.

Khi hát về Người

Thứ Hai, 18/05/2015, 08:43 [GMT+7]

(QBĐT) - Đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được các nhạc sĩ Việt Nam chú trọng bảy mươi năm qua, kể từ tác phẩm đầu tiên Hồ Chí Minh muôn năm của Minh Tâm và Phạm Văn Xung ra đời năm 1945. Qua chiều dài của lịch sử, đề tài và bề dày của khối lượng tác phẩm, chúng ta hãy xem khi hát về Người, các nhạc sĩ đã nói gì về mình.

Trong các tác phẩm sáng tác đầu cách mạng và kháng chiến chống Pháp của Minh Tâm và Phạm Văn Xung, Lưu Bách Thụ, Phong Nhã, Vân Đông, Phan Huỳnh Điểu,... trong ca từ, ta thường gặp những từ ngữ "muôn năm", "biết ơn", "nhớ ơn", "vầng dương", "ánh hồng", "vì sao",... Loại thể chủ yếu là chính ca và ca khúc quần chúng, có hình thức cấu trúc vuông vắn, cân phương (và cả chân phương nữa); ngôn ngữ âm nhạc vẫn là phương Tây là chủ yếu. Tất cả các tác phẩm đều ngợi ca một cách tôn nghiêm, thành kính - như một dạng thánh ca mang nội dung cách mạng, ngợi ca một anh hùng dân tộc.

Từ những năm 50 đến đầu thập kỷ 60, sau chín năm kháng chiến, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã giải phóng được một nửa đất nước, một cuộc sống mới bắt đầu thiết lập, tương lai đầy hứa hẹn. Trong bối cảnh đó, các nhạc sĩ khi đến với đề tài Hồ Chí Minh, đã in những dấu ấn mới về nhận thức vào tác phẩm. Qua các tác phẩm của Hồ Bắc, Tô Vũ, Hoàng Hà, Lê Yên, Nguyễn Tài Tuệ, Hồng Đăng, Trần Kiết Tường,... ta thấy thái độ kính phục và ngưỡng mộ đã được thay thế bằng sự kính mến hoặc mến phục và cả mến yêu. Tác phẩm dạng chính ca thưa vắng dần, nhường chỗ cho các các ca khúc trữ tình, ca khúc nghệ thuật. Đấy là do yêu cầu của nội dung là cần một hình thức tương ứng để biểu hiện tiếng nói của trái tim, của tình cảm tác giả. Tìm đến với ca khúc trữ tình và ca khúc nghệ thuật là một cách để các nhạc sĩ bộc lộ cái tôi của mình. Chủ thể (nhạc sĩ) bước đầu "tự thực hiện mình" trước đối tượng. Các nhạc sĩ đã bắt đầu nói về mình khi hát về Người.

Hàng ngày có hàng ngàn lượt người vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.                                 Ảnh: T.H
Hàng ngày có hàng ngàn lượt người vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: T.H

Một biểu hiện của sự "tự thực hiện mình" của các nhạc sĩ khi viết về đề tài này nữa là tìm đến với cội nguồn dân tộc: bằng cách khai thác dân ca như: Kpa Púi, Tường Vi; tiếp nhận âm hưởng của âm nhạc dân gian như: Lê Yên, Tô Vũ; dựa vào một nét đặc trưng của làn điệu dân ca để phát triển như: Nguyễn Tài Tuệ, Trần Kiết Tường...

Chúng ta thấy:  Các nhạc sĩ ca ngợi Hồ Chí Minh bằng chính ngôn ngữ dân tộc của Hồ Chí Minh! Hát về Người, lãnh tụ của dân tộc, bằng ngôn ngữ âm nhạc của dân tộc! Thế mới đúng với bản chất âm nhạc. Nói một cách đơn giản là: Tôi hát về lãnh tụ của tôi bằng giọng điệu của dân tộc tôi. Rõ ràng các nhạc sĩ Việt Nam đã tìm thấy cái tôi của mình trong cái ta của dân tộc; cái riêng của tình cảm đã nhận ra được ngọn nguồn của nó: cái chung. Và đây không chỉ là tình cảm mà là nhận thức, là tình cảm của một trí tuệ hoặc trí tuệ đã chuyển hoá thành tình cảm.

Trong khoảng thời gian trên dưới 15 năm này, đã chói sáng lên hai tác phẩm: Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó của Nguyễn Tài Tuệ và Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người của Trần Kiết Tường. Có một điểm chung ở hai tác phẩm này: Tình cảm yêu kính lãnh tụ đã hoà vào trong tình cảm đối với đất nước, quê hương để tạo thành những cảm xúc man mác, bao la trước đất trời, núi rừng, sông biển... Tình cảm thiêng liêng và trừu tượng đối với lãnh tụ đã chuyển thành một dạng tình cảm gần gũi và cụ thể.

