.

Hỏi đáp về Luật Thống kê 2015

Thứ Hai, 06/03/2017, 08:32 [GMT+7]

(QBĐT) - Câu hỏi: Phân tích và dự báo thống kê được quy định như thế nào?

- Trả lời:

Điều 45 Luật thống kê 2015 quy định phân tích và dự báo thống kê như sau:

1. Phân tích và dự báo thống kê phục vụ việc xây dựng, đánh giá thực hiện chiến lược, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

2. Phân tích thống kê nhằm làm rõ các đặc trưng của hiện tượng kinh tế - xã hội; sự thay đổi và các yếu tố ảnh hưởng, vai trò và tác động qua lại của từng yếu tố đối với hiện tượng theo thời gian và không gian. Dự báo thống kê nhằm đưa ra xu hướng phát triển của hiện tượng kinh tế - xã hội.

3. Phân tích và dự báo thống kê phải trung thực, khách quan, toàn diện trên cơ sở thông tin thống kê đã thu thập, tổng hợp, lưu trữ, hệ thống hóa và diễn biến của tình hình thực tế.

4. Cơ quan thuộc hệ thống tổ chức thống kê nhà nước có trách nhiệm phân tích và dự báo thống kê theo chương trình thống kê.

- Câu hỏi: Trách nhiệm của bộ, ngành đối với các chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia được quy định như thế nào?

- Trả lời:

Điều 46 Luật thống kê 2015 quy định trách nhiệm của bộ, ngành đối với chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia như sau:

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước chịu trách nhiệm về số liệu thống kê được phân công thu thập, tổng hợp trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.

2. Bộ, ngành có trách nhiệm thu thập, tổng hợp số liệu thống kê được phân công trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và gửi hồ sơ thẩm định theo quy định tại khoản 1 Điều 47 Luật thống kê cho cơ quan thống kê trung ương thẩm định, công bố.

- Câu hỏi: Thẩm định số liệu thống kê của bộ, ngành trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia được quy định như thế nào?

- Trả lời:

Điều 47 Luật thống kê 2015 quy định thẩm định số liệu thống kê của bộ, ngành trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia như sau:

1. Hồ sơ thẩm định gồm văn bản đề nghị thẩm định, dự thảo số liệu thống kê, giải trình phạm vi, phương pháp tính và nguồn số liệu thu thập, tổng hợp.

2. Nội dung thẩm định gồm phạm vi, phương pháp tính và nguồn số liệu của chỉ tiêu.

3. Thời hạn thẩm định kể từ ngày cơ quan thống kê trung ương nhận đủ hồ sơ gửi thẩm định được quy định như sau:

a) 03 ngày làm việc đối với số liệu thống kê ước tính;

b) 07 ngày làm việc đối với số liệu thống kê sơ bộ;

c) 20 ngày đối với số liệu thống kê chính thức.

4. Trên cơ sở ý kiến thẩm định của cơ quan thống kê trung ương, bộ, ngành có trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu, giải trình bằng văn bản và chỉnh lý số liệu thống kê do bộ, ngành thu thập, tổng hợp. Trường hợp bộ, ngành không tiếp thu ý kiến thẩm định của cơ quan thống kê trung ương thì cơ quan thống kê trung ương tự quyết định và chịu trách nhiệm.

Theo tài liệu của Tổng cục Thống kê

(Còn nữa)