.

Trên công trường phục dựng, tôn tạo Di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc

Thứ Bảy, 03/10/2015, 17:27 [GMT+7]
(QBĐT) - Chẳng những là điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh, nơi gìn giữ truyền thống lịch sử của quê hương, Di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc ở xã Mỹ Thủy (huyện Lệ Thủy) sau khi được phục dựng và tôn tạo sẽ là điểm đến hấp dẫn trong hệ thống các điểm du lịch tâm linh trên địa bàn Lệ Thủy, cũng như của tỉnh Quảng Bình.
 
 
 
 
Hoằng Phúc Tự (hay còn gọi là Chùa Hoằng Phúc) là một trong những danh lam cổ nhất trên đất Quảng Bình, với bề dày lịch sử trên 700 năm. Lúc đầu, chùa có tên là Am Tri Kiến, sau có tên là chùa Kính Thiên, tục danh chùa Trạm (hay chùa Quan). Chùa tọa lạc trên vùng đất cao ráo, rộng 10.000m2, ở phía hữu ngạn dòng sông Kiến Giang, cách trung tâm huyện lỵ Lệ Thủy khoảng 4km về phía nam.
 
Theo sách "Ô châu cận lục", vào năm 1301, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông sau khi xuất gia từ chùa Yên Tử (Quảng Ninh) trên đường viễn du Chiêm Thành đã ghé thăm Am Tri Kiến. Sau này, chùa cũng nhiều lần được nhiều vị vua, chúa triều Nguyễn viếng thăm, đề thơ vịnh, trùng tu lại. Năm Minh Mạng thứ 2 (1821), trong chuyến ngự giá Bắc tuần, vua có ghé thăm chùa Kính Thiên và cho đổi tên chùa thành “Hoằng Phúc Tự” (có nghĩa là phúc sâu đậm).
 
Chùa Hoằng Phúc không chỉ là nơi thờ Phật, hoằng dương Phật pháp, mà nơi đây còn gắn liền với các sự kiện lịch sử quan trọng. Trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa là nơi hội họp để triển khai các chỉ thị khởi nghĩa của cấp trên, chuẩn bị lực lượng, vũ khí tiến tới giành chính quyền vào ngày 23-8-1945.
 
Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, chùa còn là nơi cất giấu, kết nạp, huấn luyện dân quân tự vệ; là hậu cứ của chiến trường B, nơi tập kết hàng hóa, quân lương, điểm dừng chân trước khi vào chiến trường miền Nam. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử và bom đạn chiến tranh, chùa đã bị tàn phá, hư hỏng. Tuy vậy, chính quyền và nhân dân địa phương cùng nhau lập nên một ngôi chùa nhỏ để làm nơi hương khói, phụng thờ đức Phật.
 
Ngoài bề dày lịch sử, chùa Hoằng Phúc còn có kiến trúc khá đặc biệt. Cụ thể, dấu tích kiến trúc Tam quan ở chùa Hoằng Phúc được bố trí thành 3 cổng tách rời nhau và hệ thống tường không giống kiến trúc Tam quan thường thấy ở những ngôi chùa cổ khác ở nước ta.
 
Với những giá trị lịch sử-văn hóa đó, ngày 1-6-2010, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1201, xếp hạng chùa Hoằng Phúc là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Ngày 30-11-2014, UBND huyện Lệ Thủy đã làm lễ khởi công phục dựng, tôn tạo Di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc, do Ngân hàng TMCP Đầu tư-Phát triển Việt Nam tài trợ hơn 40 tỷ đồng. Tổng thể khu di tích được phục dựng và tôn tạo bao gồm: Tam quan ngoại, Tam quan nội, tháp Phật, Tam bảo, nhà thờ Tổ, tả hữu hành lang, Am hóa vàng và các công trình phụ trợ khác như: khu tăng xá, trai đường và công trình bếp...
 
Dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào dịp 715 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông ngự lãm chùa Hoằng Phúc.
 
Cùng với Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Khu lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái nước khoáng Bang... chùa Hoằng Phúc sau khi được phục dựng và tôn tạo sẽ là điểm đến hấp dẫn đối với các tour du lịch tâm linh trên địa bàn huyện Lệ Thủy nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung.
 
Một số hình ảnh tại công trường phục dựng, tôn tạo Di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc:
Chùa Hoằng Phúc trước khi được phục dựng và tôn tạo.
Chùa Hoằng Phúc trước khi được phục dựng và tôn tạo.
Mặt trước chùa gồm: Tam quan nội, tháp Phật và Tam bảo.
Mặt trước chùa gồm: Tam quan nội, tháp Phật và Tam bảo.
Tam quan nội.

Tam quan nội.

Tam bảo (chính điện) gồm 5 gian.
Tam bảo (chính điện) gồm 5 gian.
Họa tiết trên các vì kèo của chính điện được chạm trổ tinh tế.
Họa tiết trên các vì kèo của chính điện được chạm trổ tinh tế.
Hành lang từ chính điện đến nhà thờ Tổ.
Hành lang từ chính điện đến nhà thờ Tổ.
Nhà thờ Tổ có 7 gian.
Nhà thờ Tổ có 7 gian.
Phục dựng, tôn tạo nhưng dấu tích của một trong 3 cửa Tam quan còn lại vẫn được gìn giữ.
Phục dựng, tôn tạo nhưng dấu tích của một trong 3 cửa Tam quan còn lại vẫn được gìn giữ.
D.C.H