.

Biển mặn đời ngư - Bài 3: Vươn ra biển lớn

Thứ Ba, 19/08/2014, 08:11 [GMT+7]

(QBĐT) - Đánh bắt thủy hải sản xa bờ đang là hướng đi chung của nhiều ngư dân Quảng Bình. Các phương tiện đánh bắt ở vùng lộng, vùng biển gần bờ, giảm dần, sự chuyển đổi tàu to, máy lớn vươn ra khơi xa khai thác đã đưa lại sản lượng và hiệu quả cao. Ngư dân bám biển không những để phát triển kinh tế gia đình mà còn là “cột mốc” trên biển bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

>> Bài 2: "Vùng quê biển lạ, biển quen"

>> Bài 1: Nhọc nhằn nghề biển

“Sát cánh” cùng ngư dân

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh ta hiện có 3.885 tàu cá với tổng công suất trên 357.000 CV, số tàu cá từ 90 CV trở lên là 1.076 chiếc, hoạt động ở ngư trường vùng khơi. Trong đó, có 553 tàu cá thường xuyên khai thác trên các vùng biển xa, chiếm hơn 50% số tàu cá xa bờ.

Mặc dù tình hình kinh tế hiện đang có nhiều khó khăn nhưng ngư dân tỉnh ta vẫn mạnh dạn đầu tư phát triển tàu công suất lớn để đánh cá xa bờ. Trong 6 tháng đầu năm, ngư dân tỉnh ta đã đóng mới 59 tàu cá và cải hoán 188 tàu, đặc biệt là tàu cá 700 CV trở lên hiện có 56 chiếc, tăng 54 chiếc so với năm 2013 (cuối năm 2013 chỉ có 2 tàu cá có công suất từ 700 CV trở lên).

Tổng sản lượng khai thác thủy sản 23.845 tấn, đạt 52,4% KH. Mặc dù giá nhiên liệu đang ở mức cao cùng với tình hình an ninh trật tự trên biển thời gian qua có diễn biến phức tạp, tuy nhiên 100% tàu cá của bà con ngư dân trong tỉnh vẫn kiên cường bám biển khai thác thủy sản và tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả một số chủ trương của Chính phủ thì các ban, ngành và địa phương đang chủ động nghiên cứu, triển khai thực hiện tốt Nghị định 67/2014/NĐ-CP, ngày 7-7-2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, thúc đẩy ngư dân vay vốn đầu tư phát triển tàu cá xa bờ.

Cũng theo nghị định này, chủ tàu đóng mới hay nâng cấp tàu được vay ngân hàng tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới, nâng cấp; ngư dân được vay vốn đóng tàu vỏ thép với lãi suất thấp nhằm bảo đảm an toàn và nâng cao năng suất khai thác hải sản; lãi suất chủ tàu phải trả thấp nhất là 1% năm và cao nhất là 3% năm; thời hạn vay tới 11 năm.

Cùng với nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước, để khuyến khích ngư dân bám biển, UBND tỉnh đã có chính sách hỗ trợ đóng mới tàu đánh cá xa bờ từ 500 CV trở lên. Từ đầu năm đến nay, đã thẩm định 31 hồ sơ đóng mới, trong đó đã hỗ trợ 10 tàu với số tiền 50 triệu đồng/ tàu. Dự kiến cả năm 2014, sẽ đóng mới 90 tàu cá, trong đó tàu cá từ 500 CV trở lên theo chính sách hỗ trợ của tỉnh khoảng 60 chiếc với tổng kinh phí hỗ trợ đóng mới khoảng 3 tỷ đồng.

Một số huyện và thành phố cũng có chính sách hỗ trợ đóng tàu mới gồm: TP. Đồng Hới hỗ trợ 30 triệu đồng/tàu cá đóng mới từ 90 CV trở lên; huyện Quảng Ninh hỗ trợ 10 triệu đồng/tàu cá đóng mới, mua mới từ 60 CV đến dưới 120 CV, 50 triệu đồng/ tàu cá đóng mới, mua mới từ 120 CV trở lên; huyện Bố Trạch hỗ trợ 10 triệu đồng/tàu cá đóng mới từ 300 CV trở lên.

