rơm) từ trong giai thoại kia đã lưu truyền lâu nay trong nhân gian, thoạt nghe có vẻ bỗ bã, tếu táo, nhưng ngẫm kỹ thật nghiêm túc và có màu triết lý.

Đó, ít ra cũng phải là sản phẩm của một người từng trải, đúc rút từ biết bao thăng trầm, sống động của chính cuộc đời mình. Nỗi buồn của con người là trạng thái tình cảm bị động, thường do ngoại cảnh, hoặc do người khác mang lại, ngoài ý muốn, phải chịu đựng. Nhưng một khi người ta đã buộc phải chủ động ngồi buồn để tìm kiếm niềm vui trong tĩnh lặng, thì đó không còn là nỗi buồn tâm lý thuần túy nữa rồi. Chỉ khi phải đứng mũi chịu sào gồng mình giữa guồng quay gấp gáp của cuộc sống hiện đại để thỏa mãn và giảm thiểu biết bao áp lực không hồi kết: công việc, mưu sinh, nuôi dạy con cái, ô nhiễm thực phẩm, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội..., người ta mới cảm nhận và thấm hiểu được sự quý giá của những phút giây tĩnh lặng (ngồi buồn) một mình, hoặc thư nhàn vui vẻ bên những người thân, bên những người đồng cảm, để ngơi nghỉ tâm trí, giải lao thân xác, cảm nhận cuộc sống, nhằm phục hồi năng lượng sống.

Câu nói tự trào của ai đó như gió thoảng qua là tâm trạng của một thân phận cụ thể, nhưng đồng thời cũng phản ánh một tâm trạng xã hội đã xuất hiện và lan truyền trong cuộc sống đương đại: hãy tìm cách, tìm thời điểm để sống chậm lại, ngay giữa vòng quay cuộc sống sôi động!

Những năm gần đây, chúng ta thường nghe nói nhiều đến khái niệm sống chậm trên báo chí, cũng như ở các diễn đàn về cuộc sống. Thoạt đầu, nhiều người còn cho đó là sự nhàn đàm vô bổ không đáng quan tâm bởi cố nhiên nhịp sống cá nhân phải phù hợp với tiết tấu thời đại mới đảm bảo duy trì cuộc sống. Nhưng đến khi phải trải nghiệm cuộc sống bận rộn và căng thẳng mới khiến chúng ta chủ động quyết định điều đó.

Thời đại sống nhanh, sống gấp được khởi tính từ những năm 1960, bắt đầu ở phương Tây mà ta quen gọi là thời hiện đại hậu công nghiệp. Những tiến bộ kỹ thuật và công nghệ ở từng qui mô nhất định khép con người vào đời sống công nghiệp, trên thực tế đã ưu việt tạo dựng nên một xã hội đầy đủ hơn về vật chất. Nhưng cũng chính từ đó, do quá chú tâm vào tốc độ, nên xã hội công nghiệp đồng thời cũng đã lấy đi của con người không ít sức khỏe, sự thư nhàn, sự an nhiên, chất lượng sống; khiến con người trở nên mệt mỏi và có lúc không tránh khỏi vô tình. Điều này đã khiến con người phải tính đến chuyện sống chậm lại, bởi “cuộc sống còn có nhiều cái quan trọng hơn là tăng tốc” (Gandhi). Có một điều lạ lùng là trước thời đại hậu công nghiệp (1960) khá lâu, năm 1948, Liên Hợp Quốc đã từng công bố: Thư nhàn là quyền của con người! Như vậy, vả chăng ở bất cứ thời đại nào cũng đều có những áp lực cuộc sống, khiến con người phải chủ động điều khiển nhịp điệu sống để đảm bảo vừa cống hiến tốt nhất cho xã hội, vừa nâng cao chất lượng sống bản thân mình?

Nếu thế thì, thiển nghĩ từ thế kỷ XVI, ở Việt Nam ta có Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đã từng nêu ra một triết lý thư nhàn của riêng ông ngay giữa thời đại mình:

Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao

                                                             (Nhàn)

Xã hội phong kiến Việt Nam nhìn chung được xem là một xã hội tù đọng, một xã hội “nhàn”. Tuy nhiên ở trong đó cũng có không ít những “chốn lao xao” đầy áp lực: nơi phố thị náo nhiệt, nơi quan trường hơn thua danh lợi...Sống giữa những nơi chốn đầy “tốc độ” đó của thời đại, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã chủ động chọn cho mình cách sống thư nhàn để cống hiến cho xã hội với sự thanh thản trong tâm, không bon chen danh lợi, nhưng vẫn đầy trách nhiệm với thời cuộc. Đối với ông, sống thư nhàn là chọn một cách sống hợp lý, chứ tuyệt nhiên không lấy đó làm lý tưởng sống, bởi lý tưởng sống của ông là lý tưởng phục vụ nhân dân, phục vụ dân tộc. Chính vì vậy, đồng thời với Nguyễn Bỉnh Khiêm có mấy người mà sự nghiệp và trí tuệ vọng mãi đến mai sau như ông, một trí thức có nhân cách, có khí tiết, có trí tuệ xuất chúng.

