.

Miền biên viễn... xa hóa gần! - Bài 3: Khi cán bộ là "đầu tàu"

Thứ Ba, 09/09/2014, 07:51 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm năm trước, có một người đàn ông ở xã biên giới Thượng Trạch (huyện Bố Trạch) tự bỏ tiền sắm cho mình cái máy cày Bông Sen. Ngày ông đánh máy cày về xã, đồng bào Ma Coong Thượng Trạch vui như hội. Trẻ con khắp các ngã đường túa ra rồng rắn chạy theo.

>> Bài 1: "Cú hích" kỳ diệu

>> Bài 2: Những lối đi ngắn... những con đường dài

Nhưng sự kiện này vẫn chưa khắc họa rõ nét chân dung về ông. Nhân Đại hội các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình lần thứ nhất (năm 2009), hồi đó từ xã Thượng Trạch về thành phố Đồng Hới theo đường 20- Quyết Thắng xa thăm thẳm. Đại biểu gồm 18 già làng, trưởng bản ưu tú, lấy đâu ra phương tiện đưa họ đi. Nghĩ nát óc, ông “liều” đóng cái thùng xe vào chiếc máy cày, đưa 18 đại biểu xuôi đồng bằng.

Đến địa phận xã Hưng Trạch, Cảnh sát giao thông, Công an huyện Bố Trạch “ách” lại vì lỗi vi phạm an toàn giao thông quá nặng. Ông biết lỗi, ông một mình đứng ra chịu, nhưng xin các đồng chí cảnh sát giao thông “mần răng” cho các cụ già làng, trưởng bản kịp vô Đồng Hới dự Đại hội...

Người đàn ông ngày đó chính là Đinh Hợp, Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch. Nhắc lại câu chuyện xưa, ông cười rổn rảng: “Thì mình nghĩ đơn giản, làm sao đưa các cụ, các mế về xuôi kịp đại hội thôi mà. Trên bạt ngàn hơn 70 nghìn km vuông đất biên giới Thượng Trạch có ai hiểu gì về trật tự an toàn giao thông, vì cả xã đốt đèn cũng tìm không ra một phương tiện cơ giới ngoài cái máy cày của mình. Bây giờ thì thấm rồi!”.

Tôi lên xã biên giới Thượng Trạch đã nhiều, dấu chân chạm gần hết 18 bản: Cờ Đỏ, Bụt, Nồng Cũ, Nồng Mới, Km 51, Chăm Pu, Km 61, Cà Roòng I, Cà Roòng  II, Ban, Cóc, Cồn Roàng... Tháng chín, đất trời Thượng Trạch lúc nắng, lúc mưa, ảnh hưởng khí hậu từ phía Lào khá rõ nét.

Nếu xã Ngân Thủy (Lệ Thủy) có diện tích lúa nước nhiều nhất ở 17 xã biên viễn thì Thượng Trạch trở thành địa phương dẫn đầu về diện tích lúa rẫy, 516 ha. Tiết trời vào thu, mưa thuận gió hòa, lúa rẫy tốt bời bời, nhiều nơi bông lúa cúi xuống sát mặt đất. Những già làng Ma Coong nhìn từng khoảng lúa rẫy trùng trùng hy vọng đến mùa thu hoạch nặng gùi...

Ở bản Cà Roòng I sát trung tâm xã có một gốc cây cổ thụ, người già nhất bản chẳng nhớ nổi tuổi. Chủ tịch xã Đinh Hợp khẳng định: “Từ đời ông cố mình, nghe nói đã có rồi!”. Người Ma Coong Thượng Trạch gọi gốc cổ thụ là A Loang Ma Kẹo (phiên ra tiếng Kinh là loại cây giống hoa gạo- PV). Cây A Loang Ma Kẹo hiên ngang chọc thẳng lên trời xanh, phủ bóng mát cả một góc bản. Mùa hạ, hoa A Loang Ma Kẹo nở bung ra, đỏ rực, đi xa cách mấy dốc núi cao, con suối sâu vẫn thấy rõ.

Hệ thống đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng tại các bản đồng bào Ma Coong.
Hệ thống đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng tại các bản đồng bào Ma Coong.

Gốc cổ thụ A Loang Ma Kẹo gắn liền với sự tích khai sinh ra bản Thuồng Luồng xưa (tiếng Ma Coong là Vinh Cra Croóc), xã Thượng Trạch bây giờ. Chuyện kể... ông tổ người Ma Coong trong hành trình đi tìm vùng đất mới, khi ngang qua đây thấy đất đai bằng phẳng, cây cối xanh tươi, suối mát quanh năm nên quyết định dừng bước, lập làng.

Ông lấy chiếc gậy của mình cắm xuống đất đánh dấu, về sau chiếc gậy hóa thành cây A Loang Ma Kẹo, bám rễ vững chắc trên đất Thượng Trạch cho đến ngày hôm nay. Cùng với suối Cấm, cây A Loang Ma Kẹo là những biểu tượng thiêng liêng của tộc người Ma Coong, gắn chặt với lễ hội đập trống tổ chức vào ngày 16 tháng Giêng hàng năm.

