.

"Cầu kiều" ai bắc để sang? - Bài 2: Cắt suối, băng rừng tìm thầy

Thứ Hai, 13/10/2014, 10:12 [GMT+7]

(QBĐT) - Chúng tôi rời xã Trường Sơn giữa bộn bề tâm trạng, theo nhánh tây đường Hồ Chí Minh trực chỉ, điểm đến kế tiếp là bản Eo Bù-Chút Mút, bản biên giới giáp với nước bạn Lào thuộc xã Lâm Thủy (huyện Lệ Thủy). Không như các bản Cây Sú, Thượng Sơn, Long Sơn, Liên Sơn... ở Trường Sơn, những đứa trẻ Eo Bù-Chút Mút muốn tìm thấy thầy cô, muốn học cái chữ ngoài lội suối còn phải cắt rừng. Cái chữ bám chắc trên vùng biên viễn này gian nan gấp trăm lần so với dưới xuôi.

>> Bài 1: Lội sông học chữ

Những đứa trẻ Vân Kiều đi bộ 20 cây số về nhà vào dịp cuối tuần.
Những đứa trẻ Vân Kiều đi bộ 20 cây số về nhà vào dịp cuối tuần.

Lần này chúng tôi có người dẫn đường là thầy giáo Nguyễn Quang Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú TH và THCS Lâm Thủy, người có hơn 10 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người tại xã biên giới Lâm Thủy. Khoảng 5 năm về trước, để vào Eo Bù- Chút Mút có thể cắt theo bốn tuyến đường xuyên giữa rừng già.

Thời gian đó, đồng bào Vân Kiều trong bản có việc ra trung tâm xã hay về xuôi lại đóng đầy gùi lương thực, sắn, ngô rồi đi bộ ngày này sang ngày khác.

Ngày đó, khi điểm trường Eo Bù- Chút Mút chưa thành lập, chuyện học hành con trẻ trong bản đều giao hết cho Bộ đội Biên phòng Đồn 601- Làng Ho...

Chúng tôi bám theo con đường nối nhánh tây Hồ Chí Minh thẳng lên phía Chút Mút, sang tận đất Lào. Đường mở rộng, đang trong giai đoạn thi công, chỉ mới chớm đầu mùa mưa nhưng nhiều đoạn đã thấy sụt lở hai mái ta-luy. Đi khoảng chừng 20 cây số, Eo Bù- Chút Mút hiện ra giữa bốn bề núi non trùng điệp. Gần với đất Lào nên có cảm giác mùa mưa đến sớm hơn.

Thầy giáo Hùng khái quát về chuyện lớp, chuyện trường, chuyện dạy và học nơi bản biên giới này: “Toàn bản có 68 học sinh, trong đó từ lớp một đến lớp hai 14 em, lớp ba 9 em, lớp bốn 12 em, lớp năm 9 em; từ lớp sáu đến lớp chín 12 em và 12 cháu ở cấp học mầm non.

Điểm trường Eo Bù-Chút Mút chỉ có lớp một và lớp hai. Từ lớp ba đến lớp chín, học sinh phải ra học tại trung tâm xã”. Cắm bản dạy học tại đây có 3 giáo viên: hai cô Hoàng Thị Tứ, Nguyễn Thị Thúy Hằng và thầy Hoàng Kim. Thầy Hùng xuýt xoa rằng: “Ban giám hiệu muốn giáo viên nam tiên phong đi cắm bản nhưng tìm không ra vì giáo viên nữ nhiều hơn. Thương các cô cắm bản dạy học vất vả mà vẫn cứ giao thôi!”.

Ở Eo Bù-Chút Mút, không phải học trò đi tìm thầy giáo mà ngược lại thầy giáo cũng phải đi tìm học trò. Những lúc mưa gió, vào mùa giáp hạt, trẻ con trong bản trốn học theo bố mẹ đi rừng, lên rẫy... thầy cô phải cắt rừng, đến tận nhà tìm chúng, “bắt” chúng quay lại lớp. Trẻ hồn nhiên, phụ huynh hồn nhiên, cái chữ trao gửi hết cho thầy.

Những đứa trẻ phía bên kia ngày ngày vẫn lội sông đến lớp.
Những đứa trẻ phía bên kia ngày ngày vẫn lội sông đến lớp.

Thế hệ trước thất học, mù chữ, nhưng đồng bào rất quý trọng sự học con em mình, quý trọng thầy. Niềm tin bà con phó thác vào thầy... Người thầy nhận lấy lòng tin đó, cố gắng không phụ lòng mong mỏi của dân bản. Mối quan hệ thầy-trò-phụ huynh vì thế mà cố kết hơn.

Học sinh Eo Bù- Chút Mút lên lớp ba phải ra học ở điểm trường chính  tại Xà Khía. Từ khi chuyển sang mô hình bán trú, trẻ Vân Kiều các bản xa như Bạch Đàn, Eo Bù- Chút Mút được ở lại trong tuần, ăn ngày ba bữa cơm trắng, chế độ học tập, lao động, vui chơi đều vào khuôn phép, các em chăm ngoan, lễ phép hơn, hình thành bản tính tự lập ngay lúc mới lên tám, chín tuổi. Nhưng hành trình các em đến với thầy cô, với con chữ quả không đơn giản chút nào. Chiều chủ nhật tuần trước trước, bọn trẻ trong bản khăn gói lục đục cắt rừng trở lại trường. Chiều thứ sáu tuần sau, chúng tạm biệt trường về nhà.

