.

Trễ phép

Thứ Sáu, 29/03/2013, 07:38 [GMT+7]

* Kính tặng các  chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam tại Lào, quê Quảng Bình, nhập ngũ 2-1984

(QBĐT) - Chiếc mô nô "cà khổ" đưa đại úy, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5 Võ Phi Long rời ngã ba Bột Tà Phàn theo Quốc lộ 13 chạy về hướng Sê Nô. Hai năm bận quá nhiều việc không  nghỉ phép,  đợt này sau 4 tháng tiểu đoàn hoàn thành khóa huấn luyện chiến sỹ mới, ông mới yên tâm báo chỉ huy trung đoàn để về nghỉ. Lính mới mấy đợt trước về tiểu đoàn ông được huấn luyện tệ quá, vào trận AK cứ "đòm" tắc cú  phát một nghe tức anh ách. Bọn địch cáo cạnh phát hiện ra tân binh cự liền mấy trận, không diệt được thằng nào đã đành, mà còn chịu tổn thất nữa, chỉ huy như ông không lo sao được.

Lớp lính cựu nhập ngũ lứa 1980 Hà Nam Ninh cứng cựa, theo luật  lại sắp ra quân cả.  Huấn luyện chiến sỹ mới là nhiệm vụ quan trọng nhất của tiểu đoàn ông trong thời gian qua. Cũng may, tiểu đoàn ông nhận được gần trăm rưỡi lính Quảng Bình, sư đoàn cho Trung đoàn 29 và tiểu đoàn ông tiếp nhận tân binh về huấn luyện tại chỗ. Không ngày nào ông không có mặt ở đại đội huấn luyện. Ông có cơ sở để phát biểu trong buổi chiều tiểu đoàn tổ chức lễ  tiếp nhận chiến sỹ mới "Tiểu đoàn rất vinh dự được tiếp nhận con em của quê hương Bình Trị Thiên khói lửa".

Phần lớn anh em tân binh mới tốt nghiệp cấp 3 có trình độ văn hóa cơ bản nhưng nhiều cậu  mới đầu lơ ngơ không phân biệt nổi đâu là  súng AK  đâu là CKC, vậy mà chỉ sau 2 tháng rưỡi  huấn luyện, bắn  bài 1, chơi liền 3 vòng 10, điểm xạ tốt.

Đường 13 chạy dọc đất Lào được làm từ thời Pháp thuộc, nền đường tốt, nhưng lâu ngày không được sửa chữa, nhiều nơi đã hỏng nặng,  gặp ổ gà xe giật như muốn tung hết gan ruột lên. Nhiều đoạn phải chạy như bò. Chiếc xe này đã  gắn bó với ông khá lâu,  từ ngày ông còn là đại đội phó, nó đã đưa ông gia nhập đội hình hành quân của sư đoàn vượt cao nguyên Bô lô ven về Tây Nguyên tham gia tổng tấn công mùa xuân 1975. Cùng các sư đoàn bạn, sư đoàn của ông đã nghi binh, đánh lạc hướng địch, buộc địch căng ra, tạo điều kiện thuận lợi  để mũi chủ công tung đòn điểm huyệt vào Buôn Mê Thuột đêm 10/3. 

Gần 3 năm nó cùng ông  xuôi ngược trên các cánh đồng bông  tỉnh Thuận Hải. Hồi đó, ông  cứ tưởng  sẽ không còn cơ hội trở lại Hạ Lào nữa, chiến trường đất bạn đã gắn bó gần cả thời trai trẻ của ông, đây đã là quê hương thứ hai của ông. Trong lễ "Phục khéng", Khăm Đi, bà mẹ nuôi của ông tay buộc chỉ cho ông, miệng cứ "heng lẹo, heng lẹo" (khỏe rồi, khỏe rồi) cho con,  mà mắt cứ ngân ngấn nước, bà cũng nghĩ như ông chắc mẹ con khó còn có dịp gặp lại nhau. Ở nhà, mẹ ông đang ốm nặng, tuổi già sức yếu, dịp này ông mới yên tâm ở lâu lâu để chăm bà. Vợ ông, cô giáo trường làng, thư nào cũng động viên ông "anh yên tâm, mạ khỏe, vui cháu, mọi việc có em lo...", tuy thế mỗi năm thêm một tuổi, ai cưỡng lại được mệnh trời.  Bố ông một cựu bình từ kháng chiến 9 năm biền biệt suốt,  hết chiến dịch nọ đến chiến dịch kia, khi Hà Nam, khi Nghĩa Lộ, khi Khu Bốn cũ, rồi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, tiếp đến B ngắn, B dài. Bố con ông rất hiếm dịp gặp nhau.

