.

Biển mặn đời ngư - Bài 2: "Vùng quê biển lạ, biển quen"

Thứ Hai, 18/08/2014, 07:41 [GMT+7]

(QBĐT) - Ấp ủ viết về nghề biển, tôi nghe các anh chị lớp trước nói về Đức Trạch, nơi được coi như "chúa tể" ngư trường của Quảng Bình. Cũng được nghe rằng, chính nơi này nhà báo nổi tiếng Nguyễn Thế Tường từng có phóng sự truyền hình "Vùng quê biển lạ, biển quen" đoạt huy chương vàng liên hoan truyền hình toàn quốc. Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Làng quê ấy giờ ra sao? Câu hỏi ấy đã thôi thúc chúng tôi tìm về Đức Trạch trong những ngày cuối tháng 7.

>> Bài 1: Nhọc nhằn nghề biển

Một thời, biển mặn đời ngư

Không biết nghề đánh cá có tự bao giờ, chỉ biết từ bao đời nay người dân Đức Trạch đã gắn liền với biển. Cha ông đi trước "khai hoang", lập nghiệp nhờ vào biển, giờ đây thế hệ cháu con ở xã Đức Trạch vẫn ngày ngày bám biển.

Trước đây, người dân khai thác, đánh bắt cá theo truyền thống với những chiếc bơ nan làm bằng tre và chèo tay, mỗi chiếc thường chỉ chở được hai người và chỉ đánh bắt cách bờ khoảng 4 hải lý. Sau đó, những chiếc bơ nan bằng tre được thay dần bằng tàu gỗ nhỏ có lắp thêm máy Đông Phong, máy Trần Hưng Đạo... với nhiều loại công suất 6CV, 12 CV, 14 CV, 20 CV, 24 CV...

Từ đó, ngư trường khai thác của ngư dân dần được mở rộng (cách bờ khoảng 30 hải lý) và chủ yếu đánh bắt các lại cá chai, cá bơn, ghẹ, mực... Mặc dù đã từng bước cải tiến tàu thuyền,  nâng cấp máy móc nhưng những ngư dân bám biển cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống gia đình chứ không thể làm giàu.

Ông Hoàng Thịa (83 tuổi, thôn Đông Đức) cho biết: "Tôi đã gắn bó với biển ngót 70 năm. Ngày trước, Đức Trạch nghèo lắm. Người dân chỉ biết dựa vào biển để chèo chống nuôi sống gia đình qua từng thời kì khó khăn. Người dân đánh bắt cá khổ trăm bề, ngư lưới cụ thiếu thốn, cá đánh bắt được cũng phải dàn ra trên bơ nan để chống bị ươn, muốn đánh bắt nhiều cũng không được vì không có đá lạnh để bảo quản như bây giờ...".

Những bơ nan như thế này đã không còn nhiều ở xã Đức Trạch, thay vào đó là những tàu công suất lớn.
Những bơ nan như thế này đã không còn nhiều ở xã Đức Trạch, thay vào đó là những tàu công suất lớn.

Vất vả là thế nhưng nghề biển đã giúp người dân nơi đây mưu sinh, đắp đổi qua ngày bởi đó là nguồn thu nhập chính. Ông Phan Minh Thành, 57 tuổi đời nhưng đã sống với biển hơn 45 năm chia sẻ: Khi chưa có các phương tiện thông tin dự báo thời tiết như bây giờ thì ngư dân đi biển cũng giống như ngọn đèn trước gió. Ngư dân luôn phải đối mặt với nhiều nguy hiểm, nhiều người phải bỏ mạng trên biển.

Ra biển, họ chỉ có cách mang theo kinh nghiệm của cha ông từ bao đời để lại mà chống chọi với bão bùng và tìm kiếm nguồn hàng, ví như nhìn mây để đoán gió bão, dựa vào con nước để đón làn cá... Biết là lắm khó khăn, vất vả nhưng vì miếng cơm manh áo nên phải cố gắng vượt qua.

Thật may mắn khi chúng tôi được trò chuyện với ông Lê Văn Thục (nguyên Chủ tịch UBND xã Đức Trạch trong 2 nhiệm kì từ năm 1999-2010). Mặc dù đã không còn đảm nhận vai trò chủ tịch xã nhưng những con số cách đây hơn 10 năm về Đức Trạch, về nghề cá nơi đây (khi còn đương nhiệm) ông vẫn nhớ như in.

