.

"Cầu kiều" ai bắc để sang? - Bài 1: Lội sông học chữ

Thứ Sáu, 10/10/2014, 14:00 [GMT+7]

(QBĐT) - Buổi sáng sớm đầu nguồn sông Long Đại, những đứa trẻ Vân Kiều phía bên kia sông được bố mẹ trao cho nắm cơm nhỏ đựng trong túi ni-lon rồi dẫn xuống tận bến. Bọn trẻ đứa lớn thì cởi quần dài ra vắt lên cổ, mấy đứa nhỏ hơn chọn giải pháp an toàn là gói thêm áo quần từ nhà. Sang sông rồi, chúng cởi áo quần ướt treo lên cây, mặc áo quần khô ráo rồi vào lớp. Tôi chứng kiến cảnh các em đến trường mỗi ngày như thế, chợt nhớ đến câu ca rằng: “Muốn sang thì bắc cầu kiều. Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”... Nhưng với những đứa trẻ Vân Kiều giữa đại ngàn Trường Sơn thì biết bao giờ “cầu kiều” bắc, cho đường đến trường của các em thôi bớt chông chênh?

 

Bản Cây Sú chông chênh trên đá sỏi.
Bản Cây Sú chông chênh trên đá sỏi.

Câu ca trên đầy đủ là lời ru con của người mẹ nghèo: “Bồng bồng mẹ bế con sang. Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo. Muốn sang thì bắc cầu kiều. Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Bây giờ không còn cảnh “Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo” nữa.

Nhưng với một xã biên giới như Trường Sơn (huyện Quảng Ninh), đồng bào Vân Kiều định cư rải rác tại 15 bản làng trên một diện tích tự nhiên rộng hơn 783 km2, nên chuyện cách sông, trở đò vẫn là bài toán nan giải. Trẻ Vân Kiều các bản: Cây Sú, Tân Sơn, Liên Sơn, Thượng Sơn phía bờ nam sông Long Đại… ngày ngày vẫn lội sông học chữ.

Thầy giáo Hoàng Văn Thế, Phó Hiệu trưởng Trường TH Trường Sơn vào buổi sáng sớm, cùng các thầy cô giáo xuống tận mép sông Long Đại chờ đón lũ trẻ từ phía bên kia sông.

Tranh thủ thời gian, người thầy có thâm niên 19 năm bám trường, bám lớp ở vùng cao huyện Quảng Ninh này tâm sự: “Trường TH Trường Sơn có đến 8 điểm trường anh ạ! Điểm trung tâm đóng tại thôn Hồng Sơn, điểm bản Cổ Tràng, bản Khe Cát, bản Sắt, PLoang, Rìn Rìn, Hôi Rấy và Nước Đắng. Riêng học sinh tại điểm trung tâm có 91 em. Một nghịch lý là mặc dù ở trung tâm, nằm sát đường Hồ Chí Minh nhánh tây, nhưng học sinh lại vất vả nhiều. 38 em từ lớp một đến lớp năm phải lội sông ngày hai lần đến trường, trong đó bản Cây Sú 23 em và thôn Tân Sơn 15 em”.

Bản Cây Sú có 36 hộ đồng bào Vân Kiều với 167 khẩu. Bản nằm chênh vênh bên bờ sông Long Đại, con đường dẫn lên bản lô nhô đá. Những ngôi nhà sàn nho nhỏ xám mốc mọc lên từ đá.

Trưởng bản Hồ Văn Ô buồn buồn: “Từ bao đời nay, người Vân Kiều trong bản qua sông bằng cách lội cắt dòng. Sông Long Đại đầu nguồn bình thường rứa thôi, nhưng chỉ cần một cơn mưa rừng thì ngập trắng, rộng cả nửa cây số. Lâu rồi, mình không còn nhớ, con em mình đã lội sông học chữ. Cách đây 7 năm, Hội chữ thập đỏ tỉnh có hỗ trợ một con đò nhỏ dùng chở học sinh, chừ thì hỏng nặng!”.

Trên khúc sông trước bản Cây Sú, ngày ngày trẻ Vân Kiều hẹn nhau buổi sáng lội nước đến trường, buổi chiều cùng nhau về bản. Lo cho trẻ, bố mẹ chúng buổi sáng gói cho chút cơm trắng. Nước sông mùa khô không sâu nhưng chảy khá mạnh, người lớn lội ướt ngang lưng, bọn trẻ lớp bốn, lớp năm cởi quần dài vắt cổ, vén áo cao quá đầu. Những đứa lớp một, lớp hai thủ phận mang thêm bộ áo quần khô ráo, qua sông cởi áo quần ướt móc lên các lùm cây dại ven sông phơi, mặc áo quần khô ráo vào lớp.

Học sinh các bản Cây Sú, Long Sơn lội cắt sông Long Đại đến trường.
Học sinh các bản Cây Sú, Long Sơn lội cắt sông Long Đại đến trường.

Chúng tôi hỏi: “Lội sông, có sợ không?”. Bọn trẻ đồng thanh: “Sợ chứ! Nhưng quen rồi!”. Quen sông, quen thói “đỏng đảnh” thác ghềnh, biết mùa nào nước lên, lúc nào lũ tràn... nhiều năm nay dân bản Cây Sú, Long Sơn, Liên Sơn, Thượng Sơn bên bờ nam sông theo con nước mà qua về cùng với mưu sinh, học chữ chưa ai bị lũ cuốn trôi.

