.

Người Mày anh em - Bài 4: Gia tài văn hóa phía núi Ku Lôông

Thứ Ba, 10/11/2015, 08:11 [GMT+7]

(QBĐT) - Người Mày không chỉ cuốn hút với những tập quán núi rừng, mà họ sinh tồn giữa thiên nhiên khắc nghiệt biết yêu quý mảnh đất tiên tổ đã sinh ra vốn gia tài văn hóa riêng. Nơi ấy, có vô số câu ca điệu hát, lời ru tự nhiên bật ra đằm thắm, nghiêng ngả núi rừng Ku Lôông.

Điệu ru mộc mạc

Người Mày biết hát ru hiện không nhiều, còn lại ở trong vùng Lòm khoảng mười người, số trẻ theo hát nhiều bài hát sôi động phía ngoài du nhập vào qua ngã biên giới phía Cha Lo đang ngày càng mai một vốn hát của anh em Mày. Người còn có một vài điệu hát là chị Y Phăng, chị hát ru đứa cháu nhỏ. Mỗi lời hát của chị đều bắt đầu bằng chữ “I...í í í...”, đó là đặc trưng của tiếng hát người Mày.

Điệu ru mà chị Y Phăng vẫn hát cho đứa cháu nghe là: “I...í í í../Lầm lét con/ Chớ miệt dút ra/ Lế làm lế cư đo/ Tế chi ăn/ Lầm lét con ơi”. Chị vừa hát, chồng vừa phiên âm ra tiếng Việt để nói với khách: “I...í í í.../Ngủ đi con/ Cho mẹ đi làm/Lấy cây ngon, lấy quả ngọt/Để cho mình ăn/ Ngủ đi con ơi”.

Thật sự điệu ru con của người Mày chỉ người Mày mới hiểu và cũng chỉ người Mày mới thẩm thấu được từ góc rừng nguồn nước, bởi đặc tính thiệt bụng và đơn giản cuộc sống nên điệu ru của họ là các lắp ghép giản đơn để tạo dựng tâm hồn hòa hiếu với tự nhiên. Đó là một trong những bài ru con mà phụ nữ Mày còn ghi nhớ qua truyền khẩu để cho nhau từng thế hệ nối tiếp.

Tiếng khèn luôn là bản sắc ở vùng núi cao Giăng Màn.
Tiếng khèn luôn là bản sắc ở vùng núi cao Giăng Màn.

Nhưng ru con của người Mày không bất biến ở một bài như thế hay một điệu dân ca như thế. Người phụ nữ Mày theo lời kể lại, họ có thể nhìn mái nhà để sáng tác ra một bài ru con cho hôm nay, rồi ngày mai họ có thể nhìn cây cối, rừng núi để hát cho con nghe công tích cha ông, hoặc núi rừng quê hương yêu dấu của họ. Chị Phăng kể: “Mình nhìn cái gì mình hát cái đó cho con cháu nhỏ nghe, hôm nay thì nhớ nhưng ngày mai mình quên, quên nên mình hát cái khác cho con, mình tự sáng tác ra thôi, chỉ biết mần răng nó gần gũi với con mình lớn lên thôi”.

Chúng tôi nghe một bài hát dài, tò mò được phiên âm ngắn gọn và cụ thể về lời ru con gái sau này lớn lên: “Con gái ơi/ Bình minh sớm dậy/ Nhớ chủi quét nhà/Giã pồi, múc nước/ Làm ăn bố mẹ vui/ Mệt ơi/ Nuôi lợn/Nuôi gà/Trồng sắn/ Trồng khoai/ Cuốc đất trồng chuối/ Mà trồng mía ngọt/ Mà trồng gai thơm/ Cho bố được vui/ Cho mẹ được nhờ/ Con ơi, này con ơi”.

Ở đồng bào Mày, hát ru có lối tự sự và lối hát lãng mạn, tất cả đều được nhuần nhuyễn truyền dạy theo cuộc sống mỗi ngày, nó tự thấm vào da thịt của từng thế hệ, không có trường học cho lời hát ru, nhưng tự trong tâm hồn của mỗi cá thể người Mày đều chứa chan làn điệu mẹ cha truyền lại. Mỗi bản có mỗi cách hát khác nhau, và mỗi người có một giọng ngân khác nhau, nhưng nghe chung lại, họ có một tấm lòng mong con cái lớn khôn, biết yêu mảnh đất sinh thành, biết nhớ bản quán khi xa. Đấy là gia tài dân bản nơi đây.

