.

Tội phạm giảm nhưng... chưa hết lo

Thứ Hai, 22/08/2016, 22:43 [GMT+7]

(QBĐT) - Trước thực tế diễn biến của các loại tội phạm ngày càng phức tạp, thì theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, số vụ việc xảy ra trên địa bàn tỉnh ta trong 6 tháng đầu năm lại giảm. Đó là một dấu hiệu tích cực, cho thấy sự chuyển biến trong bức tranh chung về trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, tội phạm giảm nhưng chưa phải là hết lo...

So với những năm trước, số vụ việc xảy ra trên địa bàn tỉnh qua các năm liên tục đều gia tăng, thì có thể nói, đây là giai đoạn hiếm hoi. Nói hiếm hoi là bởi, theo thống kê của các cơ quan chức năng, trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh ta chỉ xảy ra 314 vụ, giảm 75 vụ so với cùng kỳ năm 2015.

Đó là một tín hiệu tích cực. Bởi, suy cho cùng, chỉ số về tội phạm, chính là thước đo phản ánh sự an toàn, lành mạnh của xã hội. Nếu tội phạm càng được ngăn chặn và hạn chế thì mối nguy hại cho mỗi người, cộng đồng càng giảm, và ngược lại.

Trong số các loại tội phạm giảm có thể kể đến như: tội phạm về tham nhũng và chức vụ khởi tố 2 vụ (3 bị can), giảm 2 vụ (5 bị can); tội phạm về xâm phạm quản lý kinh tế, môi trường khởi tố 11 vụ (16 bị can) giảm 7 vụ (3 bị can); tội phạm về xâm phạm sở hữu đã khởi tố 134 vụ (191 bị can) giảm 5 vụ (13 bị can).

Một đối tượng phạm tội bị đưa ra xét xử.
Một đối tượng phạm tội bị đưa ra xét xử.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Hùng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh thì tình hình tội phạm cơ bản có giảm, nhưng giảm không nhiều và không có tính bền vững. Bởi, giảm về số vụ việc nhưng một số loại tội phạm nghiêm trọng vẫn diễn biến phức tạp; nhiều vụ xảy ra với quy mô lớn, tính chất mức độ phạm tội ngày càng nguy hiểm, thủ đoạn của các loại tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt.

Là địa bàn trung tâm, nơi tập trung đông dân cư, nên TP.Đồng Hới luôn là cơ hội và là tâm điểm cho các loại tội phạm trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cướp giật tài sản hoạt động. Đặc biệt, trong những năm gần đây, TP.Đồng Hới đang "nóng" lên bởi sự hoạt động của các loại tội phạm này.

6 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn xảy ra 44 vụ (56 bị can), chỉ giảm 1 vụ so với cùng kỳ 2015. Tuy phần lớn các vụ việc trộm cắp, cướp giật nhỏ lẻ, số lượng tài sản thiệt hại không lớn, nhưng các đối tượng phạm tội đều là tái phạm nguy hiểm. Đáng chú ý, phần lớn các loại tội phạm này đều là đối tượng nghiện ma túy.

Ngoài ra, đối tượng vãng lai từ các địa phương khác đến, không có công ăn việc làm ổn định, chơi bời lêu lỏng, chờ cơ hội để "hoạt động" nhằm kiếm tiền tiêu xài cá nhân cũng khá phổ biến. Sự liều lĩnh, trắng trợn của các đối tượng này, cùng với hoạt động đơn lẻ bất kể ngày đêm, bất kỳ lúc nào đã khiến cho người dân trên địa bàn rất bức xúc và lo lắng.

Theo bà Nguyễn Thị Lệ Hà, Phó Viện trưởng VKSND TP.Đồng Hới thì, tuy tội phạm về ma túy cơ bản được kiềm chế, nhưng thực tế đây mới là loại tội phạm đáng lo ngại nhất. Bởi, tội phạm về ma túy là nguồn gốc của các loại tội phạm trộm cắp, cướp giật tài sản, trong khi thực tế chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn, quản lý có hiệu quả. 

Huyện Tuyên Hóa bấy lâu được xem là địa bàn khá an toàn, ít xảy ra các vụ án nghiêm trọng, thì nay tình hình tội phạm cũng diễn ra phức tạp hơn. Nếu như 6 tháng đầu năm 2015, nơi đây không xảy ra vụ án "Giết người" nào thì 6 tháng đầu năm nay đã xảy ra 5 vụ (5 bị can) "Giết người". Bà Mai Thị Dương Liễu, Viện trưởng VKSND huyện cho hay, nguyên nhân là do trình độ nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn hạn chế. Trong khi đó, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật còn chưa thực sự phát huy hiệu quả cao.

Chính điều đó đã dẫn đến các loại tội phạm về trật tự an toàn xã hội và tội phạm về ma túy ngày càng tăng. Đáng lo ngại hơn, đây chính là các loại tội phạm nguy hiểm, đe dọa rất lớn đến an ninh, trật tự xã hội. Riêng về tội "Giết người" 6 tháng đầu năm cơ quan chức năng tỉnh ta đã khởi tố 11 vụ (11 bị can), tăng đến 8 vụ (6 bị can); tội "Cố ý gây thương tích" khởi tố 22 vụ (34 bị can), tăng đến 14 vụ (20 bị can); tội phạm ma túy khởi tố mới 29 vụ (33 bị can), tăng 11 vụ (12 bị can).

Nguyên nhân dẫn đến các vụ giết người, cố ý gây thương tích chỉ xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống, thế nhưng các đối tượng sẵn sàng thực hiện các hành vi phạm tội rất côn đồ, hung hãn và nguy hiểm.

Bên cạnh đó, sự gia tăng liên tục và nhanh chóng về án hôn nhân và gia đình trong nhiều năm qua, về lâu dài cũng gây ra bao hệ lụy cho cộng đồng, xã hội. Thực tế, hầu hết các đối tượng phạm tội đều do thiếu bàn sự quan tâm, giáo dục, sự buông lỏng quản lý của gia đình, hoặc tổ ấm gia đình không bền vững, bố mẹ ly hôn. Có người cho rằng chưa bao giờ hạnh phúc gia đình lại mong manh dễ vỡ như lúc này.

Có vẻ như đời sống xã hội càng đi lên, cuộc sống càng đủ đầy, sung túc, thì giá trị hạnh phúc, tình cảm gia đình càng đi xuống. Mặt trái của công nghiệp hóa, hiện đại hóa giờ đây đã tác động tiêu cực, làm mục ruỗng đến từng "tế bào" của xã hội. Có nhiều trường hợp, chỉ sau một vài tháng kết hôn đã vội vàng đưa nhau ra tòa ly hôn. Họ coi đó như là con đường duy nhất để "thoát thân". Dĩ nhiên, cũng có những trường hợp không thể cứu vãn vì nhiều nguyên nhân, trong đó do mâu thuẫn gia đình, bị bạo hành, ngược đãi, do sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội...

Để kiềm chế sự gia tăng của các loại tội phạm, theo ông Nguyễn Tiến Hùng, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh, bên cạnh, việc tăng cường phát hiện, đấu tranh và xử lý nghiêm minh trước pháp luật đối với các loại tội phạm, thì toàn xã hội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân. Một trong những yếu tố quan trọng nữa tác động đến hành vi của mỗi con người nữa là sự giáo dục, răng đe và quản lý của gia đình, qua đó sẽ góp phần hạn chế được các hành vi phạm tội có thể xảy ra.

Dương Công Hợp