Riêng xã Hải Ninh hỗ trợ 5 triệu đồng/tàu cá đóng mới, mua mới có công suất từ 90 CV trở lên, 10 triệu đồng/tàu cá đóng mới, mua mới có công suất 90 CV trở lên làm nghề lưới vây. UBND tỉnh còn xây dựng và hỗ trợ kinh phí chuyển đổi nghề khai thác 3 mô hình/300 triệu đồng (1 mô hình lưới vây ở Hải Ninh, 1 mô hình lưới vây và 1 mô hình lưới rê ở Quảng Phong).

Những đội tàu luôn sẵn sàng vươn ra biển lớn.
Những đội tàu luôn sẵn sàng vươn ra biển lớn.

Cùng với việc đầu tư phát triển tàu cá, công tác đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho lao động nghề cá luôn được chú trọng. 6 tháng đầu năm 2014, đã tổ chức 6 lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng hạng IV với 682 học viên, 1 lớp thuyền viên tàu cá với 134 học viên, nâng tổng số lao động nghề cá qua đào tạo gần 9.000 lượt người, cơ bản đáp ứng nhu cầu về nguồn lao động nghề cá của tỉnh ta hiện nay.

Đặc biệt, điều khiến cho ngư dân Quảng Bình cảm thấy an tâm, phấn khởi khi chủ động vươn ra khơi xa là ngoài những chính sách của Nhà nước, của tỉnh thì chính quyền địa phương đã quan tâm thiết thực tới ngư dân như: động viên, thăm hỏi những ngư dân đánh bắt xa bờ, vận động chủ tàu tham gia thành lập các tổ đoàn kết sản xuất trên biển nhằm tập hợp các tàu lại với nhau để phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, phòng chống bão, cứu hộ, cứu nạn hay đối phó với sự uy hiếp của tàu nước ngoài. Hiện nay, toàn tỉnh có 175 tổ đoàn kết với 887 tàu cá tham gia; 68 tổ hợp tác với 552 tàu cá tham gia.

Một lòng bám biển

Những năm gần đây, cùng với chính sách hỗ trợ tiền dầu cho tàu cá đánh bắt xa bờ, ngư dân tỉnh ta đã mạnh dạn đầu tư đóng mới thêm nhiều tàu công suất lớn và trang thiết bị đầy đủ, ngư lưới cụ hiện đại để vươn ra khơi xa khai thác hải sản.

Anh Phạm Văn Dẩn (thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh) chủ tàu QB 91766TS vừa trở về từ ngư trường Hoàng Sa sau 23 ngày đánh bắt trên biển cho biết: Bây giờ, nguồn lợi hải sản ở gần bờ dần khan hiếm, nếu không đóng tàu lớn để ra khơi xa khai thác thì sản lượng cũng không được mấy. Hơn nữa, khai thác hải sản trên tàu có công suất lớn, gặp thời tiết xấu như gió cấp 6, cấp 7 chúng tôi cũng an tâm hơn, có thể trụ lại trên biển. Do đó, tôi đã quyết định bán chiếc tàu cũ có công suất 200 CV để đầu tư đóng tàu mới có công suất 450 CV và mua ngư lưới cụ, trang thiết bị trên tàu... với tổng số tiền đầu tư gần 5 tỷ đồng.

Không chỉ riêng anh Dẩn, ngư dân trong tỉnh ngày càng có nhiều người đầu tư vốn đóng mới tàu thuyền có công suất lớn. Anh  Phạm Tuyển (33 tuổi, xã Bảo Ninh) chủ tàu QB 91999TS cũng vừa trở về sau chuyến đi biển dài ngày, vui vẻ trò chuyện với chúng tôi: Gia đình tôi làm nghề đi biển từ bao đời nay. Tôi đi biển với ba tôi lúc 12 tuổi, đến năm 17 tuổi thì ba tôi cho tôi làm thuyền trưởng tàu công suất 45 CV. Đi biển bằng tàu nhỏ, chỉ khai thác ở vùng biển gần bờ, sức lao động bỏ ra nhiều nhưng hiệu quả mang lại không cao.

