.

Hồi sinh những vùng "đất chết"

Thứ Bảy, 13/09/2014, 09:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Chiến tranh đã lùi vào quá khứ gần 40 năm, nhưng trên mảnh đất Quảng Bình một thời ác liệt vẫn còn rất nhiều bom, mìn và vật liệu nổ “ngủ quên” dưới lòng đất. Trên “mặt trận không tiếng súng” ấy là sự làm việc miệt mài, là những hi sinh thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ công binh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh. Mỗi bước chân các anh đi qua là thêm những vùng “đất chết” được hồi sinh với những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, đồng ngô xanh mướt hay những công trình kinh tế - xã hội mang đến niềm vui cho nhân dân...

Nhiệm vụ “không có sửa sai”

Đó là chia sẻ của trung tá Trần Anh Tương, Trưởng ban Công binh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh khi nói về công việc của những người chiến sĩ công binh làm công tác rà phá bom mìn. Hơn ai hết, trung tá Trần Anh Tương hiểu đây là công việc không có khái niệm sửa sai, bởi trong công việc nếu xảy ra một sơ suất, sai lầm nhỏ cũng có thể gây hậu quả khôn lường.

Dò tìm, xử lý bom mìn là công việc luôn đòi hỏi tinh thần thép, tập trung cao độ, không cho phép bất cứ một sai lầm nào. Khi đã bắt tay làm việc thì mọi động tác của các cán bộ, chiến sĩ nhất nhất phải chính xác 100%. "Phải thận trọng, tỉ mỉ, phải chú ý toàn tâm vào công việc đang làm, chỉ một sai lầm nhỏ trong thao tác cũng có thể trả giá bằng tính mạng của mình, của đồng đội và nhân dân” - trung tá Tương cho biết.

Trong công tác rà phá bom mìn, các chiến sĩ công binh gần như không thể rút kinh nghiệm cho lần sau. Vì vậy, việc dò tìm, vô hiệu hóa, xử lý bom mìn, vật liệu nổ được coi là nhiệm vụ chiến đấu của người lính công binh trong thời bình. Dẫu mỗi lần thực hiện nhiệm vụ là một lần các anh phải đối mặt với khó khăn, thậm chí ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh, nhưng các anh vẫn miệt mài làm việc bằng khối óc, bằng bàn tay khéo léo, lòng dũng cảm và cả trái tim đầy nhiệt huyết.

Việc rà phá bom mìn, vật liệu nổ phải hết sức thận trọng, tỉ mỉ.
Việc rà phá bom mìn, vật liệu nổ phải hết sức thận trọng, tỉ mỉ.

Thượng úy Thái Doãn Cường, Trung đội trưởng công binh chia sẻ: Vất vả, nguy hiểm là những yếu tố trong công việc đặc thù của chiến sĩ công binh làm nhiệm vụ rà phá bom mìn, thu gom vật liệu nổ. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các cán bộ, chiến sĩ luôn phải đối mặt với “tử thần” giấu mặt trong lòng đất.

Vì vậy, công tác huấn luyện chuyên sâu, kỹ năng chuyên môn luôn được đơn vị đặt lên hàng đầu, bảo đảm mọi cán bộ, chiến sĩ tham gia rà phá bom mìn phải có chuyên môn kỹ thuật, nắm chắc về cấu tạo, tính năng, nguyên lý hoạt động của các loại bom mìn, kinh nghiệm thực tế và sử dụng thành thạo các trang thiết bị dò tìm. Ngoài thời gian làm nhiệm vụ thì hàng ngày, tại đơn vị, các chiến sĩ công binh phải thực hiện nghiêm chương trình huấn luyện chung về công tác xử lý bom mìn.

