.

Miền biên viễn... xa hóa gần! - Bài 2: Những lối đi ngắn... những con đường dài

Thứ Hai, 08/09/2014, 08:02 [GMT+7]

(QBĐT) - Ai từng một lần ngồi hầu chuyện cùng vợ chồng Hồ Pàn, Hồ Thị Mó, người Vân Kiều ở bản Cây Bông, xã Kim Thủy (Lệ Thủy) sẽ ấn tượng sâu đậm về ông bà, sâu đậm đến mức phải quyết chí lần sau lên thăm lại. Trong câu chuyện Hồ Pàn, tôi thấy rõ hành trình người Vân Kiều từ Hướng Hóa (Quảng Trị) cắt rừng, lội suối ra phía Quảng Bình. Từ trong đói khát, lầm than...  đồng bào theo cách mạng, theo Đảng, theo Bác Hồ, được mang họ Bác Hồ. “Muôn lối đi ngắn dài, nhọc nhằn, chông gai nhưng đều chung con đường lớn. Đồng bào có cơm ăn, áo mặc như ngày hôm nay, ơn Đảng, ơn Bác lắm lắm!”- Hồ Pàn cười mãn nguyện, hạnh phúc.

>> Bài 1: "Cú hích" kỳ diệu

Thời gian chúng tôi lưu lại xã Kim Thủy không nhiều, câu chuyện về đồng bào dân tộc Vân Kiều phía tây huyện Lệ Thủy thuộc ba xã Kim Thủy, Ngân Thủy, Lâm Thủy khó có thể cạn nguồn trong ngày một, ngày hai. Chính những người làm công tác dân tộc, bộ đội biên phòng ăn chung miếng cơm, uống cùng ngọn suối, ngủ chung giường, nói tiếng nói bản địa... được bà con tin yêu, trân trọng coi như người nhà, bên bếp lửa qua đông, uống rượu đến mềm môi, họ mới trải hết gan ruột...

Hồ Pàn, trước đây nguyên Bí thư Đảng ủy xã Kim Thủy, bà Hồ Thị Mó là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã. Bây giờ họ đã “hưu”, trở thành già làng có uy tín vào hàng bậc nhất tại bản Cây Bông và cả xã Kim Thủy. Chính Hồ Pàn ví von rằng để gần hơn với miền xuôi, đồng bào dân tộc mình tìm những lối đi tắt, như năm xưa cắt rừng, lội suối  kiếm vùng đất mới. Ổn định bản làng rồi, thoát khỏi lối du canh, du cư, "chặt- đốt-cốt- trỉa"... nhà nước mới tạo ra con đường lớn chứ! Ông ví von thế, thấy ưng cái bụng, cười rổn rảng.

Không chỉ cán bộ lãnh đạo mẫu mực, vợ chồng Hồ Pàn, Hồ Thị Mó còn là điển hình tiên tiến nhiều năm liền trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã, huyện đến cấp tỉnh. Về hưu, ông bà chẳng có giây phút ngơi nghỉ, hết vụ lúa đông-xuân quay sang hè-thu, làm vườn, chăm sóc đàn bò, đào ao thả cá, bàn chuyện trồng cây gì trên 10 ha rừng của gia đình.

Khi thôi việc xã hội, bà Hồ Thị Mó vẫn chăm lo phát triển kinh tế gia đình.
Khi thôi việc xã hội, bà Hồ Thị Mó vẫn chăm lo phát triển kinh tế gia đình.

“Không làm, lấy chi ăn! Cái chân, cái tay vận động thì miệng có cái mà nhai. Con cái ăn học nên người”. Ông bà có tất thảy 8 người con, 6 đứa con đẻ và 2 đứa con nuôi. Tất cả đều học hành đến nơi đến chốn và đều làm cán bộ nhà nước.

Bà Hồ Thị Mó bảo: “Tài sản gia đình chia cho con cái hết rồi. Vợ chồng già giờ chỉ còn lại 10ha rừng, 20 con bò, 5 sào lúa nước, mấy cái ao thả cá thôi. Thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm. Đủ... an dưỡng tuổi già”.

Đến đây  tôi mới bắt đầu “thấm” từng câu chuyện của Hồ Pàn, cả cái cách ông lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân xã Kim Thủy trước đây và cách “tề gia” hiện tại. Ông nói làm phát triển kinh tế hộ gia đình là để cho bà con dân bản, đồng bào noi gương. Đảng viên phải gương mẫu, đi đầu. Nói đi đôi với làm, nhất là trong phong trào xóa đói, giảm nghèo.