Quãng đường rừng 20 cây số, những đôi chân non nớt, khát khao con chữ như một lẽ thường tình bám theo đường mòn mà đi... như ngày xưa bố mẹ các em cắt rừng tìm bản, lập làng.

Trên con đường đá sỏi đang dần định hình nối Eo Bù- Chút Mút với nhánh tây Hồ Chí Minh, chúng tôi đã gặp những đứa trẻ Vân Kiều. Các em tụm năm tụm ba, sáng thứ sáu học xong, ăn cơm trưa rồi đi bộ về nhà. Chiều, khi mặt trời khuất sau dãy núi phía tây, đêm dăng không tỏ mặt người mới nghe tiếng trẻ ríu rít đầu bản. 20 cây số đường rừng... một tuần hai lần như thế, chắc chỉ có ở bản Eo Bù- Chút Mút này thôi!

Hồ Văn Thái, học sinh lớp bốn bảo: “Đi bộ, mệt! Nhưng thích đi học, mệt mấy cũng cố gắng”. Em kể thêm: “Các bạn ai cũng đi bộ, vừa đi vừa kể chuyện, đường xa hóa gần. Chúng cháu đến trường hay về nhà đều hết thời gian một buổi”. Cô bé Hồ Thị Nhung học lớp ba, con gái bí thư chi bộ Hồ Văn Nhường, nhà trưởng bản và bí thư đều ở bên kia sông, một nhánh đầu nguồn Đại Giang, nên Nhung ngoài đi bộ hết 20 cây số còn phải lội qua sông mới về được nhà.

“Đi bộ không lo, nhưng lội suối lại sợ, nhất là khi mùa mưa đến. Cháu và các bạn mong có một chiếc cặp sách mới, vừa làm phao cứu sinh luôn. Năm trước có đoàn cán bộ vào cho rồi, giờ đã hỏng, chúng cháu thích lắm!”

Những ngôi nhà sàn mục nát của đồng bào Vân Kiều bản Eo Bù-Chút Mút.
Những ngôi nhà sàn mục nát của đồng bào Vân Kiều bản Eo Bù-Chút Mút.

Chiều nơi bản Eo Bù- Chút Mút, chúng tôi theo chân bà con ở phía bên sông ghé thăm bản. Sông Đại Giang phía đầu nguồn nước trong vắt, bình yên, trên những khóm lau phất cờ giữa dòng, dấu mớm nước còn mới tinh ghi lại mốc lũ đầu mùa, cao đúng tầm tay với.

Thiếu tá Phan Minh Hải, Bộ đội Biên phòng thuộc tổ biên phòng Chút Mút, Đồn biên phòng 601- Làng Ho kể: “Thời điểm nước lũ lên cao, sông tràn rộng ra ngập đến chân cầu thang nhà đồng bào. Toàn bản Eo Bù- Chút Mút có 50 hộ, 215 khẩu, phía bên kia sông còn 6 hộ, 34 khẩu định cư. Ngày ngày 7 cháu học sinh lớp một, lớp hai và các cháu mầm non phải lội sông qua bên này học”.

“Nhưng vào thời điểm mưa lũ thì thế nào?”- Tôi hỏi: “Bộ đội, thầy cô cắm bản vận động bà con bên kia gửi trẻ sang bên này trọ học, khi nào nước lũ rút thì sang đón về. Khi có mưa rừng lớn, kiên quyết không để bà con và trẻ em lội sông”- thiếu tá Hải xác nhận.

Ngồi trò chuyện cùng bí thư chi bộ Hồ Văn Nhường, ông cứ xuýt xoa: “Dân bản mình bữa nay không đói mô, có được hơn 3 ha lúa nước, 8 ha đất màu cùng với sự trợ giúp từ Nhà nước, cái ăn, cái mặc không lo. Cái lo nhất trước mắt cũng như lâu dài là con đường đến trường của trẻ con trong bản, lội suối, băng rừng cực quá!”.

Hồ Văn Nhường tự hào rằng từ xa lắc xa lơ, bản bây giờ duy nhất có thằng Hồ Văn Nhàn, con Hồ Via vào học cấp ba tại Trường dân tộc nội trú tỉnh, năm nay lên lớp mười một. Hiện tại đường đến trường gian nan, vất vả, lũ trẻ con có ai đủ quyết tâm phấn đấu như thằng Hồ Văn Nhàn không?

Nắng chiều buông khắp bản Eo Bù- Chút Mút, lời Hồ Văn Nhường như khắc sâu vào giữa đại ngàn đầy tâm sự về một tương lai đổi thay cho đời bản, bắt đầu từ những đứa trẻ chân trần lội suối, băng rừng tìm thầy, học chữ.

Ngô Thanh Long