.

Người Mày anh em - Bài 5: Lệ tục viễn xưa

Thứ Tư, 11/11/2015, 07:41 [GMT+7]

(QBĐT) - Với người Mày, lửa sinh ra nhịp điệu cuộc sống, ánh sáng của lửa xua tan bóng đêm để được ngồi bên già làng nghe kể các sự tích xưa. Vì thế, lửa được cúng tế như vị thần quan trọng trong căn nhà người Mày. Và họ còn cổ tục khác về thờ ma, yêu ma, thương ma, nhớ ma.

Lửa tạo ra hiểu biết

Chúng tôi tìm hiểu ngọn lửa trong gia đình các người Mày được biết nó rất quan trọng. Ở vùng Lòm, lửa chưa được sử dụng ở mức độ bật quẹt để giữ gìn chất đốt, người Mày “cất lửa” bằng bùi nhùi và các vật dụng thô sơ.

Thế nhưng, ngọn lửa tưởng như bình thường ấy lại là vật biểu trưng của người Mày và họ xem lửa là nơi khởi phát của hiểu biết. Mỗi lần có việc trọng hoặc được vào nhà mới, bếp lửa được cúng bằng một con gà, một con cá khe, hai chiếc đũa, tượng trưng cho am tường do lửa đưa ra. Bài cúng là xin thần lửa phù trợ gia đình, vợ con, xóm bản được yên lành, sức khỏe.

Cụ Hồ Xếp nói: “Ngọn lửa tạo ra nước chín, uống sôi, giúp đồng bào hiểu được vị ngon của của thịt rừng làm chín và nước sôi làm ấm bụng”. Trong con mắt của người Mày, lửa dùng để sưởi ấm khi gió rét, ốm đau, sinh đẻ, lửa cũng giúp chiến đấu với dã thú, bệnh tật, lửa tạo ra hiểu biết về môi trường xung quanh, lửa cũng giúp rèn dũa tên đồng, nồi niêu cho cuộc sống vượt qua mông muội. Người Mày luôn giữ ngọn lửa trong mỗi ngôi nhà quanh năm không hề tắt, bởi nếu lửa tắt, nó như điềm xấu sẽ diễn ra, sẽ có ai đó qua đời, hoặc ốm đau.

Lửa rất quan trọng với anh em Mày.
Lửa rất quan trọng với anh em Mày.

Có một triết lý chúng tôi thẩm thấu được rằng, nước tạo ra nguồn sống, thì lửa tìm cách nấu chín các nguồn sống đó cho con người sinh tồn. Cách nghĩ ấy, quả thật sâu sắc với một tộc người nhỏ bé giữa đại ngàn mênh mông.

Cao hơn, các cụ già ở Mày vẫn chỉ cho con cháu, lửa giúp con người tư duy, nhằm có các đối sách lúc vây khốn hoặc ở giữa vùng hoang dã một mình. Nghĩ cho cùng, lửa tạo ra cách thức xưa của người Mày với những thứ xung quanh, bởi với họ lửa ngoài cách nghĩ là vị thần, thì làm gì họ cũng nghĩ đến lửa, từ đi săn, phát rẫy, lên bếp, tránh rét, trú hang...

Cổ tục quấn chỉ cầu khỏi bệnh

Người Mày ngày nay đau ốm đã  được bộ đội biên phòng chữa chạy những căn bệnh nhẹ, nhưng trong ý thức, họ vẫn duy trì cổ tục buộc chỉ cổ tay cầu khỏi bệnh tật. Nếu người Khùa dùng cách buộc chỉ cổ tay cho tình yêu thương vợ chồng, cha con, dòng tộc, hiếu khách thì ngược lại, người Mày dùng chỉ cổ tay khi họ đau ốm, khi động rừng, động bản.

Tôi được chứng kiến trong 22 hộ đồng bào trên quả đồi hùng vĩ, có hai người đang quấn chỉ cổ tay. Già Hồ Xếp, năm nay 85 tuổi, vừa đau sốt, già vào bếp lửa, dùng các sợi chỉ trắng, xe lại, tự buộc vào tay phải và khấn thần lửa, khấn Giàng rằng: “Con đau, xin thần cho được khỏe, con cột cái dây này để hồn đời trước về phù hộ, cho lại cái sức khỏe, cho lại cái nhanh nhẹn, xin thần, xin Giàng”.

Nếu cả bản có nhiều người cùng đau ốm, hoặc có người chết, hoặc đêm mộng thấy động rừng, động bản, cụ Hồ Xếp quấn thêm vòng chỉ nữa cũng ở tay phải và khấn ở trong bếp nhà mình, cụ khấn thêm cả thần núi Ku Lôông.

Chị Y Hoa vừa sinh con nhỏ, đứa con đau ốm, được bộ đội cho thuốc, nhưng vì tập tục, Y Hoa cũng quấn chỉ phía tay phải. Nhìn vẻ mặt của Y Hoa khi quấn chỉ cổ tay xong có vẻ tự tin hơn với cái sốt nóng của đứa con đỏ hỏn. Bởi tin vào tâm linh có tục cổ xưa ấy, hậu thế người Mày như có sức đỡ tinh thần, giải tỏa tâm lý rất nhiều, mặc dù đó không phải là phương pháp khoa học.

Người Khùa ở lưng chừng núi nếu sinh đẻ đã biết đến trạm xá thì người đàn ông Mày lại dựng cho vợ cái chòi ở sau nhà. Ở đó người phụ nữ tự sinh con, cơm bữa được bới đến, khi ăn đủ ba con khỉ nước, tắm rửa bằng các thứ thuốc rừng dành cho người sinh đúng một tháng, nhà thấy sạch sẽ mới mời mẹ con vào cùng ở chung.