Hình ảnh người bố đến với ông chủ yếu qua lời mẹ kể. Nay bố ông đã mất, vì bạo bệnh. Ông học bố từ nước da bánh mật, gương mặt chữ điền đến dáng đi thẳng, tuy  ít gặp bố nhưng như mẹ ông nói cái tính bộc trực  thì hai bố con  không thể lẫn vào đâu được, đã nói là làm, không nề hà bất cứ việc gì cả. Hai người phụ nữ trong gia đình ông, do điều kiện chiến tranh,  phải lo toan gánh vác  những công việc của đàn ông, khi họ biền biệt  ở các chiến trường xa.

Ông bén duyên với cháu gái cụ Đồ khá tình cờ. Dạo đó, tuy còn trẻ nhưng ông  đã là một thầy giáo khá chững chạc, đã có mấy cái sáng kiến dạy học cho học sinh nông thôn. Trường sư phạm cử sinh viên về kiến tập, tham khảo.  Ban đầu vô tư, ông không để ý lắm đến đám sinh viên mới. Say sưa phân tích bài Đường thi, khi quay lại bắt gặp một ánh mắt nhìn ông khá lạ từ cô đồng nghiệp tương lai, ngồi tự khi nào ở dãy bàn cuối lớp dành cho sinh viên thực tập. "Tôi là Long..., còn em Hiên nhóm trưởng phải không ?" Ông tự giới thiệu và hỏi lại cho qua loa gọi là cho phải phép, khi kết thúc buổi học. Sau tốt nghiệp Hiên được phân về dạy trường xã bên cạnh.  "Vợ mình sau này có giống mẹ không nhỉ ?", thanh niên, còn trẻ, chưa tính chuyện xây dựng gia đình, nhưng đôi khi ông lẫn thẩn tự cật vấn. Họp hành, trao đổi, giao lưu giữa  hai trường, giúp ông có dịp gặp cô.

Mẹ ông gần xa thể hiện sự quan tâm tới cổ đồng nghiệp của ông, không xinh lắm nhưng tế nhị từng cử chỉ nhỏ... Việc gì đến phải đến. Mẹ ông như trẻ lại khi có con dâu mới.  Nhưng rồi, chiến tranh ngày một ác liệt. Bạn bè ông lần lượt ra trận. Là con trai  một, bố đang ở chiến trường xa, ông thuộc diện ưu tiên để công tác ở hậu phương. Ông quyết định gửi đơn xin nhập ngũ khi được vợ động viên "anh yên tâm, mọi việc ở nhà đã có em". Chiến đấu 3 năm trên đất bạn, cùng sư đoàn hành quân về chiến đấu ở Tây Nguyên tháng 3 năm 1975, rồi chuyển sang làm kinh tế ở Thuận Hải.

Theo yêu cầu của bạn, đầu năm 1977, sư đoàn ông trở lại chiến trường xưa, giúp bạn làm kinh tế và đánh  lực lượng lưu vong  đang ngày đêm phá hoại sự tái thiết của một nước Lào mới. Hòa bình đã mấy năm nhưng bên kia dòng Mê Kông, 2 sư đoàn địch 441, 442 được tài trợ của các tổ chức bên ngoài vẫn rình rập khi có cơ hội thâm nhập vào đất bạn quấy rối, đánh phá. Cuộc sống của nhiều bản làng bị xóa trộn lớn, chính quyền cấp xã một số nơi bị đe dọa. Lực lượng địch được thành lập từ nhiều nguồn, lính quân đội Sài Gòn cũ có, lính Hoàng gia có, một số lính được tuyển mộ từ các bản, làng trên đất Lào, được huấn luyện thường xuyên, quen địa hình nên khá thiện chiến. Tác chiến với chúng gặp nhiều khó khăn, nhiều trận như chơi trò ú tim.