Những không gian truyền thống thanh bình này cần  phải được bảo tồn và gìn giữ trên đường phát triển.
Những không gian truyền thống thanh bình này cần phải được bảo tồn và gìn giữ trên đường phát triển.

Xem ra, giữa cuộc sống đầy áp lực và mệt mỏi biết lựa chọn cho mình cách sống chậm khôn ngoan và hợp lý để tái tạo sức lao động, cống hiến cho xã hội là hoàn toàn khác với cách sống quên đời, ích kỉ và vô trách nhiệm. Sống chậm là tự tìm kiếm cơ hội tạo dựng cho mình những khoảng lắng trong tâm hồn và dùng những khoảng lắng quí giá đó cho vô vàn những cảm nhận hữu ích: nghĩ về mình, người thân, người khác để cảm thông chia sẻ và yêu thương; thưởng thức vẻ đẹp của cuộc sống; “phân loại” những điều hữu ích / phù du...

Chính vì sự tích cực này của sống chậm mà một tác giả phương Tây Carl Honoré đã viết hẳn cuốn sách có nhan đề rất trực tiếp: Ngợi ca sống chậm. Cuốn sách gần như một công trình khoa học phân tích thấu đáo tác dụng của sự sống chậm rãi, thư nhàn và kiên nhẫn, để tiết chế sự gấp gáp, căng thẳng của cuộc sống hiện đại, đồng thời ca ngợi sự an nhiên tự tại, tự chủ cuộc sống để cống hiến tốt hơn cho xã hội.

Tuy nhiên, sống chậm không phải lúc nào cũng tốt. Không thể tuyệt đối hoá sống chậm trong cuộc sống đương đại, bởi nếu không, chúng ta sẽ lại rơi vào một cực đoan khác, phiền toái và mệt mỏi không kém cuộc sống vội vã hiện nay. Sống chậm trong mọi trường hợp, hoặc không đúng thời điểm có thể sẽ trở thành người bảo thủ, trì trệ, lỡ thời cơ, làm hỏng việc, thậm chí thành vật cản cho cuộc sống, cho xã hội.   Đó là sự đan cài hợp lý của cuộc sống, do vậy phải lựa chọn linh hoạt trên nền tảng mục tiêu: sống phải có ý nghĩa!

Không chỉ dành cho từng cá nhân mà phong trào sống chậm đã phát triển thành ý thức xã hội. Theo kết quả tra cứu: triết lý thư nhàn của LHQ từng tuyên bố từ năm 1948, mãi đến năm 1999 mới trở thành hành động cụ thể khi ở nước Ý ra đời phong trào thành phố chậm. Chưa đầy mười năm sau, hơn 65 thành phố khác ở châu Âu tham gia phong trào, và đến nay, hơn 300 thành phố trên thế giới noi gương nước Ý xây dựng thành phố chậm với những tiêu chí rất đơn giản và truyền thống: Môi trường sạch, yên tĩnh, kiến trúc và ẩm thực truyền thống, sản xuất nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ, kinh tế ổn định... Ở nước ta, một số đô thị lớn đã bắt đầu phải tính đến chuyện này.

Tỉnh Quảng Bình hiện nay là một địa phương đang phát triển. Theo xu hướng chung của cả nước, tỉnh ta đang quyết tâm huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Để đáp ứng mục tiêu này, mỗi người lao động, mỗi vị trí công tác phải nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, năng động sáng tạo trong lao động và do đó cũng phải cần đến những khoảng thời gian thư nhàn có chất lượng. Do vậy, ngoài mục tiêu phát triển kinh tế, chúng ta cũng cần phải song hành bảo tồn và nâng cao chất lượng môi trường sống, di tích lịch sử văn hóa, ngành nghề truyền thống, ẩm thực truyền thống, không gian văn hóa yên tĩnh, thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa... để có điều kiện phục vụ nhu cầu sống thư nhàn chính đáng của người lao động. Trong quá trình phát triển đừng để biến dạng hoặc làm mất đi những giá trị quí báu này, bởi xem ra một số tiêu chí phục vụ triết lý sống thư nhàn của Liên Hợp Quốc, chừng mực nào đó ở tỉnh ta đang có.

Trần Hùng