.

Đau cùng nỗi đau - Bài cuối: Hai người mẹ... một nỗi đau

Thứ Tư, 14/08/2013, 07:35 [GMT+7]

(QBĐT) - Huyện Quảng Trạch là địa phương có số NNCĐDC nhiều nhất trong tỉnh Quảng Bình, trên 3.000 người. Tính đến tháng 10-2012 mới có 1.376 đối tượng được hưởng chế độ. Khảo sát tại 34 xã, thị trấn, thế hệ nạn nhân thứ hai, thứ ba của Quảng Trạch cũng chiếm tỷ lệ cao nhất tỉnh, 451 người. Nhiều gia đình có bốn đến năm nạn nhân da cam… Theo những thông tin này, một ngày đầu tháng tám, tôi về huyện Quảng Trạch.

>> Bài 3: "Để phúc cho cháu... là nỗi đau da cam!

>> Bài 2: Tuổi già, phận mỏng

>> Bài 1: Câu chuyện của người trong cuộc

Căn nhà nằm lặng lẽ phía sau trụ sở UBND xã Quảng Phương, ông Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC/Dioxin huyện Quảng Trạch- người dẫn đường cho tôi gọi vọng vào: “Ông An ơi, có khách!”. Cũng lặng lẽ, dáng một người đàn ông khắc khổ xuất hiện nơi lối cửa thông từ bếp lên...

Câu chuyện về những NNCĐDC tôi đi nhiều, biết nhiều, thấy toàn nỗi đau vảng vất quanh từng nạn nhân nằm bán thân bất toại và hiển hiện trên từng gương mặt những người thân thích của họ. Riêng gia đình ông An, cá biệt lắm, nhức nhối lắm! Từ cái ngày ông bà lấy nhau, sinh hạ đứa con đầu lòng, đến tận bây giờ và chắc chắn bám lấy hai ông bà đến tận cuối đời, khi nhắm mắt xuôi tay.

Họ tên đầy đủ của ông là Trần Văn An, sinh năm 1937. Vợ ông Ngô Thị Mai, sinh năm 1940. Ông An nhập ngũ năm 1953, lúc còn kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm 1954, đất nước tạm chia hai miền Nam, Bắc ông đóng quân tại Vĩnh Linh. Năm 1958, đơn vị cử ông ra Bắc học sau đó qua Trung Quốc đào tạo sỹ quan pháo binh. Năm 1962 trở về chiến đấu trong đội hình đơn vị pháo 130mm thuộc D13, F341 bảo vệ khu vực giới tuyến và đảo Cồn Cỏ.

Ông An kể từ năm 1963, đại đội pháo của ông là đơn vị chiến đấu độc lập, thường xuyên cơ động trên một chiến trường rộng lớn phía nam Bến Hải, Gio Linh, Cam Lộ rồi vào đến thị xã Quảng Trị, xa hơn là chi viện cho các đơn vị bộ binh chiến đấu vùng ven Thừa Thiên- Huế. Ngày 19-9-1968, lúc đó ông An là trung úy, đại đội trưởng đang cùng đại đội pháo chiến đấu ở phía bắc Quảng Trị thì bị trọng thương vào mắt. Vết thương quá nặng nên đến năm 1970, ông ra quân, thương binh hạng 1/4.

Bà Mai đang chăm sóc người con trai út Trần Văn Tâm nằm liệt giường từ hơn 30 năm nay.
Bà Mai đang chăm sóc người con trai út Trần Văn Tâm nằm liệt giường từ hơn 30 năm nay.

Tôi hỏi ông tận mắt chứng kiến máy bay Mỹ rải chất khai quang là vào năm nào? Lúc đó cảm giác của ông ra sao? Và có biết đó là CĐDC hay không? Ngồi lặng một khoảng thời gian để hồi tưởng, tiếng ông nhè nhẹ: “Ấy là vào giai đoạn 1964- 1965, khi đại đội cơ động lên phía tây huyện Gio Linh. Quân và pháo thường ẩn trong những hang đá, ngụy trang rất bí mật. Buổi sáng ra cửa hang thấy máy bay Mỹ dàn hàng ngang bay qua, bụi trắng bay la đà trên tán cây rừng.

Chẳng ai biết đó là chất độc hóa học... khi thấy lá cây rụng hết thì kháo nhau, chắc bọn Mỹ dùng bom napan để hủy diệt cây rừng, truy tìm Việt cộng. Suy nghĩ giản đơn vậy nên không ai dùng dụng cụ phòng hóa cả, mặc dù đơn vị trang bị rất đầy đủ”. “Rứa thì lúc mô ông biết mình bị nhiễm CĐDC”. “Thì lúc lấy vợ, sinh con ra bị tật nguyền, tự tay lần lượt đem chôn từng đứa thì mới rõ nguyên nhân, rằng bản thân đã bị nhiễm CĐDC nặng”.