Trên mặt trận cam go ấy, những chiến sĩ công binh thực hiện nhiệm vụ với tinh thần, trách nhiệm cao của một người lính Cụ Hồ. “Chúng tôi xác định, là người chiến sĩ, dù khó khăn, vất vả đến đâu cũng phải nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thử thách càng lớn, người lính càng trưởng thành, không cho phép lùi bước trước khó khăn. Nhờ chấp hành tốt quy định, quy tắc và quy trình trong dò tìm xử lý bom mìn, vật liệu nổ nên đơn vị luôn bảo đảm an toàn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao” - thượng úy Thái Doãn Cường cho hay.

“Niềm động viên lớn nhất với những người chiến sĩ công binh làm công tác rà phá bom mìn là sự chia sẻ, giúp đỡ, hợp tác của nhân dân trong khi làm nhiệm vụ. Người dân luôn tạo điều kiện chỗ ăn, chỗ ở cho anh em hoặc khi phát hiện ra bom mìn đều lập tức báo cho chính quyền địa phương và đơn vị chức năng để kịp thời xử lý ”- đại úy Nguyễn Anh Đức cũng chia sẻ.

Hồi sinh những vùng “đất chết”

Những ngày đầu tháng 9, thời tiết giao mùa, sau những trận mưa rào bất chợt, xối xả là những ngày nắng chói chang. Chúng tôi theo tổ trưởng Võ Tiến Sĩ ra khu vực các anh đang làm nhiệm vụ. Các anh đang rà phá bom mìn cho Công trình xây dựng trại thực nghiệm sản xuất các giống hoa và giống cây lâm nghiệp tại xã Vĩnh Ninh (huyện Quảng Ninh). Vùng đất với nhiều cỏ dại và bụi rậm cao quá đầu người, gần những quả đồi bạt ngàn thông.

Vừa đi, anh Sĩ vừa tâm sự: Làm nhiệm vụ ở đây có nhiều thuận lợi vì địa hình cũng khá bằng phẳng, lại ở gần dân nên nơi ăn, chốn ở không phải lo. Có những lần chúng tôi đi rà phá bom mìn ở địa bàn biên giới địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, nhất là nguồn nước sinh hoạt.

Đơn cử như năm 2012, thi công rà phá bom mìn phục vụ chương trình tăng dày cột mốc quốc giới Việt Nam - Lào, anh em phải đi bộ từ bản lên Cha Lo đến 4 - 5 ngày đường, địa hình chủ yếu là đồi núi cao, độ dốc lớn. Mỗi chiến sĩ phải mang theo 28 kg gồm lương thực, thực thẩm, quân trang, quân dụng... Trên đường đi, gặp khe suối, anh em làm lán trại, dựng nhà bạt để nghỉ ngơi...

Những chiến sĩ làm nhiệm vụ phát tuyến, mồ hôi ướt đẫm quân phục. Phát tuyến xong, đại úy Võ Tiến Sĩ tay trái cầm cờ hiệu, tay phải cầm máy dò cạn ở độ sâu 0,5m, bám theo luống (nếu địa hình bằng phẳng thì các chiến sĩ công binh cắm cờ xéo chia luống, mỗi luống rộng 1m, luống cách luống 25 đến 30m để tránh bị nhiễu khi sử dụng nhiều máy cùng một lúc).

Khi mỗi chiếc đĩa trên máy dò mìn phát ra tiếng báo hiệu có vật kim loại trong lòng đất thì anh Sĩ dừng lại, nhẹ nhàng cắm cờ xuống đất đánh dấu để xử lý. Đối với những vùng địa hình phức tạp thì một chiến sĩ đi trước để rà mìn, một chiến sĩ theo sau để xử lý. Đó là trường hợp xử lý những “ca dễ”, còn “ca khó” thì cần sự phối hợp của cả tổ. Sau khi sử dụng máy dò cạn, các chiến sĩ công binh sử dụng máy dò sâu dò lại lần nữa (để dò bom) với độ sâu 5m.

