.

Vui mùa lúa rẫy

Thứ Sáu, 06/11/2015, 14:45 [GMT+7]

(QBĐT) - Những ngày đầu tháng 11 này, chúng tôi có dịp lên xã biên giới Dân Hóa (Minh Hóa) để theo chân bà con thu hoạch lúa rẫy. Thời gian này, dưới chân núi Giăng Màn, những rẫy lúa đang chín vàng óng. Năm nay, bà con Dân Hóa lại tiếp tục được mùa lúa rẫy.

b
Niềm vui của bà con bản Hà Nông khi thu hoạch lúa rẫy.

Ông Đoàn Phúc Hạnh, Chủ tịch UBND xã Dân Hóa gọi điện nói rằng: “Chú lên đi thăm rẫy với anh đi, bà con đang thu hoạch lúa đó. Vụ mùa năm nay, nhờ mưa thuận gió hòa nên lúa rẫy được mùa lắm!”. Nhận lời mời của anh, chúng tôi lại lên với Dân Hóa.

Điểm đầu tiên chúng tôi đến là bản Hà Nông. Bản làng này nằm trên tuyến đường vào Lòm, cách trụ sở UBND xã chừng 4km. Từ bản đến rẫy chừng 2km đường chim bay nhưng chúng tôi phải cuốc bộ hơn 1 giờ đồng hồ mới tới nơi. Đầu tiên, phải leo lên con dốc Hà Nông dựng đứng mất gần 30 phút mệt đến bở hơi tai. Đây là con dốc cao nhất và gian nan nhất trong cuộc hành trình.

Tiếp đến là con dốc Sa Mù đâm thẳng về phía chân núi Giăng Màn thoai thoải nhưng cũng khiến các thành viên trong đoàn phải chùng chân mỏi gối. Qua hai cửa ải gian nan, hiện ra trước mắt phía xa xa là những rẫy lúa đã ngả vàng nối tiếp nhau dưới chân núi đẹp như một bức tranh thủy mạc giữa đại ngàn Trường Sơn. Nơi đây có hàng chục hộ dân ở bản Hà Nông đang thu hoạch lúa rẫy. Năm nay, lúa được mùa nên dân bản không giấu được niềm vui khi gặp chúng tôi.

Bí thư chi bộ bản Hà Nông - Hồ Đi cho hay: “Bản miềng có 35 hộ dân đều trồng lúa rẫy cả. Hộ trồng nhiều thì cả tạ thóc giống, hộ ít nhất cũng vài chục cân. Năm nay nhờ mưa thuận gió hòa nên lúa được mùa khiến bà con dân bản vô cùng phấn khởi. Nhà miềng cũng trồng gần tạ giống nên năm nay thu hoạch cũng được khoảng một tấn thóc”. Ở vùng Sa Mù này có khoảng 20ha diện tích đất được bà con trồng lúa rẫy. Mặc dù đường xa, đi lại vất vả nhưng bà con vẫn vào đây canh tác.

n
Lúa rẫy được mùa đã mang lại cuộc sống no đủ hơn cho bà con.

Theo người dân, đây là vùng đất rộng lớn, nhiều lau lách nên họ có thể trồng lúa luân phiên với sắn hoặc ngô để đất khỏi bạc màu.

Anh Hồ Xóc, một người dân trong bản tâm sự: “Đã bao đời nay, nhà miềng đều trồng lúa rẫy ở Sa Mù. Dù có vất vả nhưng lúa ở đây thường xuyên được mùa, nhờ đó mà lương thực trong nhà luôn được bảo đảm, Tết đến có gạo nếp để gói bánh chưng cho cả nhà, cả bản đến ăn cùng”.

Vụ mùa này, nhà Hồ Xóc làm 2 rẫy, trỉa gần một tạ giống. Qua năm tháng chăm sóc, anh đã thu về trên 1 tấn lúa. “Năm nay, nhà miềng không lo thiếu lương thực nữa, lúa rẫy được mùa cùng với gạo hỗ trợ của Chính phủ đã đủ ăn cả năm”, Hồ Xóc nói tiếp. Trong bản, ngoài Hồ Xóc còn có gia đình anh Hồ Đi, Hồ Ka... đều thu được khoảng 1 tấn lúa rẫy trong vụ này.