Đó là cổ tục khắt khe, và có khi mẹ con mất đi do người chồng không lui tới chăm sóc. Cổ tục này hiện đang được bộ đội biên phòng Ra Mai vận động phế bỏ, bởi đã có y tế địa phương đảm đương chăm sóc, nhưng với người Mày rất khó từ giã nó, bởi ở rừng cao xa thẳm, khó vô cùng để ra trạm y tế khi đường sá cách trở, dằng dặc xa xăm.

Ma là thành viên gia đình

Nếu người Khùa thờ đa sắc về ma thì người Mày chỉ thờ hai loại ma, ma Đu đác và ma ông bà tổ tiên, hơn nữa, người Mày xem ma là thành viên trong nhà về mặt tâm linh. Bởi vậy trong căn nhà của người Mày, bất luận người đàn ông Mày gặp chuyện vui buồn, hay đón khách khứa, hoặc gia đình gặp vận hạn, họ đến cột nhà ma nói chuyện với ma Đuc đác và khấn ma ông bà tổ tiên.

Để nuôi ma, căn phòng có cột thờ ma không được cho con gái hay vợ bước đến, chỉ con trai và đàn ông mới có đặc quyền đến với ma, thương yêu ma và coi ma là thành viên gia đình. Theo Hồ Khiên, thờ ma thì nhà nào cũng có, nhưng thờ ma tổ tiên thì chỉ ông trưởng tộc người Mày thờ tự, bàn thờ cũng đơn giản, những hình thù của các dã thú trong rừng bằng gỗ, trên đó là nến bằng sáp ong, và bát nước không từ ngọn nước đầu nguồn. Họ thờ không có bát hương, con cháu không lập bàn thơ ma, chỉ khi cúng bái, đặt mâm cơm có măng cạnh cột nhà ma, mời ma về ăn.

Với người chết, anh em Mày trong bản có mặt đầy đủ, họ dùng chăn và chiếu gói người chết thành bó, đập cây lồ ô ven suối, đan thành từng lát, bó thêm vòng ngoài, mời vị trưởng tộc cúng ma báo việc có người chết mới, xin làm ma mới theo tổ tiên. Họ để con cháu hầu hạ đúng một ngày, rồi cùng cả bản đưa đi chôn.

Quá trình đưa tang, có người đi trước, cầm quả trứng, nguyện cầu ma, ma tổ tiên giang tay đón vong hồn ma mới, quả trứng gà được rơi ở đâu, vỡ toe ra sẽ là nơi đào huyệt để chôn cất người qua đời. Táng xong, trưởng tộc gọi hồn ma mới biết đường về nhà. Trời chạng vạng, vị tộc trưởng và người con trưởng cầm rựa ra đầu bản đón hồn người chết về cúng mời ba bữa tối gồm xôi nắm, cá khe nướng, ống lồ ô nước, tất cả bỏ trong một cái khay đan thủ công. Qua ngày thứ bốn, trưởng tộc và gia đình cầm khay cúng mời ma mới ra mộ, đặt mọi thứ ở đó.

Từ đó họ hết thờ, hết cho ma mới ăn. Tám ngày sau lại có lễ hết khó, lễ gồm hai mâm cúng, giết gà, làm heo, có rượu, đơm nước suối thật mát, một mâm cúng ma mới rồi mời ông bà tổ tiên, một mâm khấn thần Ku Lôông và các vị thần đã giúp đỡ người sống, họ xin siêu độ vong linh người chết được trở thành thần, thành ma đi theo thần núi, thần đất để giúp dân giúp bản.

Một tháng sau, trưởng tộc mời thầy mo về tẩy uế, làm lễ cất tang, từ đó người Mày không gặp lại ngôi mộ, mọi việc đều nằm ở cột nhà ma.

Ở với người Mày, hỏi về vấn đề có ai bị mất trộm trong cộng đồng bao giờ chưa? Dường như nhiều người trong bản nhìn tôi với con mắt xa lạ, riêng Hồ Khiên nói: “Dân bản tuy nghèo nhưng không lấy cắp của ai mô. Nghèo khổ nhưng tình cảm với nhau lắm, tình cảm như nước suối của núi Ku Lôông”. Tôi, ở lại mấy ngày, vô tình đánh rơi một số vật dụng nghề nghiệp, dân bản lượm được, vẫn tìm đến trả tận tay, họ không tơ màng đến của người khác, đó là tập tính ngay thẳng bật sáng trong những thân hình người ít nói nhưng giàu nghĩa nặng tình.

*
***

Cuộc sống của anh em Mày hiện khó khăn lắm, điện chưa đến, không nhiều đất để sản xuất, nhưng họ vẫn biết ơn cuộc đời đã cho họ một tộc danh thuộc thành phần dân tộc Chứt. Họ không cô đơn, bởi quanh họ có những người anh em khác, nhất là người anh em đến từ đồn biên phòng Ra Mai, giúp họ rất nhiều.

Chia tay đồng bào Mày với một tuần gắn bó, biết cạnh mình có người anh em bé nhỏ nhưng dẻo dai, khó khăn nhưng hiếu khách, thông minh và dí dỏm giữa một khung trời hùng vĩ mới thấy ánh cười của Hồ Khiên, Hồ Meo, Hồ Phăng, Hồ Đi, Hồ Bun, Hồ Chau... thật đầy cảm hứng, thật đầy lạc quan theo cách của truyền nhân chiến binh Mày thời viễn xưa.

Minh Phong

>> Bài 4: Gia tài văn hóa phía núi Ku Lôông

>> Bài 3: Tộc người "không" tư hữu

>> Bài 2: Chiến binh người Mày

>> Bài 1: Niềm vui về mảnh đất truyền thuyết