Bây giờ tỷ lệ hộ nghèo cả xã chỉ còn hơn 43%, được như vậy là cả một quá trình vượt khó của toàn Đảng bộ và nhân dân Kim Thủy. Thế hệ lãnh đạo sau này thời cơ mới, vận hội mới. Đảng, Nhà nước quan tâm nhiều hơn. Lãnh đạo nên nhìn xa trông rộng, tự lực vận động, đừng mãi dựa vào sự giúp đỡ của Nhà nước rồi sức ỳ quá lớn, tạo tâm lý trông chờ, ỷ lại. “Tài sản lớn nhất của vợ chồng là những đứa con trưởng thành, học hành đến nơi đến chốn, quay trở về phục vụ cho bản làng”- Hồ Pàn nói chắc nịch như ngọn dao ngọt bén chém vào cột- “Con đường lớn gia đình mình lựa chọn, cả xã ni lựa chọn đều ở điểm then chốt này”.

Tôi điểm danh sáu người con trong gia đình Hồ Pàn: Hồ Văn Thảo, bộ đội biên phòng Đồn Làng Ho; Hồ Thị Hảo, kế toán UBND xã Vĩnh Khê (Vĩnh Linh, Quảng Trị); Hồ Thị Hoa, giáo viên Trường mầm non Kim Thủy; Hồ Thị Hiệp, cán bộ trạm y tế xã; Hồ Thị Hằng, giáo viên Trường THCS Lâm Thủy và Hồ Văn Thông, đang theo học Trường Sỹ quan Lục quân II tại Đồng Nai. Riêng hai đứa con nuôi của ông bà: Hồ Văn Hiếu ở nhà chí thú làm ăn, Hồ Pàn cắt cho 2 sào ruộng nước, mấy ha đất rừng, làm nhà, chọn vợ cho. Hồ Thị Hương, học xong Trường trung cấp mầm mon, đang chuẩn bị đi dạy.

Nhắc đến giáo dục của xã, Chủ tịch UBND xã Kim Thủy Trần Văn Mừng góp lời: “Chuyện học hành của con em Vân Kiều, chúng tôi ưu tiên hàng đầu. Kết thúc năm học 2013- 2014, tỷ lệ trẻ huy động vào lớp một đạt 100%; toàn xã có 574 học sinh tiểu học và trung học cơ sở, trong đó học sinh giỏi 67 em, học sinh khá 204 em”.

Tạm biệt Kim Thủy, chúng tôi bám theo đường 10 vào với xã Ngân Thủy. Ngày trước, mỗi lần nhắc đến hai xã miền núi Ngân Thủy, Lâm Thủy nhiều người chắc sẽ rùng mình. Ngại! Ngại vì xa ngái, cách núi, ngăn sông. Ngại vì cuộc sống đồng bào Vân Kiều quá sức khó khăn. Thời điểm đó, đường 16 qua Kim Thủy đến Lâm Thủy vời vợi xa, riêng đường 10 hoang sơ, đá sỏi gập ghềnh. Cán bộ xã mỗi lần về huyện họp hành, thời gian mất cả tuần. Bây giờ đường 16 đang trong quá trình hoàn thành, chọc thủng Trường Sơn qua nước bạn Lào, đường 10 nối thông hai nhánh đông tây đường Hồ Chí Minh... Đường lớn đã mở, khoảng cách về không gian, thời gian trở nên gần gũi.

Hoàng Công Lành, Chủ tịch UBND xã Ngân Thủy cho biết: “Dân số xã gồm 507 hộ, 2.070 khẩu, sống định cư tại 6 bản: Km 14, Khe Giữa, Cây Sung, Đá Còi, Cẩm Ly, Cửa Mẹc. Khổ nhất là 29 hộ đồng bào bản Đá Còi, sống tách biệt giữa rừng, “mượn” đất xã Trường Xuân (Quảng Ninh) để lập bản, không đường, không trường, không điện. Hiện tại UBND xã đang xây dựng khu tái định cư cho bản Đá Còi tại Km 19, dọc đường 10, kinh phí trên 1 tỷ đồng. Sau khi khu tái định cư bản Đá Còi hoàn thành, xã Kim Thủy cơ bản không còn hộ đồng bào nào sống biệt lập”.

Bữa cơm của đồng bào không còn cảnh cơm độn sắn như xưa.
Bữa cơm của đồng bào không còn cảnh cơm độn sắn như xưa.