Tranh thủ thời gian giải lao, đại úy Lê Văn Chiến chia sẻ: Việc rà phá, tìm kiếm bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh hết sức nguy hiểm, do đó để hoàn thành tốt nhiệm vụ, người chiến sĩ công binh trong quá trình thực hiện phải hết sức cẩn trọng, tỉ mỉ nhất là khi phát hiện các loại bom bi, bom chùm (ngòi nổ ở trạng thái chuẩn bị nổ), chỉ cần sơ sẩy một chút là có thể làm cho chúng phát nổ gây thương vong.

Những quả bom mìn đã được tháo gỡ.
Những quả bom mìn đã được tháo gỡ.

Nhưng để trả lại sự bình yên cho các công trình, cho nhân dân yên tâm canh tác sản suất thì dù khó khăn đến mấy chúng tôi cũng sẵn sàng thực hiện. Để bảo đảm thi công các công trình dân sinh, dù núi cao, suối sâu, đồng bằng hay miền núi, đâu đâu cũng có bước chân thầm lặng của người chiến sĩ công binh.

Quả thực, dù đất nước đã thanh bình nhưng những hiểm họa của bom đạn sau chiến tranh hàng ngày, hàng giờ vẫn còn rình rập, đe dọa cuộc sống của người dân. Đâu đó, trên mảnh đất tưởng chừng bình yên này, nơi người nông dân, công nhân chăm chỉ làm việc, nơi những đứa trẻ hồn nhiên chơi đùa... vẫn còn vang lên tiếng nổ bom mìn. Lại vẫn còn những người nằm xuống, những người mất đi một phần cơ thể do hậu quả dai dẳng của chiến tranh.

Theo khảo sát của Trung tâm công nghệ xử lý bom mìn (Bộ Tư lệnh công binh) thì tỉnh ta có 159/159 xã, phường, thị trấn bị ô nhiễm bom mìn với diện tích 224.934,5 ha, chiếm 28,2%. Tai nạn bom mìn đã cướp đi sinh mạng của 2.938 người và làm bị thương 3.822 người. Với thực trạng bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh ở tỉnh ta hiện nay, việc dò tìm, xử lý là hết sức bức thiết. Vì cuộc sống bình yên cho nhân dân, các cán bộ, chiến sĩ công binh đã không quản ngại khó khăn, vất vả để trả lại màu xanh, sự bình yên cho những vùng “đất chết”.

Thực hiện Quyết định số 504 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010- 2025”, từ năm 2010 đến nay Ban công binh, Bộ CHQS tỉnh đã “làm sạch” 5.052 ha, thu gom và xử lý hơn 17.544 quả bom mìn, vật liệu nổ các loại.

Ngoài ra, trong Chương trình tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào cũng đã “làm sạch” 48,5 ha, thu gom 362 quả bom mìn, vật liệu nổ. Còn nếu tính theo chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng các công trình dân sinh, thì trong hơn 10 năm đã có 5.854 ha diện tích đất được trả lại “bình yên” với số lượng 55.294 bom mìn, vật liệu nổ được thu gom, xử lý. Thời gian qua, nhiều công trình kinh tế - xã hội trọng điểm trong tỉnh đã được chiến sĩ công binh dò tìm bảo đảm an toàn trước khi khởi công như: Mở rộng Quốc lộ 1, Trường trung cấp Luật Đồng Hới, mở rộng Khu kinh tế Cha Lo, Khu tái định cư xã Lý Trạch...

Được chứng kiến buổi làm việc khẩn trương và hết sức tỉ mỉ của những chiến sĩ công binh làm nhiệm vụ rà phá bom mìn, chúng tôi mới cảm nhận được sự vất vả, gian lao, sự nguy hiểm mà các anh đã từng nếm trải. Chia tay những chiến sĩ công binh đầy quả cảm, còn đọng lại trong tôi câu nói vui của các anh: Là chiến sĩ công binh thực hiện nhiệm vụ rà phá bom mìn thì “đi dân ở, ở dân đi”. Vâng, để “đất mẹ” được bình yên, đất nước cần có những người lính như các anh.

Nguyễn Lê Minh