.

Khai thác khoáng sản còn nhiều bất cập

Thứ Ba, 16/08/2016, 07:02 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, việc việc đầu tư thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn đã được quan tâm. Tuy nhiên tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn diễn ra, nhất là khai thác cát, đất san lấp, đá sét làm nguyên liệu xi măng... làm thất thoát tài nguyên, tác động xấu đến cảnh quan, môi trường và thất thu ngân sách.

Qua số liệu điều tra của cơ quan chuyên môn, nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh ta không lớn, trữ lượng thấp, nhưng vấn đề đáng quan tâm là tình trạng tổn thất trong khai thác, chế biến khoảng sản xảy ra nhiều nơi.

Mới đây, qua kiểm tra của Sở Tài nguyên - Môi trường đối với hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông Long Đại, sông Kiến Giang, sông Gianh cho thấy nhiều cá nhân tổ chức vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý khoáng sản. Nổi lên là hành vi khai thác lậu và lập điểm tập kết cát sạn trái phép. Kết quả kiểm tra tại 17 điểm tập kết cát sạn hai bên bờ sông Long Đại, chỉ có 3 địa điểm được UBND huyện cấp phép còn lại 14 điểm các hộ dân lợi dụng bờ kè sông, đất vườn, đất nông nghiệp của gia đình để lập điểm tập kết trái phép.

Lượng quặng ti tan không xuất khẩu được đang tồn kho khá lớn.
Lượng quặng ti tan không xuất khẩu được đang tồn kho khá lớn.

Khu vực xã Trường Xuân (huyện Quảng Ninh) tình trạng khai thác cát sạn trái phép diễn ra khá phổ biến, chính quyền xã đã tổ chức nhiều lần ra quân bắt giữ xử lý hàng chục trượng hợp vi phạm. Đặc biệt có một doanh nghiệp đứng ra lập trạm thu tiền trái phép đối với người dân khai thác cát sạn trên lưu vực sông Long Đại.

Tại khu vực ngã ba Cam Liên (Lệ Thủy), có 3 doanh nghiệp khai thác cát trái phép, trong khi giấy phép đã bị thu hồi gây bất bình trong dư luận. Trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành thanh tra phát hiện nhiều trường hợp vi phạm về khai thác khoảng sản.

Điển hình có vụ, Công ty TNHH Hòa Đại Phát, thôn Thống Nhất, xã An Ninh (Quảng Ninh), trong thời gian từ năm 2014 đến cuối năm 2015 đã tổ chức khai thác chui vật liệu làm nguyên liệu xi măng tại xã An Ninh, khối lượng hàng ngàn m3, bị xử phạt 500 triệu đồng và buộc chấm dứt hoạt động khai thác trái phép này.

Hoặc vụ Công ty TNHH XDTH và TM Hoàng Thành Phát, trụ sở phường Bắc Lý (Đồng Hới) bị phạt 24 triệu đồng do vi phạm khai thác VLXD trái phép tại khu vực Bàu Luồng, xã Lộc Ninh. Doanh nghiệp tư nhân Hường Tâm, thôn Khương Hà, Hưng Trạch (Bố Trạch) bị phạt do khai thác khoáng sản trái phép tại địa bàn...

Mới đây vào đầu tháng 8-2016, chính quyền địa phương cùng phối hợp với lực lượng chức năng bắt giữ vụ trộm tài nguyên nghiêm trọng trên địa bàn xã Sơn Thủy (Lệ Thủy). Tại hiện trường khi tiếp cận vùng đồi Hóc Ngái, thuộc thôn Trung Tín, xã Sơn Thủy, đoàn liên ngành đã bắt quả tang 2 chiếc máy xúc đang đào đất đổ lên nhiều xe ô tô để chở đi bán cho các công trình.

Điều đáng nói là hiện trường bị đào trộm đất ngổn ngang ngay cạnh tuyến điện cao thế 220kv và khu lăng mộ của người dân địa phương. Số lượng đất bị trộm đi ước tính khoảng 7.000m3, trong đó có khu vực bị đào sâu tới 3m. Lực lượng chức năng đã đình chỉ việc đào trộm đất trái phép, lập biên bản vi phạm hành chính và thu giữ 1 máy xúc để bảo đảm cho quy trình xử lý hành chính.