Sau ngày Bác đi xa, hàng loạt tác phẩm xuất hiện. Cả giới âm nhạc đều tự thấy phải nói lên tấm lòng của mình: Đỗ Nhuận, Văn An (và Nam Yên), Cao Việt Bách, Lưu Cầu, Văn Chung (và Hoàng Trung Thông), Huy Du, Văn Dung, Xuân Giao, Hoàng Hiệp, Vũ Trọng Hối, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Đình Tấn, Huy Thục, Phạm Tuyên, Thuận Yến v.v...

Với tất cả sự đa dạng và phong phú về nội dung và hình thức âm nhạc, về bút pháp và thủ pháp, về góc độ khai thác đề tài và cấu tứ,... chúng ta thấy ở các tác phẩm này đều có những điểm chung. Trước hết, đó là lòng thương tiếc vô hạn, từ đáy sâu của nỗi đau vẫn ánh lên niềm tin vào con đường mà Bác đã chọn. Thứ đến là cái tôi - trí tuệ, cái tôi - tư duy của các nhạc sĩ dã xuất hiện và in đậm vào tác phẩm. Tiêu biểu cho dòng suy tư này là Lời thề sắt son của Nguyễn Đình Tấn và Người là niềm tin tất thắng của Chu Minh. Một điểm đáng chú ý nữa là cách khai thác đề tài: Hướng về cái bình dị, dung dị. Một đôi dép (Văn An), một hàng cây (Đỗ Nhuận), khi ru con, lúc ra suối (Hà Té và Hoàng Đạm),... tất cả như nhắc nhớ đến công lao của Người.

Những chuyển đổi trong nhận thức thẩm mỹ của các nhạc sĩ vẫn được phát triển từ bấy cho đến nay. Các nhạc sĩ vẫn hát về Người đã "đi xa". Thoạt nghe tưởng như không có gì khác với các tác phẩm trước đó. Nhưng khi nghe kỹ, chúng ta thấy có những nét mới. Với Vào lăng viếng Bác của Hoàng Hiệp và Viễn Phương, Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm của Trần Hoàn và Đỗ Quý Doãn, Những bông hoa trong vườn Bác của Văn Dung, Bác Hồ một tình yêu bao la, Vầng trăng Ba Đình và Miền Trung nhớ Bác của Thuận Yến,... ta bắt gặp một dòng cảm xúc nhớ thương thanh thản - thanh thản khi thương nhớ Người vì tự thấy mình đã làm được ít nhiều những lời Người căn dặn. Một niềm thương nhớ đầy tự tin.

Với Tiếng hát từ hành phố mang tên Người của Cao Việt Bách và Đăng Trung, Hát về Người của Đoàn Bỗng, Nhà Rồng lúc con tàu tách bến của Nguyễn Cường, Ngôi sao tháng Năm của Duy Quang, Nhân loại hát tên Người, non nước hát tên Người - Hồ Chí Minh của Nguyễn Mạnh Thường, Bạn muốn đến với Lênin - Hồ Chí Minh của Trần Tiến,... ta thấy bước chuyển đổi trong nhận thức thẩm mỹ hiện ra rõ ràng hơn, đặc biệt là trong ngôn ngữ âm nhạc mà nhất là tiết tấu. Trong cách cảm nhận đã mang tính thời đại và hiện đại. Không còn sùng kính, cung kính mà đây là hát về Người trong niềm hân hoan, tự hào. Cái tôi đầy tự tin, tự hào và cao hơn nữa là kiêu hãnh: Tôi, dân tộc tôi có một lãnh tụ, đó là Hồ Chí Minh.

Chúng ta tin tưởng rằng: Với một khách thể thẩm mỹ như Hồ Chí Minh, với những tư liệu mới, với trình độ nhận thức cao hơn, sẽ còn nhiều chủ thể thẩm mỹ (nhạc sĩ và nghệ sĩ thuộc các loại hình nghệ thuật khác) tìm đến khai thác thêm những nét mới để sáng tạo tác phẩm. Thời gian sẽ dài thêm, và với chiếc kính viễn vọng của trình độ nhận thức, Hồ Chí Minh, một anh hùng dân tộc, một nhân vật lịch sử vẫn mãi là một đề tài vĩnh hằng.

Dương Tuệ Minh