Trưởng bản Hồ Văn Ô đưa tay chỉ xuống dòng sông: “Lúc lụt cao nhất, sông rộng đến hơn 500 mét, sâu chừng 20 mét, chảy xiết. Bản Cây Sú bị chia cắt dài nhất khoảng 15 ngày. Trong 15 ngày đó, học sinh phải nghỉ học”.

Cô bé Vân Kiều Hồ Thị Sự, đôi mắt lay láy tròn khoe: “Cháu học lớp năm, đúng năm mùa lội sông đến trường. Chúng cháu muốn có một chiếc cầu để đi học chuyên cần hơn”.           

Hồ Thị Thủy, học sinh lớp một kể: “Buổi sáng, bố mẹ đưa cháu qua sông, buổi chiều về với các bạn. Nước sông chảy xiết, đá sỏi trơn lắm, nhiều lần bị ngã rồi chú”.

Trên bến sông chúng tôi gặp vợ chồng anh Phan Văn Ngọc, phụ huynh hai anh em Phan Văn Hải (học sinh lớp bốn), Phan Thị Như Ý (học sinh mầm non), anh bảo: “Con qua sông đến trường, không yên tâm được nên vợ chồng phân công thay nhau đưa các cháu đi. Và nếu trời mưa to là kiên quyết bắt các cháu ở nhà. Biết mỗi ngày vắng học sẽ thua kém bạn bè, nhưng an toàn cho con vẫn trên hết”.

Hồ Văn Dưng, phụ huynh cháu Hồ Văn Manh, học sinh lớp bốn góp chuyện: “Nhà mình có đến ba đứa qua sông đi học, trong đó hai đứa lớn học lớp sáu và lớp tám. Thằng Manh nhỏ nhất nên cái bụng không yên, những ngày không đi rừng, lên rẫy lại xuống sông đưa nó đến trường. Nếu Nhà nước cho bản Cây Sú một cái cầu thì đồng bào mừng lắm, chứ cách sông trở đò ri lúc mô mà khá lên được”.

Chuyện lội suối đến trường không phải thường ngày đối với học sinh, cô giáo mầm non Nguyễn Thị Nhung cắm bản tại điểm trường Cây Sú cũng ngày ngày cắt ngang sông bám học trò, dù bản Cây Sú chỉ có 6 em nhỏ. “Lần đầu tiên lội sông, nước chảy mạnh quá, đá lại trơn trượt nên bị ngã ướt hết, dép thì trôi, sách vở, đồ dùng dạy học mỗi thứ mỗi đường. May có phụ huynh trong bản đưa con đi học dìu qua không thì chẳng biết thế nào”- Nguyễn Thị Nhung kể, nụ cười cô giáo hiền khô.

Hồ Văn Dưng, tranh thủ thời gian nghỉ đón con lội sông về nhà.
Hồ Văn Dưng, tranh thủ thời gian nghỉ đón con lội sông về nhà.

Trở lại với Trường TH Trường Sơn, nhiều câu chuyện thầy cô kể mà chúng tôi thấy xốn xang trong lòng. Học sinh người Kinh dù sao điều kiện kinh tế cũng khá hơn, chăm lo cho con cái no đủ hơn. Riêng học sinh Vân Kiều tại các bản vùng sâu, vùng xa, đi học thiệt thòi rất nhiều. Buổi trưa, nhà trường chưa thực hiện được chế độ bán trú, các em ở lại trường ăn cơm nắm, boi tiêu, có đứa phải nhịn ăn. Mùa mưa, đang học trong lớp, bố mẹ các em kéo nhau đến trường xin thầy giáo đón con về, vì nước lũ lên sẽ chia cắt hết các trục đường đi lại.

Thầy giáo Hoàng Văn Thế chia sẻ: “Mùa mưa lũ, các em bên kia sông nghỉ học từ mười ngày đến một tháng là chuyện bình thường. Để bảo đảm chương trình, thầy cô vẫn dạy theo thời khóa biểu cho số học sinh còn lại. Khi lũ rút đi mới tiến hành phụ đạo thêm cho các em nghỉ học. Nhưng chất lượng không thể nâng cao được”.

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Sỹ, Chủ tịch UBND xã, ông bảo: “Lãnh đạo xã biết chứ! Những năm trước các cháu còn có đò mà qua lại, bây giờ đò hỏng, học sinh chấp nhận lội sông ngày ngày đến trường. Ngân sách xã nghèo, nhiều lần kiến nghị đề xuất lên huyện nhưng vẫn chưa có hướng khắc phục.

Chuyện xây cầu thì còn xa vời vì kinh phí quá lớn, trước mắt xã muốn xin hai chiếc đò để đưa đón học sinh. Không chỉ có bản Cây Sú, thôn Long Sơn phía dưới mà ở thôn Liên Sơn, bản Thượng Sơn phía trên cũng cần. Cả bốn thôn bản hơn 100 em học sinh lội sông Long Đại đến trường hàng ngày”.

Trên bến sông phía trước bản Cây Sú, ông trưởng bản Hồ Văn Ô hứa chắc như đinh đóng cột: “Mong được một chiếc đò đủ to, rộng, chắc chắn để chở học sinh, chở bà con lúc ốm đau, trái gió trở trời. Có đò rồi dân bản sẽ cắt cử người đưa đò an toàn. Rất an toàn!”

Ngô Thanh Long

Bài 2: Cắt suối, băng rừng tìm thầy