Tại địa bàn huyện Quảng Trạch, thời gian gần đây một số cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng sơ hở quản lý của chính quyền địa phương đã tổ chức khai thác cát ở những khu vực không được cấp phép, khai thác vượt quá số lượng cho phép... Thanh tra Tài nguyên và Môi trường phát hiện nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản vượt công suất được cấp phép, nhưng không làm hồ sơ điều chỉnh công suất khai thác như: Công ty CP SXVL và XD công trình 405; Công ty COSEVCO 1.5; doanh nghiệp tư nhân thương mại Đức Trường; Công ty TNHH Bình Phước; Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Đại Thanh; Công ty TNHH Trường An; Công ty TNHH TMDVTH Hoàng Văn; Công ty TNHH Đại Tiến Phát; Công ty CP 207...

Nhiều đơn vị khai thác không đúng thiết kế mỏ như: Công ty TNHH Hoàng Huy Toàn; Công ty TNHH TMDVTH Hoàng Văn; Công ty CP SXVL và XD công trình 405; HTX sản xuất và kinh doanh VLXD Đồng Lực; Công ty TNHH Tổng Công ty Thế Thịnh; Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Thạch Ngọc; Công ty CP 207; Doanh nghiệp tư nhân Thương mại Đức Trường; Công ty TNHH Vận tải và Thương mại Mai Thanh...

Thực tế cũng cho thấy, nhiều đơn vị chưa thực hiện đầy đủ việc báo cáo định kỳ về kết quả khai thác và báo cáo kiểm kê khối lượng hàng năm; việc lập, quản lý, lưu giữ bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác chưa đầy đủ, chưa phản ánh đúng sản lượng đã khai thác. Một bất cập nữa là, phần lớn các đơn vị hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh có năng lực tài chính yếu, sử dụng máy móc cũ, công nghệ lạc hậu đã gây ô nhiễm môi trường và làm thất thoát tài nguyên.

Một số mỏ đá được cấp phép khai thác quá gần đường giao thông huyết mạch đã làm ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện và người tham gia giao thông đường bộ như: mỏ đá lèn Cây Trổ ở xã Thạch Hóa (Tuyên Hóa) của Công ty TNHH Mai Thanh nằm gần Quốc lộ 12A, hay mỏ đá của Công ty TNHH Bình Phước nằm cạnh Quốc lộ 9B (thuộc Km27+700 của Quốc lộ 9B tại địa phận xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy)... do đó, mỗi khi nổ mìn phải chặn đường, việc lưu thông qua đây bị ách tắc.

Hiện trường vụ khai thác đất trái phép ở Lệ Thủy.
Hiện trường vụ khai thác đất trái phép ở Lệ Thủy.

Một thực tế xảy ra là đa số các doanh nghiệp khai thác chưa chú trọng nhiều đến đầu tư chiều sâu công nghệ chế biến, chủ yếu sơ chế và bán khoáng sản thô dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa cao, gây lãng phí tài nguyên, thu nộp ngân sách cho Nhà nước chưa được nhiều. Số liệu sơ bộ từ Cục Thuế cho thấy, các đơn vị khai thác khoáng sản đã nợ thuế, nợ tiền ký quỹ bảo vệ môi trường, tiền thuê đất khoảng trên 100 tỷ đồng.

Điển hình như Công ty Tập đoàn Linh Thành, với dự án sản xuất bột đá chất lượng cao tại huyện Tuyên Hóa nợ 20 tỷ đồng, Công ty Cosevco 1 nợ 15 tỷ đồng... Đây chính là những vấn đề cốt yếu đặt ra cho công tác quản lý, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản tỉnh trong giai đoạn tới.

Từ thực trạng trên, để chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định cấp phép, nhất là thực hiện nghiêm quy định về đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; bảo đảm môi trường trong quá trình khai thác và thực hiện tốt hoàn trả mặt bằng, phục hồi môi trường.

Trọng Thái