.

Đau cùng nỗi đau - Bài 3: "Để phúc cho cháu... là nỗi đau da cam!"

Thứ Ba, 13/08/2013, 07:46 [GMT+7]

(QBĐT) - Cứ mỗi lần ngắm đứa cháu nội Ngô Nữ Trinh Nương nằm vặn vẹo trên chiếc giường nhỏ, ông Ngô Thế Kỷ lại tự vấn lương tâm mình. Ông xót xa với tôi, với vợ chồng người con trai độc nhất, bố mẹ Trinh Nương như xát muối vào lòng mình: "Tôi để phúc lại cho cháu... là nỗi đau da cam!".

>> Bài 2: Tuổi già, phận mỏng

>> Bài 1: Câu chuyện của người trong cuộc

 

Ông Ngô Thế Kỷ và đứa con trai út của anh Sỹ.
Ông Ngô Thế Kỷ và đứa con trai út của anh Sỹ.

Ông giã từ quân ngũ năm 1989 với cấp bậc đại úy quân y, thương binh tỷ lệ thương tật 21%. Ông cho tôi xem những vết thương do mảnh đạn pháo găm đầy trên cơ thể, vết thương ấy nay lành sẹo, chỉ làm ông nhức nhối mỗi khi trái gió trở trời. Vết thương lặn sâu trong lòng ông, bám riết lấy ông là di chứng CĐDC những năm tháng ông đang tại ngũ nơi chiến trường, sau hòa bình đã tác oai, tác quái nơi cháu nội của ông.

Tháng 2- 1964, khi cuộc chiến chống Mỹ cứu nước chuyển sang một giai đoạn mới với sự can thiệp ngày càng sâu hơn của đế quốc Mỹ và lực lượng chư hầu, chàng thanh niên 24 tuổi Ngô Thế Kỷ từ biệt quê hương Vạn Ninh (huyện Quảng Ninh) lên đường nhập ngũ. Sau một khóa huấn luyện y sỹ cấp tốc, ông vào chiến trường miền Nam, biên chế ở mặt trận B5, Quân khu IV, chiến đấu tại khu vực tây nam vĩ tuyến 17, bắc đường 9- Nam Lào (gồm các huyện Gio Linh, Hướng Hóa, Cam Lộ của tỉnh Quảng Trị hiện tại). Kể chuyện những năm tháng ở chiến trường, ông Kỷ nhớ lắm.

Ông bảo: "Thời kỳ từ năm 1967 đến năm 1972, chiến trường Quảng Trị vô cùng ác liệt! Ta tấn công tổng lực tại Khe Sanh năm Mậu Thân 1968, buộc quân Mỹ và chư hầu rút chạy khỏi Khe Sanh, Hướng Hóa. Tiếp đó chiến dịch mùa khô 1971- 1972, đập tan cuộc hành quân Lam Sơn- 719 của Mỹ ngụy, góp phần làm thất bại thảm hại âm mưu "Việt Nam hóa chiến tranh" tại miền Nam Việt Nam. Chúng tôi thuộc lực lượng trinh sát, với riêng tôi mục tiêu trinh sát là tìm ra các địa điểm thuận lợi, an toàn để đặt trạm phẫu thuật tiền phương, phục vụ sơ, cấp cứu cho thương binh từ các mặt trận chuyển về".

Theo số liệu thống kê mới nhất, toàn huyện Quảng Ninh hiện có 178 NNCĐDC thế hệ thứ hai bị dị hình, dị dạng, không tự vận động và tự phục vụ cho bản thân được. Những đối tượng này hiện chưa hưởng chế độ CĐDC đang rất cần sự giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm.

Ông Kỷ kể tiếp chuyện thoát chết trong gang tấc: "Lần đó tổ trinh sát 5 người đang tiến hành điều nghiên chuẩn bị đánh cao điểm 350 thì bị máy bay trực thăng địch phát hiện, chúng tập trung bắn như vãi trấu vào đội hình, 3 đồng chí hy sinh tại chỗ, tôi bị thương, người đồng đội còn lại cố cõng tôi chạy tránh hỏa lực địch. Tôi bảo đồng chí ấy để tôi lại, rút đi nếu không cả hai cùng chết. May mắn, oằn người vào nấp trong một ụ mối lớn rồi ngất đi. Khi tỉnh lại, trời đang đêm, đồng chí trốn thoát hồi chiều cùng du kích quay trở vào và tìm thấy tôi".

