Phía trước những con đường

Cập nhật lúc 15:17, Thứ Hai, 09/05/2011 (GMT+7)

 

 

Thằng Chương cúi gập đầu:
- Cháu chào ông ạ!
Bà giáo Lợi nhắc:
        - Cháu chào lại đi. Chào thế này này. Bà nó vòng hai tay ra trước ngực cúi đầu làm điệu bộ. Thằng bé vâng một tiếng rõ to rồi nhìn bà nó làm theo.
        Tôi xoa đầu thằng Chương:
       - Cháu của ông giỏi lắm. Ông cho cháu cái này này. Cháu có biết quả này là quả gì đây không.
       Thằng bé lắc đầu. Bà giáo bóc từng múi cam đưa cho nó. Nó bỏ vào miệng nhai nhóp nhép. Mấy người làm đồng đi qua ghé vào:
       - Mẹ gọi là gì? Thằng bé ngước mặt, vểnh tai lên tỏ vẻ không hiểu. Cái đầu cắt húi cua vuông vức của nó tóc xoắn lại như rễ tre. Bà nó lấy cái roi dặt dặt xuống đất nhắc lại câu hỏi.  Thằng Chương nhăn da trán, nhọn mồm nắn nót những nốt âm thanh tròn trịa. Nó nói như con khướu - Mẹ gọi là pá pá...
                                                               *
     Thằng Sơn và con Cúc là hai đứa con cậu Tường, ông bạn cùng lớp với tôi thời học phổ thông. Tường lấy cô Lợi ở làng tôi. Có một lần Tường dắt con về thăm ngoại. Mới ở ngoài cổng cậu ta đã bô lô: “Thằng con tôi ấy mà. Trong huyện chưa là cái gì nhưng ở trong xã tôi nó nhất đấy nhé. Thì ông tính ở cái trường miền núi mà được đi ôn thi ở huyện là nhất rồi chứ gì”.
     Lên cấp hai thằng Sơn lại đi thi học sinh giỏi huyện. Lần này thì nó đạt giải khuyến khích hẳn hoi. Cậu Tường mổ hai con gà mua mấy lít rượu mời cả hội đồng nhà trường đến dự.
     Thằng Sơn từ ngày xuống huyện chững chạc hẳn ra. Cu cậu đi đứng, ăn nói đã ra dáng người thành phố. Dù sao thì ở làng quê chúng tôi cái thị trấn bé nhỏ đó cũng gọi là phố huyện. Trong trường thằng Sơn giỏi toán, con Cúc giỏi văn. Thế là hai đứa con của Tường làm nổi đình nổi đám cho dòng họ Trần Ngọc. Xong lớp 9 thằng Sơn đậu trường Chuyên vào học trong thành phố. Ba mẹ nó mừng lắm, đi đâu cũng khoe. Qua mấy lần đạt học sinh giỏi tỉnh, năm lớp 12 Sơn đạt giải khuyến khích quốc gia. Hôm đi chấm thi ở huyện, đợi phà, Tường vào quán gọi mấy chai bia “ Mừng cho tôi đi ông, thằng Sơn vừa đạt giải Quốc gia. Học thành phố có khác. Mấy lâu nay ở nông thôn, miền núi bọn mình ít đầu tư quá”. Mấy người trong quán tròn xoe mắt nhìn Tường. “Uống đi ông, à quên, mời các bác. Các bác mừng cho tôi có thằng con đạt giải Quốc gia”. Tường hoa chân múa tay mời mấy người trong quán như thể cậu ta mới đi lĩnh thưởng về vậy.
     Lên phà. Lại gặp người quen. Cậu Dục lái ca nô là người cùng làng. Mặc cho chiếc ca nô rồ lên, chân vịt cuồn cuộn sóng. Tường giơ tay gào lên át cả tiếng máy: “ Chiều về hẹn gặp nhau. Tớ sẽ đãi. Thằng con tớ vừa đạt giải Quốc gia”.
