.

Xóm nhỏ

Thứ Ba, 19/03/2013, 20:54 [GMT+7]

(QBĐT) - 1. Ngày gia đình tôi chuyển tới đây, xóm vừa chỉ được 4, 5 nhà là giáo viên của trường cấp 3 gần kề. Các bậc phụ huynh vốn là thầy cô giáo nên gọi một cách văn vẻ là xóm Tân Lập, ý rằng xóm mới mở, còn tụi nhỏ chúng tôi cứ kêu theo ý thích của mình: "xóm nhỏ".

Đường về xóm nhỏ.
Đường về xóm nhỏ.

Vùng đất nơi gia đình tôi chuyển về ở - ngày ấy vốn là ruộng lúa, thường bị ngập nước, nằm sát con sông Cụt (gọi là sông vậy thôi, chứ nó đã bị bồi lấp gần hết). Ban đầu, chỉ là một mái nhà tranh nho nhỏ, nằm nép bên góc vườn. Để dựng nhà, gia đình nào chuyển tới ở cũng phải gồng gánh hoặc mượn xe bò kéo đất về lấp, đắp nền cho cao.

Trong tâm trí tôi vẫn còn hằn in hình ảnh bố, mẹ và các anh chị tranh thủ đêm trăng sáng đào đất ruộng, gánh đổ vào vườn. Bé nhất nhà chẳng làm được việc gì nhưng tôi cũng chạy theo, tay cầm vào quai gióng, lòng đầy tự hào ra vẻ ta đây cũng góp công góp sức, mà chẳng hề hay biết mình níu theo chỉ làm cho gánh đất càng nặng thêm trên đôi vai chưa kịp cứng cáp của anh trai tôi...

Vậy mà ngày mưa bão, lụt lội, cái nền đất ấy cũng chẳng thể nào chống chọi nổi. Nước tràn lên ngập cả bậc tam cấp, rồi mon men vào nhà. Năm cũng phải vài lần như thế. Tôi ngồi trên giường chẳng dám thò chân xuống nền vì sợ rắn. Bố đi trực lụt bão ở cơ quan. Vườn sau, mẹ cùng anh, chị đang lội bì bõm để lùa đàn lợn mới đẻ lên giàn gác cao hơn. Mẹ thở dài: lứa lợn đang mơn mởn như thế, có việc gì thì...

Xóm tôi, hầu hết gia đình là những cặp vợ chồng giáo viên, công chức nhỏ của thời hậu bao cấp. Ngày ấy, đồng lương còm cõi không đủ nuôi sống gia đình, cả xóm bàn nhau tính chuyện nuôi, trồng kiếm thêm thu nhập. Lũ trẻ con chúng tôi vì vậy cũng được trải nghiệm vốn sống với nghề nuôi lợn, chăn vịt, bán rau... Những anh chị lớn tuổi dường như đã thấm được nỗi cực nhọc của cái từ "kiếm sống", riêng tụi nhỏ bọn tôi còn quá ngây thơ, nên vẫn còn háo hức lắm, vẫn tưởng đó chỉ như là trò chơi "đồ hàng" của con trẻ mà thôi!

2. Đường về xóm nhỏ giờ chỉ toàn những tường rào bê tông. Chẳng còn bụi tre, bờ hóp như ngày xưa nữa. Ừ, thì phải vậy. Nông thôn mới giờ cũng toàn tường rào bằng bê tông đó thôi, huống chi xóm nhỏ nhà mình giờ đã là thị trấn. Nhưng vẫn cứ thấy tiêng tiếc thế nào...

Lại nhớ những đêm hè, cả lũ chơi đánh trận giả. Bờ tre, bờ hóp là nơi trú ẩn lý tưởng nhất. Len lỏi giữa những khoảng trống của bờ hóp, thoắt ẩn, thoắt hiện... Rồi có khi người của 2 phe đụng mặt nhau một cách quá bất ngờ, hoảng hốt, chẳng còn kịp nhớ ra nhiệm vụ phải “bắn” phe kia nữa. Cả bọn được dịp lăn ra cười, vậy là huề cả làng. Chơi đánh trận giả ở xóm tôi, chẳng phải cứ là bằng tuổi. Từ những anh chị đã học cấp 3 cho đến đám nhóc mới mon men lớp 1, lớp 2 đều tham gia hết. Có hôm chia phe con trai và con gái. Anh Quân được xem là láu cá nhất bọn, hôm đó đã đầu têu cho đám con trai cùng nhau đánh trần, mặc quần đùi trắng hoặc sáng màu rồi chia thành từng tốp sàn sàn nhau.

