.

Cần tăng cường công tác quản lý việc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp

Thứ Tư, 31/08/2016, 06:20 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, nhu cầu xin cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ của các doanh nghiệp ngày càng tăng. Dù chưa có vụ việc nghiêm trọng xảy ra trong hoạt động của các doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ, nhưng lĩnh vực này vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Vì thế, rất cần sự tăng cường quản lý từ các sở, ban, ngành liên quan và chính quyền địa phương.

Theo số liệu từ Phòng Kỹ thuật an toàn và Môi trường, Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh hiện có 42 đơn vị được UBND tỉnh cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp với tổng số 51 giấy phép. Phần lớn các đơn vị được cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp hoạt động trên lĩnh vực khai thác vật liệu xây dựng (47 giấy phép) và tập trung chủ yếu tại các mỏ đá trên địa bàn các huyện Tuyên Hoá, Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, Quảng Trạch, Bố Trạch, Minh Hoá...

Việc cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ được căn cứ vào 2 tiêu chí, đó là cấp theo thời hạn khai thác mỏ và cấp theo thời hạn của giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo đảm an ninh trật tự. Thời hạn cấp giấy phép không quá 5 năm đối với khai thác mỏ và không quá 2 năm đối với xây dựng công trình cơ sở hạ tầng.

Riêng trong 6 tháng đầu năm nay, các đơn vị được cấp giấy phép đã sử dụng trên 459 tấn thuốc nổ để khai thác vật liệu xây dựng và xây dựng công trình. Phần lớn các đơn vị đều sử dụng vật liệu nổ đúng quy trình và yêu cầu trong giấy phép đã được cấp.

Phần lớn các doanh nghiệp được cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác vật liệu xây dựng.
Phần lớn các doanh nghiệp được cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác vật liệu xây dựng.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh ta chưa để xảy ra mất an toàn, tai nạn trong sử dụng và bảo quản vật liệu nổ. Tuyên Hoá là địa phương có số lượng giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn nhiều nhất tỉnh với 18 giấy phép (trong đó có 2 tổ chức kinh tế tập thể là HTX sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng Đồng Lực và HTX sản xuất vật liệu xây dựng Thuận Tiến), tiếp đó là huyện Lệ Thuỷ có 10 giấy phép, Quảng Ninh 8 giấy phép, Quảng Trạch 5 giấy phép, Bố Trạch 3 giấy phép...

Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy, các đơn vị đều dựa vào điều kiện thực tế mỏ được cấp và hành lang an toàn phụ cận để mở tầng khai thác vừa bảo đảm an toàn, vừa đạt năng suất và hiệu quả cao.

Một số doanh nghiệp khác thì sử dụng phương pháp mở tầng vào vách cắt tầng từ dưới lên, kết hợp nổ ốp để cắt chân; dùng máy khoan thuỷ lực tự hành hiện đại để khai thác nên bảo đảm độ an toàn cao cho người lao động. Người chỉ huy nổ mìn và công nhân liên quan đến vật liệu nổ công nghiệp của đơn vị đều nắm chắc quy trình, quy phạm được quy định trong TCVN: 4586-1997. Nhờ vậy, các yếu tố như: hộ chiếu nổ mìn, công tác canh gác, tín hiệu nổ mìn, giờ nổ mìn hàng ngày đều được thực hiện theo đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước.

Điển hình, các doanh nghiệp thực hiện tốt nội quy an toàn sử dụng vật liệu nổ công nghiệp thời gian qua đó là: Công ty CP xây dựng và tư vấn Bình Lợi, được cấp giấy phép khai thác tại mỏ đá Lèn Con (xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh); Công ty CP xây dựng Đại Phúc Quảng Bình, được cấp giấy phép khai thác tại mỏ đá Lèn Hung Ba Tâm (xã Thuận Hoá, huyện Tuyên Hoá); Công ty CP Xuất nhập khẩu Quảng Bình, được cấp giấy phép khai thác tại mỏ đá Lèn Áng Sơn (xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh) và mỏ đá Khe Chay (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch); Công ty TNHH Việt Hà, được cấp giấy phép khai thác tại mỏ đá Lèn Hung Cùng (xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch); Công ty TNHH Hoàng Huy Toàn, được cấp giấy phép khai thác tại mỏ đá Lèn Sầm (xã Sơn Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ)...

Thực tế cho thấy, do nhu cầu sử dụng và khai thác vật liệu xây dựng tăng lên nên số lượng đơn vị đề nghị được cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng nhiều. Trao đổi với chúng tôi về thực hiện công tác quản lý Nhà nước ở lĩnh vực này, ông  Lê Trá Khoái, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Thời gian qua, Sở Công thương đã phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và địa phương thường xuyên kiểm tra các điểm nổ mìn và công tác bảo đảm an toàn khi khai thác mỏ tại các đơn vị. Bên cạnh các đợt kiểm tra định kỳ (1 đến 2 lần/đơn vị/năm), Sở đã tổ chức các đợt kiểm tra đột xuất khi có vụ việc xảy ra hoặc theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương, UBND tỉnh.

Riêng từ đầu năm 2016 đến nay, Sở đã thẩm định hồ sơ, trình UBND tỉnh cấp mới và cấp lại 11 giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; đồng thời tham mưu UBND tỉnh thu hồi giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp của 2 đơn vị. Sở đã tổ chức 2 lớp huấn luyện và cấp chứng chỉ về kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp cho 64 cán bộ, công nhân của 3 doanh nghiệp hoạt động khai thác vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh và thực hiện điều chỉnh lại lượng vật liệu nổ công nghiệp của một số đơn vị trình UBND tỉnh xem xét.

Sử dụng vật liệu nổ công nghiệp để khai thác vật liệu xây dựng là công việc hết sức nhạy cảm, bởi vậy đòi hỏi các doanh nghiệp phải tuyệt đối không được sai sót. Mặc dù chưa xảy ra sự cố nghiêm trọng nào về tình trạng mất an toàn trong sử dụng và bảo quản vật liệu nổ, nhưng như vậy không thể khẳng định không xảy ra trong thời gian tới, nếu các doanh nghiệp chỉ có một sai sót nhỏ trong việc thực hiện quy trình nổ mìn.

Điều đáng nói hơn là công tác kiểm tra và quản lý của các ngành chức năng hiện tại chỉ trong phạm vi nhất định đối với các đơn vị được cấp giấy phép, không thể bao quát hết những điểm khai thác khác tại các địa phương.

Do vậy, cùng với sự tăng cường số lần kiểm tra, giám sát của đoàn liên ngành, rất cần sự chung tay của chính quyền địa phương và người dân trong việc phát hiện, báo cáo những sai phạm về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp từ các doanh nghiệp không được cấp giấy phép, để các ngành chức năng có biện pháp xử lý kịp thời nhằm bảo đảm an toàn lao động và tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Hiền Chi