     Xuống huyện. Buổi đầu tiên họp Hội đồng giám khảo. Đứng trên bục là  ông chủ tịch sang sảng đọc quy chế chấm thi, đằng sau tôi lại nghe tiếng người thầm thì, nhỏ thôi nhưng tôi cảm nhận được niềm vui sướng dạt dào đang trào dâng trong tim của người đang nói.“ Chiều anh về nhà em nhé. Thằng con em mới nhận được cái bằng khen của tỉnh, nó vừa đạt giải quốc gia”. Giải quốc gia đâu mà lắm thế, ngay một hội đồng chấm thi mà có đến hai người có con đạt giải. Ngày nay giáo viên biết đầu tư vào việc học hành của con cái, nghề giáo viên cũng mở mặt mở mày với bạn bè. Tôi ngoảnh lại “vẫn là cậu Tường”. Tường đỏ mặt nhìn tôi bối rối, cậu ta biết mình sướng hơi quá đà. Đã có con từng đạt giải nhì Quốc gia nên tôi hoàn toàn hiểu được tâm trạng của cậu. Tôi cũng đã từng có giây phút bồng bềnh ngây ngất như bay trên chín tầng mây. Con người ta thế đấy. Lúc buồn lúc vui không kìm nén được trong người. (Cậu Thủ có cái mũi dài, thi đậu đại học tại chức, mõ cứ vênh lên như con diều hâu, gặp mấy bác nông dân bón phân ngoài đồng, cậu chìa bằng ra, ai cũng ngỡ cậu ta vừa nhận được bằng tiến sĩ).
       Năm sau thằng Sơn học đại học Công nghệ thông tin ngoài Hà Nội, con Cúc đỗ hệ A. Cậu Tường được bổ nhiệm làm hiệu phó. Lợi làm tổ trưởng tổ Toán thay ông Bót về hưu. Phải nói một năm gia đình Tường đại thăng hoa. Vợ chồng Tường tập trung cho các con ăn học. Nghe đâu thằng Sơn học nhiều thứ lắm. Nó liên tục gọi điện về xin tiền. Nó nói phải học thêm tiếng Anh, Tin học, nó học Nhạc, học Võ. Nó học hết chứng chỉ này đến chứng chỉ khác. Tường nói: “Bây giờ con cái đã trưởng thành rồi, nó còn khôn gấp vạn lần chúng mình ngày xưa”. Bao nhiêu tiền lương Tường dồn hết cho con. Nó đòi máy tính xách tay. Có ngay! Nó xin ba mẹ mua cho nó chiếc xe đời mới để đến lớp cho kịp giờ. Hai vợ chồng Tường vay nợ ngân hàng. Con bé Cúc cũng đua đòi ăn diện. Lớp 10, ba nó phải sắm cho cái điện thoại di động để gặp gỡ bạn bè. Tường nói: “Con gái con lứa nó có ăn đời ở kiếp với chúng mình đâu. Nó chưng diện một tí cũng chẳng sao. Sau này lấy chồng sinh con có thương cũng không có điều kiện nữa”.
      Kì chấm thi chuyển cấp năm sau tôi rủ Tường vào trong quán đợi phà. Ông chủ quán bảo: “Thầy Tường ơi, cháu đạt giải Quốc gia năm nay học thế nào rồi”. Tường rung rung đùi cười hể hả. “Cám ơn bác, cháu nó vẫn đứng đầu lớp. Cháu vừa điện về cho tôi, nó được cấp học bổng loại một”. Tường giành tôi trả tiền bia: “ ấy! Cậu để tớ, cậu phải chia sẻ niềm vui với tớ chứ”.  Tôi vẫn cứ đinh ninh mấy đứa con của Tường thẳng cánh cò bay. Cái ước mơ của vợ chồng Tường bay cao, bay xa hơn nữa.