Ông Thục cho biết: Năm 2000, xã Đức Trạch có 846 hộ với 6.500 nhân khẩu. Tỷ lệ hộ nghèo tương đối cao, trên 13%. Lúc ấy, Đức Trạch chưa hề có tàu to, máy lớn như bây giờ. Chỉ có 54 chiếc tàu công suất từ 22 CV đến 105 CV. Cuộc sống của những ngư dân còn lắm khó khăn, nhà chủ yếu là cấp 4. Đến năm 2006, ngư dân Đức Trạch mới bắt đầu có xu hướng đầu tư đóng tàu lớn vươn khơi.

Biển mặn chát đời ngư, nhưng chẳng thể quay lưng bởi không còn lựa chọn nào khác. Thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, người dân Đức Trạch lại tiếp tục bám biển. Và rồi như luồng gió mới từ khơi xa thổi vào, công cuộc đổi mới nghề ngư với sự hỗ trợ của Nhà nước đã làm đổi thay bộ mặt những làng biển và cuộc sống ngư dân.

Ngồi trên thuyền nan nhặt nốt những chú cá còn mắc lại vào lưới, bà Hồ Thị Huyên chia sẻ: "Nếu chịu khó làm ăn thì biển sẽ chẳng phụ lòng người. Trước đây, người dân làng biển dựa vào biển để mưu sinh, còn bây giờ biết bám biển để làm giàu, những dãy nhà hai tầng đằng kia, cũng nhờ biển mà họ làm nên cơ ngơi như rứa đó". Quả thực, đời sống của ngư dân xã Đức Trạch đã từng bước đi lên. Bộ mặt xã Đức Trạch cũng nhiều đổi thay.

Và nay, giàu lên nhờ biển

Nếu trước đây, ngư dân xã Đức Trạch mưu sinh chủ yếu nhờ vào nghề bám biển bằng bơ nan, bấp bênh theo con nước thì nay ngư dân ở đây đã chuyển sang sắm tàu to, máy lớn vươn ra khơi xa, làm giàu nhờ vào biển.

Ông Nguyễn Văn Vọ (thôn Thượng Đức) là một tấm gương đầy ý chí và nghị lực từ hai bàn tay trắng đã bám biển vươn lên làm giàu. Cuộc sống gia đình ông Vọ cũng vất vả khi hai vợ chồng ông xoay xở nuôi 3 con nhỏ. Vậy mà năm 1978, trong một lần đi biển xa, bố mẹ của ông mất do gặp bão lớn nên vợ chồng ông lại phải nuôi thêm 4 người em. Khó khăn chồng chất khó khăn, trong lúc ông chưa biết phải làm thế nào để đưa gia đình thoát khỏi cảnh bữa đói, bữa no thì tin dữ lại đến với gia đình.

Năm 1979, hai vợ chồng người anh đầu của ông mất khi đang đánh cá ngoài khơi. Ông lại phải cưu mang thêm ba đứa cháu (đứa đầu 5 tuổi, đứa nhỏ nhất mới 18 tháng tuổi). Cuộc sống vốn khó khăn lại càng khó khăn hơn khi vợ ông sinh thêm người con. Vì hoàn cảnh gia đình nghèo khổ nên trước đây xã đã vận động gia đình ông đi khu kinh tế mới nhưng ông quyết định không đi mà ở lại theo nghề đánh bắt hải sản của cha ông để lại.

Quyết tâm đứng lên, ông vay mượn tiền đóng chiếc thuyền đầu tiên với công suất 12 CV. Rồi dần dần, ông tích cóp đầu tư thay các tàu có công suất lớn hơn. Có tàu đi khơi, lại chí thú làm ăn, biển không phụ lòng, gia đình ông đã vượt qua nghèo khổ và từng bước vươn lên làm giàu. Ông Vọ tâm sự: Trước đây gia đình tôi nghèo đến mức mỗi năm vào ngày cha mẹ mất, gia đình  cũng không làm giỗ. Thương cha mẹ lắm nhưng lũ nhỏ cũng không đủ ăn thì lấy tiền mô ra mà làm giỗ. Phải đến 10 năm sau, khi kinh tế gia đình dần ổn định tôi mới làm đám giỗ cho cha mẹ. Cũng nhờ biển mà gia đình tôi mới có được như ngày hôm nay.

Bản thân ông Vọ hiện đang sở hữu chiếc tàu QB 92544TS, công suất 550 CV, có trị giá gần 2 tỷ đồng. Có lẽ tình yêu biển, yêu cái mặn mòi vị biển, những người con của ông cũng quyết tâm bám biển kế nghiệp cha. 6 trong 7 người con của ông mỗi người sở hữu một chiếc tàu lớn công suất từ 550 CV đến 720 CV và làm ăn cũng rất thuận lợi.

