.

Thực hiện các tiêu chí tiếp cận pháp luật: Nhiều chuyển biến rõ nét

Thứ Năm, 09/03/2017, 09:06 [GMT+7]

(QBĐT) - Từ khi triển khai thực hiện các tiêu chí tiếp cận pháp luật (TCPL) theo quy định tại Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg ngày 24-1-2013 của Thủ tướng Chính phủ đến nay, điều kiện TCPL của người dân trên địa bàn tỉnh ta đã có nhiều chuyển biến rõ nét...

Thực hiện nhiệm vụ xây dựng, đánh giá địa phương đạt chuẩn TCPL theo Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg ngày 24-1-2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về chuẩn TCPL của người dân tại cơ sở, thời gian qua, Sở Tư pháp - Cơ quan Thường trực của Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận của UBND tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả việc đánh giá chuẩn TCPL trên địa bàn tỉnh như: tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về TCPL cho đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch, hoà giải viên, tuyên truyền viên, cán bộ chủ chốt cấp xã và của thôn...

Bên cạnh đó, UBND các huyện, thành phố, thị xã đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn về xây dựng, đánh giá TCPL; UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã tổ chức triển khai các điều kiện để xây dựng địa phương đạt chuẩn TCPL; phân công cán bộ tham mưu thực hiện các tiêu chí về TCPL cho người dân...

Nhờ vậy, năm 2016, qua đánh giá chuẩn TCPL bao gồm 4 tiêu chí và các chỉ tiêu tại các địa phương, đã có 5/8 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh ta đủ điều kiện đạt chuẩn TCPL; 113/159 xã, phường, thị trấn đủ điều kiện đạt chuẩn TCPL, chiếm tỷ lệ 71% (46/159 xã, phường, thị trấn không đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 29%).

Trợ giúp pháp lý là cầu nối giúp người dân tiếp cận pháp luật.
Trợ giúp pháp lý là cầu nối giúp người dân tiếp cận pháp luật.

Trong đó, TP. Đồng Hới có 12/16 xã, phường đủ điều kiện đạt chuẩn; huyện Lệ Thuỷ có 22/28 xã, thị trấn đủ điều kiện đạt chuẩn; huyện Quảng Ninh có 11/15 xã, thị trấn đủ điều kiện đạt chuẩn; thị xã Ba Đồn có 13/16 xã, phường đủ điều kiện đạt chuẩn; huyện Tuyên Hoá có 19/20 xã, thị trấn đủ điều kiện đạt chuẩn; huyện Bố Trạch có 16/30 xã, thị trấn đạt chuẩn; huyện Minh Hoá có 11/16 xã, thị trấn đạt chuẩn; huyện Quảng Trạch có 9/18 xã, thị trấn đạt chuẩn...

Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên, qua triển khai công tác đánh giá chuẩn TCPL trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn gặp những khó khăn, hạn chế như: cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thực sự chú trọng và hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện xây dựng địa phương đạt chuẩn TCPL; việc tổ chức triển khai các thiết chế pháp luật còn chủ quan, mang tính hình thức, chưa bám sát yêu cầu của người dân, chưa tạo điều kiện thuận lợi để người dân TCPL.

Bên cạnh đó, chưa có sự phối hợp, gắn kết giữa các cơ quan, đơn vị đặc biệt là ở cấp xã, để có sự đánh giá, giải quyết một cách toàn diện, tổng thể đối với công tác xây dựng địa phương đạt chuẩn TCPL, nhiều địa phương còn coi đây là nhiệm vụ của cơ quan Tư pháp. Ngoài ra, một số công chức cấp xã năng lực còn hạn chế, chưa nắm rõ được những nội dung cơ bản của các tiêu chí đánh giá TCPL để tham mưu xây dựng địa phương đạt chuẩn TCPL, do vậy việc đánh giá kết quả còn chưa chính xác; một số địa phương chưa bám sát vào hướng dẫn của UBND tỉnh và Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phải để đánh giá, nên việc đánh giá một số chỉ tiêu còn mang tính hình thức, chưa sát với thực tiễn...

Năm 2017, việc TCPL đã được đưa vào Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Vì vậy, kết quả đánh giá chấm điểm TCPL của các địa phương trên địa bàn tỉnh ta trong năm 2016 được dùng làm cơ sở để theo dõi, nghiên cứu đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác này.

Theo đó, thời gian tới, các cấp uỷ đảng, chính quyền các địa phương cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tác động của công tác xây dựng, đánh giá TCPL. Trên cơ sở đó, xác định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các cấp trong việc xây dựng xã, phường bảo đảm việc TCPL cho người dân gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Mặt khác, cần tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất cho các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ; hòa giải cơ sở... để nâng cao điều kiện TCPL của người dân tại cơ sở; tăng cường hơn nữa cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, các sở, ngành có liên quan, các thành viên của hội đồng đánh giá chuẩn TCPL các cấp, trong việc xây dựng và cải thiện điều kiện TCPL của người dân tại cơ sở; thường xuyên kiểm tra để kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém trong việc triển khai thực hiện, đồng thời biểu dương nhân rộng điển hình để đội ngũ công chức và nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, lợi ích của việc xây dựng địa phương đạt chuẩn TCPL của người dân tại cơ sở....

Đình Phong