...Qua ngã ba Kèng Coọc, chỉ còn khoảng chục cây số nữa là đến Sư bộ ở Sê Nô, ông sẽ vào đó chào chỉ huy sư đoàn và nhận bưu phẩm chuyển về hậu cứ ở Đông Hà.  Gần đến giữa dốc Noọng Bôốc, đã thấy 3 chiến sỹ, mang súng AK giơ tay ra hiệu dừng xe. "A! chắc mấy cậu đi công tác nhờ xe về Sư bộ đây,  kỷ luật khá đấy, ra khỏi doanh trại 100 mét là cứ phải có 3 người trở lên, mang vũ khí sẵn sàng triển khai đội hình tác chiến". Lính đi công tác lại gặp xe của lính mà đi nhờ thì còn gì bằng, sướng mấy chú nhé, trúng quả đậm nhé! Chả  thế bắt được xe cứ anh nào anh nấy "mặt tươi như hoa". Xe còn cách họ không đầy 10 mét, 3 chiến sỹ  tự động xếp hàng dọc, đứng nghiêm, giơ tay chào theo đúng quân lệnh khi ông vừa bước xuống "Thủ trưởng, có lệnh !". Đại đội phó đại đội trình sát của sư đoàn trực tiếp đưa thư cho ông. Nét chữ sư đoàn trưởng rắn rõi "D trưởng D5, quay lại C6 ngay. Xuống Huội San, bãi Le, trước 16 giờ, ĐEF đang chờ! NR".

Kim giờ  chiếc Pôn Zốt "nồi đồng cối đá" chỉ vào  số  4, chờ xe  chạy chậm lại đại úy Võ Phi Long nhảy xuống, nhanh chóng lẫn vào rừng khộp đi  về hướng Đông.  Chiếc mô nô tiếp tục  ngược hướng  về thị trấn Không Xê Đôn. Cú cắt cầu này làm các "cú mèo" mất hẳn hơi. Bên kia sông trung tá, Sư trưởng Sư đoàn 441, Ô li Phan,  ngả người trên ghế sôfa, khoan thai rít sâu thuốc lá Samit, mơ màng  nhìn những vòng khói đen tan dần . "Giờ này Võ Phi Long đã ở  Sê Nô. Biệt đội Ó Đen của hắn sắp đặt lên cầu vai hắn một bông mai nữa, ha... ha... Đại tá Ô li Phan chào ngài!" Hắn tự cho mình quyền tưởng tượng khi các trung đoàn trưởng nhìn bông mai sáng chóe trên ve áo, rập chân, cúi người chào. Hắn đâu biết rằng  "Hùm xám Hạ Lào" không về Mường Việt mà quay lại Xê Nuôn Phay, để nghênh tiếp đàn em hắn, giờ này  đang gặp  Tham mưu trưởng, Trung đoàn phó Trung đoàn 29 nhận nhiệm vụ tại Bãi Le.
Tiểu đoàn trưởng báo cáo dự kiến điều quân cho Tham mưu trưởng, Trung đoàn phó Đồng Lương Nguyện:

-  Tôi sẽ sử dụng  ba  trung đội đủ của  3 Xê 5,6,7 lập thành đội hình một đại đội đủ. Riêng  K bộ sử dụng 3 trinh sát, Tuấn xạ thủ làm tổ trưởng theo mũi chính của tôi. Xê 6 cử 2 chiến sỹ thuộc đội dân vận, thông thuộc địa bàn Hạ Huội Hiêng để dẫn đường.

Biệt danh "xạ thủ"  do chính ông đặt cho Tuấn khi Tuấn bắn trúng cả 3 viên đạn AK vào vòng 4 của bia số 4, một bài bắn không có trong quy định, mà chỉ áp dụng cho lính bắn tỉa của tiểu đoàn 5.  Nhanh nhẹn, thông minh và có ý thức kỷ luật cao, những yếu tố  đó của Tuấn đã đưa ông đến quyết định biên chế Tuấn vào trung đội trinh sát của tiểu đoàn. Mới 2 năm rưỡi tuổi quân, Tuấn đã được đề bạt làm trung đội phó trung đội trinh sát.

