.

Người Mày anh em - Bài 2: Chiến binh người Mày

Thứ Sáu, 06/11/2015, 08:56 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày xưa, khi vùng đất cổ miền tây Quảng Bình lắm giặc và nhiều dã thú, tộc người Mày nhận lãnh trách nhiệm chiến đấu ngăn chặn xâm lấn bờ cõi và tiểu trừ mãnh thú về giết dân làng. Họ còn mang một nhiệm vụ hệ trọng khác, bảo vệ nguồn nước. Người Mày trở thành chiến binh được các tộc người anh em phía lưng chừng núi trở xuống ngưỡng mộ.

 

Người Mày ở đầu nguồn nước, họ có trách nhiệm bảo vệ nước.
Người Mày ở đầu nguồn nước, họ có trách nhiệm bảo vệ nước.

Chiến binh người Mày

Một câu chuyện kể mang tính biểu tượng từ lâu vẫn được truyền tụng qua huyết quản của người Mày rằng, đêu pđê (ngày xưa) thượng cổ, người Mày và anh em khác ở bóng núi Giăng Màn thường bị các tộc người lạ vây đánh. Họ thoắt ẩn, thoắt hiện, đánh đuổi người Mày, Khùa... đi từ núi này đến suối nọ.

Một hôm, thần núi Ku Lôông hiện về, bày cách cho người Mày chống lại những bộ tộc xâm chiếm, thần Ku Lôông báo mộng cho thủ lĩnh người Mày, muốn thắng giặc, phải chọn ngọn đồi độc lập giữa thung lũng, biến nó thành pháo đài để canh chừng cho anh em khác, không thể bỏ chạy giữa rừng sâu, chạy mãi rồi cũng bị đuổi đánh, rồi bị làm nô lệ. Phải đứng dậy bằng đôi chân, đôi tay dẻo dai như cây rừng, phải biết dùng thứ sẵn có trong rừng chống lại giặc giã xâm lăng.

Thần Ku Lôông còn chỉ cho thủ lĩnh người Mày cái cây có chất độc, cách làm ná, cung tên tẩm độc, cách lấy ong rừng đánh đuổi kẻ thù, đặc biệt kỹ thuật bẫy lao, bẫy chông ba khía cũng được bày vẽ trong giấc mơ của người thủ lĩnh Mày. Ánh nắng bình minh, vị thủ lĩnh người Mày nhớ hết các điều thần Ku Lôông bày dặn, huy dộng đàn ông vào rừng lấy chất độc từ loài cây họ từng gặp, huấn luyện cách đưa ong đi đánh giặc, làm ná, đặt chông ba khía, đặc biệt sáng tạo cung tên đến mức điêu luyện.

Từ lời của thần Ku Lôông, người Mày đã tạo ra các vũ khí chiến đấu, đánh bại nhiều trận chiến xâm lấn, họ thực thụ trở thành chiến binh vĩ đại của những bản làng khác và họ được đặc ân ở trên ngọn đồi hùng vĩ từ đó. Dã thú ăn thịt người trèo lên các quả đồi ấy đều bị cung tên của người Mày tiêu diệt. Họ lại càng tạo dựng thêm niềm tin để các anh em khác xem người Mày là nơi chốn của thanh bình và bảo bọc cho vùng yếu thế hơn.

Lời kể của chuyện xưa theo truyền khẩu, chúng tôi khó xác thực độ chính xác của bản gốc, tuy nhiên niềm tự hào của người Mày trong cách họ kể, thật khó để bào mòn tình cảm đoàn kết của họ trước bao biến cố thời cuộc.

Bảo vệ nguồn nước

Người Mày rất quý nước, nhất là nước đầu nguồn. Họ ý thức rất rõ thứ tài nguyên vi diệu này với cuộc sống không chỉ của họ mà còn là với bao người anh em ở phía giữa nguồn và cuối nguồn.

Một câu chuyện khác được nghe kể về cách họ bảo vệ nguồn nước khi chúng tôi được phép qua đêm ở bản làng của họ. Khi đánh đuổi những bộ tộc xâm lấn, các nguồn nước bị làm phép cho cạn kiệt, cơn mưa không về. Còn lại cái giếng nước vuông và cái giếng nước tròn của Ku Téc (thần đất), nơi đó cũng là nơi lãnh vực biên ải của người Mày, họ cố công bảo vệ, bao lần kẻ thua cuộc đã giã tâm bỏ thuốc độc nhưng không thể tiếp cận cái nước của thần Ku Téc bởi sự thiện chiến của chiến binh Mày.

Bảo vệ tốt nguồn nước, người Mày cầu thần Ku Lôông cho được trời mưa, giải khỏi lời nguyền xấu, nước ở trời men theo tường vách dựng đứng của hệ núi Giăng Màn tưới mát cho tất cả anh em Mày, Sách, Khùa, Rục... và cả người Kinh phía xuôi của dòng sông Gianh.

Bởi vậy, địa thế của người Mày ở bản mới có được hai nguồn nước như chảy xuống từ trời, một ngọn Hong Tà Râu, một nguồn Hong Pà Ài, rì rào chảy qua nương rẫy, đổ xuống ngọn Rào Nậy rồi nuôi nấng các làng bản phía dưới.

