.

Quay đầu là bờ

Thứ Bảy, 16/05/2015, 05:13 [GMT+7]

(QBĐT) - Khung cảnh này vô cùng thân thuộc với mỗi chúng ta, ở những bãi ngang, trên biển quê hương. Trong một cảm hứng bất chợt, liên tưởng đến hiện thực gần đây về sự hung hãn trong ứng xử giữa người với người có chiều hướng gia tăng trong xã hội, tôi nhìn thấy ở đó một ẩn dụ khác, nhuốm màu thiền: quay đầu là bờ!

Hồi đầu thị ngạn - Quay đầu là bờ được rút ra từ câu kệ của nhà Phật:

Khổ hải mang mang,
Hồi đầu thị ngạn

                                    (Biển khổ mang mang,
                                          Quay đầu là bờ)

Đạo Phật có một mục đích bao trùm là phát hiện và hướng tới cái Tâm chân thật của mình (chân tâm) và xả bỏ những xấu xa, sân giận... (hư tâm), nguồn gốc của những sai lầm và tội lỗi. Chân tâm cùng với hư tâm tồn tại khắp nơi, ngay trong mỗi người, thậm chí có lúc chân tâm bị hư tâm che lấp, lấn át.

Theo nhà Phật, con người đạt tới được chân tâm là rất khó khăn, không thể trong một sớm một chiều. Trong truyện giả sử Tây du ký, thầy trò Đường Tăng phải trải hơn 80 kiếp nạn với biết bao gian nguy, khổ ải mới tới được động Tà nguyệt tam tinh, để thỉnh kinh hành đạo, tìm đến chân tâm. Nhưng trên thực tế địa lý, người ta không  tìm thấy có một cái hang động thực nào mang tên Tà nguyệt tam tinh ở trên đời này cả. Đó chỉ là một ngụ ý của người xưa mà thôi. Tà nguyệt tam tinh, nếu chiết tự ra, gồm có Tà nguyệt (một vầng trăng bị che khuất, còn lại như một nét móc) và Tam tinh (ba ngôi sao, ba chấm). Đó đích thị là cách chiết tự chữ Tâm (    ) của Hán tự rồi (Giải mã truyện Tây du - Lê Anh Dũng). Như vậy, hoá ra hành trình Tây Thiên thỉnh kinh đầy thử thách của thầy trò Đường Tăng  thực chất là hành trình đi về phía cái Tâm của mình. Câu chuyện nhắn gửi đến người đời một thông điệp rõ ràng: nếu không ngừng phấn đấu, không ngừng kiên trì quay vào bên trong mình mà tự rèn luyện, mà chế ngự hư tâm,thì mỗi người chắc chắn sẽ cảm thấy được chân tâm. Quay đầu lại, hướng nội thì bến bờ ở ngay đằng sau lưng mình, trong tâm mình vậy!

Trong dịp Tết nguyên đán Ất Mùi 2015, theo báo cáo của Bộ Y tế, chỉ trong vòng 8 ngày (từ 27 tháng chạp đến mùng 4 tháng giêng), có đến 6.200 người phải nhập viện do đánh nhau tại các lễ hội mùa xuân trong cả nước. Ngoài ra, trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội đầy rẫy các thông tin người ta đánh đập, đâm chém  nhau gây thương tích, chết người vì những lý do nhỏ nhặt không thể tin được: gặp nhau không chào, mời rượu không uống, vào nhầm phòng, tranh nhau chỗ ngồi... Ở tỉnh ta, Báo Quảng Bình hàng tuần có chuyên mục “ký sự pháp đình”, ngoài ra còn có tin pháp luật, tin tòa án..., nhưng chắc chắn không thể phản ánh đầy đủ các hành vi vi phạm đạo đức sống, vi phạm pháp luật ở địa phương. Tình hình chung có vẻ như đáng báo động và bức xúc đến mức báo Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh đã phải mở diễn đàn “ thói hung hãn lên ngôi?” và nhận được hàng ngàn ý kiến tham gia thảo luận, trong đó có không ít ý kiến của các học giả, nhà hoạt động xã hội, nhà quản lý...

