.

Đất của những câu "khẩu hiệu đỏ" - Bài 1: "Ngôi nhà chung" của con em 54 tỉnh, thành phố

Thứ Bảy, 25/10/2014, 08:17 [GMT+7]

(QBĐT) - Trên mảnh đất "Hai giỏi" Quảng Bình, có một địa phương mà mỗi tên đất, tên làng đều gắn liền với những câu "khẩu hiệu đỏ" như: Sao Vàng, Cờ Đỏ, Xung Kích, Thắng Lợi, Dũng Cảm, Quyết Thắng, Tiền Phong, Hữu Nghị... Địa phương mà chúng tôi đề cập tới đó là Thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch. Chính những tên gọi nói trên đã tạo nên một khí thế, động lực rất mạnh mẽ để mỗi một con em nơi mảnh đất này luôn nỗ lực phấn đấu nhằm xây dựng, vun đắp cho quê hương ngày càng thêm đẹp giàu... 

 

Ông Trần Quang Trúc (nguyên Giám đốc Nông trường Quốc doanh Việt Trung giai đoạn 1973-1985), từng có hơn 50 năm sinh sống và làm việc tại thị trấn Nông trường Việt Trung trò chuyện với phóng viên.
Ông Trần Quang Trúc (nguyên Giám đốc Nông trường Quốc doanh Việt Trung giai đoạn 1973-1985), từng có hơn 50 năm sinh sống và làm việc tại thị trấn Nông trường Việt Trung trò chuyện với phóng viên.

Sau năm 1954, một vùng đồi núi hoang vu, khô cằn sỏi đá nằm ở phía tây của tỉnh Quảng Bình bỗng trở mình thức giấc và mau chóng được nhiều người biết đến. Mảnh đất đó là thị trấn Nông trường Việt Trung (ngày nay) - nơi "hội tụ" của con em 54 tỉnh, thành phố trong cả nước với chung một mục đích: Xây dựng, bảo vệ và phát triển quê hương ngày càng thêm đẹp giàu...

"Hợp nhất" để đánh thức vùng đất hoang

Ông Lương Hữu Tuấn, Bí thư Đảng uỷ thị trấn Nông trường Việt Trung xác nhận với chúng tôi, nơi này đã từng có con em của 54 tỉnh, thành phố trong cả nước cùng về đây sinh sống, lập nghiệp.

Sau năm 1975, chỉ có một số ít hộ dân hồi hương về lại nơi chôn rau cắt rốn, còn đại đa số đều quyết định ở lại gắn bó cho tới tận hôm nay. Dù có gốc gác từ nhiều vùng miền khác nhau, tuy nhiên mọi người dân đều rất đoàn kết, thương yêu, đùm bọc, hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống...

Lần theo nguồn tư liệu lịch sử ở thị trấn Nông trường Việt Trung (cuốn tài liệu Công ty TNHH MTV Cao su Việt Trung 50 năm biên niên sử, xuất bản năm 2010) và qua những lời kể của các "nhân chứng sống" cho thấy, trước năm 1945, thị trấn Nông trường Việt Trung chỉ có lác đác vài chục hộ dân di cư từ vùng Lệ Kỳ (huyện Quảng Ninh ngày nay), Nghệ An... đến khu vực Đá Mài khai khẩn lập nghiệp. Từ năm 1945 đến 1954, lại có thêm vài chục hộ dân từ Lý Ninh, Nghĩa Ninh (Đồng Hới), Bố Trạch, Lệ Thuỷ di cư đến khu vực Phú Quý định canh định cư...

Cũng theo nguồn tư liệu này cho biết, ngày 10-10-1954, Nông trường quốc doanh Phú Quý (cơ sở đầu tiên của Nông trường quốc doanh Việt Trung) chính thức được thành lập với khoảng 500 công nhân, gồm các lực lượng từ: thanh niên xung phong, bộ đội, những cán bộ kháng chiến từ miền Nam tập kết ra Bắc. Lực lượng của Nông trường Phú Quý được tổ chức thành 4 đơn vị, có nhiệm vụ khai hoang trồng mía, trồng bông và phát triển chăn nuôi các loài gia súc như bò, lợn, dê...

Những khu rừng cao su bạt ngàn ở thị trấn Nông trường Việt Trung.
Những khu rừng cao su bạt ngàn ở thị trấn Nông trường Việt Trung.

Đến tháng 7-1957, Sư đoàn 325- một trong những sư đoàn chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam đã cử 100 cán bộ, chiến sỹ do hai đồng chí Ngô Túc và Lê Văn Hiến trực tiếp phụ trách, đảm nhận công tác chuẩn bị cho việc thành lập một nông trường tại đây. Tháng 11-1957, Nông trường quân đội Sen Bàng chính thức được thành lập, do Bộ Quốc phòng quản lý, trở thành đơn vị thứ hai đóng chân tại mảnh đất này.

Bước sang năm 1958, Nông trường Quân đội Sen Bàng tiếp tục được bổ sung thêm 500 cán bộ, chiến sỹ. Bộ máy hoạt động của đơn vị này được biên chế thành 3 đại đội (gọi tắt là C). Mỗi đại đội được phân công một nhiệm vụ cụ thể: C1 có nhiệm vụ tiến hành khai hoang tại các vùng Hà Lô, Hà Cải; C2 đảm nhận công tác xây dựng cơ sở sản xuất, cơ sở sinh hoạt, trồng cây lương thực, phát triển chăn nuôi; C3 có nhiệm vụ khai hoang, trồng các loại cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày, chăn nuôi gia súc... Vào tháng 2-1959, một đơn vị thứ 3 cũng được thành lập tại đây với tên gọi Trại chăn nuôi Thuận Đức, do Ty Nông nghiệp Quảng Bình quản lý...

