.

Trần Thị Huê và những giấc mơ...

Thứ Tư, 20/03/2013, 15:31 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhiều năm trước, thi thoảng tôi gặp chị ở Tòa soạn Báo Quảng Bình.  Tôi láng máng biết chị là Trần Thị Huê và cũng thi thoảng đọc được vài bài thơ của chị trên báo. Thế rồi từ bấy đến giờ, tôi gần như không gặp chị và cũng gần như quên luôn những bài thơ của chị. Cho đến một ngày, tôi tình cờ gặp "Giấc mơ nhật thực", một tập thơ mới của người rất cũ ấy...

 

Cô giáo-nhà thơ Trần Thị Huê...
Cô giáo-nhà thơ Trần Thị Huê...

Thật ra "Giấc mơ nhật thực" không phải là tập thơ đầu tay của Trần Thị Huê (sinh năm 1970)  hiện là giáo viên ở Trường mầm non Hiền Ninh (Quảng Ninh). Trước đó, năm 2002, chị đã cho ra đời tập thơ đầu tay mang tên "Sóng vọng".

Khi tôi hỏi về tập thơ ấy, chị đọc cho tôi nghe bài "Đợi". Đó cũng là bài thơ đầu tiên trong sự nghiệp làm thơ của chị, được viết vào năm 1997, giữa những khó khăn của cuộc sống đời thường, đặc biệt là đối với một cô giáo mầm non ngoài biên chế dạy ở trường làng thuở ấy. Nhưng niềm đam mê thi ca đã giúp chị vượt qua những thách thức của "cơm áo gạo tiền" để thăng hoa cùng con chữ. Bài thơ giản dị, thật thà đến lạ lùng "Em đợi nắng về/Gió trở áng mây/Em đợi câu thề/Anh đi đi mãi...". Những câu từ giản dị, thấp thoáng sự ước lệ của thi ca truyền thống. Và cũng thế, những câu thơ cuối vẫn mang âm hưởng dịu dàng, quen thuộc mà người đọc rất dễ hình dung đến một cái kết có hậu "Lời thề ngọn gió/Thao thức vầng trăng/Dịu hiền lối cỏ/Đợi người trăm năm".

Bài thơ này, theo thiển nghĩ của tôi, nếu gặp phải một biên tập viên khắt khe một chút, có thể nó sẽ bị lãng quên giữa những chồng bản thảo ngồn ngộn. Nhưng rất may cho chị (và bây giờ là cho cả những người yêu thơ) bởi nó đã không bị lãng quên. Để rồi tiếp sau đó, chị viết nhiều bài thơ nữa với những âm hưởng khá riêng biệt của mình. Dần dà, nhiều người đã biết, đã đọc, đã nhớ chị là cô giáo làm thơ.

Cho đến khi "Giấc mơ nhật thực" ra đời vào cuối năm 2012, thì Trần Thị Huê đã là một cây bút vững vàng. Hầu hết những bài trong tập này đều đã được đăng ở  báo Văn nghệ trẻ, Tạp chí Nhật Lệ, Cửa Việt, Sông Hương, Vũng Tàu... Người viết lời giới thiệu cho tập thơ thứ hai này của chị là nhà thơ Hoàng Vũ Thuật.

Chủ yếu trích dẫn những bài thơ, những câu thơ được viết theo giọng điệu rất mới của chị, nhà thơ Hoàng Vũ Thuật hoàn toàn không quá lời khi viết rằng "ngôi-nhà-thơ Huê không bao giờ cố định, luôn vươn về phía chân trời sáng tạo, phía của giấc mơ nhật thực".

Nhưng thú thật, đối với nhiều bài thơ được chị viết theo lối thơ mới trong tập này, tôi (và có lẽ với nhiều bạn đọc khác nữa) khó có thể cảm nhận hoặc nói đơn giản hơn là hiểu được những điều chị muốn nói phía sau những con chữ ấy. Điều tôi cảm nhận rõ nét nhất ở toàn bộ tập thơ là một Trần Thị Huê rất mới, rất lạ với những câu thơ như "Năm canh phiến đá nghe đủ chuyện con chim mỏi cánh/Hướng vào sông thì thào tên người mình yêu thực sự/Của một bầu trời sau nửa đốt tay" (Một bầu trời). Hay "Phía ngọn dương còng mình là cát/Phía cát úp mặt là nước/Phía ý tưởng là ngôi nhà, phía ngôi nhà là chân trời/Mơ về tôi giấc mơ giấu nỗi niềm dưới gốc tóc/Giấc mơ nhật thực/Trời xanh." (Giấc mơ nhật thực).