Chúng ta có hung hãn không? Hẳn nhiên không phải số đông trong xã hội hiện nay đều ứng xử với nhau theo cách thù hận như vậy. Tuy nhiên, với hiện thực xã hội này không thể nói là không đủ “nồng độ” để đặt câu hỏi cho một vấn đề đang có nguy cơ lan tỏa, hết sức đáng lo ngại. Một câu hỏi nghiêm túc cần phải có sự xem xét toàn diện, khoa học và cầu thị của các cơ quan chức năng và toàn xã hội, nhằm lý giải nguyên nhân, tìm kiếm các giải pháp để điều chỉnh lối sống.

Trong khi chờ đợi những giải pháp căn cơ cho toàn xã hội, theo chúng tôi, mỗi người hãy không chỉ phê phán, mà còn chung tay góp phần ngăn cản vấn nạn dễ dàng sân hận này bằng cách bắt đầu từ chính bản thân mình. Không phải vô cớ mà người xưa từng nhắn gửi mà chúng ta có thể đã từng quên: “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, tức là phải tu thân mình đã trước khi muốn làm điều gì to tát! Tu thân là tự lo bản thân, tự rèn luyện bản thân, làm mọi việc để mình trở nên tử tế và có ích. Tu thân là  tự ý thức về mình dựa trên chuẩn mực xã hội trước khi muốn “hơn người”!

Hiện nay, trong xã hội, không khó để  bắt gặp nhiều người trước bối cảnh nhiễu nhương, nhưng vẫn giữ được giá trị chính bản thân mình, nền nếp gia đình mình, đương đầu phê phán, đấu tranh với cái xấu, cái ác, góp phần xác lập giá trị chuẩn của xã hội nhờ vào việc thường xuyên tự xét bản thân, biết thoát khỏi thói ghen tị, sự nóng giận và quan trọng hơn là có lòng khoan dung , vị tha, thương người như thể thương thân...

Tu thân, rèn luyện bản thân để sống có đạo lý, có ích không còn là chuyện riêng của các bậc tu hành, các bậc nho gia nữa, mà từ lâu đạo lý sống tốt đẹp này đã kết thành truyền thống dân tộc. Đó là những giá trị sống, phương pháp sống rất thường hằng mà mọi thành phần xã hội đều cần phải quán chiếu để áp dụng cho chính bản thân mình.

Trong thực tế sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp, hoặc tu từ để viết lách, sáng tác ngày nay, người đời từ lâu đã mượn tổ hợp từ quay đầu là bờ làm thành ngữ  để biểu thị một khái niệm cụ thể : khoan dung, tha thứ, ân hận... tùy văn cảnh. Chẳng hạn:  “Họ là “vua” bãi vàng , là “trùm” gỗ lậu, là gã đàn anh trong giới dao búa... Rồi một ngày, họ quyết định “rửa tay, gác kiếm”. Con đường về với đời thường thật gian nan, nhưng họ vẫn quyết tâm vì quay đầu lại là bến bờ.” (Dừng bước giang hồ- Vũ Bình, Báo Tuổi trẻ online ngày 23/2/2007). Trong trường hợp cụ thể này, chỉ có một con đường duy nhất là quay đầu lại với cộng đồng, quay đầu hướng thiện, quay đầu ăn năn hối cải, tự vượt qua chính mình mới mong tìm được an bình trong tâm mà thôi. Dĩ nhiên không nên đợi đến khi đã ra tay thủ ác mới giật mình quay đầu, mà phải ngay từ trong ý nghĩ, trong lời (định) nói nhằm thỏa sự sân hận, hồ đồ, làm tổn thương người khác...

Đó âu cũng là một tình huống “ứng dụng” triết lý nhà Phật mà thực chất là đạo lý, truyền thống dân tộc một cách sống động và hiệu quả vào giao tiếp, vào ứng xử giữa người với người vậy!

Trần Hùng