Tôi kể về cây A Loang Ma Kẹo, vì gốc đại thụ chứng kiến bao thăng trầm của tộc người Ma Coong Thượng Trạch. Tôi chọn Đinh Hợp đồng hành xuyên suốt bài viết của mình vì cả xã Thượng Trạch không tìm thấy ai giống ông- cây A Loang Ma Kẹo nhỏ đang lớn dần lên giữa miền biên viễn phía tây huyện Bố Trạch cùng với sự đổi thay của xã Thượng Trạch. Đinh Hợp chân tình: “Cán bộ xã cần phải gương mẫu. Làm Chủ tịch xã càng cố gắng hơn, mọi công việc mình làm, con đường mình đi theo Đảng, theo Bác Hồ đều đặt mục tiêu ích nước, lợi dân lên đầu”.

Đinh Hợp vừa nói, tay Đinh Hợp vừa làm, khởi đầu bằng việc “tậu” riêng cho mình chiếc máy cày, động viên đồng bào bảo vệ rừng, trồng rừng, chăm lúa rẫy, trồng thêm sắn, ngô, phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà... vì không ai chăm cho mình cái ăn, cái mặc hàng ngày. Đời sống đồng bào hiện tại khá dần lên, dù nghèo nhưng không còn hộ đói. Toàn xã có 1.527 con trâu bò, 1.038 con lợn, 467 con dê, đàn gia cầm 2.958 con. Nhắc đến Đinh Hợp, bà con tự hào rằng ông “sở hữu” nhiều cái nhất: “dám nghĩ, dám làm” nhất, “liều” nhất, sở hữu đàn trâu bò nhiều nhất, có diện tích cao su lớn nhất... Ông là người đầu tiên đưa cao su lên trồng tại Thượng Trạch, 7 năm về trước.

Rừng cao su của Đinh Hợp cách nhà ông chừng hai cây số, băng qua con suối Cà Roòng nguyên sơ. Có được trên 7 ha cao su (trong đó khoảng 4 ha tuổi đời 7 năm, nếu ở dưới xuôi đã cho khai thác bói), Đinh Hợp tốn không biết bao nhiêu công sức, tiền bạc. Tôi hỏi chính xác bao nhiêu? Vay ngân hàng nào? Trả hết nợ chưa? Ông xua tay: “Tiền gia đình bỏ ra hết, nhà mình thuộc hộ giàu, ngân hàng nào cho vay, dành ưu tiên cho các hộ khác cần hơn. Mình đầu tư nhiều lần, không nhớ chính xác... khoảng chừng 300 triệu đồng”.

Ngày Đinh Hợp đem giống cao su về, người Ma Coong Thượng Trạch bán tính bán nghi, họ bảo rừng Thượng Trạch rộng lắm, giống cây nào cũng có, đem thêm thứ cây lạ đó về, làm hư hết rừng của bản thì sao? Đồng bào nghi ngờ, Đinh Hợp cố gắng trồng, cây cao su không phụ công người, bám rừng Thượng Trạch lớn dần lên, mạnh khỏe, không chút bệnh tật. Đinh Hợp thở phào nhẹ nhõm. Sau này, ông liên kết với Lưu Mạnh Hà, một người Kinh quê xã Hạ Trạch tiếp tục trồng thêm 3 ha cao su. Học tập ông, Y Quyết, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã trở thành người thứ ba trong xã trồng cao su với diện tích 1 ha.

Giữa rừng cao su sắp đến mùa cho dòng sữa ngọt, Đinh Hợp vẫn không thôi đam mê làm giàu: “Ở đây sẽ đào một loạt ao thả cá, mình bàn với Lưu Mạnh Hà phát triển thành một khu trang trại tổng hợp: có cao su, trồng lúa rẫy, ao cá, chăn nuôi bò, lợn.... Sẽ cần rất nhiều vốn, nhưng không lo lắm! Nếu nhà nước cho vay thì tốt, còn không mình bán bớt bò đi. Lấy ngắn xây dài”. Ừ! Đinh Hợp yên tâm về đồng vốn cũng phải. Đàn bò nhà ông hơn 20 con, đủ tiền làm chuyện lớn.

Đinh Hợp say làm giàu, máu làm giàu lúc nào cũng sôi sùng sục trong huyết quản. Chiếc máy cày Bông Sen của ông mấy năm nay tung hoành khắp xã Thượng Trạch, làm đất cho mình xong, giúp bà con cày xới rẫy lúa, nương sắn, nương ngô. Vụ mùa vừa rồi, lần đầu tiên ông cho máy cày “xuất ngoại” sang Lào làm đất cho đồng bào bên đó. Sau 15 ngày ở trên đất bạn, chiếc máy cày đem về cho ông 2.000 đô- la Mỹ.

Khi cán bộ là đầu tàu, gương mẫu, nói được, làm được như Đinh Hợp đồng bào tin tưởng, thuận cái bụng theo. Tôi đi qua các bản làng của đồng bào dân tộc thiểu số tại 17 xã miền biên viễn, nơi nào cũng có những già làng, trưởng bản, cán bộ lãnh đạo hết lòng vì dân, mong muốn dân mình thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Đó là Hồ Thanh Tình, Chủ tịch Hội CCB xã Lâm Thủy; Hồ Văn Bạch, Bí thư chi bộ bản Trung Đoàn, xã Kim Thủy (Lệ Thủy); Hồ Bợt, Công an viên bản Cà Xen, xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa); Đinh Rầu, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tân Trạch (Bố Trạch); Hồ Văn Phần, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Khe Ngát (thị trấn Nông trường Việt- Trung); Hồ Pa, Trưởng bản Hang Chuồn (Quảng Ninh); Hồ Bôông, Trưởng bản Ka Định, xã Dân Hóa (Minh Hóa)...

Ngô Thanh Long

Bài cuối: Những đóa hoa thơm giữa ngàn hoa