Và tôi kiên trì đọc đi đọc lại cả tập thơ. Cả hai lần tôi dừng lại ở bài "Chân quê", bài thơ lục bát duy nhất trong cả tập thơ. Có lẽ nhờ nó mà tôi mới tìm đến chị, gặp và chuyện trò với chị. Lần đầu tiên nghe một thầy giáo, cũng là một người làm thơ, là thầy Trương Văn Quê, ngâm bài thơ này, tôi thoáng chút sững sờ. Dẫu vẫn mang hơi hướng cổ điển như bài thơ đầu tay nhiều năm trước, nhưng với bài thơ này, dù gặp phải biên tập viên khắt khe đến mấy, tôi tin nó cũng sẽ không bị lãng quên. "Ngày dài dài tự ngày xưa/Đi bao nhiêu để cho thừa bể dâu/Mắt nhìn trái chín về đâu/Mà thương chiếc lá nhạt màu người ơi...".

Với những câu thơ này, đã thấy một Trần Thị Huê với những trải nghiệm và trái tim nhạy cảm của người phụ nữ. Rồi nữa "Cát vàng lấp lánh lối mòn/Bể dâu bồi lở chân son đợi chờ...", thì vẫn là sự đợi chờ đấy, nhưng đã thấm đẫm những thăng trầm của đời người, điều mà người ta khó có thể có được khi chưa đi qua thời gian, qua những hỉ, nộ, ái, ố... của cuộc đời...

Tôi viết bài này về chị với tư cách là một người đọc cùng những cảm nhận của riêng mình. Và với tư cách là một người phụ nữ đang có chút ít dính dáng đến chuyện viết lách, văn chương, tôi thực lòng khâm phục chị bởi những khát khao, những nỗ lực của chị để có thể cho ra đời hàng trăm bài thơ trong hơn mười năm qua. Dù vẫn còn đó sự giản dị, thô mộc, đôi khi là chút vụng về, nhưng tôi tin đó là những con chữ được chị viết ra từ trái tim. Một trái tim đủ yêu thương, đủ nhạy cảm, đủ lãng mạn... để có thể vượt qua những khó nhọc đời thường mà thăng hoa.

Từng nhiều năm gắn bó với ngành giáo dục, tôi hiểu được một cô giáo mầm non ngoài biên chế dạy ở trường làng là vô cùng vất vả. Có rất nhiều người đã không trụ nổi với nghề, đành bỏ trường, bỏ lớp mà đi. Nhưng chị đã bám trụ kiên cường. Không những thế, chị còn là một cô giáo - nhà thơ với những thành công nhất định của mình. "Bây giờ thì ổn rồi. Những cô giáo mầm non ngoài biên chế như chị đã được vào biên chế từ năm 2011, khi các trường mầm non bán công được chuyển sang công lập. Giờ chị chỉ còn phải lo việc trường, lo chăm con gái, chăm mẹ già và... làm thơ nữa thôi!", chị hồ hởi khoe với tôi. Có lẽ, đó là giấc mơ giản dị của chị, một cô giáo làm thơ.

Bây giờ, chị đã yên tâm làm thơ. Và dù kinh tế còn eo hẹp nhiều bề, chị vẫn in thơ để tặng bạn bè, để chia sẻ với bạn những điều mình muốn nói. "Khi nào đi công tác thì ghé nhà chị chơi. Nhà chị ở bên sông Long Đại, đẹp lắm...", chị hồ hởi. Và cuối cùng, chị không quên đọc một bài thơ vừa đăng trong tạp chí Nhật Lệ, bài "Cỏ non". Có lẽ đang là tháng ba, nên sau khi nghe chị đọc một lần, tôi nhớ như in hai câu "Mưa xuân qua động tiếng cười/Còn tôi đứng giữa rối bời tháng ba...".

                                                                        Diệp Đồng