Ngân Thủy có một điểm khác biệt so với 17 xã miền núi dọc đại ngàn Trường Sơn khi sở hữu trên 93 ha lúa nước. Nói “cây lúa nước lên non” thật đúng khi các bản Khe Giữa, Cẩm Ly, Cửa Mẹc... lúa nước gắn bó cùng đồng bào hơn 10 năm nay, năng suất bình quân ổn định 40 tạ/ha. Thăm cánh đồng lúa bản Khe Giữa, tháng 8 nắng quái rát mặt, vậy mà cây lúa ở đây đã bắt đầu chắc hạt, hứa hẹn vụ hè thu chắc thắng. Sắp tới, từ nguồn vốn khai hoang, bản Khe Giữa sẽ có thêm 8 ha đất ruộng mới nâng diện tích trồng lúa của bản lên 20 ha.

Gia đình Hồ Văn Thi, Hồ Thị Toàn có đến 6 người con đều đang tuổi ăn, tuổi học: Hồ Thị Muôn lớp 9, Hồ Văn Mạnh lớp 6, Hồ Thị Giàu lớp 5, Hồ Thị Duyên lớp 3, Hồ Thị Nở lớp 1 và đứa con trai cuối, Hồ Văn Hoành học mẫu giáo. Hồ Văn Thi sinh năm 1971, nhà đông con, vợ chồng không nghề nghiệp ổn định, làm thuê, làm mướn, lấy măng, săn ong... đổi gạo hàng ngày. Như những gia đình trẻ người Vân Kiều xã Ngân Thủy, Thi bảo rằng dù có khổ đến mấy vẫn cho con học hành đàng hoàng. Hiện tại nghèo đó, kinh tế bấp bênh thật nhưng vài năm nữa chắc chắn sẽ thoát nghèo.

Con đường Hồ Văn Thi chọn để thoát nghèo khởi đầu từ số tiền 20 triệu đồng, từ chương trình hỗ trợ vốn vay đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Thi thuê xe múc, đào 3 ao cá sát bên suối, lại xây dựng hệ thống chuồng trại chuẩn bị chăn nuôi lợn. Qua mùa mưa lũ, Hồ Văn Thi sẽ thả lứa cá đầu tiên. “Mới tiến hành được từng đó thì hết tiền, giá như ngân hàng cho vay thêm khoảng 50 triệu nữa thì tương lai gia đình mình khá hơn”- Hồ Văn Thi chia sẻ- “Đất của mình còn khoảng 1 mẫu, rất bằng phẳng có thể khai hoang trồng lúa nước. Mình tính chỉ cần khoảng 15 triệu, thuê 3 ca máy ủi, làm một con đập nhỏ tích nước lại, trồng lúa nước hai vụ ngon lành. Tính nát óc nhưng thiếu tiền!”.

Câu chuyện Hồ Văn Thi kể, tôi bán tính bán nghi. Cái bụng Thi không yên, anh bảo: “Cán bộ đi với mình. Trăm nghe không bằng mắt thấy”. Anh dẫn tôi ngược theo con suối nhỏ chừng 500 mét, trước mắt hiện ra một khoảng đất bằng phẳng, trù phú. “Đất mình đó!”- Hồ Văn Thi khoát tay tự hào. Thêm 100 mét, những ao cá anh đào còn nguyên màu đất mới. “Giờ thì cán bộ tin chưa?”. “Tin!”- tôi xiết chặt tay anh hứa hẹn ngày trở lại, khi mô hình lúa- ao- chuồng gia đình anh “ra môn ra khoai”.

Giống như gia đình Hồ Văn Thi, 25 hộ đồng bào Vân Kiều khác tại xã Ngân Thủy được vay vốn 208 triệu đồng để phát triển sản xuất. Theo số liệu từ Ban Dân tộc tỉnh, trong 5 năm (2009-2014) có 2.800 hộ dân tộc đặc biệt khó khăn được vay vốn với số tiền trên 13 tỷ đồng.

Câu chuyện nên “trao cơm” hay “cần câu cơm” cho đồng bào còn nhiều luồng ý kiến, nhưng từ nguồn vốn vay này hàng trăm gia đình dân tộc thiểu số trong toàn tỉnh thoát nghèo, bảo đảm tốt cuộc sống hàng ngày của mình.

Ngô Thanh Long

Bài 3: Khi cán bộ là đầu tàu