Thế là cả đám con trai chạy qua, chạy lại ngay trước mặt mà lũ con gái chúng tôi chẳng thể nào bắn trúng. Thua ngay mấy keo liên tiếp. Mấy chị lớn tuổi cay lắm, bèn nghĩ ra "quỷ kế": chạy về xách nong, giần sàng của mẹ ra, rồi cũng từng tốp trốn đằng sau, tiến sát nơi trú ẩn của "kẻ thù", gỡ ngay mấy keo thua ban nãy...

Đám trẻ xóm tôi học dọi khá nhanh. Thời cuộc thi "Bảy sắc cầu vồng" đang sốt trong giới học sinh, mấy đứa xóm tôi cũng bày trò tổ chức cuộc thi "Ngôi sao năm cánh". Các bậc phụ huynh ủng hộ lắm! Chỗ dạy thêm của thầy Kim trở thành hội trường với đầy đủ bàn ghế cho các cổ động viên. Cũng có phông màn, logo trang trí hẳn hoi. Lớn tuổi hơn nên tôi được bầu làm 1 trong 3 thành viên ban giám khảo. Cuộc thi diễn ra sôi nổi không kém gì "Bảy sắc cầu vồng" trên tivi, thậm chí còn gay cấn hơn bởi khả năng phản biện của "giám khảo" nhiều lúc chẳng thể thuyết phục nổi các "thí sinh" thua mình có vài tuổi, lại đang hiếu thắng. Chỉ đến khi có sự lên tiếng của các cổ động viên lớn tuổi, mọi việc mới được giàn xếp ổn thỏa.

Cuộc đấu ngang tài ngang sức, đội chòm (chừng 5- 6 nhà chụm lại gọi là chòm) bên phía tôi giành chiến thắng nhờ bài hùng biện về chủ đề "Mẹ" trong nước mắt của em Quyên - em nó mất ba khi vừa vào lớp 1.

... Mới đó mà cũng đã gần 20 năm. Giờ những đứa nhỏ nhất bọn cũng đã có gia đình, con cái. Chẳng hiểu mỗi lần về quê chúng có còn nao nao nhớ về trò chơi năm cũ như mình.

3. Trên chuyến xe trở lại sau mỗi lần về quê, mẹ lại dúi vào tay tôi hộp trứng gà có đến gần dăm chục quả gửi cho cháu ngoại. "Mẹ lấy đâu ra nhiều thế này? Còn để dành cho cu Tôm, con Tép nữa chứ!" Nghe tôi hỏi, mẹ cười: "Cứ mang vô đi, gà nhà mình đẻ đó. Tôm, Tép có phần đây cả rồi!" Cầm cho vui lòng mẹ mà tôi vẫn băn khoăn, gà mình nuôi cũng có nhiều lắm đâu, hình như có bao nhiêu mẹ gom để dành cho cháu hết vậy...

Hôm rồi về quê, đang lúi húi ngoài vườn với mẹ, nghe tiếng dì Hường bên xóm rổn rảng trước sân với chục quả trứng gà trên tay. "Lần trước, cháu dì Hường về quê, trở ra Hà Nội, dì có vay trứng gà của mẹ để gửi, giờ mang sang trả đó mà!"- mẹ giải thích khi nhìn thấy câu hỏi trên nét mặt tôi. "Bình thường có khi ăn không hết, nhưng khi cháu chắt về muốn gửi quà ra thì bao nhiêu cũng không đủ. Lúc nào nhà ai cần thì góp lại, hôm sau đổi". Hóa ra vậy. Nỗi băn khoăn bấy lâu của tôi đã được giải đáp. Ôi! Các bà mẹ ở xóm tôi... vẫn còn những kiểu vay mượn xưa cũ. Tôi cười mà cay cay nơi sống mũi!

4. Chiều. Nắng xuân hắt nhẹ chút ánh vàng. Ngồi bên hiên nhà, nơi vắng bóng mình sau bao năm thân thuộc. Lòng thư thái, nhẹ nhàng. Lại nghe ríu rít, rộn ràng tiếng trẻ con cười, nói. Những đứa trẻ thuộc thế hệ thứ 3 về quê ăn Tết đây mà- tôi thầm nghĩ. Chúng chẳng thể có những kỷ niệm tuổi thơ giống bố mẹ chúng, nhưng cũng vẫn đầy ăm ắp tình yêu thương nơi xóm nhỏ quê nhà...

                                                                     Trần Hương Lê