.

Bột ngọt nhập lậu vẫn đang tràn lan

Thứ Năm, 18/08/2016, 06:07 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong những ngày vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Chi cục Quản lý thị trường, các Đội quản lý thị trường ở địa phương trong tỉnh đã tiến hành thanh tra, kiểm tra các hộ kinh doanh mặt hàng thực phẩm, đặc biệt là mặt hàng bột ngọt nhập lậu từ Thái Lan (bột ngọt cái muỗng).

Đây không phải là lần đầu tiên cơ quan chức năng vào cuộc để xử lý tình trạng mua bán hàng nhập lậu là bột ngọt từ Thái Lan. Trong năm 2015 vừa qua, qua quá trình thanh tra, kiểm tra tại địa phương, cơ quan Quản lý thị trường tỉnh đã tịch thu 407,5 kg bột ngọt nhập lậu loại này, đồng thời xử phạt vi phạm hành chính đối với các hộ kinh doanh.

Tuy nhiên, sau thời gian kiểm tra khá lâu, tình hình mua bán bột ngọt nhập lậu lại trở nên sôi động. Mặc dù cảnh tượng bày bán công khai trên quầy hàng với số lượng lớn đã giảm nhiều sau những đợt kiểm tra của cơ quan chức năng, nhưng hiện nay hầu như hộ kinh doanh thực phẩm khô nào cũng có bán loại bột ngọt nhập lậu từ Thái Lan. Đa phần họ đều cất giấu trong bao tải lớn và chỉ khi nào khách hàng hỏi mua thì mới lấy ra để bán. Điều này đã gây cản trở cho cơ quan chức năng trong quá trình thanh tra, kiểm tra và ngăn chặn bột ngọt lậu hoành hành trên thị trường.

Trong đợt kiểm tra vừa qua, cơ quan Quản lý thị trường đã tổ chức kiểm tra ở các chợ trên địa bàn tỉnh và tịch thu hơn 52kg bột ngọt lậu, lập biên bản vi phạm hành chính đối với 22 hộ kinh doanh loại hàng này. Trong những ngày sắp tới, cơ quan chức năng cũng sẽ tiếp tục tiến hành kiểm tra tại các chợ “nóng” về kinh doanh mặt hàng nhập lậu này trên địa bàn tỉnh như chợ Ba Đồn, chợ Đồng Mỹ, chợ Đồng Hới...

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra các hộ kinh doanh bột ngọt nhập lậu.
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra các hộ kinh doanh bột ngọt nhập lậu.

Loại bột ngọt nhập lậu từ Thái Lan (bột ngọt cái muỗng) đã xuất hiện ở thị trường Quảng Bình từ cách đây khá lâu và đã trở thành thói quen tiêu dùng của các bà nội trợ. Được nhập lậu qua cửa khẩu Lao Bảo tỉnh Quảng Trị, sau đó theo chân các thương lái về các chợ ở khu vực miền Trung, loại bột ngọt này đã và đang được tiêu thụ mạnh ở thị trường miền Trung nói chung và địa bàn tỉnh Quảng Bình nói riêng.

Tại địa bàn tỉnh Quảng Bình, loại bột ngọt này chiếm một thị phần khá cao so với các loại bột ngọt chính hãng được sản xuất trong nước. Bột ngọt cái muỗng này được sản xuất bởi Công ty THAI FERMENTATION IND. CO. LTD, và được vận chuyển sang Lào trước khi nhập lậu về Việt Nam. Được bày bán trên thị trường một cách công khai nhưng loại bột ngọt này chưa được bất kì cơ quan chức năng nào của Việt Nam chứng nhận về chất lượng và cấp phép lưu hành trên thị trường. Hơn nữa, trên bao bì sản phẩm cũng không hề có dán nhãn phụ bằng tiếng Việt, không hề biết rõ ràng về chất lượng cũng như hạn sử dụng.

Theo như tìm hiểu, nguyên nhân sản phẩm này lưu hành trên thị trường công khai và tình trạng mua bán diễn ra thường xuyên là do thói quen tiêu dùng của người dân đã sử dụng bột ngọt này từ lâu và tâm lí “sính ngoại” luôn cho hàng ngoại có chất lượng tốt hơn hàng Việt.

Tuy nhiên, theo kết quả kiểm nghiệm mẫu bột ngọt nhập lậu này của Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm của Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh cho thấy, bột ngọt này chỉ chứa 98,2% hàm lượng glutamate, thành phần chính của bột ngọt. Điều đáng nói là theo qui định của Việt Nam, căn cứ theo TCVN 1459:2008 thì hàm lượng glutamate tinh khiết trong bột ngọt phải đáp ứng đủ từ 99% trở lên.

Điều này phản ánh một thực tế rõ ràng rằng, quan niệm hàng ngoại luôn tốt hơn hàng Việt của đại đa số người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đã hoàn toàn sai lầm, khi một sản phẩm Thái Lan không hề đáp ứng đủ tiêu chuẩn của nhà nước Việt Nam. Điều đáng quan ngại đặt ra ở đây là, những thành phần còn lại của loại bột ngọt cái muỗng là gì? Liệu có bảo đảm an toàn sức khoẻ cho người sử dụng khi không có cơ quan chức năng nào vào cuộc để khuyến cáo với người dân về tác hại của loại thực phẩm trôi nổi này?

PSG.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: “Bột ngọt không rõ nguồn gốc xuất xứ, không chịu sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng nên nguy cơ về chất lượng sản phẩm không bảo đảm là rất cao, nếu sử dụng hằng ngày có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và gây ra nhiều loại bệnh khác.

Do vậy, người tiêu dùng lưu ý nên lựa chọn bột ngọt của các đơn vị sản xuất có thương hiệu uy tín và tuyệt đối tránh các sản phẩm bột ngọt không rõ nguồn gốc này để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình”.

Rõ ràng sản phẩm nhập ngoại luôn được người tiêu dùng quan niệm là tốt hơn hàng Việt cho nên dù có đắt hơn hàng nội bao nhiều thì họ vẫn sẵn sàng bỏ tiền để mua. Nhưng thực tế lại phản ảnh điều ngược lại, khi các cơ quan chức năng trong nước chưa đưa ra kết luận cụ thể thì đa phần hàng lậu trôi nổi trên thị trường tiềm ẩn nhiều những rủi ro nguy hại về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Dẫu biết rằng để thay đổi một thói quen đã tồn tại từ lâu của người tiêu dùng là rất khó, nhưng chỉ vì sử dụng bột ngọt cái muỗng mà cả người mua và người bán đều phải trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng, nên lựa chọn những sản phẩm uy tín, chất lượng được sản xuất trong nước, có chứng nhận về chất lượng sản phẩm. Hãy luôn là người tiêu dùng thông minh, để lựa chọn những sản phẩm thực sự  bảo đảm an toàn cho chính bản thân và gia đình mình.