Đơn vị trú trong những hang đá nằm ven các con suối. Một buổi sáng tháng 4-1967, khi cùng mọi người đi hái rau rừng về tăng gia thì nghe tiếng máy bay ngang trên đầu. Qua tán lá rừng, thấy từng tốp máy bay dàn hàng ba, bay chầm chậm. Khu rừng lúc đó phủ một lớp sương trắng đục, nhờ nhờ... đưa tay ra xoa trên đầu thấy ướt, cứ ngỡ là sương. Không khí ngột ngạt, ngực tức, mắt hoa, rất khó thở... một lúc sau thì trở lại bình thường. Không ai nghĩ rằng đó là chất độc hóa học. Độ hơn một tuần, mười ngày, thấy cây rừng rụng hết lá.

Cấp trên thông báo: "Máy bay Mỹ cho rải chất khai quang" và hướng dẫn cách phòng chống. Mỗi lần nghe tiếng máy bay, rừng ngập trong sương trắng đục, là lấy khăn, áo lót nhúng nước che lên mặt. Khi bụi chất độc lắng xuống, mọi sinh hoạt trở lại bình thường như cũ. Ăn uống cũng thay đổi, chủ yếu chỉ dùng măng rừng và bắp chuối rừng, bỏ phần phía ngoài, chỉ dùng phần phía trong. Bộ đội không uống nước suối, khe mà đào giếng lấy nước. Phòng tránh giản đơn thế, nên những người lính sau ngày hòa bình lập lại không bị di chứng CĐDC, con cái, cháu chắt họ sinh ra nguyên vẹn hình hài là diễm phúc lớn. Hàng triệu người chịu cùng số phận bất hạnh, trở thành NNCĐDC trong đó có ông Ngô Thế Kỷ và người cháu nội của ông.

Chị Mai đang cho em Trinh Nương ăn cơm.
Chị Mai đang cho em Trinh Nương ăn cơm.

Vợ chồng ông Kỷ có 6 người con, mất 2 còn 4. Ông nhớ hai người con khuất núi của mình sinh ra bình thường, được đâu chừng một tháng thì lên cơn động kinh, toàn thân co giật rồi chết. May mắn 4 người con còn lại 3 gái, 1 trai bình thường. Con trai của ông Kỷ, anh Ngô Thế Sỹ, hiện tại là Phó Chủ tịch HĐND xã Vạn Ninh, bố cháu Ngô Nữ Trinh Nương. Cháu Ngô Nữ Trinh Nương sinh năm 1999, năm nay 14 tuổi.

Lúc sinh em ra lành lặn, đáng yêu như những đứa trẻ khác. Được mấy ngày, người mẹ phát hiện Trinh Nương không chịu bú. Ông Kỷ là quân y sỹ nên khá rành về những triệu chứng của trẻ con, ông đưa cháu nội về khám tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới thì bác sỹ kết luận: cháu bị nhiễm độc máu.

14 tuổi, Trinh Nương sống dặt dẹo, cơ thể rũ ra như một tàu lá chuối non. Em không cảm nhận được cuộc sống quanh mình, sống đời sống thực vật, chân tay teo nhỏ lại, mọi sinh hoạt hàng ngày đều trông chờ vào bàn tay chăm sóc của người mẹ, chị Nguyễn Thị Mai. Trong gia đình, chị Mai phải luôn có mặt ở nhà, chăm sóc con gái từ miếng ăn đến giấc ngủ, vệ sinh cơ thể... Điều an ủi lớn nhất cho ông Ngô Thế Kỷ và vợ chồng anh Ngô Thế Sỹ là hai em trai của Trinh Nương hiện tại bình thường. Âu như lời ông Kỷ tâm sự: "Trời không lấy hết hạnh phúc của người này để cho người khác. Tuổi già rồi, tui cần sống tốt hơn để phúc cho cháu con".

Tôi tạm biệt ông Kỷ và vợ chồng anh Sỹ khi trời về chiều. Đầu tháng tám, khí hậu chuyển sang thu với thời tiết lúc mưa, lúc nắng. Bé Trinh Nương khó chịu trong người, lên cơn quấy chị Mai. Ra đến ngoài ngõ vẫn nghe tiếng chị Mai dỗ con trĩu nặng nỗi niềm.

                                                                  Ngô Thanh Long

                                                            Bài cuối: Hai người mẹ... một nỗi đau