Rời Hà Nông, chúng tôi đến với bản Ba Loóc. Đây được xem như là “vựa lúa” rẫy của toàn xã Dân Hóa. Đón chúng tôi trong ngôi nhà sàn kiên cố, già làng Hồ Keo khề khà nói: “Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi nên lúa rẫy tốt lắm! Nhà nào cũng có nhiều thóc. Dân bản mình không sợ cái đói nữa”. Ngôi nhà sàn của già đã chất hàng chục bao lúa nếp. Già làng Hồ Keo phấn khởi: “Gần 80 mùa rẫy nhưng ít khi miềng thấy dân bản được mùa lớn như 3 năm nay”.

Từ bản Ba Loóc, chúng tôi cắt rừng đi bộ chừng 30 phút qua hết con dốc Ka Chăm. Quang cảnh đầu tiên hút vào tầm mắt là những rẫy lúa trĩu hạt chín vàng nối liền nhau cả một vùng rộng lớn. Đang nghỉ ngơi dưới một tán cây cổ thụ, tôi bắt gặp vợ chồng chị Hồ Thị Tăng gùi những bao lúa nặng từ rẫy về nhà. Chị Tăng cho hay: “Nhà miềng trồng hai rẫy lúa, nếu thu hoach xong cũng được chừng tấn rưỡi thóc”.

Hôm chúng tôi đến bản Ba Loóc, nhà chị mới đưa về nhà được 3 tạ lúa. Số còn lại trên rẫy cũng đã chín đều nhưng chị phải chờ đến “ngày đẹp” mới nhờ bà con dân bản lên rẫy tuốt lúa mang về (người dân tộc thiểu số ở đây không gặt lúa mà dùng tay tuốt lúa rồi cho vào gùi, bao mang về nhà). Bà Hồ Thị Khăm, một người dân phấn khởi: “Vụ lúa này dân bản được mùa to chú ơi. Nếu thu hoạch xong, nhà miềng cũng có cả tấn thóc đấy”.

m
Anh Hồ Xuân Ba, ở bản Ba Loóc được mệnh danh là "vua lúa rẫy".

Ông Đoàn Phúc Hạnh, Chủ tịch UBND xã Dân Hóa cho biết: “Trước đây, người dân trồng lúa rẫy đều nhờ... trời. Khi gặp thời tiết bất lợi, mùa màng không tốt nên nhiều hộ vẫn thiếu gạo ăn. Mấy năm gầy đây, xã đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp chỉ đạo cho bà con tập trung trỉa lúa đúng thời vụ nên đạt năng suất cao. Ngoài gạo hỗ trợ của Chính phủ thì năm nay nhiều hộ dân xã chúng tôi cũng sẽ tự túc được lương thực nhờ trúng mùa lúa rẫy”.

Hiện toàn xã Dân Hóa có 62 ha diện tích lúa rẫy, năng suất năm nay ước đạt khoảng 18 tạ/ha. Ông Hồ Nhâm, ở bản Ba Loóc tâm sự: “Nhờ trồng lúa rẫy mà nhà mình có gạo trắng để cưới vợ cho con trai đó”. Nhà Hồ Nhâm làm hai rẫy lúa, tuy mới thu hoạch được một rẫy nhưng đã được nửa tấn thóc. Cưới vợ cho con trai xong, cả gia đình ông lại tiếp tục đi thu hoạch lúa.

Khi mặt trời đã khuất sau dãy núi Giăng Màn, chúng tôi tụ về nhà Hồ Xuân Ba dự lễ mừng cơm mới theo phong tục truyền thống của người Mày. Anh Ba và những người trong họ mang lễ đến nhà trưởng tộc gồm có gạo rang, cơm nấu chín, thịt gà, thịt lợn, rượu... đặt lên bàn thờ tổ tiên.

Ông Hồ Bôn, trưởng họ thắp bó nhang cháy thơm lừng cắm lên từng mâm cơm chắp tay vái lạy rồi mời ông bà, tổ tiên về ăn bữa cơm mới với con cháu. Trước hết là để con cháu tỏ lòng biết ơn công sinh thành, sau là mong muốn tổ tiên tiếp tục phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và cầu cho năm sau được mùa hơn năm này. Sau lễ cúng, Hồ Ba cùng với anh em trong họ mời bà con cả bản, thầy cô giáo và cán bộ xã đến chung vui bữa cơm mới đầu mùa trong không khí vui vẻ, đoàn kết.

Xuân Vương