Chỉ với một quãng thời gian ngắn, ba đơn vị: Nông trường quốc doanh Phú Quý, Nông trường quân đội Sen Bàng, Trại chăn nuôi Thuận Đức đã được hình thành và tạo nên một "tam giác" trong phát triển kinh tế mới rất năng động ở phía tây của tỉnh. Các đơn vị này luôn có sự hỗ trợ lẫn nhau để phát triển về mọi mặt. Vào năm 1960, Nông trường quân đội Sen Bàng được tăng cường quân số thêm 700 người (lực lượng tăng cường được lấy từ quân số của quân đội sang làm kinh tế). Cũng trong quãng thời gian này, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế đã được mở rộng, đặc biệt là đối với Liên Xô, Trung Quốc và các nước Đông Âu...

Nhiều hộ dân thị trấn có thu nhập cao từ cây cao su.
Nhiều hộ dân thị trấn có thu nhập cao từ cây cao su.

Theo đó, Trung Quốc hứa sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng 8 nông trường (trong đó có 1 nông trường tại Quảng Bình).

Ngày 1-1-1961, Nông trường quốc doanh Việt Trung chính thức thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 đơn vị: Nông trường quốc doanh Phú Quý, Nông trường quân đội Sen Bàng, Trại chăn nuôi Thuận Đức, trực thuộc Cục Nông nghiệp Trung ương quản lý.

Số lượng công nhân buổi đầu của đơn vị có 2.000 người (trong đó có 500 đảng viên, 700 đoàn viên và 500 bộ đội chuyên ngành...).

Phía Trung Quốc cũng đã giúp đỡ nông trường về nguồn vốn, chuyên gia kỹ thuật, khảo sát để quy hoạch trồng cao su, hồ tiêu, hỗ trợ giống, máy móc...  

Đặt tên cho đất bằng những câu"khẩu hiệu đỏ"

Sau khi được thành lập, Nông trường quốc doanh Việt Trung đã tiến hành kiện toàn, sắp xếp lại bộ máy hoạt động. Về cơ cấu tổ chức, nông trường có 20 đơn vị sản xuất, phân bố dọc theo hai hướng bắc và nam sông Dinh. Hàng loạt đội sản xuất trước đây được thay đổi bằng những tên gọi mới, được lấy từ các câu "khẩu hiệu đỏ".

Cuốn tài liệu Công ty TNHH MTV Cao su Việt Trung 50 năm biên niên sử, xuất bản năm 2010 ghi rõ: Tại khu vực phía nam sông Dinh, một đội sản xuất đóng tại vùng Hà Lu, Hà Rầm, Hà Miếu (cơ sở của Nông trường quốc doanh Phú Quý trước đây) được đổi tên thành Thắng Lợi, có nhiệm vụ chăn nuôi lợn là chính; cơ sở Hà Miếu trước đây có nhiệm vụ chăn nuôi trâu bò, được đổi tên thành Tiền Phong, với nhiệm vụ trồng cây cao su và hồ tiêu; đội Bàu Bắc được đổi tên thành Quyết Tiến, có nhiệm vụ trồng sả... Phía bờ bắc sông Dinh, các đại đội nông binh (gọi là C) cũng thay đổi tên gọi như: C1 đổi tên thành đội Truyền Thống và C6 đổi tên thành đội Sao Vàng.

Một góc thị trấn Nông trường Việt Trung hôm nay.
Một góc thị trấn Nông trường Việt Trung hôm nay.

Hai đội này được phân công nhiệm vụ khai hoang phía tây bắc nông trường để chuẩn bị cho việc mở rộng trồng cây công nghiệp (chủ yếu là cao su, hồ tiêu); C2 đổi tên thành đội Dũng Cảm, có nhiệm vụ mở rộng trồng cây lương thực, hoa màu ngắn ngày; C3 đổi thành đội Quyết Thắng...

Tương tự, C4 thành đội Hữu Nghị; C5 thành đội Xung Kích. Bên cạnh đó, Trại chăn nuôi Thuận Đức sau khi sát nhập đổi tên là đội Độc Lập. Ngoài ra, một số đội sản xuất được thành lập mới hoặc tiến hành hợp nhất để thay đổi tên gọi như: đơn vị vận tải ô tô; đội máy kéo Hồng Kỳ, xưởng Tự lực...

Ông Trần Quang Trúc, sinh năm 1927, có gốc gác ở tỉnh Thừa Thiên-Huế (nguyên Giám đốc Nông trường quốc doanh Việt Trung giai đoạn 1973-1985), hiện là cán bộ hưu trí, từng có hơn 50 năm sinh sống và làm việc tại thị trấn Nông trường Việt Trung tâm sự: Thế hệ chúng tôi và lớp con em sau này đều rất tự hào khi mỗi vùng đất, ngôi làng, đội sản xuất... đều được mang tên gọi từ những câu "khẩu hiệu đỏ".

Những tên gọi này đã thấm vào máu thịt của mỗi một người dân nơi đây, góp phần tạo nên một khí thế, động lực rất mạnh mẽ để mỗi con em được sinh ra trên mảnh đất này luôn nỗ lực phấn đấu, nhằm dựng xây, vun đắp cho quê hương ngày càng thêm đẹp giàu...

Văn Minh-Công Hợp

Bài 2: Điểm sáng trong phong trào thi đua "Hai giỏi"