Đêm qua, tin từ Cục II quân báo cho biết biệt đội Ó Đen đã vượt sông, hiện đang cắm trại tại Na Rôn Lôn. 6 tháng trước chính Ó Đen đã bao vây, tập kích làm  6 chiến sỹ ta hy sinh. Chiếc đèn pin được che bớt  sáng chỉ còn như hạt đỗ,  chỉ vào tấm bản đồ UTM, 2 chiến sỹ đội cơ sở  của Đại đội 6 chỉ rõ từng vị trí của Na Rôn Lôn. Bọn địch nắm rất rõ địa bàn nên chọn vị trí dừng chân khá lý tưởng cho phòng ngự, tập kích được vào vị trí này rất khó. Nhà na (nhà sàn ở ruộng - dân ở lại làm ruộng và để lúa) ở vị trí cao, sau lưng chưa đầy 20 mét là bờ sông, chỉ cần lên thuyền 5 phút là qua nửa bên kia sông, thuộc đất Thái Lan. Phía trước là ruộng lúa rộng gần 600 mét, trống trải, rất khó tiếp cận. Tầm đạn từ trên nhà na xoè cánh quạt kiểm soát toàn bộ ruộng lúa. Hai bên nhà na là 2 doi đất hẹp, chúng bố trí hai tổ gác. Ngày mai biệt đội Ó đen sẽ  chia  toán, đột nhập sâu về phía đông để phá hoại các công trình giao thông của bạn. Lượng nổ chúng mang theo không ít. Phải hốt gọn chúng trong đêm nay. Thời cơ không còn nữa.

- Thủ trưởng, lúa sắp gặt, dân đã tháo nước cho khô ruộng.  Ông ngoái lại, Cang cậu lính mới quê thị xã Đồng Hới dáng mảnh khảnh nhìn thẳng vào ông. Không để ông nói, Cang tiếp:

-  Ta vận động qua ruộng lúa, ruộng khô nước ít gây tiếng động, âm thanh xào xạc của các bông lúa sẽ "nuốt" các tiếng động phát ra khi ta vận động qua ruộng lúa ! Nhà mần ruộng nhiều, em biết.

- Đồng ý phương án tiếp cận! Tương kế tựu kế. Địch lợi dụng đồng lúa để chống ta tiếp cận, ta lợi dụng thời điểm ruộng khô, lúa sắp gặt để tiếp cận chúng. Phương án được thông qua sau khi Cang thực hành động tác trườn qua ruộng lúa ngay trong doanh trại của Đại đội 6.

- "Giỏi quá, dân mần roọng chạy có khác!" . Giọng Hà Tĩnh nặng, pha chút "thuốc lá, đá thuốc Lào" của Tiểu đoàn trưởng Võ Phi Long vang lên. Bàn tay rắn chắc của ông đặt lên vai Cang lắc lắc.

Đại úy Võ Phi Long quyết định chọn phương án tiềm nhập trực diện địch qua na lúa, chỉ thị  Đại đội trưởng  Đại đội 6 bố trí thêm một khẩu đội cối 60 li và 1 khẩu đội đại liên ba càng yểm trợ hai cánh, sẵn sàng khai hỏa ghìm địch, đánh trước để yểm trợ đội hình chính nếu chúng bất ngờ phát hiện ta. Đêm thượng tuần, mảnh trăng treo giữa rừng khộp nhờn nhợt đủ soi đường cho bộ đội di chuyển. Bám sát giãn cách cự ly 5 mét, đại đội tác chiến được tăng cường thêm quân số và hỏa lực, lần đầu vận động đánh địch chỉ mang vũ khí không mang thêm ba lô quân trang, xuyên rừng khộp lặng lẽ tiến theo hướng Tây Bắc nhanh chóng tiếp cận vùng Na Rôn Lôn. Kim dạ quang chỉ con số 13, đội hình chữ V, mũi chủ công được dẫn đầu bởi 1 cựu trinh sát đặc công bắt đầu tiềm nhập. Sóng lúa khẽ xào xạc, đêm yên lặng, thời gian như cô đặc lại.