Và bi kịch của vợ chồng ông bắt đầu... hai ông bà có 8 đứa con: Trần Thị Hương, Trần Thơm, Trần Thị Tuyệt, Trần Đượm, Trần Thị Tình, Trần Hữu, Trần Thị Hảo và Trần Văn Tâm. Những con gái thì sống được, bây giờ đều thành gia thất, dù bi kịch về CĐDC di chứng từ ông An vẫn không tha cho họ. Những con trai qua đời, ông An tự tay chôn lần lượt Trần Thơm, Trần Đượm, Trần Hữu. Riêng Trần Văn Tâm, sinh năm 1982,  hơn 30 năm sống đời sống thực vật, vô thức trên chiếc giường nhỏ kê ngoài gian bếp.

Bà Ngô Thị Mai một tay vun vén cho hai cha con. Cha thương binh luôn ngã bệnh mỗi khi trái gió trở trời. Con liệt giường liệt chiếu từ lúc mới lọt lòng... Gánh nặng khiến cho bà khô khắt lại, vết chân chim hằn đậm trên khuôn mặt già nua. “Nếu lỡ tui nằm xuống thì ai lo cho hai cha con đây? Sống như thằng Tâm, dù đau đớn nhưng tui mong cho hắn theo các anh cho đỡ khổ”- bà Mai xót xa. Con trai ông bà, đứa mất, đứa nằm liệt giường.

Chị Trần Thị Hương và người con trai út Nguyễn Minh Hà, NNCĐDC thế hệ thứ ba.
Chị Trần Thị Hương và người con trai út Nguyễn Minh Hà, NNCĐDC thế hệ thứ ba.

Các con gái lấy chồng, cuộc sống chẳng chút bình yên. Chị Trần Thị Hương sinh hạ 3 người con, Nguyễn Minh Sơn mất khi mới lọt lòng; con gái đầu Nguyễn Thị Thu Giang năm nay học lớp 11; Nguyễn Minh Hà (sinh năm 2004) bị thần kinh, bại não, liệt tay chân. Chị  Trần Thị Tình, mắc chứng động kinh, có con trai cũng bị ảnh hưởng CĐDC, thần kinh không vững vàng. Trong gia đình ông An, có hai người mẹ, hai thế hệ nhưng chịu cùng một nỗi đau- nỗi đau da cam.

Nhà chị Trần Thị Hương cũng ở tại thôn Hướng Phương, xã Quảng Phương, cách gia đình ông bà ngoại chừng một cây số. Khi chúng tôi đến, chị Hương đang pha mì tôm cho đứa con trai tật nguyền Nguyễn Minh Hà bị trói trên chiếc xe lăn. “Gia cảnh chị nghèo, con cái dặt dẹo, chị khổ lắm! Khổ khi còn ở với bố mẹ, khổ vì quá lứa, lỡ thì, đến khi chấp nhận chắp nối với anh Nguyễn Văn Thuận, chồng chị bây chừ vẫn cứ khổ”. Anh Thuận mồ côi từ nhỏ, từng bộ đội ở Campuchia về, đã có một đời vợ và 3 đứa con. Các con giữa anh với người vợ trước bình thường, chỉ đến khi lấy chị  Hương, thì hai con trai sinh ra một chết, một tật nguyền.

Nguyễn Minh Hà thường hay lên cơn động kinh hàng đêm, mỗi lần như thế Hà kêu gào, khóc lóc từ đầu hôm đến sáng, vợ chồng chị Hương chăm con, cũng trắng đêm theo. Mới đây Hà lại lên cơn động kinh, đang ngồi trên xe lăn, bổ nhào xuống đất dập cả cằm, chị Hương phải đưa lên trạm xá khâu liền mấy mũi. Hai người mẹ trong một gia đình hứng chịu hậu quả của CĐDC di chứng trên cơ thể người thân của mình.

52 năm sau thảm họa da cam Việt Nam, vẫn còn hàng trăm, hàng nghìn người bố, người mẹ đang ngày đêm khóc thầm bên những đứa con tật nguyền, khiếm khuyết. Cho dù thời gian trôi qua mấy chục năm, đất nước hòa bình, vết thương chiến tranh lành kín miệng nhưng nỗi đau da cam thì không thể... không bao giờ nguôi ngoai.

                                                                 Ngô Thanh Long