“Tôi nghèo, có rừng quê tôi giàu có”

Lân la với một số cụ già của người Mày, chúng tôi biết thêm về túi khôn yêu quê hương bản quán của họ qua câu hát rất riêng mà tinh túy; nhất là bài Brú Lòm (Núi rừng Lòm): “Núi rừng bản Lòm ta/ Giàu có và ấm no/ Có song bột, trầm hương/ Quê hương mình giàu có/ Giặc đến cùng nhau đánh/ Cho đến chết mới thôi/ Còn một người cũng đánh/ Đánh hết giặc mới thôi/ Giữ lấy bản rừng của ta/ Ơi con cháu ta ơi”.

Họ tự hào địa vực sinh ra họ, với người ngoài, non cao núi thẳm được ví là rừng sâu nước độc, với anh em Mày, đó là quê hương và giặc đến thì cùng nhau đánh, đánh đến chết mới thôi là cách diễn đạt tình yêu vô biên của họ với nơi họ chôn nhau, bởi đó là cương vực bản làng thân thương. 

Người Mày ở Lòm còn có một bài hát trứ danh khác mà người Khùa, người Sách cũng thuộc làu, bởi nó nói đúng đạo lý yêu rừng. Đấy là bài: “Tôi không đi đâu hết/Tôi ở núi rừng cha mẹ đã sinh ra tôi/ Núi rừng này cha mẹ đã nuôi tôi/ Dễ kiếm ăn con cá con ốc/Củ nâu, củ mát, con ong/Mà nuôi tôi khôn lớn/Tôi không đi đâu hết/Không bỏ núi rừng tôi/Núi rừng tôi dễ kiếm ăn/Dễ kiếm sản vật/Tôi nghèo, có rừng quê tôi giàu/Tôi không tham rừng của họ/Đi rừng của họ khó kiếm ăn/ Đất rừng bằng ở không quen/Ốm đau thì không có thuốc men/Không tiền bạc chạy chữa/ Tôi ở rừng quê tôi/ Ốm đau thì có thuốc men rừng quê tôi/ Lấy cỏ dã về xông/ Tôi không đi đâu/ Tôi ở nơi mẹ cha đã cắt rốn chôn nhau”. Bài hát này thể hiện sự da diết với quê hương bản xứ, người Mày thường hát bài này vào mùa cuối năm lễ, tết, bởi khi đó tình cảm của người với đất bản xứ luôn được khơi dậy.

Giai điệu dân gian của người Mày không dừng lại ở đó, nó còn truyền tụng nhau bởi các lời ca điệu hát và đặt bài khác, đó là một gia tài văn hóa có thật được sinh ra bởi những con người mộc mạc, nhưng tinh thông núi rừng, bởi họ rất triết lý rằng: “Tôi nghèo, có rừng quê tôi giàu”.

Nặng nghĩa yêu thương

Với người Mày, chung thủy là đặc tính mạnh mẽ như kiểu cách họ làm chiến binh bảo vệ đất đai, nguồn nước. Họ phải cưới nhau ba lần để bảo đảm con được theo họ cha, nếu không, con vẫn theo chế độ mẫu hệ, họ mẹ. Tuy nhiên trong bất luận việc gì diễn ra, họ vẫn bảo đảm một vợ một chồng, không được làm bất hòa tình cảm gia đình. Đấy là người hạnh phúc, họ như người Khùa, phải tổ chức ba lần cưới, nhằm thể hiện nặng nghĩa yêu thương.

“A duốc” hay lễ “truốt” là lần cưới đầu tiên của người anh em Mày trong hành trình làm vợ làm chồng. Để làm lễ này, người con trai phải mời được hai ông Năng Xừ (làm chứng), dĩ nhiên là họ được nhà gái cho phép tình yêu với con gái rồi đưa lễ vật đến làm “a duốc”, muốn thế, chàng trai phải mời một người trong bản có vợ con đề huề, cả bản kính trọng, và thường là già làng làm ông nha rít (chủ tọa) cho lễ “a duốc”.