Hơn 4 tiếng đồng hồ  đội hình vượt qua gần 600 mét ruộng lúa. Khoảng cách từ nòng khẩu AK của Tiểu đoàn trưởng Long đến sàn nhà na chỉ huy chỉ còn chưa đầy 50 mét.  Bên trong hai nhà kho hai bên phát ra tiếng ngáy nghe rõ mồn một.  Nền trời hừng đông dần ửng hồng phía sau, thấy khá rỏ mấy cái màn tuyn xanh móc trên vách gỗ nhà sàn. Có tiếng động! Tên chỉ huy Ó Đen cao lớn nằm giữa sàn, ngồi dậy ngái ngũ ngáp dài mấy cái, rồi vươn vai đứng dậy đi ra góc sàn nơi đặt chum nước. Một tay lấy gáo múc nước, một tay vuốt ngược mái tóc xòa xuống phủ cái trán khá cao để rửa mặt.

"Bắn!" "pằng pằng, chíu chíu", loạt  điểm  xạ của Tuấn "xạ thủ" xé nát màn đêm sau khẩu lệnh của đại úy Võ Phi Long. Toàn bộ các cỡ súng thi nhau nhả đạn. Viên đạn đầu tiên của Tuấn "xạ thủ" trúng ngay trán tên chỉ huy, thân hình cao lớn của hắn đổ ụp xuống đất khi chưa kịp để vục gáo vào chum múc nước. Tiếng đạn rít, tiếng B 41, tiếng cối nổ vang trời, tiếng rên la thảm thiết. Mấy tên gác tháo chạy dưới làn cối 60 và đạn phóng lựu M79. Mấy tên nhảy xuống đất chạy thoát thân, bị các nòng súng bắn đón, căn sẵn mé các gốc cây hạ gục không sót một tên.  5 phút cường tập diễn ra như đang diễn tập trên thao trường, quá gọn ! Địch không kịp trở tay. Đại đội khét tiếng mang biệt danh Ó Đen, niềm kiêu hãnh của O Li Phan và là cái đinh trong mắt Sư đoàn trưởng 442, đã gây ra bao tội ác bị xóa sổ. Xác 33 tên địch ngổn ngang, đứa thì vắt trên lan can nhà, đứa nọ đè lên đứa kia. đứa gục bên gốc dừa... máu tanh loang khắp nơi. Mùi thuốc súng, lẫn mùi gổ, cỏ tranh cháy pha mùi đất ba zan bị đạn cày xới xộc lên làm nước mắt nước mũi trào ra. Trừ tên chỉ huy và ba tên gác vượt sông, bọn còn lại bị diệt gọn, không có đứa nào kịp chạm tay vào súng. Chỉ riêng súng đạn chiến lợi phẩm đã chất đầy 2 xe bò kéo...    

"Thôi!" Tiểu đoàn trưởng Long hạ lệnh cho khẩu đội cối 60 đang chọn phần tử bắn ngắm về phía 3 cái đầu lóp ngóp cố thoát về bờ bên kia sông. Trời đã sáng hẳn, dòng Mê Kông đang mùa nước nổi đục ngầu, cuộn chảy, lều bều rác rưởi đẩy mấy tên tàn binh  trôi dần về phía căn cứ Vườn Phọ bên kia sông.

"Píp...píp...", 8 giờ sáng, cần ma nuýp vô tuyến 25 W chuyển bản Moócxơ trên tay  nữ hiệu thính viên sư đoàn rung lên chuyển bức điện buổi sáng về Tiểu đoàn 5 với nội dung " Tiểu đoàn 5 hoàn thành gấp rút kinh nghiệm trận Na Rôn Lôn, trong vòng 2 ngày phải phổ biến cho toàn mặt trận, hoàn thành hồ sơ thi đua khen thưởng gửi Bộ tư lệnh quân khu trước tháng 2. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5 về trung đoàn nhận nhiệm vụ, sau kỳ phép".. . Píp, Píp đại úy Võ Phi Long, nhận điện, nhìn đồng hồ, rồi lẩm bẩm một mình "muộn mất 3 ngày!".

                                               Truyện ngắn của Nguyễn Lương Cương