Sau đó, tôi đổi tàu với công suất 250 CV nhưng mỗi chuyến đi biển chỉ kéo dài 10 đến 15 ngày, trừ mọi khoản chi phí còn lãi được 90-120 triệu đồng. Hiện tại, tôi đã đóng tàu mới công suất 600 CV với trang thiết bị hiện đại nên có thể hoạt động dài ngày trên biển (20-23 ngày) tiết kiệm được chi phí, hải sản cũng được bảo quản tốt hơn. Sau mỗi chuyến đi biển, trừ tiền tổn, tàu của tôi lãi 400-500 triệu đồng (chưa trả tiền cho 25 lao động trên tàu). Khi có tàu lớn, tôi yên tâm bám biển làm ăn.

Không chỉ đầu tư đóng tàu lớn mà các ngư dân tỉnh ta còn đầu tư mua ngư lưới cụ, trang thiết bị hiện đại trên tàu như máy định vị để định hướng vị trí của tàu; máy tầm ngư (máy dò cá) nhằm phát hiện luồng cá; hệ thống thông tin liên lạc tầm xa giúp ngư dân trao đổi thông tin liên lạc giữa tàu và đất liền...

Tuy nhiên, theo nguyện vọng của nhiều người dân có tàu công suất lớn thì họ mong muốn được hỗ trợ để mua thêm máy quét ngang bởi hiện nay đa số ngư dân tỉnh ta sử dụng máy tầm ngư nhưng phạm vi phát hiện luồng cá nhỏ (với bán kính 10 m). Nếu sử dụng máy quét ngang thì phạm vi phát hiện luồng cá khoảng 1 hải lý (1852 m), nhưng giá máy quét ngang rất đắt, từ 300 triệu đồng trở lên.

Đối với những ngư dân, họ đóng tàu lớn ra khơi không chỉ là mưu sinh, làm giàu từ biển, mà còn mang theo trách nhiệm của một người dân là bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc mà thế hệ cha anh đi trước đã đổ biết bao xương máu để gìn giữ. Bất chấp những khó khăn, vất vả, bất chấp những tai ương, địch họa giữa biển khơi, hàng trăm tàu cá của ngư dân Quảng Bình vẫn nối tiếp nhau ra ngư trường truyền thống Hoàng Sa. Họ vẫn không chùn bước, miệt mài bám biển làm ăn như bao đời nay họ đã từng gắn bó.

Ông Nguyễn Văn Chuẩn, chủ tàu QB 93977TS (53 tuổi, Xuân Lộc, Quảng Phúc) đã có gần 40 năm thâm niên nghề đi biển cho biết: Mặc dù nhiều lần bị tàu lạ xua đuổi nhưng chúng tôi không hề nhụt chí mà còn quyết tâm cao hơn với nghề của mình, đồng thời lòng yêu nước thúc giục chúng tôi cần có trách nhiệm, nghĩa vụ với Tổ quốc. Biển của mình, mình có quyền khai thác và bảo vệ. Chúng tôi bám biển để mưu sinh, để phát triển kinh tế. Ngoài ra, sự hiện diện của những ngư dân như chúng tôi tại vùng biển của đất nước còn khẳng định đó là chủ quyền biển đảo Việt Nam. Chúng tôi quyết tâm dù hoàn cảnh nào cũng một lòng bám biển.

Có thể thấy, dù đi bất kỳ nơi đâu, bất cứ làng biển nào của tỉnh ta thì ngư dân cũng đồng lòng như vậy. Thế hệ ngư dân trẻ vẫn tiếp nối tình yêu biển đảo, tình yêu quê hương đất nước quyết bám biển, bám ngư trường truyền thống của các bậc tiền nhân để khẳng định chủ quyền Tổ quốc.

Anh Phạm Văn Tứ (29 tuổi, xã Bảo Ninh) nhấn mạnh: Tôi cảm thấy rất tự hào khi đồng hành trên những tàu cá cùng lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay ở ngư trường Hoàng Sa. Đây là ngư trường của chúng ta, chúng ta có quyền được khai thác. Bám biển để mưu sinh, bám biển để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tại sao chúng tôi lại không bám biển chứ?

Hành trình vươn ra biển lớn của ngư dân Quảng Bình được chuẩn bị đầy đủ cả tâm và lực; ý chí, quyết tâm bám biển không bao giờ tắt. Dẫu phía trước còn bao gian nan và thử thách nhưng ẩn chứa trong họ là phẩm chất vượt khó, vượt khổ và luôn dương cao tinh thần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Nguyễn Lê Minh