Ngày nay, những tộc người anh em sống thuận hòa, lãnh nhiệm bảo vệ nguồn nước mang tính biểu tượng, nhưng với người Mày, nước như một vị thần bản thể đi ra từ ý thức của họ. Bởi như minh triết từ các dân tộc khác, không có nước, không thể có sự sống, người Mày cũng không thể tồn tại và ý thức về tổ tiên, thần, ma đều biến mất, văn hóa lụi tàn khi nước biến mất.

Khí tiết người Mày

Bản ngã của người anh em Mày là bảo vệ đến cùng bản sắc của mình, họ chuyển đển bản Dộ nhưng đề nghị không chung tên bản Dộ trong tên gọi hành chính của xã. Bởi họ ở trên ngọn đồi, còn người bản Dộ ở phía dưới đó, có tập quán khác với họ và người Mày xin được giữ lại khí tiết của Tà Vờng, và Tà Dong.

Họ sống gắn bó với núi, uyển chuyển với tự nhiên, con trai đến mùa lớn phải vào rừng lấy mật, cách để chứng minh đã trưởng thành, phải đi bằng tay không, chân trần, chỉ đeo trên lưng một A Chăng, là cái gùi lót lá cọ khô để đựng tổ ong. Đến được tổ ong, con trai người Mày dùng khói, hun gốc cây, lấy lá cọ, kết lại, làm mặt nạ quanh mặt và quanh thân tránh ong đốt, lấy được mật, lại đưa về trình già làng, trình trưởng bản, trình cha mẹ để người của bản biết đã có chàng trai trưởng thành.

Người Mày ở trong hệ núi Giăng Màn, nhiều người già nhất kể, các dãy núi kéo dài từ Cha Lo-Mụ Dạ, về Khe Xon-Khe Vàng là các cổ núi Tồông Vốôc, Ku Lôông, Y Răng, Y Hơn, các vị thần lừng lẫy trong hệ Giăng Màn lừng lững. Đấy là những vị thần núi nuôi nấng bản ngã người Mày, tất cả hợp lại, tạo thành vị thần thiêng liêng cai quản cương vực vùng đồng bào Mày án ngữ gọi là Giang Bra, thần của các vị thần.

Trong nếp nhà của người anh em Mày đều thờ cúng vị thần vật tổ Giang Bra. Nhưng vị thần họ thường nhắc đến nhất là thần Ku Lôông. Vị thần này cho người Mày nhiều thứ để giữ gìn cương thổ, đó cũng là vị thần sinh ra nhân sinh quan về thế giới xung quanh của người Mày, cũng là vị thần cho người Mày có cách nhìn của con đại bàng trên núi cao.

Bản người Mày không lập miếu thờ, mà chọn một nơi cao ráo, sạch sẽ, khi có lễ người chủ bản đưa đến ba que gỗ, cắm kiểu chân kiềng, trên đó sắp mâm cúng gồm gà luộc, cá suối và thuốc rừng mời gọi thần Ku Lôông, mời cả thần Giang Bra về dùng với dân bản, phù hộ dân bản bình yên, phát nương làm rẫy tốt tươi, săn bắn thịnh vượng.

Đạo chia nước

Người Mày cuối năm thường có lễ chia nước ngọt hứng từ mái nhà sàn hoặc lấy ở nguồn nước suối. Lễ chia nước cho các gia đình trong bản đều do người có trọng vọng chia, mỗi nhà một ít nước (chừng một lít) nhưng đó là cách họ muốn ẩn ý sự chia sẻ tài nguyên tự nhiên để bảo tồn cuộc sống. Có nước, người Mày mới nhớ đến nhau, và nhớ đến những người anh em láng giềng khác.

Những người Mày chúng tôi tiếp xúc nói về ý nghĩa chia nước thú vị. Dòng nước của thần chảy về, sinh ra ở các ngọn nguồn từ núi và trời, nước chảy đá mòn, nước uyển chuyển và dẻo dai, chảy mãi không cạn suối nguồn, nước hùng mạnh và tợn bạo mỗi mùa mưa lũ. Nếu ở thượng nguồn, ở đầu giọt nước sinh ra, “không kính trọng với nước, chắc chắn người Mày đã bị nước cuốn đi, người khác chiếm mất nguồn nước và không cho những người anh em xung quanh” - Hồ Khiên nói.

Cách người Mày bảo vệ nguồn nước cũng tỏ rõ họ hào hoa với người miền dưới đó là đạo giữ gìn thứ tài nguyên nuôi nấng các giống loài thủy sản để có thêm thức ăn trong cuộc sống, sự giữ gìn đó cũng là điều cần thiết cho các mùa vụ tốt tươi. Cách thức đó khiến trí tuệ người Mày bật lên giữa muôn vàn khó khăn của tứ bề núi rừng u ẩm.

Cụ Hồ Xếp nói: “Nước không dành riêng cho người Mày mà dành cho những anh em khác nữa, chiếm nguồn nước là điều không thể ác hơn”. Và đạo chia nước của người Mày nó cũng giống như đạo giữ nước, trong sáng và hào phóng, trách nhiệm và hết mình, cứng cáp và uyển chuyển, tất cả họ đều học được từ giọt nước của các vị thần tạo ra mà anh em Mày đang thờ tự.

Minh Phong

Bài 3:Tộc người “không” tư hữu

>> Bài 1: Niềm vui về mảnh đất truyền thuyết