Hồ Xếp kể, ông đã làm chủ tọa cho rất nhiều con cháu trong bản, bởi ông được mọi người kính trọng.
Đúng hẹn, người con trai được Nha Rít, Năng Xừ đưa lễ vật đến nhà gái để “a duốc”, tại chân cầu thang, người con trai chưa thể vào nhà, chỉ ông Nha Rít và Năng Xừ đi lên. Ông Năng Xừ được đón tiếp ở nhà gái, tiến hành bỏ cây gươm thẳng hàng với cột nhà ngoài và cột nhà trong, cán gươm sát cột nhà sau với mong muốn được “a duốc”, và ông năng xừ còn lại cung kính nói: “Đây là của tôi, đừng ai động vào của tôi”.

Nói xong, ông Nha Rít ngồi, hai ông Năng Xừ xuống chân cầu thang, đưa lễ vật hai đôi gà, hai đôi cườm, hai đôi bát, gạo nếp, một cái mâm. Lễ vật đưa lên, nếu chiếc gươm được nhà gái cất đi, là tín hiệu lành cho lễ “truốt”, nếu gươm không cất sẽ là điều xấu bởi ông Năng Xừ bỏ gươm không đúng, lễ phạt bằng với lễ “truốt”. Có một cách khác để “a duốc”, đó là đọc lời khấn, cho cây gươm đứng thẳng trong chiếc bát chứa đầy gạo, gươm đứng, lễ “a duốc” tiến hành.

Họ ở với nhau và để thực sự vợ chồng, họ phải cưới lần thứ hai, thứ ba, không đủ ba lần cưới, những đứa con Mày vẫn theo chế độ mẫu hệ, mang họ mẹ, cưới được lần thứ hai, thứ ba con cái được mang họ cha. Lễ cưới lần thứ hai tổ chức ở nhà gái một ngày. Lễ diễn ra sau khi chàng trai ở rể 3 năm tại nhà gái, nhà trai phải chu toàn lần cưới hai gồm bò một con, lợn ba con, 14 con gà, 14 cái bát, 14 chiếc tô, hai nén bạc nhỏ, 20 vòng cườm, 20 vòng bạc ra mắt nhà gái, tiệc tùng linh đình xong, người con trai “bắt vợ” về nhà chồng.

Nếu nhà trai không sắm sanh đủ lễ vật cưới hỏi đó, nhà gái xuất lễ cưới lần hai cho nhà trai vay bởi người Mày quan niệm: “Đến giờ đến tháng, con ma muốn tìm ăn cưới rồi”, nên phải cho vợ chồng về nhà trai, tuy nhiên con cái sinh ra vẫn là con cháu của ma nhà gái, họ vẫn họ của mẹ. Cụ Hồ Xếp cho biết.

Lễ cưới lần ba được tổ chức lễ vật như lễ cưới lần hai, nếu vợ chồng già, đã mất, con trưởng phải đảm nhận lễ vật, cưới cho ma bố mẹ. Lễ tục cưới nặng nề, khiến nhiều chàng trai người Mày khó đáp ứng được bởi tiềm lực kinh tế có hạn, vậy nên có nhiều trường hợp, con cái chưa thể theo chế độ tên tuổi phụ hệ.

Ngày nay, theo trưởng bản Hồ Khiên, đang dần dần bỏ đi những tục cưới nặng nề mà xin thần Ku Lôông được cưới hỏi đơn giản, thế nhưng vẫn chưa bỏ hết triệt để, bởi lề thói đã thấm đẫm cuộc sống từ ngàn vạn đời nay, nó không dễ gì quên đi ngày một ngày hai, mà phải tập dần từng năm, từng cuộc đời, từng thế hệ với sự giúp sức của bộ đội biên phòng cắm bản.

Minh Phong

Bài 5: Lệ tục viễn xưa

>> Bài 3: Tộc người "không" tư hữu

>> Bài 2: Chiến binh người Mày

>> Bài 1: Niềm vui về mảnh đất truyền thuyết