      Một bữa về làng giỗ mẹ, Lợi gặp tôi: “Anh ơi! Em khổ lắm. Con Cúc bỏ học rồi. Mà nó bỏ đi đâu mới được chứ, mới một dúm tuổi đầu làm gì để sống. Thằng Sơn nữa. Em cứ tưởng nó ăn học bổng loại một, học nhất nhì  lớp ai dè nó đúp năm một”. Rồi Lợi khóc rấm rức thương con. Con Cúc bỏ đi với dì Quý nó. Quý bán quán trên ga. Ngày trước Quý thường xuống chỗ vợ tôi lấy rượu. Bị khách ăn quỵt chạy làng cụt vốn, hai vợ chồng Quý cãi cọ nhau. Phụ nữ làng tôi có cái tật mỗi khi bị chồng đánh chửi, bỏ đi Nam. Có những đám chồng biết chỗ chạy theo vào làm ăn ở hẳn trong ấy nhưng cũng có đám nhắn tin trên Đài về giải quyết việc li hôn. Có mấy người đàn ông bị vợ bỏ, sống vật vờ được mấy năm, bao nhiêu thóc gạo trong nhà đem đi đổi rượu. Đã có hai người chết vì rượu. Người bị xe đâm, người nôn ra máu.
     Quý đi được 6 năm thì về làng. Chồng của Quý đã lấy vợ khác. Quý đến gặp vợ tôi: “Ngày trước tớ nợ Niềm mấy can rượu nhỉ. Thôi ba can vàng, mười hai ngàn đồng, bây giờ tớ trả cho đằng ấy hăm tư được chưa. Thiếu thì bù, thừa thì coi như tớ cho mấy cháu gói kẹo”. Quý là bạn học với vợ tôi hồi phổ thông nên hai người cứ mày tao chi tớ như thuở học trò. Quý bảo hai dì cháu theo một đường dây đi làm ăn ngoài Hà Nội “phục vụ nhà hàng”, ai ngờ bị lừa bán sang Trung Quốc. Quý làm cái máy đẻ cho hai anh em nhà nọ được 3 đứa con. Họ cho Quý 5 triệu đồng Việt Nam về thăm con lần cuối và trả nợ. Lần này Quý sang có khi phải ở hẳn bên đó. Tôi hỏi tình hình con bé Cúc, Quý bảo chẳng có tin tức gì. Xe bị bịt kín. Đến nơi giao “hàng” người ta căn cứ vào lí lịch tự khai để đấu giá. Gái có chồng, gái tân, gái già, gái trẻ... Cao thấp tuỳ theo số tiền đấu giá của người mua. Bên ấy đàn ông thừa, đàn bà con gái thiếu.
      Quý đi lần ấy rồi không về nữa. Hai vợ chồng Tường cũng chẳng thấy về làng. Đùng một cái Cúc về đem theo đứa nhỏ tròn 6 tuổi. Thằng bé tròn trùng trục, chắc như cái cối xay đá. Nó biết nói bập bẹ vài ba tiếng Việt. Lợi kể con Cúc gặp dì nó lết giữa chợ xin ăn. Nghe nói Quý tính bắt đứa con gái nhỏ về Việt Nam. Việc bại lộ. Nhà “chồng” cho người đuổi theo cắt hai sợi gân ở dưới gót chân, bỏ lên xe ngựa mang đến thả xuống chợ.
      Sống bên ấy bất đồng ngôn ngữ, ở với nhau không có tình yêu. Con Cúc bán mấy lứa lợn cất giấu tiền bạc chờ thời cơ tìm đường chạy trốn. Nó bỏ lại hai đứa lớn rồi theo xe hàng về biên giới. Thằng bé về quê ở với bà. Mẹ nó vào thành phố làm công nhân cho công ty ga Châu Lí. Cô giáo Lợi về hưu nay đã thành bà. Ngày xưa trẻ trung, vợ chồng bà Lợi đã nhầm lẫn trong việc nuôi dạy con cái. Nay về già bà sẽ...
      Cuộc đời vẫn còn dài. Con đường đời vẫn thênh thang phía trước.

 

Truyện nhắn của Hoàng Minh Đức

                                                                        

,
.
.
.