Không chỉ ông Vọ, còn rất nhiều ngư dân xã Đức Trạch cũng bám biển để làm giàu như anh Hồ Đăng Hiền chủ tàu vây rút chì (xã Đức Trạch hiện chỉ có 1 tàu vây rút chì) có công suất 480 CV, mỗi chuyến đi biển tàu anh Hiền thu về khoảng 500 triệu đồng; anh Hồ Đăng Toàn chủ tàu chụp công suất 720 CV, tàu mới đóng đầu năm 2014 nhưng sau 4 chuyến đi biển đã thu được hơn 1 tỷ đồng...

Nhà cửa được xây dựng khang trang nhờ vào “lộc” biển.
Nhà cửa được xây dựng khang trang nhờ vào “lộc” biển.

Không chỉ đánh bắt, người dân Đức Trạch còn biết làm giàu từ nghề kinh doanh, chế biến thủy hải sản. Chị Hoàng Thị Hương (44 tuổi, giám đốc Công ty  TNHH-TM tổng hợp Phước Sang) được nhiều người biết đến bởi chị là người phụ nữ làm ăn giỏi. Trước đây, chị cùng chồng thường đi thu mua cá của các tàu thuyền.

Sau một thời gian, chị Hương nhận thấy sản lượng hải sản đánh bắt của ngư dân ngày càng nhiều nhưng nguồn thu mua còn nhỏ lẻ. Chính vì vậy chị đã mạnh dạn đầu tư thành lập Công ty TNHH-TM tổng hợp Phước Sang.

Hiện nay, công ty của chị chuyên thu mua và chế biến thủy hải sản của các tàu trong xã đánh bắt được. Sau 5 năm hoạt động, công ty chị Hương từng bước phát triển và mở rộng quy mô, giải quyết việc làm ổn định cho 50 lao động tại địa phương với thu nhập 3 đến 5 triệu đồng/tháng. Ở Đức Trạch còn có các cơ sở chế biến nước mắm, ruốc, mắm nêm... khá nổi tiếng như các cơ sở sản xuất nước nắm của bà Vinh, bà Mẹo...

Nghề đi biển đã giải quyết việc làm trực tiếp cho hàng nghìn lao động địa phương và thu hút lao động làm việc ở các dịch vụ thu mua, chế biến thủy hải sản... Hiện tại, thu nhập bình quân ở Đức Trạch trên 25 triệu đồng/người/năm, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo (toàn xã hiện chỉ còn 54 hộ nghèo, chiếm 3,1%).

Hiện nay, Đức Trạch là địa phương có số lượng tàu, thuyền (công suất lớn hơn 90 CV) lớn nhất tỉnh ta, với 257 tàu có công suất từ 90 CV đến 800 CV, tổng công suất  gần 92.300 CV. Đức Trạch có 5 tổ hợp tác và 37 tổ đoàn kết trên biển. Hằng năm, bình quân tổng sản lượng đánh bắt hải sản của Đức Trạch khoảng 8.000 tấn. Trong đó có 65% số sản phẩm là mực ống, cá thu, cá hố và một số loại hải sản khác có giá trị kinh tế hàng hóa cao.

Không chỉ đầu tư đóng tàu công suất lớn, ngư dân Đức Trạch từng bước đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ thông tin liên lạc, dò cá...Riêng 6 tháng đầu năm 2014 đã có 67 tàu được lắp đặt máy liên lạc tầm xa có gắn thiết bị định vị GPS phục vụ đánh bắt vùng biển xa, tăng số tàu được lắp đặt máy liên lạc tầm xa lên 172/ 250 chiếc. Đức Trạch cũng đã đóng mới hoàn thành và hạ thủy 36 tàu có công suất từ 250 CV đến trên 800 CV. Với đội tàu thuyền khá hùng hậu và trang thiết bị bảo đảm, ngư dân đã đánh bắt được 4.261 tấn thủy hải sản, đạt 55,3 % KH năm, chiếm 58,3 % tổng sản lượng khai thác thủy sản của huyện Bố Trạch.

Ông Hồ Đăng Chiến, Chủ tịch UBND xã Đức Trạch cho biết: Nghề đánh cá ở Đức Trạch những năm gần đây phát triển mạnh mẽ, đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình. Ngoài sự quan tâm của các cấp, ngành thì chính quyền địa phương luôn vận động ngư dân bám biển. Khi ngư dân hạ thủy một tàu, lãnh đạo UBND xã và Hội Nông dân đến thăm, tặng quà và treo cờ Tổ quốc để động viên ngư dân bám biển, vừa khai thác đánh bắt thủy hải sản vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.    

Nguyễn Lê Minh

Bài 3: Vươn ra biển lớn