TẢN VĂN:

Nhan sắc xuân xưa

Cập nhật lúc 10:00, Thứ Ba, 26/04/2011 (GMT+7)

Bữa trước, tình cờ lượm được một câu trên net của bạn văn nổi tiếng, rằng “nhan sắc đàn bà được lưu giữ trong ký ức của những người đàn ông”, tôi liền chép vô… trí nhớ (giống như hồi nhỏ vẫn chép những lời hay ý đẹp vào sổ tay). Và rồi tôi nhớ đến những giai nhân làng tôi mà nhan sắc tỏa sáng trong lễ hội cờ người những mùa xuân xưa vẫn sống mãi trong ký ức của đàn ông từ thuở họ còn trai tráng cho đến khi răng long đầu bạc (và dù có thể bây giờ giai nhân xưa đã cười… móm mém), để mỗi khi nhớ lại, nhiều người vẫn chép miệng “Cô đó ngày xưa đẹp không bút nào tả xiết…”.

Tôi ham xem cờ người từ thuở còn lon ton sau chân mẹ. Cứ mỗi độ xuân về, người làng tôi tạm quên biển, quên thuyền, quên cá mực…để tụ tập ở sân đình. Trong rất nhiều những trò chơi thời đó, đánh cờ người thu hút hầu hết đám đàn ông con trai trong làng. Nhiều người trong số họ là những tay say cờ, nhưng cũng có không ít kẻ chưa một lần ngồi trước bàn cờ tướng, song tất cả họ đều mê mải với những trận cờ kéo dài có khi bất phân thắng bại. Lần đầu tiên nghe tôi kể chuyện này, bạn thắc mắc “Người biết chơi say cờ đã đành, người không biết chơi mắc mớ chi theo đuổi suốt mấy ngày xuân ở những ván cờ ấy?”. Tôi nhìn bạn và nghĩ, nếu bây giờ làng tôi lại chơi đánh cờ người như thuở xưa, biết đâu bạn (một gã con trai chỉ biết chút ít về cờ tướng) cũng sẽ say cờ đến nghiêng ngả?

 

DSC09111.JPG
 

 

 Đơn giản là những ván cờ xuân xưa ở quê tôi là nơi quy tụ hầu hết những nhan sắc của làng. Để chuẩn bị cho ván cờ xuân, từ cả tháng trước, làng trên xóm dưới đã rầm rộ tuyển chọn những thiếu nữ vừa xinh đẹp vừa nết na. Nhà ai có con gái được làng chọn đi ngồi cờ, cha mẹ vui tíu ta tíu tit và tất bật sắm sửa áo quần cho con gái cưng, những mong con gái mình sẽ duyên dáng nhất, nổi bật nhất để được cầm quân tướng, quân sĩ…
 

 Đến ngày mở hội cờ, sân đình rộng thường ngày được vẽ thành bàn cờ tướng khổng lồ, người xem bốn phía vây quanh bàn cờ xập xòe áo mớ ba mớ bảy. Những thiếu nữ mười lăm, mười bảy má hây hây chẳng cần son phấn, tay cầm các bảng gỗ khắc ký hiệu quân cờ và ngồi vào vị trí. Các cao thủ cờ tướng sẽ cầm quạt hoặc cây gậy gỗ, khi tả xung hữu đột, khi lặng lẽ thâm trầm suy tính… trên cái bàn cờ rực rỡ những giai nhân ấy. Cứ mỗi khi cánh tay của họ giơ lên và đổi chỗ một giai nhân, trống lại giục thùng thùng và người xem xuýt xoa, trầm trồ trước những nước cờ cao tay ấn. Bên ngoài, người xem dù có say cờ đến mấy cũng có khi xao lãng bởi những nhan sắc mộc mạc tươi xinh như hoa mùa xuân đang hé nụ. Nhiều ván cờ kéo dài cả buổi trong tiếng trống giục thùng thùng và sự căng thẳng cao độ của cặp đấu cao thủ, bàn cờ cũng vắng dần những giai nhân…

DSC09128.JPG
 
 Sau những ván cờ mùa xuân ấy, nhiều giai nhân làng tôi trở thành bạn trăm năm của những tay cờ cao thủ. Giai nhân đi lấy chồng đồng nghĩa với việc mùa xuân năm sau sẽ không còn được ngồi cờ, không còn cảm giác bối rối ngượng ngùng khi có ai đó mê mải ngắm dung nhan người đẹp thay vì thưởng thức ván cờ với những nước đi thâm hậu. Cũng có người thành bạn tri âm, mỗi mùa xuân lại gặp nhau ở bàn cờ, chỉ cần nhìn vào mắt nhau là hiểu nước đi sắp tới. Những nhan sắc mùa xuân xưa là cô Hiên, cô Nụ, cô Hoài… theo thời gian làm vợ, làm mẹ, làm bà, nhưng mỗi khi nghe trống giục sân đình, tim lại nhói lên những ký ức đẹp đẽ của mùa xuân xưa cũ…
Nhiều mùa xuân qua, con gái làng tôi cứ thế lớn lên, hồn hậu, xinh tươi trên bàn cờ với áo mớ ba mớ bảy khiến những trái tim trai làng lâng lâng nhịp đập…Tôi xa quê khi vừa kịp làm thiếu nữ, ngày mùa xuân đi qua sân đình, bước chân cứ nấn ná không đành trước ván cờ dang dở. Những khi nhớ quê, tôi thường nghĩ, chẳng biết tan hội cờ năm nay, có bao người nên đôi nên đũa? Và có ai từng say cờ nghiêng ngả bỗng  một ngày bỏ đi biệt xứ với trái tim đau khi nhan sắc mình thầm thương trộm nhớ bất chợt sang ngang và từ giã hội cờ…

Người làng tôi bây giờ không còn chơi cờ người vào mỗi dịp xuân về. Tôi tìm lại nhan sắc xuân xưa trong câu chuyện với những tay cờ cao thủ, trong bước chân nấn ná mỗi khi qua sân đình, trong những gương mặt hao hao giai nhân ngày cũ…Những nhan sắc được lưu giữ bền lâu không chỉ riêng trong ký ức của những người đàn ông, mà trong từng hoài niệm đẹp của tất cả những ai có mặt ở ván cờ xuân những ngày xưa ấy…

Những nhan sắc xuân xưa của làng tôi sống mãi với vẻ đẹp “không bút nào tả xiết”, có lẽ, như một nhà văn từng nói, nhan sắc của họ không đơn thuần là vẻ đẹp của làn da, mái tóc, mà nó lấp lánh, lẩn khuất tận đáy sâu tâm hồn…

Tôi không phải là nhà văn, nhưng tôi biết chắc một điều, những giai nhân làng tôi thuở trước đã vẽ nên nhiều mùa xuân rất đẹp trong ký ức bao người, nên tôi chưa bao giờ phải lẻ loi nơi sân đình, giữa những bước chân nấn ná trong ngày mùa xuân.

Diệp Đồng

,
.
.
.